Người đưa kỹ thuật mổ nội soi với chỉ một vết mổ dưới 2cm lên ngang tầm thế giới

Những ngày đầu tháng 12, truyền thông rúng động bởi tin tức một gia đình người Úc đưa con sang Việt Nam điều trị căn bệnh nang ống mật chủ bằng phương pháp phẫu thuật nội soi một lỗ đặc biệt khó mà trên thế giới mới chỉ có 2 quốc gia làm được. Niềm tự hào xen lẫn sự tò mò đã hối thúc tôi phải tìm gặp bằng được vị bác sĩ ở Việt Nam đi đầu thực hiện được kỹ thuật này. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi tuy ngắn ngủi nhưng đã khiến lòng cảm phục và tự hào trong tôi càng lớn hơn gấp bội.

Người đưa kỹ thuật mổ nội soi với chỉ một vết mổ dưới 2cm lên ngang tầm thế giới

Vào đầu tháng 10, một gia đình người Úc (hiện đang sinh sống tại Indonesia) phát hiện con gái 4 tuổi của mình đi ngoài phân nhạt màu. Sau khoảng 3 ngày, bé gái tiếp tục xuất hiện tình trạng đau bụng và buồn nôn. Gia đình đưa bé đi khám tại bệnh viện Bali (Indonesia) thì phát hiện bé bị nang ống mật chủ. Theo tư vấn của bệnh viện này và tham khảo nhiều nước khác như Úc, Singapore, Pháp… thì phương pháp điều trị là mổ mở. Tuy nhiên, vốn là người kỹ tính và đặc biệt cẩn trọng với sức khỏe của con gái, ông Warren – bố cháu bé vẫn mong muốn tìm một phương pháp tối ưu hơn, ít xâm lấn hơn vì thương con còn quá nhỏ.

Rồi tình cờ, ông đọc được một bài báo của PGS.TS Trần Ngọc Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn (Hà Nội) về kỹ thuật mổ nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ. Người bố này đã quyết định gửi email cho PGS Sơn để trao đổi về tình trạng con gái mình.

Sau khi được bác sỹ Sơn giải thích cặn kẽ, ông Warren quyết định cả gia đình bay sang Việt Nam tìm gặp bác sỹ Sơn và đăng ký mổ cho con gái tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn. Và không ai khác, PGS.TS Trần Ngọc Sơn là phẫu thuật viên chính của ca mổ này.

Hiện nay, PGS Sơn là một trong hai bác sĩ đi đầu thế giới về thực hiện kỹ thuật mổ nội soi một lỗ trên bệnh nang ống mật chủ. Bé gái 4 tuổi này cũng là bệnh nhân nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam để điều trị nang ống mật chủ bằng phương pháp nội soi một lỗ.

Như hơn 300 ca phẫu thuật khác trên trẻ em Việt Nam, ca mổ cho bệnh nhi nước ngoài đã thành công ngoài mong đợi của gia đình. PGS Sơn chỉ rạch một vết dài 15mm ở rốn. Sau mổ, bệnh nhi phục hồi nhanh và vài ngày sau đã có thể chạy nhảy. Sau mổ 7 ngày, cháu bé đã được xuất viện, trở về nước.

Ngoài nỗi vui mừng trước sự hồi phục nhanh chóng của con gái, đặc biệt là sự thán phục trước đôi tay tài hoa của bác sỹ Sơn, ông Warren cũng đã rất bất ngờ với chất lượng dịch vụ của bệnh viện Xanh-Pôn. Ông đã phải thốt lên: “Ngay từ khi con tôi đến nhập viện, tôi thấy sự đón tiếp rất tốt, chất lượng điều trị và dịch vụ ở đây tuyệt vời, trên cả mong đợi của chúng tôi!”.

Người đưa kỹ thuật mổ nội soi với chỉ một vết mổ dưới 2cm lên ngang tầm thế giới

Gia đình bệnh nhân người Úc bày tỏ lòng biết ơn tới các bác sĩ Bệnh viện Xanh-Pôn (Bác sĩ Sơn đứng thứ 2 từ trái qua).

Người đưa kỹ thuật mổ nội soi với chỉ một vết mổ dưới 2cm lên ngang tầm thế giới

PGS.TS Trần Ngọc Sơn sinh năm 1969, nhưng nhìn bề ngoài không ai nghĩ năm nay ông đã 54 tuổi, bởi vẻ ngoài nhỏ nhắn và thư sinh. Thế nhưng, trái ngược với vẻ ngoài đó, tính cách quyết đoán là sợi chỉ xuyên suốt trong hầu hết các quyết định lớn của cuộc đời ông.

Năm 1986, sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông chọn thi vào Đại học Y Hà Nội. Do có thành tích thuộc top đầu nên ông được cử đi học ở nước ngoài. Hồi đó, sinh viên Việt Nam đa phần được cử đến các nước Đông Âu như Liên Xô, Tiệp Khắc, Bungari… và anh được đào tạo chuyên ngành Y tại Bungari.

“Tuy không phải là nước lớn nhưng nền khoa học cơ bản về ngành Y của họ rất bài bản, họ đào tạo rất tốt”, PGS.TS Trần Ngọc Sơn nhớ lại.

Thời kỳ ông học tập tại Bungari cũng là thời kỳ có nhiều thay đổi trong chính trị xã hội ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu. Rất nhiều lưu học sinh Việt Nam đã chọn hướng phát triển kinh doanh là chính. Trong thời gian học tập, cũng như nhiều bạn bè sinh viên khác, ông cũng đã kết hợp kinh doanh để kiếm thêm thu nhập nhưng chưa bao giờ ông nghĩ mình sẽ bỏ nghề Y để chuyển hẳn sang kinh doanh.

Năm 1993 ông đã tốt nghiệp bác sĩ với tấm bằng xuất sắc trong top 3 của cả trường. Theo thông lệ từ trước, các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc sẽ được nhận học bổng để học lên nghiên cứu sinh sau đại học. Tuy nhiên tình hình chính trị - xã hội thay đổi tại Bungari lúc đó đã không cho các sinh viên xuất sắc còn cơ hội học bổng. Ông đã quyết định làm kinh doanh một thời gian để có nguồn lực tài chính tiếp tục theo đuổi nghề mình đã chọn. Có những lúc kinh doanh đang phát triển, thu nhập tốt, tưởng như hợp lý hơn là chuyển hẳn sang kinh doanh nhưng ông vẫn quyết tâm theo đuổi nghề Y.

Được sự động viên, ủng hộ của người bạn đời, ông xin làm thực tập sinh ở Ngoại khoa của một bệnh viện thuộc trường đại học lớn rồi sau đó làm nghiên cứu sinh. Năm 2001, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.

Bác sĩ Sơn bồi hồi chia sẻ: “Tôi phải cám ơn vợ mình rất nhiều vì những hy sinh, giúp đỡ trong thời gian tôi tiếp tục học sau đại học. Không có cô ấy, chưa chắc tôi đã thực hiện được hoài bão với nghề Y của mình!”

“Vì sao ông lại chọn làm bác sĩ Ngoại khoa?”, tôi tò mò.

“Vì làm bác sĩ Ngoại khoa phù hợp với tính cách của tôi, cần sự tỉ mỉ, sự khéo tay, sự quyết đoán và kết quả thể hiện rõ ràng từ cảm quan bên ngoài như mổ đẹp hay mổ xấu, và nếu có biến chứng thì cũng biết ngay!”.

“Chọn đúng nghề, phù hợp với tính cách và đam mê nên tôi chưa bao giờ băn khoăn về quyết định này của mình!”, ông tâm sự với một niềm tự hào không che giấu.

Người đưa kỹ thuật mổ nội soi với chỉ một vết mổ dưới 2cm lên ngang tầm thế giới

Người đưa kỹ thuật mổ nội soi với chỉ một vết mổ dưới 2cm lên ngang tầm thế giới

Bác sĩ Sơn quan niệm, để trở thành một bác sĩ Ngoại khoa giỏi thì ngoài sự khéo léo của đôi bàn tay còn cần cả trí tuệ, am hiểu học thuật, kỹ thuật và sự quyết đoán để đưa ra quyết định chính xác, kịp thời.

“Nếu bác sĩ phẫu thuật chỉ chuyên chú ý vào đôi tay sẽ dễ trở thành thợ, chỉ quen với tình huống thông thường đã từng gặp, còn khi gặp tình huống mới khác đi là sẽ gặp khó khăn. Nhưng nếu biết kết hợp với trau dồi kiến thức để chẩn đoán, biết được các phương hướng, kỹ thuật điều trị khác nhau thì sẽ tìm ra cách điều trị phù hợp nhất từng tình trạng bệnh”.

Điều tuyệt vời nhất khi mới về công tác tại đây là ông được phụ mổ và học tập Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, người thầy đi đầu về phẫu thuật nội soi Nhi Việt nam.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm chính là người có công lớn đưa phẫu thuật nội soi nhi của Việt Nam phát triển ngang tầm thế giới, khi đó thường xuyên đi dự các hội nghị, hội thảo ở nước ngoài để báo cáo, trình bày về lĩnh vực này. May mắn được đi cùng Giáo sư Liêm trong nhiều chuyến công tác, bác sĩ Sơn đã học hỏi thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm từ các chuyên gia hàng đầu quốc tế.

“Bác sĩ Việt Nam rất khéo tay, mặc dù không có ưu thế về tài chính nhưng nhờ tâm huyết của Giáo sư Liêm, sự đầu tư chiến lược và đúng hướng nên kỹ thuật mổ nội soi cho trẻ em của Việt Nam được Y khoa thế giới biết đến, đặc biệt là phẫu thuật nội soi điều trị nang ống mật chủ”, PGS.TS Trần Ngọc Sơn cho hay.

Người đưa kỹ thuật mổ nội soi với chỉ một vết mổ dưới 2cm lên ngang tầm thế giới

Tuy nhiên hồi đó mới phát triển phương pháp nội soi thông thường là các vết rạch riêng biệt tạo 4-5 lỗ, rồi cho dụng cụ mổ vào, sau phẫu thuật sẽ để lại 4-5 vết sẹo tương ứng. Năm 1996, y khoa thế giới lần đầu phát triển kỹ thuật mổ nội soi một lỗ - tức là dụng cụ mổ chỉ đi qua một vết rạch và gần như không để lại sẹo. Và phải đến năm 2009 thì kỹ thuật này mới áp dụng ở trẻ em.

Năm 2012, một trung tâm ở Trung Quốc có báo cáo đầu tiên về kinh nghiệm phẫu thuật nội soi một lỗ trong nang ống mật chủ. Như trình bày ở trên, trước đó thế giới đã có phẫu thuật nội soi một lỗ nhưng ở các bệnh đơn giản hơn. Bác sĩ Sơn có cơ hội tham dự buổi báo cáo đó và được xem slide trình diễn kỹ thuật độ vài chục giây do bác sỹ Trung Quốc đảm nhiệm.

Với quyết tâm không để thua kém đồng nghiệp trong lĩnh vực mà Việt Nam đang ở top dẫn đầu thế giới, bác sĩ Sơn đã ấp ủ quyết tâm thực hiện bằng được kỹ thuật này. Được sự ủng họ và tạo điều kiện của GS Liêm, bác sĩ Sơn đã thực hiện thành công những ca đầu tiên phẫu thuật nội soi một đường rạch điều trị nang ống mật chủ ngay từ cuối năm 2012 và đến bây giờ hàng trăm bệnh nhi bị nang ống mật chủ đã được điều trị bằng kỹ thuật này thành công.

Người đưa kỹ thuật mổ nội soi với chỉ một vết mổ dưới 2cm lên ngang tầm thế giới
PGS. TS Trần Ngọc Sơn trong ca mổ bệnh nhi 4 tuổi người Úc.

Người đưa kỹ thuật mổ nội soi với chỉ một vết mổ dưới 2cm lên ngang tầm thế giới

Theo bác sỹ Sơn, đối với bệnh nang mật chủ, phẫu thuật kinh điển trên thế giới vẫn là mổ mở. Tại nhiều trung tâm ở Pháp và nhiều nước có nền y học tiên tiến khác, nang mật chủ vẫn đang được điều trị theo phương pháp này.

Khi mổ mở, đường rạch lớn, sang chấn nhiều, hồi phục chậm, đặc biệt là với trẻ em. Còn phương pháp nội soi thông thường dù đã hạn chế được xâm lấn rất nhiều so với mổ mở nhưng vẫn chưa thực sự phù hợp với trẻ em. Với phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị u nang ống mật chủ, bác sĩ chỉ thực hiện một vết rạch dưới 2cm ở rốn. Tất cả mọi thao tác được tiến hành qua “cổng” này nên gây rất ít thương tổn cho bệnh nhân. Đặc biệt, rốn là sẹo tự nhiên nên sau mổ coi như không nhìn thấy sẹo mổ.

Theo bác sỹ Sơn, về nguyên tắc, các bước phẫu thuật vẫn như nội soi thông thường nhưng chỉ khác là thay đổi vị trí dụng cụ mổ. Tuy nhiên, thao tác sẽ khó khăn hơn nhiều vì tư thế của đôi bàn tay kỹ thuật viên bị hạn chế. Do chỉ đi qua vết rạch dưới 2cm, nên các dụng cụ mổ gần như đặt song song, rất dễ va chạm vào nhau. “Tuy biết là rất khó nhưng trong thâm tâm tôi nghĩ, họ làm được thì mình cũng sẽ làm được và không có cớ gì không làm được”, bác sĩ đặt quyết tâm.

Ca phẫu thuật nội soi một lỗ nang ống mật chủ đầu tiên do ông trực tiếp đứng mổ kéo dài đến 6 tiếng, gấp đôi thời gian mổ bình thường. Tuy nhiên, chỉ sau 10-15 ca, thời gian mổ rút xuống đáng kể và sau đó chỉ bằng thời gian mổ nội soi 4 lỗ thông thường.

Sau đó, bác sĩ Sơn cùng các đồng nghiệp đã có báo cáo tại Hội nghị quốc tế về phương pháp phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị u nang ống mật ở trẻ em. Báo cáo này đã gây tiếng vang lớn, được giới y khoa đánh giá cao và ghi nhận Việt Nam là một trong hai nơi trên thế giới đi đầu về phương pháp phẫu thuật này.

"Nội soi một lỗ điều trị u nang ống mật ở trẻ em đánh dấu bước tiến của nền phẫu thuật nhi Việt Nam và đem lại tiếng vang quốc tế", bác sĩ Sơn nhấn mạnh.

Người đưa kỹ thuật mổ nội soi với chỉ một vết mổ dưới 2cm lên ngang tầm thế giới

PGS. TS Trần Ngọc Sơn trình bày báo cáo tại Hội nghị Phẫu thuật Nhi Thái Bình Dương năm 2023, tại Bali, Indonesia.

Đối với bác sĩ Sơn, “khi chúng ta đã làm chủ kỹ thuật thì sẽ thấy không có gì khủng khiếp cả. Quan trọng là cần kiên trì quyết tâm theo đuổi đến cùng. Bác sĩ Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những gì thế giới đã làm, và còn làm ở mức tốt nhất”.

Tuy nhiên, bác sĩ Sơn cũng cho rằng, dù là kỹ thuật gì thì lợi ích của người bệnh mới là quan trọng nhất, cần được đặt lên hàng đầu. Với phương pháp này, vết mổ cực kì bé, hạn chế thấp nhất tác động đến thể trạng bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ngoài ra, vết mổ nằm trong rốn bệnh nhân và sau mổ không để lại sẹo, trong khi mổ mở thì để lại sẹo 15-20 cm, mổ nội soi thông thường thì lộ 3-4 vết sẹo tuy nhỏ hơn.

Ông tâm sự: “Đã có rất nhiều bác sĩ, giáo sư trên thế giới đến xem tôi mổ nhưng về nước họ không triển khai, lắc đầu kêu khó. Thêm nữa, cũng có người quan điểm rằng, một hay mấy cái sẹo cũng như nhau. Hay có người bảo tôi “Sao không chọn phương pháp dễ mà tất cả đều làm được, chọn cái khó thế để làm gì? Nhưng tôi tin tưởng vào những lợi ích mà kỹ thuật này đem lại cho người bệnh đã được chứng minh qua thực tế và vẫn tiếp tục thực hiện và phát triển kỹ thuật nội soi một đường rạch của mình”.

Cho đến nay, ông đã có hơn 100 lượt báo cáo kỹ thuật trên thế giới về phương pháp mổ nội soi, trong đó có nhiều báo cáo về phương pháp nội soi một lỗ trên nang ống mật chủ.

Người đưa kỹ thuật mổ nội soi với chỉ một vết mổ dưới 2cm lên ngang tầm thế giới

PGS. TS Trần Ngọc Sơn là một trong hai bác sĩ đi đầu thế giới về thực hiện kỹ thuật mổ nội soi một lỗ trên bệnh nang ống mật chủ.

“Tới đây, chúng tôi chuẩn bị báo cáo thế giới công trình nghiên cứu thứ 4 về phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị thoát vị bẹn”, bác sĩ Sơn cho biết.

Thoát vị bẹn là bệnh lý ngoại khoa phổ biến nhất ở trẻ em. Bác sĩ Sơn là người đầu tiên ở Việt Nam triển khai kỹ thuật mổ nội soi một lỗ trên bệnh lý này. Từ năm 2016, khi mới chuyển công tác về Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn, ông đã triển khai kỹ thuật này và đến nay đã mổ khoảng hơn 4.000 ca.

“Với việc không ngừng học hỏi, cải tiến kỹ thuật, hiện nay, các phương pháp mổ nội soi một lỗ của chúng tôi không để lại sẹo và cho kết quả vượt trội. Nếu mổ mở bình thường hay các kỹ thuật nội soi khác, tỷ lệ tái phát khoảng 2% thì với kỹ thuật của chúng tôi hiện nay, tỷ lệ này là 0%”, bác sĩ Sơn cho hay.

Ngoài nang ống mật chủ và thoát vị bẹn, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn, phẫu thuật nội soi một lỗ còn áp dụng với cấp cứu ruột thừa, cắt túi mật, cắt thận bệnh lý hoàn toàn hoặc bán phần, cắt nang buồng trứng, nang thận, nang lách, điều trị phình đại tràng bẩm sinh…

“Mỗi khi phát triển được một kỹ thuật mới tôi rất vui và tự hào, bởi những đóng góp vào thực tiễn phẫu thuật nhi của Việt Nam, và để cho thế giới biết đến Việt Nam”, PGS.TS Trần Ngọc Sơn hào hứng.

Người đưa kỹ thuật mổ nội soi với chỉ một vết mổ dưới 2cm lên ngang tầm thế giới

Theo bác sĩ Sơn, nghề Y là một nghề đặc biệt, đào tạo dài hơn và khó hơn các nghề khác và để làm một bác sĩ giỏi còn đòi hỏi phải có sự quyết tâm, kiên trì và nhiều khi phải hy sinh thời gian cho các công việc, niềm vui khác, thậm chí là cả thời gian cho gia đình.

Để phát triển tốt chuyên môn, các bác sĩ phải dành thời gian học tập, nghiên cứu, đọc tài liệu rất nhiều. Chính vì vậy, ông cũng truyền đạt lại cho các thế hệ bác sĩ trẻ rằng, làm nghề này cần sự đam mê khoa học và cảm thấy giá trị thực sự của việc nghiên cứu thì mới có thể cống hiến hết mình.

“Tự bản thân mỗi người sẽ hiểu được đóng góp thực sự của mình như thế nào. Đối với tôi, tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi mình có những cống hiến về khoa học và thực tế chuyên môn, đem lại lợi ích thực sự cho người bệnh! Còn các nghiên cứu có tính chất hình thức vì nhiều mục đích khác nhau, tôi cho rằng sẽ làm mất thời gian mà không có giá trị thực tế. Đây là điều tôi liên tục nhấn mạnh, nhắc nhở cho các bác sỹ trẻ”.

PGS. TS Trần Ngọc Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn.

PGS. TS Trần Ngọc Sơn còn tham gia giảng dạy tại Đại học Y Hải Phòng, Học viện Quân y, Đại học Y Thái Bình; đồng thời giảng dạy cho các bác sĩ cao học, nội trú của Trường Đại học Y Hà Nội.

Ông là chủ nhiệm/thành viên nghiên cứu trong nhiều công trình NCKH cấp nhà nước, cấp bộ, cấp cơ sở. Trong đó, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi một đường rạch điều trị một số bệnh ở trẻ em”.

Tham gia nhiều hội nghị khoa học chuyên ngành quốc tế và trong nước về phẫu thuật nhi, trong đó có hơn 100 báo cáo hội nghị quốc tế, nhiều video trình diễn kỹ thuật mổ, có báo cáo được trao giải xuất sắc.

Tham gia biên soạn 2 đầu sách chuyên khảo về phẫu thuật nhi.

Công bố hơn 100 bài báo khoa học ở các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín quốc tế và trong nước, trong đó có hơn 20 bài là ở các tạp chí quốc tế.

Phóng sự của HỒNG NHUNG

Ảnh: NVCC