e magazine
28/12/2022 15:58
Người khuyết tật mong có cơ hội việc làm nhiều hơn

28/12/2022 15:58

Nhiều người khuyết tật sống trong hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe hạn chế, cuộc sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội đã nỗ lực vươn lên tìm việc làm phù hợp để hòa nhập với tinh thần cố gắng, không để là gánh nặng cho xã hội.
Người khuyết tật mong mỏi cơ hội việc làm nhiều hơn

Người khuyết tật mong CÓ cơ hội việc làm nhiều hơn

Nhiều người khuyết tật sống trong hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe hạn chế, cuộc sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội đã nỗ lực vươn lên tìm việc làm phù hợp để hòa nhập với tinh thần cố gắng, để không là gánh nặng cho xã hội.

Hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo.

Số liệu trên cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Phần lớn người khuyết tật Việt Nam sống ở vùng nông thôn, có cuộc sống rất khó khăn nhưng chủ động vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập để không là gánh nặng cho xã hội.

VƯỢT LÊN SỐ PHẬN

Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Hòa với nghị lực sống phi thường đã vượt lên chính mình để trở thành người có ích cho xã hội, và là tấm gương sáng cho những người khuyết tật tại địa phương.

Người khuyết tật mong mỏi cơ hội việc làm nhiều hơn

"Cô bé hạt tiêu" Nguyễn Thị Hòa chỉ cao 80cm, nặng 12kg. Ảnh: NVCC

Chị Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1980, ngụ tại xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Dù đã ở tuổi 40 nhưng chị chỉ cao 80cm và nặng 12kg do mắc căn bệnh mềm xương bẩm sinh. Căn bệnh quái ác đã khiến chị không thể ngồi và đi lại được. Chị tâm sự: “Mọi hoạt động sinh hoạt của mình đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình và bạn bè”. Chị còn chia sẻ thêm, ngoài căn bệnh mềm xương bẩm sinh, chị còn đang gồng mình chống lại căn bệnh viêm phổi cấp tính. Mỗi lần trái gió trở trời chị thường bị ốm nhiều hơn và đau nhức toàn thân.

Người khuyết tật mong mỏi cơ hội việc làm nhiều hơn

Thân hình nhỏ bé nhưng chị Hòa luôn tràn đầy nghị lực và là nguồn cảm hứng cho nhiều người khuyết tật khác. Ảnh: NVCC

Cứ tưởng rằng cuộc sống của chị Hòa chỉ bó gọn trên chiếc giường nhỏ và trở thành gánh nặng cho gia đình cả đời, nhưng người phụ nữ bé nhỏ với nghị lực sống phi thường đã vượt lên trên tất cả. Chị đã tự mày mò và tìm hiểu cách làm các sản phẩm thủ công. Bàn tay nhỏ bé của chị thoăn thoắt cắt tỉa để làm nên những lẵng hoa để bàn, trùm hoa treo tường. Ngoài ra, chị còn biết làm tranh đính đá, hoa đá, những con vật bằng len, kết kẹo thành những bông hoa, quả dứa. Những sản phẩm của chị đều được mọi người nhiệt tình ủng hộ.

Người khuyết tật mong mỏi cơ hội việc làm nhiều hơn

Những sản phẩm thủ công từ đôi bàn tay không lành lặn nhưng khéo léo của chị Nguyễn Thị Hòa đã mang lại nguồn thu nhập chủ động để nuôi sống bản thân. Ảnh: NVCC

Công việc này không những đem đến cho chị nguồn thu nhập ổn định mà còn là niềm vui giúp chị quên đi hoàn cảnh và sống lạc quan hơn. “Mình mong rằng mọi người sẽ cố gắng vươn lên trong cuộc sống, luôn luôn vui vẻ vì được sinh ra trên cuộc đời này. Chúng ta không nên mặc cảm vì mình là người khuyết tật mà hãy cố gắng học tập và lao động để trở thành những người có ích cho gia đình, cho xã hội và cho chính bản bản thân mình”, chị Hòa chia sẻ.

Tự tìm việc làm phù hợp

Sau một vụ tai nạn giao thông vào năm 2020, chị Nguyễn Thị Lan Anh (xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) trở thành người khuyết tật với một tay bị liệt, tay còn lại cũng chỉ còn 2 ngón có thể cử động được. May mắn đôi chân của chị vẫn đi lại bình thường. Khó khăn chồng chất khó khăn, chị gần như không còn khả năng lao động ở đôi bàn tay. Tương lai để có công việc ổn định lo cho con cái đã đóng cánh cửa lại với chị.

Không giống như những người mẹ bình thường khác, công việc chăm sóc con cái, kinh tế gia đình giờ chị phải phụ thuộc vào ông bà ngoại đã có tuổi và anh chị em, họ hàng. Cuộc sống lo toan, cơm áo gạo tiền với một người khuyết tật, đơn thân như chị để nuôi sống bản thân, chữa bệnh và nuôi hai con đến khi trưởng thành đang là một bài toán vô cùng khó khăn khi mà sức khỏe của ông bà đã không còn nhanh nhẹn, bản thân chị cũng thường xuyên phải đi viện vì những cơn đau hành hạ sau tai nạn.

Người khuyết tật mong mỏi cơ hội việc làm nhiều hơn

Tai nạn đã khiến chị Lan Anh trở thành người khuyết tật, gác lại mọi ước mơ. Ảnh: M.A

Thu nhập hằng tháng hiện tại của chị một phần đến từ khoản hỗ trợ cho người khuyết tật của địa phương, phần còn lại cũng do những người quen giúp đỡ vì đồng cảm cho hoàn cảnh của ba mẹ con chị. “Con lớn học lớp 2, cháu nhỏ hiện tại hơn 2 tuổi, sức khỏe của chị không đảm bảo được để lo kinh tế cho các cháu ăn học, cũng chẳng biết nhờ cậy sự hỗ trợ của mọi người được đến khi nào”, chị Lan Anh nghẹn ngào.

Hiện tại, chị khó có thể tìm được công việc hành chính theo đúng chuyên ngành bởi không một công ty nào có thể nhận nhưng may mắn nghị lực và ý chí vượt khó luôn hiện hữu ở những người “không hoàn hảo” và có hoàn cảnh đặc biệt như chị. Chị vẫn luôn mong muốn mình là một người có ích để đỡ đần gánh nặng cho ông bà ngoại đã già yếu và làm chỗ dựa cho hai con nhỏ.

Người khuyết tật mong mỏi cơ hội việc làm nhiều hơn

Chị Lan Anh cùng 2 con nhỏ đang phải trải qua một cuộc sống nhiều khó khăn. Ảnh: M.A

Để duy trì cuộc sống hằng ngày, với một cánh tay cử động yếu, chị lựa chọn những công việc phù hợp từ phía người quen để kiếm thêm thu nhập lo việc học hành cho con. Đôi khi chỉ là những việc buôn bán lặt vặt, nhẹ nhàng, nhỏ lẻ, hay những công việc sắp xếp giấy tờ thuần túy, đơn giản với mức lương không cao. “Ở vùng quê nghèo, cơ hội việc làm không nhiều, nhưng với tình hình sức khỏe như thế này, mình cũng không thể đi làm xa nhà được nữa”, chị Lan Anh cho biết.

Băn khoăn, trăn trở nhiều vì gần như các cơ hội việc làm đã dần như khép lại với chị. Sức khỏe chị cũng không biết đảm bảo được đến lúc nào, khi mà những cơn đau từ sau vụ tai nạn vẫn hiện hữu thường xuyên. Toàn bộ chi phí để chữa bệnh trong hai năm vừa qua cũng đã làm gia đình chị kiệt quệ. Giờ đây, chị Lan Anh chỉ mong mỏi có sức khỏe, có những cơ hội việc làm cho những người khuyết tật như chị có cơ hội tìm được công việc phù hợp, ổn định được cuộc sống và lo cho tương lai của hai con nhỏ.

Chung tay vì người khuyết tật

Đã có rất nhiều người khuyết tật vượt qua những khó khăn về thể chất, sống và làm việc như những người bình thường để hòa nhập với cộng đồng, đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội. Những năm qua, nước ta đã có nhiều kết quả quan trọng trong công tác trợ giúp người khuyết tật.

Số lượng người khuyết tật hiện được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc người khuyết tật của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng. Đến nay đã triển khai xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người khuyết tật. Số người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là trên 1,1 triệu người. Có 63 bệnh viện/trung tâm phục hồi chức năng (PHCN), 100% bệnh viện trung ương (đa khoa) đều có khoa PHCN, 90% bệnh viện đa khoa và 40% bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh có khoa PHCN; 70% bệnh viện tuyến huyện có Khoa PHCN riêng biệt hoặc ghép với khoa khác; 95 % trạm y tế có phân công cán bộ theo dõi công tác PHCN và người khuyết tật, tại tuyến xã của hầu hết các địa phương, người khuyết tật nặng được lập sổ theo dõi sức khỏe và người khuyết tật đặc biệt nặng được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 100% người khuyết tật đặc biệt năng, nặng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Người khuyết tật mong mỏi cơ hội việc làm nhiều hơnCông tác trợ giúp người khuyết tật được chú trọng quan tâm trong nhiều năm qua. Ảnh: TTXVN.

Đến nay cả nước đã thành lập được 20 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật không đến được trường lớp bình thường, đã thống nhất được ngôn ngữ kí hiệu và chữ nổi Brail trong toàn quốc. Giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm cũng đặc biệt quan tâm giai đoạn 2012- 2022, bình quân mỗi năm có từ 17.000 - 20.000 người khuyết tật được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Hiện cả nước có 63 trung tâm dịch vụ việc làm, bình quân mỗi năm các trung tâm đã tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho khoảng 20.000 lượt người khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt trên 50%. Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, trong đó có cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, giai đoạn từ 2012 - 2020, ước tính có khoảng gần 39 ngàn người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm, v.v… Các chính sách khác như: miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông và vào các khu vui chơi giải trí vẫn được các địa phương thực hiện với mức miễn giảm từ 25% đến 100% cho người khuyết tật.

Người khuyết tật mong mỏi cơ hội việc làm nhiều hơn

Có nhiều tổ chức quốc tế đang tham gia hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam trong việc dạy nghề, hướng nghiệp và tạo việc làm. Ảnh: QUỐC NAM

Các tổ chức của người khuyết tật được hỗ trợ thành lập và tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào các công tác hỗ trợ người khuyết tật, từ việc tham gia phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách cho đến tổ chức thực hiện chính sách đối với người khuyết tật. Một số tổ chức hội hoạt đông có hiệu quả cao và ngày càng phát triển như: Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã phát triển được mạng lưới ở 47 tỉnh, thành phố, Hội Người mù Việt Nam đã có tổ chức ở 57 tỉnh, thành phố, Hội nạn nhân chất độc da cam/ DIOXIN Việt Nam đã phát triển 63/63 tỉnh, thành phố; Hội người khuyết tật có tổ chức ở 25 hội cấp tỉnh, thành phố.

Bài viết: HẢI YẾN

Thiết kế: MINH ANH

Xem phiên bản di động