e magazine
18/08/2022 07:47
Người lao động đừng chỉ làm việc: Hãy làm nghề

18/08/2022 07:47

Lao động có tay nghề gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm vẫn ở mức cao. Theo nghiên cứu, tại Việt Nam, khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp ở lĩnh vực kỹ thuật tiếp tục gặp khó trong tuyển dụng.
lao động đừng chỉ làm việc: Hãy làm nghề

Người lao động phải làm việc với tinh thần làm nghề. Không phải làm việc vì được trả lương - Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Thanh Lâm, CEO của Công ty LAMVITA.

Lao động có tay nghề gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm vẫn ở mức cao. Theo nghiên cứu, tại Việt Nam, khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp ở lĩnh vực kỹ thuật tiếp tục gặp khó trong tuyển dụng và làm việc.

Làm sao để người lao động có tay nghề không gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm và làm nghề? Cuộc trao đổi với anh Nguyễn Thanh Lâm, CEO Công ty TNHH SẢN XUẤT THIẾT BỊ CÀ PHÊ LÀM VÌ TA (LAMVITA) do Tạp chí Lao động và Công đoàn thực hiện cung cấp thêm góc nhìn từ nhà tuyển dụng, góp phần nhận diện một trong những nguyên nhân của nghịch lý này.

Trung thực tạo ra sự tin tưởng

- Phóng viên: Xin chào anh. Theo anh đức tính quan trọng nhất mà một nhân viên cần phải có là gì?

Anh Nguyễn Thanh Lâm, CEO của Công ty LAMVITA: Trung thực.

- Nếu phải chọn giữa một nhân viên làm được việc như mong muốn và một nhân viên trung thực anh sẽ chọn người nào?

Cả hai là tốt nhất, nhưng nếu phải chọn thì mình giữ người trung thực.

- Anh đã từng phải lựa chọn giữa hai phẩm chất ấy chưa ạ?

Mình có một cậu nhân viên giám sát ở dưới xưởng. Cậu ấy làm với mình hơn 10 năm rồi. Mình đã đào tạo cậu ấy với kỳ vọng khá lớn. Cũng đã đưa cậu ấy đi nước ngoài, chỉ bảo để có thể thay mình quản lý, giám sát, xử lý tất cả các vấn đề ở công ty. Nhưng hiện giờ thì vị trí đó vẫn trống. Và cậu ấy vẫn đang làm với mình.

lao động đừng chỉ làm việc: Hãy làm nghề

Anh Nguyễn Thanh Lâm, CEO của Công ty LAMVITA chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ.

- Thật ra tìm một người nhân viên làm việc với năng lực và quyết tâm bằng người chủ công ty là rất khó? Vì họ không có trải nghiệm của một người làm chủ. Họ không có trải nghiệm về việc phải tự trả những khoản “phí” rất đắt đỏ cho đầu tư, kinh nghiệm làm chủ, và cả khao khát làm chủ.

Đúng là không thể đòi hỏi một người chỉ có mong muốn làm việc để nhận lương nhưng làm việc với tinh thần của người làm chủ. Nhưng công ty cũng đã có chính sách chia cổ phần cho nhân viên. Mình làm vậy để nhân viên biết đến cảm giác đang làm vì bản thân, vì mục tiêu tài chính, vì tương lai của chính họ. Nhưng đúng là như vậy. Nếu có năng lực và tinh thần của người làm chủ thì họ đã ra làm riêng, đã mở công ty rồi.

- Vậy anh giải quyết vấn đề này như thế nào?

Mình nghĩ đó là giới hạn của mỗi người. Trong hợp tác thì cần hiểu và chấp nhận giới hạn của đối tác. Và mình, người sử dụng lao động sẽ quyết định giới hạn nào của nhân viên thì chấp nhận được. Ở mức không làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và kinh doanh của công ty. Như trường hợp của cậu nhân viên lâu năm. Dù chưa đáp ứng được mong muốn là làm phó cho mình nhưng đổi lại có thể giao toàn bộ xưởng cho cậu ấy mà không cần phải lo lắng về những vấn đề như thất thoát hay mất mát. Quay lại phẩm chất mà mình nói lúc đầu. Đó là sự trung thực. Trung thực tạo ra sự tin tưởng. Mà tin tưởng là yếu tố quan trọng quyết định sự lâu bền của một mối quan hệ, bất kể đó là mối quan hệ nào.

thái độ quan trọng hơn trình độ

- Điểm yếu nào ở nhân viên khiến anh thấy tiếc cho họ nhất?

Không có thái độ tốt trong làm việc. Có thể hiểu là thiếu sự tích cực. Nghĩ đến lợi ích của bản thân nhiều thay vì nghĩ xem có thể làm gì để công ty cần mình, không thể không có mình. Đặc biệt nếu các bạn ấy được học hành bài bản, thậm chí tốt nghiệp từ những trường đại học hàng đầu. Có lần công ty nhận được hồ sơ của một bạn tốt nghiệp lớp Đào tạo Cử nhân Tài năng của Trường Đại học Bách Khoa. Đọc hồ sơ cả đêm mình bồn chồn, chỉ mong nhanh đến sáng để gặp phỏng vấn. Tuy vậy sau khi trao đổi, càng trao đổi thì mình càng nhận ra sự không phù hợp của bạn ấy.

Trong buổi chuyện trò bạn có chia sẻ về việc công ty cũ đã cử bạn đi học nhưng khi bạn học xong lại không giao việc. Bạn ấy cho rằng mình giỏi, mình đủ tốt, chỉ có người khác không đánh giá đúng và trọng dụng bạn ấy. Có một việc rất hiển nhiên là công ty chi trả cho bạn ấy đi học, khi về lại không dùng bạn ấy được, không những bạn ấy không nhìn ra được điều giá trị nhất là công ty đã đánh giá bạn ấy rất tốt, không những không thấy tiếc và buồn vì bản thân chưa đáp ứng được kỳ vọng của nơi đã tin tưởng mình mà bạn ấy lại trách và đổ lỗi cho công ty. Đây chính là vấn đề của bạn ấy. Vấn đề về năng lực đánh giá bản thân và khả năng nhận thức thực tế.

Khi không có năng lực nhận thức thực tế thì thái độ hành vi sẽ trở thành không phù hợp. Và vì thế những người như vậy tự giới thiệu mình là không phù hợp với công ty. Với một người trên ba mươi tuổi nhưng luôn thấy mọi việc không như ý, các công ty không đánh giá đúng năng lực của bạn, lỗi luôn thuộc về các công ty thuê bạn thì thực sự rất đáng tiếc, đặc biệt là với quá trình học hành và bằng cấp như thế.

 lao động đừng chỉ làm việc: Hãy làm nghề

CEO Công ty LAMVITA trao đổi với đối tác trong khuôn khổ triển lãm Café Show 2022.

- Anh có đồng ý với ý kiến cho rằng nhân viên kỹ thuật thường có năng lực cảm xúc khá thấp, thiếu kỹ năng trong giao tiếp dẫn đến khó hợp tác và đạt hiệu quả cao trong công việc?

Anh Nguyễn Thanh Lâm: Không đâu. Đa phần nhân viên kỹ thuật của công ty mình tốt nghiệp từ Trường nghề Cao Thắng, trường cao đẳng như Hutech và Đại học Công nghiệp 4. Cũng có những hồ sơ rất đẹp từ Trường đại học Bách khoa. Không thể nói là các bạn ấy yếu về năng lực giao tiếp. Với yêu cầu công việc của Công ty mình thì trình độ của các bạn ấy lại càng không phải lí do. Nguyên nhân là ở thái độ. Người ta vẫn thường nói, thái độ quan trọng hơn trình độ. Mình thấy điều này đặc biệt đúng với những bạn trẻ vừa ra trường hoặc vừa đi làm ít năm. Ngoài ra, còn một vấn đề khác ở các bạn trẻ. Đó là thiếu sự tập trung và khả năng đánh giá thực tế dẫn đến việc họ thiếu ổn định.

- Nhưng thuộc tính phổ biến của nhóm lao động trẻ, kể cả lao động có trình độ là thiếu kiên nhẫn, nhảy việc, đổi công ty, không có tư tưởng gắn bó với công ty hoặc có nhưng không cao. Là người sử dụng lao động, anh nghĩ như thế nào về việc người trẻ thì luôn xứng đáng có thêm một cơ hội để sửa đổi, hoàn thiện mình?

Ở góc độ là chủ doanh nghiệp thì mình có thể cố gắng làm thế nào để trả lương tốt nhất cho nhân viên. Có thể không tốt như kỳ vọng của các bạn nhưng mình chắc chắn trong ngành này thì nhân viên của mình được trả lương ở mức cao. Thậm chí trong thời điểm dịch Covid diễn ra, mình vẫn duy trì việc trả lương cho các bạn, thậm chí có thời điểm nguồn dự trữ gần cạn. Lí do chính là vì mình tin sau dịch sẽ cần nhân viên. Nhưng bên cạnh đó còn là việc đề cao sự gắn bó. Nhưng đồng thời mình cũng vẫn luôn nói với các bạn, nếu tìm được công ty nào trả hơn, các bạn cứ đi. Vì mình tự tin là mình luôn đặt tiêu chí đó lên hàng đầu trong khi mình làm việc. Và như vậy, yêu cầu của mình đối với nhân viên cũng sẽ cao.

- Cụ thể cao như thế nào ạ?

Các bạn phải làm việc với tinh thần làm nghề. Không phải làm việc vì được trả lương.

“Cẩu thả là tội ác”

- Giữa làm nghề và làm việc để nhận được lương khác nhau như thế nào thưa anh?

Khác nhau ở chỗ làm nghề thì luôn làm việc với sự chú tâm, học hỏi, trau dồi và nỗ lực cho đến khi nào kỹ năng trở thành bậc thầy. Tức là nếu làm việc ở khâu vặn con ốc thì bạn phải tự đặt ra tiêu chí: hiểu rõ những đặc điểm của con ốc ấy hơn bất cứ người nào. Bạn phải mày mò, tìm tòi cho đến khi thao tác trở nên nhanh nhất, chính xác nhất và ít để sai sót nhất có thể. Luôn ý thức xây dựng và giữ tinh thần ấy. Tức là một người thợ lành nghề, một nhân viên tận tâm với công việc. Rất dễ nhận ra những người như thế. Như vậy là làm nghề. Còn làm việc để được trả lương thì lương cao hơn thì bạn đến, lương thấp thì bạn đi. Làm vừa lòng người trả lương là được thay vì làm để hài lòng với tiêu chí của chính mình.

- Phẩm chất này có thể giáo dục được không ạ?

Có thể, nhưng hiệu quả nhất là mỗi người tự tôi luyện. Và thường thì nó được dạy dỗ từ sớm, trong gia đình, trong môi trường học tập. Đến khi đi làm mới bắt đầu học thì sẽ bỏ qua nhiều cơ hội do đó quá trình phát triển nghề nghiệp cũng chậm hơn.

- Phẩm chất nào khiến anh không thể chấp nhận ở nhân viên?

Sự cẩu thả. Trong công việc, mình liên tục nhắc đi nhắc lại với các bạn nhân viên, nhắc nhở, thậm chí là quở trách, rất nhiều lần, đó là phải cẩn thận. Thậm chí mình đã cho in dòng chữ “Cẩu thả là tội ác” lên đồng phục của các bạn để các bạn chú ý. Để các bạn ấn tượng với nó và có thể tiếp thu rồi chuyển nó thành thói quen và hành động trong công việc.

- Nghe anh diễn đạt thì chắc là anh đã phải trả một cái giá khá lớn cho sự cẩu thả của nhân viên?

- Với ngành nghề nào cũng vậy chứ không riêng nghề này. Tuy vậy nghề này có đặc trưng riêng. Cụ thể, chỉ một công đoạn rất nhỏ là vuốt cái dây điện để đấu nối trong máy. Vì lõi của sợi dây gồm nhiều những sợi dây nhỏ. Nếu người kỹ thuật sơ sót không vuốt kỹ, để một sợi nhỏ ở bên ngoài, sợi dây đó có thể gây chập, cháy máy. Rất nguy hiểm. Chưa kể là việc sai sót như thế tạo ra nhiều vấn đề cần giải quyết sau đó. Một cái máy bán ra lời khoảng một triệu. Nhưng máy bán ở khắp nơi, có khi ở Cà Mau, Hà Nội. Khi có sự cố thì cần phải bán thêm mấy chiếc máy khác mới có thể bù lại chi phí để nhân viên đi bảo hành, sửa chữa.

Bên cạnh thiệt hại về vật chất là uy tín của thương hiệu. Nếu cái máy chập, một nhân viên lành nghề sẽ hiểu và xử lý nó rất nhanh. Nhưng khách hàng họ không thể đánh giá sai sót đó ở mức nào. Họ sẽ thất vọng, tức giận, nghi ngờ, mất niềm tin vào sản phẩm, vào công ty. Thiệt hại này không thể tính được.

- Anh đã khắc phục hạn chế này ở nhân viên của Công ty thế nào?

Trước tiên mình hiểu đây là giới hạn. Ở mức chấp nhận được. Đồng thời giảm thiểu nó bằng cách cho các bạn làm đi làm lại thao tác đó hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Tổ chức họp về sự cố kỹ thuật mỗi tuần. Phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp. Đồng thời vẫn liên tục nói với các bạn ấy mỗi ngày. Thậm chí la mắng. Kể cả là việc in slogan lên đồng phục như mình đã chia sẻ.

 lao động đừng chỉ làm việc: Hãy làm nghề

Trao giải cho các Barista xuất sắc tại cuộc thi VNLC 2022.

- Anh đánh giá mức độ thiệt hại mà một nhân viên cẩu thả có thể gây ra ở mức nào?

Định lượng thì không nhưng nó là một dạng thiệt hại tinh thần gây ức chế. Có những lao động thái độ trong giao tiếp rất tốt. Hợp tác, hoà đồng. Tuy vậy, khi làm việc thì thiếu sự chuyên chú. Đến ba lần gặp sự cố vẫn không thể trả lời cho khách hàng về chiếc máy một cách chính xác. Trong khi một cái máy xay hay máy pha cà phê thì không có bao nhiêu chi tiết máy. Khi mình chuyển bạn xuống dưới xưởng thì bạn xin nghỉ phép. Sau ba ngày nghỉ phép thì bạn xin nghỉ. Bên ngoài mình tỏ ra bình thản, nhưng tối về ngủ thì mình nghĩ chứ. Thiếu sót ở đâu, như thế có phải quá nặng với bạn ấy?

- Nếu anh có một ngày đổi vai trở thành một nhà quản lý giáo dục, anh sẽ tập trung đào tạo nhân viên có phẩm chất nào để trở nên ưu việt, hữu dụng cho thị trường? Đặc biệt là với ngành nghề liên quan đến kỹ thuật?

Không được cẩu thả. Trong tất cả mọi mặt của cuộc sống chứ không riêng gì công việc.

- Xin cảm ơn anh về cuộc chuyện trò!

Thống kê năm 2021 của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dù chất lượng lao động tại Việt Nam có cải thiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo (từ sơ cấp) tăng từ 21,6% năm 2017 lên 26,1% năm 2021. Tuy nhiên, chất lượng lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp, người lao động khó tiếp cận với cơ hội việc làm bền vững, trong khi nhiều doanh nghiệp không tuyển được nhân sự phù hợp.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2022 là khoảng 1,1 triệu người. Tỷ lệ thiếu việc làm trong 3 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước là 0,81 điểm phần trăm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ không thể tuyển hoặc gặp khó khăn trong việc tuyển được lao động phù hợp đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Anh Nguyễn Thanh Lâm, CEO Công ty TNHH SẢN XUẤT THIẾT BỊ CÀ PHÊ LÀM VÌ TA (LAMVITA)

Sinh năm 1977, tại Tiền Giang. Năm 2000 sau khi tốt nghiệp ngành Ngoại thương của trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, anh Lâm làm việc cho một tập đoàn về cà phê máy của Pháp.

Năm 2006 nghỉ việc, mở quán cà phê.

2008, bắt đầu thành lập Công ty nhập khẩu và phân phối máy pha cà phê.

2018, thành lập Công ty LAMVITA, trực tiếp sản xuất máy pha cà phê. Hiện LAMVITA có 01 dòng máy xay cà phê và 06 dòng máy pha cà phê để đáp ứng tất cả các nhu cầu về thiết bị pha chế cà phê .

Năm 2021, doanh số của LAMVITA tăng trên 100%, doanh thu xấp xỉ 03 triệu USD.

LAMVITA là đối tác của nhiều quán cà phê nhỏ và các chuỗi cà phê lớn như Trung Nguyên, Phúc Long và Milano.

PHẠM THỦY

Đồ họa: NAM TRÂN

Xem phiên bản di động