e magazine
27/10/2023 12:59
Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự xuất sắc

27/10/2023 12:59

Đại tướng Đoàn Khuê, bí danh là Võ Tiến Trình, sinh ngày 29/10/1923 ở làng Gia Đẳng, xã Triệu Tân (nay là xã Triệu Lăng), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, xuất thân trong một gia đình giàu lòng yêu nước, thương nòi, có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất. Ðại tướng Ðoàn Khuê là nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Ðảng, Quân đội với nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tướng Đoàn Khuê: người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự xuất sắc

Ðại tướng Ðoàn Khuê là nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Ðảng, quân đội với nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tướng Đoàn Khuê: người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự xuất sắc

Đại tướng Đoàn Khuê, bí danh là Võ Tiến Trình, sinh ngày 29/10/1923 ở làng Gia Đẳng, xã Triệu Tân (nay là xã Triệu Lăng), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, xuất thân trong một gia đình giàu lòng yêu nước, thương nòi, có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất.

Sớm có lòng yêu nước, căm thù thực dân xâm lược nên ngay từ khi mới 16 tuổi, vào năm 1939, đồng chí Đoàn Khuê đã tham gia phong trào Thanh niên phản đế ở Trường Tiểu học Trường Xuân ở phủ Triệu Phong. Biết đồng chí là Bí thư Thanh niên phản đế phủ Triệu Phong, giặc Pháp ráo riết truy lùng. Ngày 30/10/1940 giặc Pháp bắt được đồng chí và kết án tại nhà lao tỉnh Quảng Trị, sau đó đưa đi đày ở Buôn Ma Thuột.

Đại tướng Đoàn Khuê: người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự xuất sắc

Hình ảnh Đại tướng Đoàn Khuê (khi đó là Thiếu tướng), Chính ủy Quân khu 5 nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 31 trước khi vào trận Nông Sơn tháng 6-1974.

Suốt gần 5 năm tù dù bị tra khảo, hành hạ nhưng đồng chí Đoàn Khuê vẫn một lòng một dạ theo cách mạng, bảo vệ tổ chức và cơ sở đến cùng, tỏ rõ chí khí kiên trung của một người giác ngộ lý tưởng cách mạng, quyết tâm cứu dân, cứu nước.

Biến nhà tù thành trường học cách mạng, mặc dù phải sống cảnh cá chậu chim lồng trong ngục thất kẻ thù song đồng chí Đoàn Khuê vẫn tìm mọi cách hoạt động và trau dồi kiến thức, bản lĩnh của mình. Đồng chí tham gia “Ủy ban vận động cách mạng”, học tập lý luận, cách thức tập hợp quần chúng, kiến thức quân sự và cả tiếng dân tộc thiểu số của đồng bào Tây Nguyên, chờ cơ hội được tự do để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Tháng 5/1945 đồng chí ra tù, được phân công về hoạt động cách mạng tại Quảng Bình, tháng 6/1945 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được phân công làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Bình. Chính những năm tháng hoạt động cách mạng cũng như thời gian bị địch tù đày đã hun đúc chí khí, rèn giũa năng lực, góp phần quan trọng vào việc lãnh đạo việc giành chính quyền tại tỉnh Quảng Bình vào mùa thu lịch sử năm 1945.

Đại tướng Đoàn Khuê: người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự xuất sắc

Đại tướng Đoàn Khuê tháp tùng Bác Hồ thăm các bộ, chiến sĩ Quân khu 4 năm 1961.

Đại tướng Đoàn Khuê: người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự xuất sắc

Trước khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, đồng chí Đoàn Khuê đã từng bước được đào tạo trở thành một nhà chính trị của quân đôi, một quân nhân chuyên nghiệp.

Dưới đây là thông tin chính thống tóm lược lại quá trình hoạt động và trưởng thành của một người lính Cụ Hồ.

Tháng 8/1946, đồng chí Đoàn Khuê được điều động vào chiến trường Khu 5, phân công làm Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi; Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn Hồ Tích, Quảng Ngãi.

Từ tháng 4/1947, đồng chí lần lượt đảm nhận vị trí Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy các Trung đoàn 69, 73, 78, 126 và 84 Liên khu 5, Ủy viên Thường vụ Ban Cán sự Đắk Lắk. Tháng 5/1953, đồng chí là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 108, Liên khu 5; từ cuối năm 1954 đến năm 1957, đồng chí là Phó Chính ủy Sư đoàn 305 Liên khu 5, Phó Chính ủy Đại đoàn 675, Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 351.

Tháng 3/1958 đến năm 1960, đồng chí là Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Lữ đoàn 341, Ủy viên Đảng ủy Quân khu 4. Từ tháng 10/1960, đồng chí là Phó Chính ủy Quân khu 4, Ủy viên Đảng ủy Quân khu 4.

Đầu năm 1963 đến năm 1975, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta bước vào thời kỳ quyết liệt, Khu 5 trở thành địa bàn chiến lược bị địch đánh phá nặng nề, đồng chí Đoàn Khuê được cử trở lại chiến trường Khu 5 với cương vị Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Phó Chính ủy Quân khu, Phó Bí thư Đảng ủy Quân khu 5, Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên.

Đại tướng Đoàn Khuê: người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự xuất sắcBộ trang phục của Đại tướng Đoàn Khuê.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (12/1976), đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5 từ tháng 12/1976 đến tháng 3/1983.

Từ tháng 4/1983 đến tháng 11/1986, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719, Phó trưởng ban rồi Trưởng ban đoàn chuyên gia giúp nước bạn Campuchia; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719, cùng tập thể Đảng ủy và Bộ Tư lệnh 719 lãnh đạo các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Trong hội thảo vào ngày 20/10/2009 tại Đà Nẵng, đã có nhiều ý kiến phân tích đánh giá một cách toàn diện và khoa học. Theo tường thuật của Báo Quân đội Nhân dân: “Các tham luận của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Đại tướng Lê Văn Dũng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Thượng tướng Phan Trung Kiên và một số đồng chí khác đã tập trung phân tích, làm sáng tỏ những nhân tố tác động tới sự hình thành nhân cách, sự giác ngộ và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Đoàn Khuê.

Các tham luận nêu rõ: "trải qua 60 năm chiến đấu, công tác, quán triệt sâu sắc quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại tướng Đoàn Khuê đã cống hiến hết sức mình cho Đảng và Nhân dân, luôn đặt lợi ích của cách mạng, của Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; sâu sát cơ sở, giữ vững tính Đảng, tính nguyên tắc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng và quân đội giao phó. Đồng chí là người chỉ huy dũng cảm, sáng tạo, mưu lược và quyết đoán, có ý thức trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật cao; trong hoàn cảnh gay go, ác liệt thế nào cũng động viên đồng chí, đồng đội tìm mọi cách vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”…

Đại tướng Đoàn Khuê: người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự xuất sắc

Một số hình ảnh về Đại tướng Đoàn Khuê được lưu trữ tại khu lưu niệm.

Từ tháng 12/1986 đến 01/1998, đồng chí được Đảng, Nhà nước cử giữ các trọng trách quan trọng, như: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Đại tướng Đoàn Khuê là ủy viên Trung ương Đảng khoá IV đến khóa VIII; là Ủy viên Bộ Chính trị các khoá VI, VII, VIII; là Đại biểu Quốc hội các khoá VII, VIII, IX và X. Đồng chí được Đảng và Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng năm 1974, Trung tướng năm 1980, Thượng tướng năm 1984 và Đại tướng năm 1990.

Có thể rút ra những cống hiến chính của đại tướng Đoàn Khuê trong trong quá trình này như sau:

Đối với chiến trường Khu V từ kháng chiến chống Pháp cho đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đều là một trong những trọng tâm giành giật giữa hai bên, đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ.

Chính ở chiến trường này, với tư tưởng tiến công, dưới sự lãnh đạo của Quân khu ủy và đồng chí Đoàn Khuê đã diễn ra những trận đánh nổi tiếng như: Vạn Tường (tháng 8/1965), Plây me (tháng 9/1965), Đồng Dương (tháng 12/1965), Xuân Sơn (năm 1966)...

Sau Hiệp định Paris 1973, với cương vị Phó chính ủy Quân khu V, đồng chí Đoàn Khuê đã chỉ đạo các cấp nhận thức đúng tình hình, so sánh lực lượng để vận dụng tốt quan điểm bạo lực cách mạng, tránh mơ hồ, mất cảnh giác; từ đó giữ vững tư tưởng tiến công, bảo vệ vùng giải phóng và khi có cơ hội thì góp phần cùng cả nước làm đại thắng mùa Xuân 1975.

Đại tướng Đoàn Khuê: người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự xuất sắcHuân chương Sao Vàng và các Huân, Huy chương của Đại tướng Đoàn Khuê.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), đồng chí Đoàn Khuê được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1983, đồng chí Đoàn Khuê được phân công giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719, Phó trưởng đoàn chuyên gia giúp nước bạn Campuchia; đến cuối năm 1986, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719, Trưởng ban lãnh đạo đoàn chuyên gia giúp bạn Campuchia.

Trong giai đoạn này, đồng chí Đoàn Khuê cùng đoàn chuyên gia Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò niệm vụ của mình, ra sức xây dựng tình đoàn kết giữa hai Đảng, quân đội và Nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia.

Trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị và là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Đoàn Khuê đã có nhiều cống hiến trong công tác hiện đại hóa quân đội, gắn liền quốc phòng với xây dựng kinh tế, xây dựng các khu vực phòng thủ, chủ động tăng cường năng lực quốc phòng, gắn liền với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, chú trọng các vùng biên giới, hải đảo,…

Đại tướng Đoàn Khuê: người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự xuất sắc

Một số hình ảnh về Đại tướng Đoàn Khuê trong thời kỳ kháng chiến cứu nước.

Đại tướng Đoàn Khuê: người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự xuất sắc

Quê hương Quảng Trị tự hào vì có một người con ưu tú, có một gia đình tiêu biểu như gia đình Đại tướng Đoàn Khuê.

Thân phụ của Đại tướng Đoàn Khuê là cụ Đoàn Cầu, được kết nạp vào Đảng rất sớm và là người Cộng sản đầu tiên của làng Gia Đẳng. Gia đình Đại tướng Đoàn Khuê có 2 người mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, có 9 anh em ruột, trong đó 6 người là liệt sỹ; 2 người em trai của ông là sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Mỗi lần có dịp về công tác hoặc thăm quê, đồng chí Đoàn Khuê luôn có một tác phong giản dị, gần gũi, tình cảm tha thiết đối với nơi chôn nhau cắt rốn. Đại tướng luôn nhấn mạnh với mọi người cần phải chú trọng và thực hiện quan điểm gần dân, bài học vì dân, từ dân mà ra, coi đó là chìa khóa thắng lợi của cách mạng, trong hoàn cảnh chiến tranh cũng như trong điều kiện hòa bình.

Đại tướng nhắc nhở cán bộ địa phương: “Phải chú ý lắng nghe ý kiến của dân, nắm bắt tâm tư; nguyện vọng của dân, phải có những chủ trương hết sức cụ thể, thiết thực đối với người dân, đặc biệt những chủ trương về xoá đói, giảm nghèo phát triển văn hoá - xã hội, chính sách đối với gia đình có công với cách mạng".

Đại tướng Đoàn Khuê: người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự xuất sắc

Bức ảnh chung gia đình Đại tướng Đoàn Khuê vào năm 1956.

Đại tướng cũng là người quan tâm đến thế hệ kế tục, đến lớp trẻ sau này, nên khi có điều kiện, đồng chí ân cần tâm tình: "Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ để giải phóng dân tộc, chiến công của Nhân dân Quảng Trị đã đi vào lịch sử như một thiên anh hùng ca sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với những sự tích thần kỳ và những địa danh bất hủ. Tự hào về Quảng Trị, là thế hệ trẻ, kế tục xuất sắc truyền thống của các thế hệ cách mạng đàn anh, các cháu hãy không ngừng rèn luyện, phấn đấu học tập tốt, thi đua lập nghiệp và sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, đưa Quảng Trị lên một tầm cao mới, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, của quân dân cả nước...”

Cuối tháng 10, chúng tôi về quê hương Triệu Phong, tận mắt chứng kiến không khí náo nức chào mừng sinh nhật lần thứ 100 của cố Đại tướng Đoàn Khuê. Những người cao tuổi nơi chôn nhau cắt rốn của Đại tướng Đoàn Khuê, ôn lại kỷ niệm với cháu con.

Ông Đặng Thanh Binh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Triệu Lăng, nhớ lại: “Tôi may mắn nhiều lần được gặp Đại tướng. Ông là người liêm khiết, giản dị, gần dân và sâu sát với cuộc sống. Nhớ có lần hồi còn tỉnh Bình Trị Thiên, Đại tướng về công tác ghé lại trụ sở một cơ quan cấp huyện mà không thấy ai hỏi han gì. Sau đó Đại tướng phê bình: "cơ quan Nhà nước mà thấy người lạ đến không hỏi han gì là thiếu cảnh giác".

Một lần khác, Đại tướng về quê, nhiều cơ quan muốn mời cơm nhưng Đại tướng không nhận lời. Buổi trưa, cần vụ Đại tướng đem đến cặp lồng đựng cơm và thức ăn. Bình dị như thế đó. Đại tướng mỗi lần vê quê luôn ân cần thăm hỏi bà con làng xóm nên ai cũng yêu quý và cảm động”.

Đại tướng Đoàn Khuê: người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự xuất sắcÔng Đặng Thanh Binh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Triệu Lăng kể về Đại tướng Đoàn Khuê.

Còn ông Đặng Thanh Xuân hồi tưởng: “Tôi trước đây công tác ở Viện Kiểm sát địa phương Quảng Trị, cũng may mắn gặp Đại tướng nhiều lần. Ấn tượng của tôi đó là một con người trí tuệ mà vẫn luôn bình dị, dù bận rộn công việc nhưng luôn quan tâm đến người khác, đến Nhân dân và quê hương.

Trong cuộc hội thảo về Đại tướng tổ chức tại Đà Nẵng năm 2009, một diễn giả là cấp tướng xúc động nghẹn ngào đã khóc khi nhắc đến Đại tướng, đủ biết tình cảm của cấp dưới đối với Đại tướng là rất sâu nặng. Đại tướng phải sống thế nào thì cấp dưới mới có tình cảm như với người thân ruột thịt.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Thế, Chính trị viên Phó Đồn biên phòng Triệu Vân, phụ trách địa bàn 3 xã vùng biển: Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng chia sẻ: “Học tập tấm gương sáng của Đại tướng Đoàn Khuê, những người lính chúng tôi luôn nhắc nhở nhau và tâm nguyện phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, phải thực sự gần dân, hiểu dân, luôn sẵng sàng giúp dân, coi đó là chìa khóa thành công của mọi việc”.

Đại tướng Đoàn Khuê: người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự xuất sắcCác nhân vật phỏng vấn trong bài chụp ảnh kỷ niệm tại quê hương của Đại tướng Đoàn Khuê.

Đồng chí Trần Xuân Anh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Triệu Phong, khẳng dịnh: “Cống hiến của Đại tướng Đoàn Khuê cho quê hương đất nước thật lớn. Cuộc đời Đại tướng là một tấm gương về trí tuệ và đạo đức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương luôn ghi nhớ. Việc xây dựng Nhà lưu niệm Đại tướng ở Gia Đẳng là đề tri ân và giáo dục truyền thống cho mọi người. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Triệu Phong nguyện đem hết sức mình phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, an lành và thực sự giàu mạnh”.

Đại tướng Đoàn Khuê: người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự xuất sắc

Cảnh quan Khu lưu niệm gia đình Đại tướng Đoàn Khuê.

Đại tướng Đoàn Khuê đã sống một cuộc đời sôi động trong dòng chảy lịch sử, đã kiên cường vươt qua bao thử thách để thực hiện đến cùng lý tưởng cách mạng của mình.

Đại tướng đã có nhiểu cống hiến lớn lao cho Đảng và Quân đội, bền bỉ 60 năm hoạt động cách mạng cho một lựa chọn duy nhất, trước sau như một, đã thể hiện hoàn chỉnh một tấm gương chiến sĩ Cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo quân sự xuất sắc, một người con sâu nặng nghĩa tình với đất nước và quê hương Quảng Trị.

Đại tướng Đoàn Khuê: người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự xuất sắcChân dung Đại tướng Đoàn Khuê, con người sâu nặng nghĩa tình với đất nước và quê hương Quảng Trị.

Đánh giá công lao của đồng chí, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: “Trải qua nhiều cương vị khác nhau, dù ở đâu, làm gì, đồng chí cũng luôn luôn đem hết sức mình cống hiến cho Đảng và Nhân dân, đặt lợi ích chung của Cách mạng, của quân đội lên trên lợi ích cá nhân, luôn luôn trau dồi kiến thức, sâu sát cơ sở, quan tâm tổng kết thực tiễn, giữ vững tính Đảng, tính nguyên tắc, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.

Đó là một chân dung chiến sĩ Cộng sản còn lại với thời gian khi nhìn lại một thế kỷ đời người.

Bài viết: PHẠM XUÂN DŨNG

Ảnh: T.S - T.L

Đồ họa: TRƯỜNG SƠN

Xem phiên bản di động