e magazine
26/08/2022 12:35
Người đếm sếu

26/08/2022 12:35

Anh Bảo chia sẻ, hơn 15 năm, đã thành thói quen, từ khi làm tình nguyện viên cho các tổ chức quốc tế và Đông Nam Á về bảo tồn động vật hoang dã, cứ mỗi khi nắng lên, mùa khô đến, khi những đám cỏ năng kim bắt đầu vươn cao mạnh mẽ, là mình lại khoác ba lô ngược xuôi trên những đầm lầy hay vùng đất ngập nước (ĐNN) của Việt Nam, Campuchia, Myanmar và… đếm sếu.
Người đếm sếu...

Anh Bảo chia sẻ, hơn 15 năm, đã thành thói quen, từ khi làm tình nguyện viên cho các tổ chức quốc tế và Đông Nam Á về bảo tồn động vật hoang dã, cứ mỗi khi nắng lên, mùa khô đến, khi những đám cỏ năng kim bắt đầu vươn cao mạnh mẽ, anh lại mang ba lô ngược xuôi trên những đầm lầy hay vùng đất ngập nước (ĐNN) của Việt Nam, Campuchia, Myanmar để… đếm sếu.

- - - - - - - - - - - - -

Có rất nhiều loài sếu dù không có giá trị kinh tế nhưng lại là loài chủ lực. Sếu đầu đỏ là một trong số đó.

Th.s Nguyễn Hoài Bảo - Giảng viên bộ môn Điểu học, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ĐNN, Đại học Quốc gia TP. HCM cho biết: “Bên cạnh vai trò là dấu hiệu chỉ báo của những vùng ĐNN ở Việt Nam, sếu đầu đỏ còn là loài chim rất đẹp”.

Người đếm sếuNhững khoảnh khắc của Sếu đầu đỏ.

Quả thật, không khó để nhận ra vẻ đẹp của sự pha trộn màu sắc tinh tế trên bộ lông của một con sếu đầu đỏ trưởng thành. Đôi mắt lấp lánh màu vàng cam, cái đầu đỏ rực, một chút lông đen nơi gáy và vòng quanh họng, mỏ màu xám lục nhạt nối với chiếc cổ dài trứ danh thanh mảnh màu xám ngọc trai. Với dáng vẻ thanh thoát, toàn bộ cử động từ sải cánh đến bước đi và những điệu nhảy của sếu đầu đỏ giống với một vũ công.

Trong hệ sinh thái của vùng ĐNN, cùng với hàng trăm loài chim, trong đó có sếu, không thể không nhắc tới vẻ đẹp bao la của đất trời với những quần xã thực vật như đồng cỏ năng, đồng cỏ mồm, đồng cỏ ống, đồng lúa ma, lúa lác… bất tận. Trong đó đồng cỏ năng kim, năng ống và hoàng đầu ẩn, đã từng là bãi ăn của sếu đầu đỏ, trước khi bị cây mai dương xâm lấn.

Vì thế, cũng không khó để cảm nhận được sự nuối tiếc của giới nghiên cứu khi năm nay, đàn sếu lại không về.

Phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn đã có cuộc trao đổi với Th.s Nguyễn Hoài Bảo - Giảng viên bộ môn Điểu học, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ĐNN, Đại học Quốc gia TP. HCM.

Người đếm sếu...Chân dung Th.s Nguyễn Hoài Bảo trong hành trình đi... đếm sếu.

VIỆT NAM, HIỆN CÒN BAO NHIÊU SẾU?

PV: Có thể gọi anh là "người đếm sếu"?

Th.s Nguyễn Hoài Bảo: Tôi nghĩ nên đặt nó cho bài viết về Tiến sĩ Trần Triết. Một nhà khoa học, một người nghiên cứu và bây giờ trong vai trò một người thầy. Anh ấy tiếp tục truyền tình yêu với sếu cho các sinh viên của mình.

PV: Có ai là người truyền cảm hứng cho anh trong hành trình bôn ba đếm sếu?

Th.s Nguyễn Hoài Bảo: Cũng có, nhưng ấn tượng đầu tiên về sự say mê mà người ta hay gọi là say mê lao động có lẽ là một kỉ niệm khi mới ra trường. Lần đó tôi có cơ hội làm việc với một người bạn trong tổ chức bảo tồn động vật quốc tế. Anh ấy đến Việt Nam, chúng tôi cùng xuống khu đầm lầy của Đồng bằng sông Cửu Long để nghiên cứu sếu.

Từ sáng đến xế trưa, anh ấy hào hứng say mê lặn lội khắp vùng đầm lầy. Kiên nhẫn dưới ánh nắng mỗi lúc một chói chang chỉ để tìm kiếm những dấu hiệu dù là nhỏ nhất của đàn sếu và hầu hết thời gian dành để chờ đợi. Tôi còn trẻ, mà cơn đói của người trẻ thì bằng tất cả mọi niềm say mê cộng lại. Tôi đã hỏi anh ấy vì sao chưa chịu về nghỉ, đã quá giờ cơm trưa khá lâu rồi. Anh ấy bảo “không, phải tìm thấy sếu tao mới về”.

PV: Xin anh chia sẻ vài nét về thực trạng của đàn sếu ở Đông Nam Á nói riêng, thế giới nói chung hiện nay?

Th.s Nguyễn Hoài Bảo: Sếu là một nhóm chim, gồm mười lăm loài trên thế giới, trừ Nam Mỹ, các châu lục khác đều có sếu. Sếu đầu đỏ hiện còn gần 20.000 cá thể, có khoảng 8.000 đến 10.000 con ở Ấn Độ, Nepal, Pakistan. Quần thể này khá ổn định. Ở các nước Đông Dương (chủ yếu Việt Nam và Campuchia), từ năm 2014 ghi nhận khoảng 850 cá thể sếu đầu đỏ, song đến năm 2020 ước tính còn 179 cá thể.

Ở Việt Nam có ba loài sếu gồm sếu đầu đỏ, sếu Eurasia (loại sếu di cư từ châu Âu về châu Á). 60 năm về trước, loài sếu này thường di cư về Việt Nam tránh rét, sau này nó không về nữa, hoặc nếu có về thì chỉ dừng ở Trung Quốc. Loại thứ ba là sếu cổ đen. Loài này được nhận định là thi thoảng đi lạc. Sếu đầu đỏ là loài chủ yếu ở Việt Nam, tập trung ở Đồng Tháp (Vườn Quốc gia Tràm Chim), Tây Ninh, Kiên Giang. Trong đó chủ yếu sống ở Đồng Tháp.

Người đếm sếuĐến năm 2020, ở các nước Đông Dương chỉ còn 179 cá thể sếu đầu đỏ.

S.O.S: SẾU GẦN NHƯ KHÔNG CÒN CƠ HỘI...

PV: Và tại sao lại là sếu thưa anh?

Th.s Nguyễn Hoài Bảo: Nếu nhất định phải tìm được một một lí do thì có lẽ là vì tôi lớn lên trong một khu vườn nhỏ. Nơi vùng quê nghèo ở một tỉnh miền Trung. Ấn tượng sâu sắc là trong vườn lúc nào cũng rộn ràng tiếng chim. Thuở nhỏ ở quê không có nhiều thứ để chơi, trẻ con chơi với thiên nhiên là chính.

Dấu ấn đầu tiên thiên nhiên để lại nơi mỗi người bao giờ cũng trở thành quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất đối với sự hình thành sở thích, trong đó có sở thích cá nhân và cả sở thích học hành nghiên cứu và sau này là nghề nghiệp.

Trưởng thành, mơ ước đổi thay, chia ly và mất mát là những món quà trong hành trình sống của tất cả chúng ta. Ấn tượng về sự mất mát đầu tiên với tôi, có lẽ chính là sự thưa vắng dần của tiếng chim hót trong vườn.

Khi vào miền Nam học đại học tôi có một mơ ước là đi đến những thành phố gắn liền với con sông Mê Kông và đi đến các cửa sông của Đồng bằng sông Cửu Long. Được tới đó, ngồi sát cửa sông và uống một ly bia.

Sau khi tốt nghiệp tôi làm công việc bảo tồn. Tôi thích du lịch. Rồi làm du lịch. Tôi có một công ty du lịch, chủ yếu hướng dẫn khách nước ngoài, cũng đã được 15 năm.

Trong mười mấy năm đi lại tôi nhận thấy vùng đất đẹp đẽ này thay đổi quá nhiều. Và câu hỏi đặt ra một cách rất tự nhiên “làm sao để xây dựng đời sống con người quanh dòng Mê Kông phát triển tốt hơn, bền vững hơn”. Vậy nên, những trăn trở đầu tiên có lẽ là trăn trở về môi trường, không hẳn là về con sếu.

Tuy vậy, khi chú tâm tới môi trường ở nơi nào thường thì người ta lấy một loài sinh vật có mối liên hệ đặc trưng với môi trường ấy, gọi là loài biểu tượng.

Mỗi môi trường có loài biểu tượng đặc trưng cho sự bảo vệ nó. Về loài sếu, bắt đầu từ cái tên của nó, Sarus Crane, từ Sarus trong tiếng Ấn Độ, nó có nghĩa là đầm lầy. Vì vậy sếu là con chim biểu tượng cho vùng đầm lầy.

Một đặc điểm khác biệt của loài sếu là nếu như đa số các loài chim kiếm ăn dưới nước vẫn đậu trên cây thì riêng sếu không bao giờ đậu trên cây. Nó luôn luôn phụ thuộc vào vùng đầm lầy. Cho nên, bảo vệ con sếu cũng là giữ được những vùng đầm lầy, những vùng ĐNN tự nhiên. Để loài sếu có thể sinh sôi và phát triển chính là chỉ dấu cho thấy chúng ta đã bảo tồn được những vùng đất ẩm như đầm lầy.

Người đếm sếuCánh đồng hoa hoàng đầu ấn tại Vườn Quốc gia Tràm chim (Tam Nông, Đồng Tháp).

PV: Vì sao chúng ta phải bảo vệ đầm lầy thưa anh?

Th.s Nguyễn Hoài Bảo: Trong suy nghĩ của đa số chúng ta, những vùng ĐNN thường được xem là đất hoang, loại đất không có giá trị gì, những loại đất hoang phí mà chúng ta bằng mọi giá phải khai thác nó. Nhưng trên thực tế vùng ĐNN đóng vai trò rất lớn trong đời sống con người. Nó chính là vùng đất đầu tiên chứa nước khỏi bị ngập lụt, là cơ chế thoát nước tuyệt vời của thiên nhiên.

Những vùng đầm lầy và hệ sinh thái thực vật, côn trùng đi kèm này có chức năng lọc nước một cách tự nhiên, không cần dùng hoá chất để xử lý nước trước khi thải ra môi trường.

Hãy nhìn xem, TP. HCM là một ví dụ. Mười lăm năm trước Quận 9, Nam Sài Gòn là vùng đầm lầy. Những khu vực rộng lớn này giữ vai trò chứa và thoát nước cho thành phố khi mưa xuống hay triều lên.

Sau khi san lấp xây dựng khu dân cư thì cứ mỗi khi trời mưa thành phố lại ngập. Bây giờ thì dù chúng ta có chống ngập đằng trời cũng không thể nào chống đỡ được nữa (mới đây TP. HCM có thêm hai dự án chống ngập với tổng kinh phí lên tới 16.000 tỉ đồng).

Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, việc chuyển đổi đồng cỏ ngập nước tự nhiên thành đất trồng lúa, gần đây thêm nuôi trồng thủy sản cùng với việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp đã làm phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái. Sếu gần như không còn cơ hội để tồn tại.

Tại các khu bảo tồn, việc trồng tràm hàng loạt cũng không phù hợp cũng dẫn đến sự biến mất của loài sếu ở Việt Nam. Năm 2020 và năm nay, sếu đầu đỏ đã không về Tràm Chim hay bất cứ tỉnh nào tại Việt Nam. Kết cục rất buồn này đã được chúng tôi liên tục cảnh báo từ nhiều năm trước nhưng họ không nghe, không quan tâm, hoặc có nghe, xong bỏ đấy.

Người đếm sếu...Cặp đôi sếu đầu đỏ đang múa cánh.

PV: Họ là ai ạ?

Th.s Nguyễn Hoài Bảo: Là Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tràm Chim, các nhà quản lý địa phương.

PV: Vai trò của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tư vấn về chính sách hoặc cung cấp các tư vấn khoa học về chính sách quản lý hoặc chính sách chung, anh đã thực hiện vai trò của mình như thế nào trong việc bảo vệ đàn sếu, bảo vệ những vùng ĐNN quan trọng này?

Th.s Nguyễn Hoài Bảo: Chúng tôi đã nói về việc này nhiều năm, tổ chức rất nhiều hội thảo, với ban quản lý, với địa phương, thậm chí là lên tới cả trung ương nhưng rốt cuộc đâu vẫn hoàn đó.

PV: Vậy trách nhiệm thuộc về ai thưa anh? Phải có ai đó chịu trách nhiệm trước tình hình xuống cấp của môi trường phải không ạ?

Th.s Nguyễn Hoài Bảo: Ở vị trí của nhà khoa học chúng tôi chỉ có thể đưa ra con số kết luận sau khi nghiên cứu và gửi cảnh báo dự báo tới các nhà quản lý hoặc nhà hoạch định chính sách.

PV: Kết quả như thế nào ạ?

Th.s Nguyễn Hoài Bảo: Như các bạn đã biết. Sự biến mất của đàn sếu là minh chứng cho việc cảnh báo, dự báo góp ý không hiệu quả.

LÀM GÌ ĐỂ GIỮ LẠI CÁC VÙNG ĐNN?

PV: Xin anh cho biết nguyên nhân do đâu?

Th.s Nguyễn Hoài Bảo: Theo tôi thì đó là do sự chồng chéo của luật. Hiện nay, Việt Nam có 4 luật đề cập đến việc quản lý ĐNN như Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, nay là Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học và nhiều văn bản hướng dẫn các luật này. Trong đó Luật Bảo vệ và Phát triển rừng quy định phải bảo vệ rừng, không để cháy rừng.

Theo quy định thì cháy rừng là một trong những vấn đề rất nghiêm trọng. Nhân viên quản lý để cháy rừng là bị kỷ luật. Do đó, muốn không cháy rừng thì cách dễ nhất là cứ giữ nước ở trong rừng. Độ ẩm cao thì không thể cháy. Thêm nữa, đã là phát triển và bảo vệ rừng thì phải có rừng, tức là có cây tràm. Vườn Quốc gia Tràm Chim thì phải bảo vệ cho bằng được cây tràm.

Các nhà khoa học, trong đó có tôi, là một trong những nhóm các nhà khoa học phản đối việc này. Nguyên do là các vùng rừng thuần tuý như Cát Tiên hay Lâm Đồng nếu để xảy ra cháy rừng thì không phục hồi được và cháy rừng ảnh hưởng tới gái trị lâm sản. Nhưng ở vùng ĐNN, vùng đầm lầy thì giá trị của nó không phải là rừng mà là các trảng cỏ, các vùng đầm lầy trong trạng thái tự nhiên.

Vậy để có thể phát triển thì cần duy trì quá trình nước lên nước xuống tự nhiên. Nhưng vì sợ cháy cây tràm nên những người quản lý rừng cho giữ nước lại. Vì thế chúng ta cứ nhân danh luật và trách nhiệm mà huỷ hoại vùng ĐNN một cách có hệ thống, từ trên xuống dưới. Ông bảo vệ rừng sợ cháy nên phải giữ nước để hoàn thành nhiệm vụ. Khi ông bảo vệ rừng hoàn thành nhiệm vụ thì vùng ĐNN dần biến mất.

Người đếm sếu

Khung cảnh Vườn Quốc gia Tràm Chim.

PV: Có giải pháp nào để đàn sếu trở về hay nói cách khác là có cách nào để phục hồi lại môi trường thiên nhiên của những vùng ĐNN quý giá hay không, xin anh chia sẻ?

Th.s Nguyễn Hoài Bảo: Khi môi trường tự nhiên đã thay đổi, rất khó để khôi phục lại nó hoặc rất tốn kém. Hiệu quả nhất là gìn giữ những vùng đất tự nhiên còn sót lại, đồng thời quy hoạch lại một số vùng trồng lúa không hiệu quả, giảm dần diện tích canh tác lúa, giảm hóa chất nông nghiệp. Đưa ra các giải pháp chăn nuôi trồng trọt kiếm sống thay thế cho người nông dân, làm du lịch sinh thái chẳng hạn.

Để phục hồi lại môi trường thiên nhiên cũ thì khó nhưng với sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là quần thể dân cư quanh những vùng đất ngập ấy, hy vọng trong hơn mười năm tới môi trường sẽ gửi lại cho chúng ta những dấu hiệu tích cực.

Người đếm sếu...Sếu đầu đỏ là một loài chim rất đẹp.

PV: Có một giả định đặt ra “Khó, quá nhiều vấn đề và lợi ích cần phải nghiên cứu, xem xét giữa các bên liên quan. Để có thể điều chỉnh quy hoạch chính sách thì cần nhiều yếu tố, trong đó có thời gian. Một lí do nữa, bảo tồn, như anh chia sẻ, rất tốn kém. Nếu chúng ta chọn kinh tế trước thì sẽ ra sao?”. Anh nghĩ thế nào về điều này?

Th.s Nguyễn Hoài Bảo: Cũng bình thường thôi. Ở đâu cũng xảy ra những quan điểm bảo tồn hay không bảo tồn. Hoặc bảo tồn hay phát triển kinh tế? Song song với những nhận thức tiến bộ và sự hiểu biết về tính nhất quán của vai trò to lớn của việc bảo vệ môi trường thì vẫn còn tồn tại những quan điểm như “Cơm ăn chưa no, lo gì đến con sếu”. Quan trọng là chúng ta chọn như thế nào.

Cũng cần kể thêm, đã có nhiều nghiên cứu các giải pháp kinh tế trong đó có TS. Vũ Thành Tự Anh của Trường Fulbright Việt Nam, chỉ ra rằng, vai trò của an ninh lương thực vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành, cần phải giải phóng Đồng bằng sông Cửu Long khỏi sứ mệnh “an ninh lương thực” đã trở nên lạc hậu.

Trong một thị trường gạo cung đã nhiều hơn cầu, nếu chúng ta vẫn sản xuất chủ yếu loại gạo chất lượng không cao, hiệu quả kinh tế thấp, thu nhập của nông dân cũng rất thấp và về lâu dài chất lượng môi trường sống của người dân, môi trường thiên nhiên toàn cầu sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Đã có rất nhiều cảnh báo về việc trồng lúa sản sinh nhiều khí thải CO2 tác động nghiêm trọng đến môi trường. Liệu rằng chúng ta có nên tiếp tục duy trì kế hoạch phát triển nghề trồng lúa? Hay chúng ta sẽ chọn việc bảo tồn những vùng ĐNN, bảo tồn loài sếu, đợi chúng quay về?

Đó là câu hỏi mà tôi, bạn và tất cả chúng ta cùng bắt tay vào tìm câu trả lời. Và các bạn, những người làm báo, làm truyền thông đóng một vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức nguời dân, phản ánh đúng tinh thần nguyện vọng của nhà nghiên cứu, cung cấp thêm góc nhìn đa diện cho các nhà xây dựng và hoạch định chính sách để chúng ta sớm đạt được một chiến lược phát triển lâu dài, toàn diện.

Xin cảm ơn anh!

Người đếm sếu

Một số hình ảnh tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, nơi sếu đầu đỏ thường lưu trú.

Công ước Ramsar là một công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của loài chim nước Ramsar. Công ước Ramsar được ký năm 1971, tại thành phố Ramsar với mục đích ngăn chặn quá trình xâm lấn ngày càng gia tăng vào các vùng ĐNN cũng như sự mất đi của chúng ở thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai; công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng ĐNN và các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của chúng. Việt Nam đã ký gia nhập Công ước Ramsar vào năm 1989 và là thành viên thứ 50, đồng thời là quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước này.

Việt Nam có 9 khu Ramsar được thế giới công nhận

• Vườn Quốc gia Xuân Thủy - Nam Định

• Vùng đất ngập nước Bầu Sấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên - Đồng Nai

• Hồ Ba Bể - Bắc Kạn

• Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp

• Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, thuộc huyện Ngọc Hiển, Cà Mau

• Vườn Quốc gia Côn Đảo

• Khu Bảo tồn ĐNN Láng Sen, tỉnh Long An

• Vườn Quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang

• Khu Bảo tồn thiên nhiên ĐNN Vân Long - Ninh Bình

PHẠM THỦY

Ảnh: T.L - P.V

Đồ họa: TRƯỜNG SƠN

Xem phiên bản di động