Người kể Phật tích bằng tranh

Người kể Phật tích bằng tranh

Tôi biết đến vợ chồng chị Sơn Sà The và Lâm Phiên (phường 2, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) vào năm 2016 khi tình cờ ra sau trại ghe chùa Bưng Koc – (Puth Rengxây Bâng Kok) xem chiếc ghe Ka Hâu đang được các vị Acha ở đây tu sửa lại để năm nay đi xem đua ghe ngo.

Khi ấy phần thân ghe và mái đã làm xong và bây giờ là khâu “trang điểm”. Cứ tưởng chị là một hoạ sĩ nên tôi hỏi lúc trước chị học ở trường mỹ thuật nào? Chị vừa cười vừa nói: “Tui từ hồi đi học còn nhỏ xíu đã bắt đầu đi vẽ ghe ngo, vẽ tranh rồi”.

Hỏi ra mới biết, chị là truyền nhân đời thứ 3 của ông ngoại là nghệ nhân Lý Nghét, nổi tiếng trong giới điêu khắc ở đồng bằng sông Cửu Long. Còn mẹ của chị là nghệ nhân Lý Lệ Sông, một nghệ nhân vẽ trang trí, dựng, hoạ tranh phật tích ở các lễ hội cộng đồng của người Khmer Nam Bộ.

Chị kể: “Hồi nhỏ cứ xem ông ngoại, xem má (mẹ) vẽ rồi mình cũng quệt quệt, cũng pha màu bắt chước theo… Thấy cháu mình ham quá, ông ngoại tui cứ để cho làm tới, chừng xong thì lại xem rồi chỉ chỗ này phải sao mới đẹp, chỗ kia phải sao mới đúng… rồi cứ vậy mà vẽ cho vui! Khi tui lớn dần thì lại hỏi tiếp những gì không biết”.

Người kể Phật tích bằng tranh

Nghệ nhân Sa The đang vẽ tranh tại chùa Trà Quýt Mới - Ảnh: Trần Lưu

Khi mới 14 tuổi, chị Sà The được ông ngoại và mẹ vốn là nghệ nhân tài hoa truyền đạt những kiến thức nghệ thuật từ cơ bản đến nâng cao. Cứ vậy, chị The vẽ theo niềm đam mê, có những ngày bỏ luôn cơm nước để ngồi vẽ. Rồi đến một ngày, chị trở thành… nghệ nhân từ lúc nào không biết.

Năm 1995, chị kết duyên với anh Lâm Phiên cũng là học trò của ông ngoại chị. Đến năm 1996, vợ chồng chị Sà The được các chùa mời tới thực hiện những tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ tường tại ngôi chánh điện, sala…. Những bích họa phật giáo, tiểu sử Đức Phật, như cảnh Phật Thích Ca mới sinh ra, cảnh Phật dạo bốn cửa thành, cảnh Phật xuất gia đi tu, cảnh Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề có rắn thần Naga che chở, cảnh Phật tu khổ hạnh, cảnh Phật đắc đạo, cảnh Phật thuyết pháp, cảnh Phật nhập niết bàn… được bàn tay khéo léo của vợ chồng chị thực hiện công phu, sinh động, được các vị sư trụ trì tâm khen ngợi, tâm đắc, hài lòng.

Anh Lâm Phiên - chồng chị The cười vui: “Tui vốn chuyên điêu khắc, đắp tượng… nhưng vợ mình lại vẽ nên cũng mần luôn nghề dựng giàn giáo cho bả! Mình làm thì yên tâm hơn vì cũng tui lên giàn phụ họa “lên màu nền, chuốt nét” theo chỉ đạo của bả”!

Hầu như ở bất cứ công trình nào có chị thì có anh kề cận. Không chỉ vẽ, đúc tượng, lắp đặt những phù điêu mà quan trọng hơn cả là việc “dựng dàn giáo thật chắc chắn” để làm việc là “chuyện của đàn ông”.

Người kể Phật tích bằng tranh

Bức tranh vẽ “Phật tích” trong một ngôi chùa Khmer - Ảnh: Trần Lưu

Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi biết rõ hơn chuyện một bức tranh tường sẽ hiện ra như thế nào trong chính điện của chùa.

Lâu nay, những ngôi chùa Khmer Nam Bộ không chỉ là nơi thờ tự, tu đạo mà còn là trung tâm sinh hoạt tôn giáo và các hoạt động văn hoá - xã hội của cộng đồng; và đặc biệt, đây còn là môi trường giáo dục nhân văn sâu sắc đối với đồng bào Khmer.

Riêng vùng Nam Bộ hiện có gần 500 ngôi chùa của người Khmer, được xem là tinh hoa của kiến trúc. Trong mỗi ngôi chùa với bích họa – tranh vẽ tường là phần trang trí rất đặc trưng. Đối với người Khmer Nam Bộ, vẽ bức bích hoạ loại tranh truyện và loại hoa văn trang trí ngay lên vách tường Vihia (chánh điện) hay Sala (giảng đường)… Ở đây, nghệ nhân vẽ theo sự chỉ dẫn của vị sư cả nhà chùa hoặc dựa theo cốt truyện tích Phật có sẵn.

Người kể Phật tích bằng tranh

Vẻ đẹp rực rỡ của ngôi chùa Khmer Nam Bộ - Ảnh: Trần Lưu

Hầu hết các loại bích hoạ trong chùa Khmer đều thể hiện đề tài Phật giáo, tiểu sử Đức Phật được vẽ lên tường và có ghi chú thích từng cảnh một. Có thể thấy chùa Khmer như là một thư viện bách khoa toàn thư về thế giới Phật học. Bởi những hình ảnh trang trí màu sắc rực rỡ của cây cỏ hoa lá, cuộc đời sự nghiệp của Đức Phật cùng những nhân vật có liên quan từ kiếp quá khứ đến kiếp hiện tại, được các nghệ nhân trang trí trên vách, trên trần khá phong phú và sống động.

Theo chị The, nghề vẽ tranh tường ở các ngôi chùa Khmer ngoài sự đam mê, tâm huyết còn đòi hỏi người nghệ nhân phải thật am hiểu về Phật giáo Nam Tông, cốt truyện tích Phật. Khi vẽ tranh tường về đề tài Phật giáo, nghệ nhân gửi gắm cả đức tin thiêng liêng vào từng nét vẽ để thể hiện sự tôn kính đối với Đức Phật.

“Không gian nghệ thuật của những bức tranh là khoảng không gian rộng lớn có thể trên trần, vách, bình phong… trong ngôi chính điện, các dãy sala hay trai đường… Các bức tranh trước khi vẽ phải qua khâu định vị. Các nghệ nhân, họa sĩ tiến hành quan sát không gian, kết cấu xung quanh để tác phẩm ra đời phù hợp với từng vị trí và theo trình tự không gian, thời gian nhất định trong Phật tích”.

Cũng như những người theo văn hóa Hindu trên thế giới, tín ngưỡng của người Khmer Nam Bộ ảnh hưởng sâu đậm thiên sử thi vĩ đại Mahabharata. Một bộ sử thi được coi là dài nhất trong các thiên sử thi của nhân loại. Không chỉ là những câu châm ngôn lời hay ý đẹp, đó còn là một áng văn xuôi kể lại toàn bộ những câu chuyện mà một con người có thể nếm trải trong cuộc sống. Thông qua thế giới của những vị chư thần cùng những câu chuyện về cuộc đòi, về xuất thân và chiến công hiển hách của họ trước những quái vật, ngạ quỷ… là những lời răn dạy về lẽ sống.

Chính từ đây mà những chi tiết, bối cảnh của nhiều câu chuyện cổ tích, thần thoại sẽ xuất hiện có khi riêng lẻ trong những câu chuyện kể của người lớn với trẻ nhỏ, hay được những vị acha, các vị sư (thầy) hệ thống lại và trình bày trong những buổi thuyết pháp bởi đây chính là bối cảnh của xã hội mà thái tử Tất Đạt Đa ra đời, trưởng thành và đắc đạo.

Thế giới trong sử thi Mahabharata là thế giới của những cuộc xung đột, chiến tranh thường xuyên giữa các thế lực, thế tộc luôn kình chống nhau để vươn lên vị thế bá chủ, cùng với đó là sự tham gia của những thế lực siêu nhiên huyền bí phụ trợ. Vì lẽ đó mà trong những câu chuyện Phật tích hầu như những thế lực hay những nhân vật trong bộ sử thi này cũng thường xuất hiện như một đối trọng, kình chống lại chân lý, niềm tin của thái tử Tất Đạt Đa trên con đường tu hành tìm đến chân lý.

Và cũng trong thế giới này, nước và lửa luôn là 2 yếu tố quan trọng cùng tồn tại như 2 đối trọng không thể thiếu, dù xung khắc nhưng cũng lại là tương hợp. Đến thăm những ngôi chùa Khmer Nam Bộ, chỉ cần bước đến cổng chùa và dạo vòng quanh chính điện hẳn du khách sẽ nhận ra ngay những nhân vật này thông qua những phù điêu, tượng đắp nổi, tranh khắc, tranh vẽ trang trí bên ngoài chính điện. Một thế giới khác sẽ mở ra khi bước chân vào chính điện, đó chính là câu chuyện của Đức Phật từ lúc đản sanh cho đến khi nhập niết bàn thông qua những bức tranh tường.

Người kể Phật tích bằng tranh

Chị The vẽ tranh Phật tích tại một ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng - Ảnh: NVCC

Chị The cho biết thêm: “Tranh tường được vẽ với nhiều chất liệu khác nhau và bởi các nghệ nhân, họa sĩ khác nhau nhưng ở họ có điểm chung là sử dụng loại sơn dầu và vẽ bằng cọ mềm. Bên cạnh đó, các vị còn sử dụng các chất liệu như loại sơn màu kim nhũ, màu dạ quang trộn với sơn để vẽ… Với những bức trang trọng, nghệ nhân tiến hành sơn son thiếp vàng tùy theo thị hiếu, góc độ nghệ thuật và điều kiện kinh tế của mỗi ngôi chùa. Có thể nhận thấy những bích hoạ ra đời thể hiện ở trình độ sử dụng sơn dầu rất chuyên nghiệp của các nghệ nhân, họa sĩ người Khmer”.

Chị The vừa dứt lời thì anh Phiên đã chỉ tay về phía bức tranh trên tường, giải thích: “Khi bước vào chính điện, nếu ta xem tranh theo chiều từ phải sang trái thì đó sẽ là trình tự tuyến tính của bộ sử thi bằng tranh kể về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ khi đản sinh cho đến khi nhập niết bàn”.

Vợ chồng chị The đang vẽ dở một bức tranh thì có một nhóm người vào viếng chánh điện. Thì ra hôm nay là dịp mà “chủ đầu” đến “nghiệm thu” công trình do mình đặt vẽ tại chùa Trà Quýt mới (Sêrây Prochum vong Trà Quít Thmây, huyện Châu Thành).

Người kể Phật tích bằng tranh

Chị Sa The bên tác phẩm của mình - Ảnh: NVCC

Chị Sa The liền lật sổ kiểm tra, đọc lại những khoản mà khách đã yêu cầu. Họ vừa trò chuyện vừa nhìn bức hoạ đã hoàn chỉnh trên tường chánh điện khi ấy đang được nhóm người cả nam lẫn nữ và người già ngắm nghía và bình phẩm với vẻ hài lòng.

Ở bên này, chị Sa The lật sổ đọc chi tiết từng chi phí màu vẽ, vật tư và những khoản khác. Người phụ nữ nọ nhận lấy sổ, lấy máy tính cộng lại tất cả, rồi thanh toán trực tiếp tiền cho chị The. Trả tiền xong, người phụ nữ cười vui nói: “Vậy là vẫn còn dư”.

“Các bức tranh thường do Phật tử thuê người vẽ để cúng dường cho chùa. Họ luôn tin tưởng vào sự ban phước từ Đức Phật, nên việc cúng dường khi ăn nên làm ra, hoặc cuộc sống gặp may mắn như một cách để trả ơn, bày tỏ lòng thành kính với Đức Phật. Các công trình chỉ quyết toán sau khi nghiệm thu chất lượng sản phẩm. Và đây cũng là điều giải thích cho câu hỏi: tại sao trong những bức họa hay phù điêu ở những ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng luôn ghi tên cụ thể của người (nhóm người). Đó là những người đã cúng dường”, chị The giải thích.

Người kể Phật tích bằng tranh

Cuộc trò chuyện của chúng tôi gián đoạn, khi chị vợ chồng chị The liên tục nhận các cuộc điện thoại đặt hàng vẽ tranh cho ghe ngo. Hóa ra, giải đua ghe Ngo sắp diễn ra vào ngày 26 và 27/11 tới tại khán đài đường đua ghe Ngo, thành phố Sóc Trăng, thuộc chuỗi sự kiện của Lễ hội Oóc Om Bóc 2023.

Ghe Ngo tiếng Khmer là Tuk Ngô - được đồng bào Khmer sử dụng để bơi đua với nhau vào dịp Lễ hội Oóc Om Bóc, nhằm cầu mưa thuận, gió hòa và mùa màng tươi tốt. Ngày xưa, Tuk Ngô là một chiếc thuyền độc mộc, mất khoảng hơn một năm đục đẽo để hoàn thành. Ngày nay, việc đóng ghe được thay bằng những miếng ván từ cây gỗ sao, đồ nghề đóng ghe cũng hiện đại nên thời gian được rút ngắn hơn, mất khoảng một tháng rưỡi để hoàn thành. Ghe có chiều dài khoảng 30m, nặng 3,5 tấn, khi đua có 60 vận động viên tham gia.

Mỗi chiếc ghe Ngo của người Khmer đều có hoa văn và biểu tượng riêng, nhưng quan trọng vẽ như thế nào để khi hạ thủy, tham gia bơi đua, những hoa văn đó vẫn làm nổi bật cho chiếc ghe Ngo, thu hút người xem. Để trở thành nghệ nhân đóng ghe Ngo không phải là dễ dàng, bên cạnh là sự thừa hưởng những tinh túy của dòng họ còn có sự đam mê từ chính bản thân của người nghệ nhân.

Người kể Phật tích bằng tranh

Vợ chồng chị The vẽ tranh trên chiếc ghe Ngo - Ảnh: Trần Lưu

Người kể Phật tích bằng tranh

Mỗi chiếc ghe Ngo của người Khmer đều có hoa văn và biểu tượng riêng - Ảnh: NVCC

“Ban đầu thì mình sơn lót, sư trụ trì thích màu nào thì mình sơn lót màu đó. Sau đó thì mình dùng phấn trắng phác họa ban đầu hoa văn, có rất nhiều hoa văn truyền thống mà nhà chùa đã chọn. Các linh vật, như là rồng, kỳ lân, hổ, voi… ở mũi ghe tùy vào sự lựa chọn của chùa. Đây là điểm nhấn của chiếc ghe Ngo, nên khâu chọn vị trí và vẽ biểu tượng họa tiết là rất quan trọng; nó giúp khi tham gia, ghe bơi đua sẽ tạo cảm giác như đang bay nhảy trên sóng nước trong mắt người xem. Năm nào cũng vậy, cứ gần tới mùa hội đua ghe ngo, chúng tôi được ban quản trị ở một số chùa mời đi sơn vẽ lại cho những chiếc ghe ngo”, chị The chia sẻ.

Cứ vậy, những hoa văn “sóng nước, hoa lửa” mà chị trang điểm trên những chiếc ghe ngo của mỗi chùa, tuy thoạt nhìn có vẻ giống nhau nhưng tinh ý vẫn nhận ra sự khác biệt bởi mỗi chiếc ghe đều mang một linh vật riêng biệt. Theo tính cách của linh vật đó trong truyền thuyết sẽ được nghệ nhân Sa The thể hiện bằng màu sắc, đường nét khác nhau… Nếu ghe ngo chùa Trà Tim Cũ mà linh vật của chiếc ghe là Thần Gió thì màu sắc dù đậm màu, mạnh mẽ, nhưng đường nét sẽ mềm mại, uốn lượn nhẹ nhàng. Hay như linh vật của ghe ngo chùa Tuân Tức cũ là “rồng xanh” thì màu sắc sẽ thiên về màu xanh rực rỡ sắc vàng, còn “hoa sóng” điểm tô trên thân ghe sẽ cuồn cuộn dậy sóng bởi sức mạnh của rồng quẫy vùng trên sông nước.

Người kể Phật tích bằng tranh

Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam Bộ - Ảnh: Trần Lưu

Trong căn nhà ở phường 2, TP Sóc Trăng, với mảng sân phía trước bề bộn cát đá, xi-măng và những bức tượng chiêm thần Krut, tiên nữ Cây-no…, anh Phiên hóm hỉnh: “Đây chỉ là “chiến trường” nhỏ của tui, còn “chiến trường” lớn thực sự là ở những ngôi chính điện đang xây dựng. Đồ nghề của bà thì đơn giản lắm, chỉ là bó cọ”.

Tại đây, chúng tôi may mắn được trò chuyện cùng nghệ nhân Lý Lệ Sông (mẹ của chị The) khi bà vừa trở về từ một lễ “làm Phước” (Lễ kỳ yên của người Khmer Nam Bộ). Đã ngoài bảy mươi nhưng vẫn thường xuyên đi vẽ, trang trí, bài trí cho những “đám làm phước” mỗi khi có dịp. “Nghề mà, đến mùa lễ không đi thì buồn lắm”, bà vui vẻ nói.

Với truyền thống gia đình phật tử Nam Tông, những câu chuyện sử thi Mahabharata, chuyện dân gian Khmer vốn đã là máu thịt của bà Sông ngay từ những câu hát ru của bà, của mẹ.

Bà kể, những ngôi chùa Khmer Nam Bộ vốn là nơi sinh hoạt văn hoá - tâm linh truyền thống của cộng đồng nên những bức tranh tường được bố trí khéo léo để mỗi khi phật tử bước vào ngôi chính điện thì chính những bức tranh ấy sẽ là công cụ trực quan nhất để chuyển tải những lời dạy của Đức Phật.

Bà Sông, rồi đến chị The, anh Phiên dành cả cuộc đời để vẽ tranh, cũng là để đi theo lời của Đức Phật khuyên răn: tránh khỏi những “tham, sân, si oán hận” trong cuộc sống vô thường này…

Bài và ảnh: TRẦN LƯU – CAO LONG

VIDEO: NHÓM PV