Từ đầu tháng 1/2022 đến nay, anh Huỳnh Văn Đức đã làm hơn 5 bộ hồ sơ xin việc nhưng vẫn phân vân không biết nên nộp đơn tại công ty nào. Anh nhờ tư vấn của cộng đồng mạng thì lại càng hoang mang vì mỗi người mỗi ý, doanh nghiệp nào cũng lắm thị phi.

Nhiều thông tin trái chiều

Chỉ với dòng trạng thái: “Làm việc ở công ty M. ổn không mọi người?” trên hội nhóm việc làm cho công nhân tại Đà Nẵng, anh Huỳnh Văn Đức (32 tuổi, Hòa Vang, Đà Nẵng) đã nhận được nhiều phản hồi từ cộng đồng mạng.

Những câu chuyện về cách đối xử của công ty, chế độ lương, thưởng hay thậm chí là về lãnh đạo doanh nghiệp đều được nhiều người chia sẻ. Đáng nói, nhiều người còn bày tỏ những ý kiến đánh giá doanh nghiệp thông qua những cảm nhận của cá nhân.

Khó khăn trong chọn lọc thông tin xin việc

“Bữa (ngày - PV) tôi cũng đi nộp hồ sơ chỗ này, nhìn bảo vệ khó chịu lắm, thôi đừng nộp ông ơi” hay “Chỗ này cho ăn uống chán lắm, chị tôi đi làm 3 bữa thì nghỉ”, những ý kiến này đã khiến anh Đức gặp không ít khó khăn trong việc gửi hồ sơ.

Gần 2 năm qua, anh Đức mất việc do dịch Covid-19. Để có tiền trang trải cuộc sống, anh xin làm việc ở công trình và phụ việc buôn bán cho vợ. Thời điểm này, khi các hoạt động sản xuất đã phần nào được khôi phục, anh Đức quyết định nộp đơn để tìm kiếm công việc ổn định, gắn bó lâu dài.

“Tôi mong muốn tìm được công việc ổn định nhưng thời gian nghỉ quá lâu nên không còn nắm rõ thông tin. Những tư vấn của mọi người khiến tôi rất hoang mang, chỗ nào cũng thấy thị phi”, anh Đức bày tỏ.

Cũng theo anh Đức, từng có lúc anh nghĩ sẽ nộp hồ sơ ở nhiều nơi, không cần quan tâm tìm hiểu về công ty đó, nếu trúng việc sẽ đi làm. Tuy nhiên, vì mong muốn ổn định công việc để chăm sóc gia đình nên anh Đức mới cân nhắc kỹ.

Khó khăn trong chọn lọc thông tin xin việc

Trước thông tin góp ý trên mạng xã hội, nhiều người lao động hoang mang không biết nên nộp hồ sơ vào doanh nghiệp nào. Ảnh minh hoạ: XH

“Tôi không còn trẻ và phải lo chi phí cho gia đình nên không thể nộp hồ sơ, đi làm vài ngày thấy không hợp rồi nghỉ được. Hơn nữa, việc làm hồ sơ xin việc bây giờ cũng không rẻ. Thế nên, tôi vẫn chưa tìm được công việc cho mình”, anh Đức nói.

Việc tìm hiểu thông tin các doanh nghiệp để nộp hồ sơ là rất cần thiết. Song, nhiều người lao động lựa chọn nhận tư vấn từ cộng đồng mạng như anh Đức sẽ gặp không ít khó khăn.

Cần tìm kênh chính thống

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Công ty Du lịch dịch vụ COOP cho rằng, những thông tin về môi trường làm việc của doanh nghiệp được chia sẻ, bàn tán trên mạng xã hội nhưng chưa rõ đúng/sai đã gây không ít khó khăn cho công tác tuyển dụng.

“Công ty tôi có nhu cầu tuyển dụng để chuẩn bị cho việc phục hồi du lịch, nhất là đón du khách trong kỳ nghỉ sắp tới. Tuy nhiên, việc tuyển dụng gặp không ít khó khăn. Đôi khi tôi phỏng vấn, có người lao động vô tư hỏi “Em nghe mọi người nói công ty mình yêu cầu không được kết hôn trong 2 năm đầu?”, hay “Nghe nói công ty có chính sách này phải không?”,… khiến tôi rất bất ngờ, bởi doanh nghiệp hoàn toàn không có những thông tin đó. Vì vậy, tôi khuyên là khi người lao động muốn tìm hiểu bất cứ thông tin gì nên tìm hiểu tại chính các trang web của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đăng tải thông tin tuyển dụng với các quyền lợi rõ ràng dành cho người lao động”, ông Sơn cho biết.

Theo ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, hiện nay có rất nhiều kênh thông tin để người lao động tìm kiếm công việc phù hợp với năng lực bản thân. Tuy nhiên, để người lao động phân biệt được thông tin đáng tin cậy là vô cùng khó khăn.

Khó khăn trong chọn lọc thông tin xin việc

Nhiều phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng. Ảnh: XH

“Hiện nay có không ít trang, hội nhóm chia sẻ các thông tin tuyển dụng mà người lao động chỉ cần ở nhà, lướt tìm là có thể được. Cũng từ việc dễ dàng đó, nhiều thông tin tuyển dụng lừa đảo, nộp phí khi phỏng vấn, đầu tư,… khiến người lao động bị thiệt hại”, ông Diệp chia sẻ.

Cũng theo ông Diệp, thực tế phiên giao dịch việc làm đầu tiên sau Tết Nguyên đán do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức có 81 doanh nghiệp đăng ký, tuyển hơn 6.300 vị trí việc làm. Trong đó, nhu cầu tìm lao động chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp may mặc. Tuy nhiên, số lượng người lao động đến tham gia vẫn còn khá ít, lượt khớp việc chỉ có hơn 100 vị trí.

Bên cạnh đó, việc người lao động tìm thông tin về doanh nghiệp thông qua những bình luận trái chiều của cư dân mạng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết đinh của bản thân.

“Những lao động trẻ hiện nay muốn chủ động tìm kiếm thông tin doanh nghiệp. Điều đó là rất tốt nhưng cần phải lựa chọn kênh thông tin chính thống. Không thể nghe người này nói, người kia nói để quyết định công việc của bản thân mà hoàn toàn có thể vào trang web của doanh nghiệp để tìm hiểu hay thông qua báo chí, hoặc tại những sàn giao dịch việc làm uy tín do sở, các đơn vị tổ chức”, ông Diệp nói.

Bài viết, ảnh: XUÂN HẬU