e magazine
15/09/2023 12:16
Người thầy giáo giữ lửa làng rèn 400 năm tuổi

15/09/2023 12:16

Ông vừa là thầy giáo dạy học, vừa là thợ rèn, nghệ nhân giữ ngọn lửa làng rèn truyền thống cầu Vực tại phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế để nghề rèn 400 năm tuổi được duy trì, phát triển.
Người thầy giáo giữ lửa làng rèn 400 năm tuổi

Người thầy giáo giữ lửa làng rèn 400 năm tuổiMột buổi chiều muộn trung tuần tháng 9/2023, trong ngôi nhà nhỏ kiêm cơ sở Nghề rèn – gò – hàn Trường Tiến đóng tại số 24/8 đường Châu Sơn, tổ 4, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, có một vị Việt Kiều Mỹ lớn tuổi ghé thăm. Ông tên là Võ Tùng, là vị khách đặc biệt của cơ sở rèn Trường Tiến do thầy giáo dạy tiểu học Huỳnh Thế Tiến, 55 tuổi làm chủ.

Ông Tùng và vợ chồng ông Tiến có một mối lương duyên “trời định” trong 7 năm qua mà cầu nối của mối lương duyên ấy, khởi phát từ việc ông Tùng đi nửa vòng trái đất để trở về quê hương Việt Nam tìm một dụng cụ nghề rèn truyền thống để phục vụ cho việc khai thác nhựa thông.

Người thầy giáo giữ lửa làng rèn 400 năm tuổi

Ông Võ Tùng, việt kiều Mỹ (ảnh trái), đối tác đặt hàng sản xuất loại hàng loạt dao khai thác nhựa thông ở Mỹ đối với nghệ nhân Huỳnh Thế Tiến.

Ông Tùng là một doanh nhân, một trí thức, cùng người em của mình có một cơ sở lớn khai thác nhựa thông ở Mỹ. Doanh nghiệp của họ mỗi khi vào mùa khai thác nhựa (mủ) thông có đến cả trên dưới 2.000 công nhân. Số lượng công nhân đông, cần rất nhiều dao – dụng cụ để khai thác, nhưng những loại dao, dụng cụ mà các cơ sở sản xuất do người người nước ngoài của nước sở tại ở Trung Mỹ lại không thể đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, tiện ích, hiệu quả và nhất là chất lượng yếu, dễ sứt mẻ, sử dụng không bền. 7 năm trước, ông Tùng quyết định trở về quê hương Việt Nam, rong ruổi đến nhiều làng nghề ở nhiều tỉnh, thành phố, các xưởng cơ khí, làng rèn để tìm đặt hàng nhưng qua nhiều nơi vẫn không có nơi nào đáp ứng được những gì như ông mong mỏi.

Trong nỗi thất vọng ấy, tình cờ ông Tùng hay tin ở cố đô Huế có làng nghề rèn truyền thống Cầu Vực, trong đó có cơ sở nghề rèn Trường Tiến khá uy tín. Ông đánh bạo tìm đến địa chỉ này và đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về kiến thức, sự tâm huyết của một người thầy giáo kiêm thợ rèn chuyên nghiệp Huỳnh Thế Tiến. Trong cuộc gặp lần đầu ấy, hai bên đã phác thảo và trao đổi, thảo luận về “hình hài” một sản phẩm dao cạo mủ thông trong tương lai.

“Nghe thì có vẻ giản đơn nhưng chúng tôi đã thử nghiệm dao của người Trung Quốc, hay một số nước khác rồi nhưng không đáp đứng được, vì thông lấy nhựa ở Mỹ là cây thông vàng, vỏ rất cứng, nhiều loại dao đưa vào cạo một lúc là sứt mẻ, hư không sử dụng được. Loại thông bên Mỹ nó không mềm như loài thông mã vĩ (đuôi ngựa) ở Việt Nam. Vì vậy, chỉ có loại dao đặc biệt mới có thể đáp ứng nhu cầu của chúng tôi”, ông Tùng tâm sự.

Người thầy giáo giữ lửa làng rèn 400 năm tuổi

Nghệ nhân Huỳnh Thế Tiến luôn mong mỏi bảo tồn, phát triển nghề rèn Cầu Vực.

Sau cuộc gặp ấy ông Tùng về Mỹ, chờ cuộc thử nghiệm của ông Tiến thực hiện sản phẩm theo đơn đặt hàng. Từ Thủy Châu, từ Cầu Vực, ông Tiến bắt đầu chinh phục một loại sản phẩm dao cạo nhựa thông đầy thách thức. Sau giờ lên lớp, khi trở về nhà ông Tiến chia thời gian ra vừa chuẩn bị nội dung bài giảng cho học sinh vừa bắt tay vào làm thợ rèn và nghiên cứu dòng sản phẩm mới. Thoạt đầu, ông Tiến sản xuất loại dao theo mẫu sẵn có từng được phía đối tác sử dụng ở Mỹ nhưng chất lượng kém khiến họ không hài lòng. Thế nhưng mẫu này to, không phù hợp. Ông Tiến phải suy nghĩ thiết kế ra loại mẫu dao nhỏ nhưng “ngọt” và bén, bền bỉ.

Để sản xuất được loại dao cạo nhựa thông theo yêu cầu của đối tác, vừa số lượng lớn, vừa đảm bảo chất lượng, ông Tiến đã mượn tiền, vay vốn để mua máy, trang cấp thiết bị chuyên nghiệp hơn. Ông Tiến sản xuất được những chiếc dao cạo nhựa thông đầu tiên ra đời liền được vợ là chị Dương Thị Kim Anh cùng người con trai “xung phong” mang đi thử nghiệm. “Hai mẹ con mình bất kể trời mưa hay nắng, tìm lên tận những khu vực rừng thông già, ở đồi Thiên An, phía Tây TP.Huế, chọn những cây thông vỏ cứng nhất để thử nghiệm. Vỏ thông dày, cứng nên mình gắn để cạo mà bong cả bàn tay. Ấy thế mà vẫn không đạt.”, chị Kim Anh kể.

Người thầy giáo giữ lửa làng rèn 400 năm tuổi
Nghệ nhân Huỳnh Thế Tiến sau giờ dạy học, soạn bài là miệt mài với công việc người thợ rèn.

Thất bại, vợ về bảo với chồng những trở ngại, hạn chế của chiếc dao. Ông Tiến lại chong đèn, thổi lửa nghiên cứu, cải tiến. Trải qua một mùa mưa dầm cách đây 7 năm với nhiều lần đi vào rừng tái thử nghiệm, cuối cùng vợ chồng ông Tiến cũng đã thành công.

Gần 1 năm sau cuộc gặp cách đây 7 năm, ông Tùng nhận được lô hàng 1.000 con dao làm dụng cụ khai thác nhựa thông do cơ sở Trường Tiến gửi sang Mỹ. Ngay sau khi đưa vào sử dụng, khai thác nhựa thông, dù đáp ứng chưa tới 100% các tiêu chí “đặt hàng”, ông Tùng đã rất lấy làm thán phục.

Ông Tùng gọi điện về trò chuyện với thầy giáo Huỳnh Thế Tiến với những lời tán thưởng, cùng những góp ý điều chỉnh, cải tiến kỹ thuật để những lưỡi dao cạo nhựa thông hoàn thiện. Rồi lô hàng thứ hai cũng được cơ sở rèn Trường Tiến gửi sang ông Tùng, đáp ứng hầu hết những tiêu chí, yêu cầu của bên đặt hàng và ông Tùng không ngớt lời khen ngợi.

Người thầy giáo giữ lửa làng rèn 400 năm tuổi

Một lưỡi dao trong bộ dao cạo nhựa thông đi vào lịch sử nghề rèn cầu Vực khi hiện diện và được sử dụng hữu hiệu trong công nghiệp khai thác nhựa thông ở Mỹ.

Kể từ đấy, cơ sở rèn – gò – hàn Trường Tiến thành đối tác tin cậy của anh em ông Tùng. Mỗi năm họ nhận từ cơ sở rèn Trường Tiến cung ứng khoảng 2.000 – 3.000 lưỡi dao, bộ dụng cụ khai thác nhựa thông. Từ đó, sản phẩm nghề rèn truyền thống Cầu Vực đánh dấu một kỳ tích, bước ngoặt lịch sử khi lần đầu tiên có mặt, được đón nhận và hàng ngàn công nhân sử dụng trên xứ Cờ Hoa.

Người thầy giáo giữ lửa làng rèn 400 năm tuổi

Ngoài giờ lên lớp dạy học áo quần chỉnh tề, ông Huỳnh Thế Tiến nom già hơn trong bộ đồ áo quần lao động trong cơ xưởng ở tuổi 55. Sinh ra trong gia đình ba mẹ là những người làm nghề rèn truyền thống, cùng với các anh chị em trong nhà, từ nhỏ ông Tiến đã quen với những vất vả của nghề rèn và cũng chính những tiếng quai búa, quen với sức nóng như rang từ các bếp lửa lò rèn đã nuôi lớn tâm hồn người thợ này để rồi ông không thể từ bỏ nghề của ông cha, dẫu cho những lúc gian nan nhất.

Từ tuổi lên 10, ông Tiến đã cùng phụ cha mẹ làm nghề rèn và được trao truyền nghề truyền thống. Ngoài buổi tới trường, buổi về nhà cùng ba mẹ làm nghề rèn đã giúp “tôi luyện” ý chí vượt khó trong ông Tiến từ nhỏ.

Người thầy giáo giữ lửa làng rèn 400 năm tuổiTốt nghiệp trung học phổ thông, ông Tiến nhập ngũ rồi hoàn thành nghĩa vụ quân sự 3 năm sau đó. Sau thời gian “lang bạt” đó đây, làm một số việc để kiếm sống, ông Tiến trở về quê, nộp hồ sơ vào học ngành cao đẳng sư phạm âm nhạc. Tốt nghiệp cao đẳng, ông Tiến ứng tuyển vào làm giáo viên ở Trường Tiểu học Thủy Lương (thị xã Hương Thủy) và làm công việc của một nghề giáo trong hơn 25 năm qua. Đấy là cái nghề mà ông Tiến phải “phân thân” để giữ lửa cho tâm hồn, vừa đảm bảo cuộc mưu sinh của gia đình vợ chồng con cái.

“Mình yêu nghề giáo lắm vì ngày ngày lên lớp được gặp các em học sinh, gặp đồng nghiệp. Bao niềm vui trên bục giảng làm mình trẻ lại. Nhưng nghề rèn nó cũng đã nuôi lớn tâm hồn mình nên nghề nào mình cũng cần giữ lửa.”, ông Tiến nói, tiếng xen lẫn những âm thanh quai búa, máy cắt máy dập trong cơ xưởng rèn Trường Tiến. Tôi buộc hỏi vì sao ông lại lấy cái tên Trường Tiến là thương hiệu của cơ sở sản xuất của mình. Ông Tiến quay ngược ký ức trở về câu chuyện giữ lửa nghề rèn hàng chục năm trước.

Người thầy giáo giữ lửa làng rèn 400 năm tuổiĐể hiện đại hóa, đuổi kịp nhu cầu thị trường, nghệ nhân Tiến đầu tư, trang cấp một số máy, thiết bị hiện đại.

Nghề rèn Cầu Vực vốn có nguồn gốc từ nghề rèn truyền thống nổi tiếng ở làng Hiền Lương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự địa chí Hương Thủy còn ghi: “Nghề rèn ở Hương Thủy được hình thành do một nhóm người từ làng Hiền Lương (Phong Hiền - Phong Điền) di cư đến, tính đến nay đã qua khoảng 400 năm. Dọc theo Quốc lộ 1A đều có lò rèn, nhưng tập trung đông nhất vùng ven cầu Vực (Thủy Châu) và được xem là trung tâm của nghề rèn ở Hương Thủy. Sản phẩm rèn Cầu Vực là các công cụ cầm tay phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, sinh hoạt, như: cuốc, xẻng, dao, rựa, kéo, bào, lề, răng bừa, liềm... và đã có mặt tại các thị trường lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Tây Nguyên”.

Vào những năm 1979, 1980, làng rèn Cầu Vực từng thành lập tập đoàn, rồi hợp tác xã nghề rèn với chừng 50 hộ đỏ lửa, không khí làng rèn khá sôi động. Nhưng cuối thập niên 1980, cùng với sự thoái trào, hợp tác xã giải thể, cả làng chuyển qua hoạt động theo kiểu cầm cự, nhiều người bỏ nghề. Trong làng còn số ít người làm nghề, trong đó có ba mẹ ông Tiến. “Dù khó khăn, cầm chừng nhưng ba mẹ mình không từ bỏ. Thậm chí khi ba mình bị đau mắt và bị mù trong suốt 11 năm, mẹ mình chuyển sang làm thợ chính, ba chuyển qua làm phụ.”, ông Tiến kể giọng đượm buồn.

Để giữ lửa nghề rèn, ngay từ ngày đầu đi dạy học, ông Tiến vẫn một buổi đi dạy, buổi về đỏ lửa lò rèn, quai búa để sản xuất các sản phẩm nông cụ như lưỡi liềm, câu liêm, bàn cuốc, rựa, dao… Kể đến đoạn này, chị Kim Anh, vợ ông Tiến mắt chợt đỏ hoe: “Anh ấy tội lắm. Sau giờ lên lớp, chiều về khoảng 5 - 6 giờ là bắt đầu rèn liềm gặt lúa. Anh làm đến đêm muộn mới xong. Sáng dậy thì bỏ những chiếc liềm làm được trước đó vào cặp táp để sau giờ dạy tranh thủ buổi trưa đạp xe đạp vào làng đi bán. Thời ấy nông dân cũng rất cần liềm nên nhiều người mua, có người thương nhận hàng bán giúp. Do vậy cũng có đồng ra đồng vào cùng với tiền lương giáo viên để nuôi con ăn học và tiếp tục giữ lửa cho nghề rèn”.

Người thầy giáo giữ lửa làng rèn 400 năm tuổi

Chị Dương Thị Kim Anh, vợ ông Tiến bận rộn với những đơn hàng đặt mua bộ dao làm từ thép không gỉ của chồng.

Đam mê và muốn thổi bùng trở lại các lò rèn của xóm làng, năm 2008 ông Tiến bắt tay viết đề án khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề rèn Cầu Vực, trong đó bày tỏ mong mỏi các cấp chính quyền, sở ngành liên quan tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, “giữ chân” con em của làng nghề, trẻ hóa nhân lực.

Ngoài giờ lên lớp, soạn bài, ông Tiến chưa bao giờ từ bỏ ý định khôi phục và phát triển nghề rèn. Ngặt nỗi sản phẩm thủ công nghề rèn làm ra không đủ sức cạnh tranh với các loại hàng hóa công nghiệp. Càng làm càng lỗ. Vợ chồng ông Tiến phải bán đi mảnh đất duy nhất mình có được để trả nợ. “Bầm dập” với nghề rèn nhưng không nản chí, ông Tiến vẫn tiếp tục trang cấp thiết bị, tranh thủ nguồn vốn khuyến công của tỉnh để vay mượn, đầu tư tái thiết cơ xưởng nhằm duy trì hoạt động. Thấy vậy như được khích lệ, một số hộ trong vùng Cầu Vưc thắp lại lửa nghề rèn, đỏ lửa, búa quai sản xuất. Dù sản phẩm chưa được đa dạng và còn nhiều thách thức, nhưng nghề rèn truyền thống Cầu Vưc như được hồi sinh.

Từ chỉ vài hộ sản xuất cầm chừng, con cháu tha hương bỏ nghề, chừng 10 năm trước, cả cầu Vực có hơn 20 hộ đỏ lửa, trở lại nghề rèn. Năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận Nghề rèn Cầu Vưc là Nghề rèn truyền thống. Đến năm 2016, thầy giáo Huỳnh Thế Tiến được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nghề rèn”, một danh hiệu mà trước ông Tiến chỉ có một hoặc hai vị tiền bối lớn tuổi làm nghề rèn được phong tặng, riêng đối với người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mà được phong “nghệ nhân nghề rèn” như vị thầy giáo này thì chưa có tiền lệ. “Anh Tiến làm nhiều việc mà bà con có người nói anh ấy bị điên mới làm thế. Nhưng mình thì ủng hộ. Mình hiểu anh ấy, cũng may về sau thì cuộc sống gia đình đỡ khổ, đỡ vất vả hơn”, chị Kim Anh, vợ anh, kể thêm.

Người thầy giáo giữ lửa làng rèn 400 năm tuổi

Cái tên “Trường Tiến” được chủ nhân của nó chọn làm thương hiệu cho một cơ sở sản xuất nghề thủ công có khá nhiều sóng gió không chỉ với nghề rèn gia đình, với tên chủ nhân cơ sở mà niềm mong mỏi ấy còn gửi gắm như ước vọng thịnh vượng cho làng nghề Cầu Vưc 400 năm tuổi. Vì khát vọng, ước muốn ấy nên ông Tiến luôn cầu thị, luôn nghĩ suy về hướng đi, mày mò làm ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đa dạng phù hợp với nhu cầu thị trường. Nghề rèn Cầu Vưc mà tiêu biểu là cơ sở rèn gò hàn Trường Tiến vừa có sản phẩm truyền thống vừa có sản phẩm hiện đại, đảm bảo cạnh tranh và giữ vững thế mạnh của mình trong “cơn lốc” các sản phẩm “mì ăn liền” sản xuất công nghiệp.

Nhiều dòng sản phẩm của cơ sở Trường Tiến được bầu chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, thị xã. Nhiều sản phẩm mang đi tham dự các cuộc hội chợ, cuộc triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn, Festival nghề truyền thống được khách hàng quan tâm, lựa chọn. Đặc biệt trong chuỗi sản phẩm ấy, có một dòng sản phẩm được sở, ngành cấp tỉnh và UBND thị xã Hương Thủy đánh giá rất cao là bộ dao làm từ thép không gỉ, vốn được quý bà quý cô nội trợ gọi vui là “dao siêu sạch” Trường Tiến. Chính bộ dao này hiện đang là sản phẩm bán chạy nhất của cơ sở Trường Tiến vì giá thành bình dân, vừa “siêu bén, siêu ngọt” và rất bền, giá lại cạnh tranh được với giá thành một số sản phẩm dao sản của công nghiệp từ nước ngoài.

Nghe chồng kể chuyện, chị Kim Anh góp vui: “Thật ra anh Tiến làm bộ dao này cũng trải qua nhiều vất vả. Thoạt đầu chỉ làm được cái phần bên trên là thép trắng, phần lưỡi bên dưới vẫn là thép đen nên khi đưa ra thị trường họ vẫn chê. Thấy vậy anh Tiến mới mày mò mất nhiều năm cuối cùng tìm ra được giải pháp, làm được bộ dao thép trắng hoàn toàn, sắc bén, bền, lại không bị gỉ sét”.

Trong lần trở lại Việt Nam, tìm về cơ sở rèn gò hàn Trường Tiến cách đây ít hôm, ngoài việc thăm hỏi động viên vợ chồng thợ thầy của cơ xưởng ông Tiến, vị việt kiều Mỹ Võ Tùng - đối tác đặt hàng dao khai thác nhựa thông ở Mỹ - cũng mua cho mình bộ dao làm từ thép không gỉ của ông Tiến. Trả lời câu hỏi của tôi vì sao lại đi nửa vòng trái đất để lựa chọn sản phẩm của ông Tiến, ông Tùng nói vì ông Tiến là “người thợ rèn đặc biệt”, làm ra những “sản phẩm đặc biệt”, mang độ tinh tế, điêu luyện của một nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam.

“Trình độ của anh Tiến không phải trình độ của một người thợ rèn bình thường nữa, mà đạt đến trình độ kỹ thuật rất là cao, kể cả trui (tôi luyện) những cái bằng thép, những kỹ thuật rất là cao giữa sắt thép với inox để cho ra những sản phẩm rất tốt, hoàn hảo. Tôi nghĩ anh Tiến không chỉ là giữ lửa nữa mà tôi nghĩ là anh còn giữ mãi mãi. Tại vì cái quê hương của mình là Việt Nam thì không thể nào rời khỏi cái nền nông nghiệp mà anh Tiến người rất là chuyên nghiệp. Anh biết được cái dụng và cái dùng của sản phẩm cho nền nông nghiệp ấy”, ông Tùng chia sẻ.

Người thầy giáo giữ lửa làng rèn 400 năm tuổi

Trong cơ xưởng sản của ông Tiến, có một “bửu bối” mà ông Tiến hết sức tự hào và quý trọng. Đó là người học trò, môn đệ trẻ gắn bó với ông gần 10 năm qua. Người thợ ấy tên là Nguyễn Lợi, là con của một người thợ rèn cũng lão luyện trong nghề rèn Cầu Vực, được gửi gắm theo ông Tiến học, hành nghề. Một trong những đức tính phẩm chất của một người thợ, người thầy mà Lợi quý trọng để theo ông Tiến là sự kiên trì, sáng tạo và miệt mài làm việc của ông Tiến. Nói đến điều này, ông Tiến thổ lộ: “Chỉ có lao động mới mang lại sáng tạo. Có làm, có thất bại, rồi kiên trì cải tiến, sửa sai khắc phục mới có được những sản phẩm ưng ý. Bao năm qua mình luôn giữ vững lập trường này để theo nghề, sống được với nghề.”, ông Tiến nói.

Nguyễn Lợi là người thợ trẻ hiếm hoi của làng rèn Cầu Vực còn ở lại với làng nghề. Phần lớn con em ở tổ 4, phường Thủy Châu, nơi hình thành làng rèn Cầu Vực đã chuyển sang công nhân ở một số lĩnh vực khác, làm công nhân trong một số khu công nghiệp, hay nghề bông sắt, cơ khí, hay làm ăn xa xứ. Cách nay khoảng 10 năm nghề rèn Cầu Vưc có 20 hộ trở lại với nghề, thì nay con số này đã giảm còn chừng 12 - 13 hộ.

Người thầy giáo giữ lửa làng rèn 400 năm tuổi

Bà con nghề rèn Cầu Vực ước nguyện có mặt bằng rộng rãi để sản xuất và giữ chân, thu hút được lực lượng trẻ trở lại giữ lửa làng nghề truyền thống.

Phóng sự của ĐÌNH TOÀN - TRƯỜNG SƠN

Ảnh: TRƯỜNG SƠN

VIDEO: TRƯỜNG SƠN - TRẦN YẾN - TUYẾT HẰNG

Đồ họa: AN NHIÊN

Xem phiên bản di động