Người cán bộ công đoàn thấu hiểu cảnh ngộ của NHỮNG công nhân nghèo |
Gần gũi, thấu hiểu cảnh ngộ của những công nhân có số phận kém may mắn, đồng chí Phùng Thị Hằng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) luôn chân thành quan tâm, giúp họ tháo gỡ nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như công việc. |
Đồng chí Phùng Thị Hằng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình). Ảnh: HOÀNG QUÂN |
Không ngần ngại kêu gọi ủng hộ công nhân có hoàn cảnh khó khăn |
8 năm là Chủ tịch LĐLĐ huyện Yên Khánh, đồng chí Phùng Thị Hằng đã cùng với BCH Công đoàn kêu gọi ủng hộ nhiều hoàn cảnh người lao động (NLĐ) khó khăn, thông qua nhiều hình thức như tiền mặt, nhà ở “Mái ấm Công đoàn” hay một công việc ổn định. Đoàn viên Phạm Văn Tuyên (xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh) nhận được sự giúp đỡ như thế. Ở tuổi 19, Tuyên bất đắc dĩ trở thành trụ cột gia đình, chăm lo cho hai em. Năm 9 tuổi, Tuyên mồ côi mẹ. Năm 19 tuổi, khi đang chấp hành nghĩa vụ quân sự thì bố mất. Vì gánh nặng gia đình, Tuyên xin vào Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Ninh Bình làm việc, sau khi kết thúc nghĩa vụ quân sự. Không chỉ lo cho hai em, Tuyên còn khoản nợ gần 200 triệu đồng mà bố mẹ vay làm nhà và chữa bệnh. Mấy năm sau, em gái học hết bậc Trung học phổ thông thì đi làm, cùng Tuyên lo trang trải cuộc sống và trả nợ. Không ngờ, em gái mắc bệnh hiểm nghèo, qua đời vào tháng 8/2022. Lúc này, Tuyên bị tai nạn xe máy, không đi làm được. Nỗi đau vượt quá sức chịu đựng đối với Tuyên. Biết đến gia cảnh của anh em Tuyên qua facebook của Chủ tịch Công đoàn xã Khánh Hồng, đồng chí Phùng Thị Hằng đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ. “Nỗi mất mát quá lớn và gánh nặng về khoản nợ, tiền thuốc và chi phí sinh hoạt đè nặng chàng trai trẻ. Chúng tôi tin rằng nếu có sự chung tay, chia sẻ của tổ chức Công đoàn, cộng đồng xã hội thì Tuyên chắc chắn sẽ có thêm động lực để vượt qua”, đồng chí Phùng Thị Hằng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Yên Khánh kể. Lời kêu gọi của LĐLĐ huyện Yên Khánh đã được Hội Chữ thập đỏ huyện, cơ quan, đoàn thể xã Khánh Hồng cùng đông đảo đoàn viên, NLĐ ủng hộ. Tổng số tiền huy động được giúp đỡ em Tuyên là 355 triệu đồng. |
Công nhân Phạm Văn Tuyên - trường hợp khó khăn được đồng chí Phùng Thị Hằng và LĐLĐ huyện Yên Khánh tận tâm hỗ trợ. Ảnh::HOÀNG QUÂN |
Trường hợp khác là anh Bùi Khắc Đạt (sinh năm 1980, quê ở huyện Nho Quan) là lao động tự do và chị Phạm Thị Hin (sinh năm 1988, quê ở xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh). Chị Hin phải xin nghỉ việc do hoàn cảnh gia đình khó khăn, con nhỏ, mẹ ốm đau không có người chăm sóc. Ngày 8/11/2022, hai vợ chồng về quê thì không may bị tai nạn giao thông qua đời, để lại 2 con đang tuổi ăn học. Chia sẻ mất mát, đau thương quá lớn đối với 2 cháu và giúp các cháu tiếp tục được đi học, LĐLĐ huyện Yên Khánh đã phối hợp Công ty TNHH Phát triển và Xây dựng Kim Bình, chính quyền địa phương trao 2 sổ tiết kiệm cho 2 cháu, mỗi sổ 30 triệu đồng và hỗ trợ 2 triệu đồng tiền mặt để các cháu tạm thời ổn định cuộc sống. Đồng chí Phùng Thị Hằng chia sẻ: “Là cán bộ công đoàn, chúng tôi mong muốn đoàn viên từng bước vượt qua nỗi đau của chính mình. Số tiền ủng hộ không lớn nhưng là chỗ dựa vững chắc để công nhân có thêm điểm tựa về ngày mai tươi sáng hơn”. Đồng chí Phùng Thị Hằng (người bế cháu nhỏ) cùng Ban giám đốc, BCH Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Ninh Bình trao tiền ủng hộ của đoàn viên, NLĐ cho gia đình công nhân Ninh Thị Bình (sinh năm 1984, tử vong do mắc bệnh hiểm nghèo). Ảnh: CĐ |
Để tiền ủng hộ đến tận tay công nhân, công đoàn cần giải quyết thấu tình, đạt lý |
Theo đồng chí Phùng Thị Hằng, để số tiền ủng hộ được trao “đúng người, đúng mục đích” thì công đoàn cần giải quyết thấu tình, đạt lý. Trước hết, công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với đoàn thể, chính quyền địa phương, công đoàn cơ sở và gia đình người bị nạn. Trong lần trao số tiền hỗ trợ cho Phạm Văn Tuyên, LĐLĐ huyện Yên Khánh đã mời đại diện cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đại diện gia đình nội, ngoại cùng bàn bạc cách sử dụng số tiền hỗ trợ sao cho hợp lý, sử dụng đúng mục đích và có ý nghĩa. Công đoàn phân tích rõ nguồn gốc của số tiền cũng như việc tạo sổ tiết kiệm sinh lời cho anh em Tuyên. Có được số tiền này, Tuyên dùng lo hậu sự cho em gái, một phần trả nợ ngân hàng, một phần trang trải cuộc sống và nuôi em trai ăn học. “Sự giúp đỡ của công đoàn đối với gia đình em rất ý nghĩa. Nếu không tham gia tổ chức Công đoàn, làm nghề tự do thì khi ốm đau, bệnh tật, công việc gián đoạn, em không thể có được sự hỗ trợ lớn như vậy. Cuốn sổ tiết kiệm mà công đoàn đã huy động là điểm tựa khiến em vững lòng hơn khi phải đối mặt với những lo toan sắp tới” – Tuyên chia sẻ. |
Đồng chí Phùng Thị Hằng luôn ân cần quan tâm, thăm hỏi người lao động. Ảnh: CĐ |
“Mỗi lần cần rút tiền, Tuyên đều tin tưởng nhờ tôi tư vấn để sử dụng đúng mục đích. Em hiểu và trân quý những góp ý chân thành của cán bộ công đoàn, lãnh đạo địa phương. Tuyên tự tin hơn, tìm lại niềm vui trong cuộc sống. Điều tôi phấn khởi nhất là Tuyên coi tôi như người bạn, người mẹ của em. Đáp lại tình cảm đó, tôi coi Tuyên như con mình, luôn dành sự quan tâm, săn sóc bằng việc làm cụ thể" – đồng chí Phùng Thị Hằng cho biết. Đối với trường hợp các con của anh Đạt, chị Hin (tử vong do tai nạn giao thông), số tiền ủng hộ đã được công đoàn thống nhất với địa phương, gia đình về quản lý và sử dụng, đảm bảo một phần cuộc sống cho các cháu. Cách giải quyết này đã được chính quyền địa phương, người thân của các cháu đồng thuận. Bên cạnh hỗ trợ những trường hợp đặc biệt khó khăn, LĐLĐ huyện Yên Khánh còn hỗ trợ kinh phí xây sửa nhà ở “Mái ấm Công đoàn” cho hàng chục đoàn viên, NLĐ. Nhiều trường hợp không có đất để làm nhà, LĐLĐ huyện đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tháo gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý, vận động gia đình tạo điều kiện về đất đai để NLĐ an cư lạc nghiệp. Nói về kinh nghiệm của mình, đồng chí Phùng Thị Hằng cho biết: “Với mỗi trường hợp đoàn viên khó khăn, tôi luôn quan sát, tìm hiểu nguyên nhân và suy nghĩ, trăn trở tìm ra nhiều cách giải quyết phù hợp. Công đoàn gần gũi NLĐ nhưng nếu không phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, gia đình đoàn viên thì không thể đơn phương giải quyết thấu đáo”. Đồng chí Phùng Thị Hằng (phải) và bà Lâm Thị Phương - công nhân lớn tuổi, có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: CĐ |
Đồng chí Phùng Thị Hằng đã chia sẻ, động viên các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn không chỉ bằng quà tặng mà còn dõi theo cuộc sống của họ để kịp thời hỗ trợ. |
“Những hoàn cảnh công nhân nghèo luôn khiến tôi day dứt. Mỗi trường hợp đều để lại trong tôi suy nghĩ làm sao để NLĐ vơi bớt khó nhọc, có thêm niềm vui, niềm tin vào cuộc sống” - đồng chí Phùng Thị Hằng chia sẻ. Có những đoàn viên nhờ sự giúp đỡ của công ty, công đoàn mà giảm bớt khó khăn. Song, có những trường hợp công đoàn giúp đỡ ngày cả khi họ nghỉ hưu. Như trường hợp bà Lâm Thị Phương - 65 tuổi, công nhân Công ty TNHH May Ninh Bình. Bà sống với mẹ già đã trên 90 tuổi, tham gia BHXH chưa đủ thời gian để hưởng chế độ nên được công ty tạo điều kiện làm việc để có thu nhập. Năm nào bà Phương cũng được nhận quà Tết của công đoàn và đồng chí Phùng Thị Hằng. Bà luôn xúc động, rưng rưng nước mắt, ôm chặt người cán bộ công đoàn như người thân lâu ngày gặp lại |
HÀ VY |