Là một ngôi trường nằm ở địa bàn biên giới, thuộc vùng sâu xa đầy khó khăn, Trường Tiểu học Thanh có 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đến hơn 80% gia đình thuộc hộ nghèo. Ngoài điểm chính, trường có 4 điểm lẻ, trải dài trong bán kính hơn 15 cây số với địa hình núi đồi và nhiều khe suối, cô giáo Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh đã khái quát với chúng tôi như thế. Đời sống dân cư ở đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp, cụ thể là trồng sắn và chuối. Nhiều gia đình phó mặc con cái cho nhà trường rồi cứ thế bám rẫy, bám nương. Cứ để con cái như cây trên rừng, có nắng có mưa là cứ sống và phát triển. Nên chi, công cuộc chinh phục chữ nghĩa là con đường gian nan mà ngữ nghĩa của nó ngồn ngồn hình tượng như cái dốc, con suối hằng ngày em phải vượt qua để đến trường. Em Hồ Thị Quỳnh Như - học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Thanh, gia đình ở thôn Thanh 1 nhưng đi học ở thôn A Ho. Mẹ em bị tật, bố em đi làm xa. Mỗi ngày em đi bộ hơn 2 cây số để đến trường. “Nhà em xa lắm! Qua 3 dốc và 2 khe mới đến trường”. Tính ra, cả đi và về mỗi ngày là 4 lần (học 2 buổi/ ngày), như vậy thì cung đường ngót nghét 8 cây số, quá lớn so với học sinh tiểu học. Đa số các em học sinh ở Trường Tiểu học Thanh là dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn. |
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh, ở ngôi trường này, đa phần các em đều đi bộ đến trường với cung đường như vậy. Bởi bố mẹ bận công việc nương rẫy, buôn bán nên không có điều kiện đưa đón con đi học như những nơi khác. Tôi nhìn đôi dép của em Hồ Văn Choai bị mòn dẹp và mỏng tanh bởi chân em đi qua bao nhiêu đồi, bao nhiêu dốc khi tìm kiếm cái chữ ở nơi cách nhà mình gần 4 cây số - mà nhớ bản thân mình cách đây hơn 30 năm. Tính cho 4 lần đi về là mười sáu cây số. Tôi cố ý viết thành chữ để bạn đọc hình dung cái độ dài của con đường mà hàng ngày em đang đối mặt. Tại sao không đi xe đạp nhỉ? Tôi hỏi cô Thủy. Xe đạp cũng đã tính. Xe đạp cũng phải có tiền, cô đáp. Tuy nhiên, tiền chúng tôi có thể giải quyết. Chúng tôi đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ xe đạp cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thế nhưng, không phải bạn nào đi xe đạp cũng được bởi chúng ta cũng không thể đạp xe leo con dốc cao vượt mặt, huống gì các cháu! Để giảm bớt khó khăn cho các cháu, nhà trường khuyến khích các cháu ở xa bới cơm theo ăn để ở lại trường, cuối ngày mới về nhà. Nhà trường tạo điều kiện cho các em ăn, nghỉ ngơi tại lớp. |
Mì tôm và xúc xích góp phần vào khẩu phần ăn của các cháu khi ở lại trường. |
Theo cô Nguyễn Thị Thủy, để duy trì số lượng học sinh ổn định, đảm bảo chất lượng dạy và học, nhà trường đã phổ biến các giáo viên nên tạo điều kiện cho các em ăn nghỉ. “Nếu cứ để các em cuối buổi trưa đi về nhà ăn cơm và nghỉ ngơi thì buổi chiều rất nhiều cháu vắng mặt. Bởi khi về nhà, ăn xong các cháu có thể ngủ quên. Hoặc theo bố mẹ lên nương lên rẫy để kiếm cái ăn”, cô Thủy nói. Thầy Nguyễn Tấn Hải - Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Thanh cho biết, trường có 7 tổ công đoàn với 48 đoàn viên. Thực hiện chủ trương của lãnh đạo nhà trường, đoàn viên công đoàn đã tạo mọi điều kiện để các em sinh hoạt, ăn uống cùng giáo viên. Nhà trường có 5 bếp ăn công đoàn tại các điểm trường. Những bếp ăn của giáo viên luôn “đỏ lửa” để hỗ trợ thêm cho các cháu khó khăn. Ngoài huy động nguồn lực xã hội, hàng tháng đoàn viên trích kinh phí để mua thêm thức ăn cho các cháu dùng bữa trưa. Bữa cơm sẽ có thịt bên cạnh muối, măng, cà dưa của các cháu mang theo. Hỗ trợ ăn uống, nghỉ ngơi cho các em học sinh để duy trì số lượng lên lớp. Cô Lê Thị Nga - Trưởng Ban Nữ công Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học Thanh chia sẻ, nhìn suất cơm các em mang theo, chúng tôi thương các cháu vô cùng. Những bữa ăn thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng trong khi các em tuổi ăn tuổi lớn. “Chúng tôi hỗ trợ thịt cho các cháu vào thứ 2 và thứ 4. Do điều kiện còn khó khăn nên chỉ được 2 bữa/tuần. Hôm nào có hỗ trợ thịt, các em ở lại ăn cơm đông lắm. Nhìn các cháu ăn ngon và say sưa, chúng tôi thật hạnh phúc và hi vọng sẽ có nhiều ngày có thịt/ tuần hơn”, cô Nga nói. Cô Nguyễn Thị Thủy cho biết thêm, trường hiện có hơn 50 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được nhà trường hỗ trợ 2 lần/tuần bữa cơm có thịt. Ngoài ra, mì tôm kèm xúc xích là khẩu phần ăn cho các cháu khi số lượng ở lại trưa tăng đột ngột. Đó là giải pháp để duy trì số lượng lên lớp, đồng thời cũng góp phần nâng cao dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của các cháu. Đó là những gì chúng tôi đã nỗ lực cùng các nhà hảo tâm làm được trong thời gian qua. |
Chúng tôi đã rất xúc động khi nghe lãnh đạo nhà trường cũng như giáo viên ở đây nói rằng, mỗi lần hỗ trợ thịt cho các cháu, các cháu sẽ đi học đông hơn, bới cơm để ăn và nghỉ tại lớp nhiều hơn. Có lẽ đó như một biện pháp để “câu” học sinh đến lớp hữu hiệu nhất mà nhà trường đã làm. Nhưng sao điều đó cứ chan chát và mặn đắng trong mỗi chúng tôi. Có lẽ thiếu ăn còn là vấn đề còn đeo đẳng của con em vùng núi ở xã Thanh nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung? Theo lãnh đạo nhà trường, trường hiện có hơn 550 học sinh đều là con em người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đã phần nào cản bước các em đến trường. Tuy nhiên, thấu hiểu được hoàn cảnh đó, nhà trường không đứng ngoài cuộc mà phát động mỗi đoàn viên luôn đồng hành cùng các em. Các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận quà từ các nhà hảo tâm do cán bộ, giáo viên nhà trường kêu gọi. Hằng năm, trường phải huy động từ các nguồn để hỗ trợ áo quần, giày dép, sách vở… cho các em. Trang bị tốt nhất để các em không vì nghèo, thiếu thốn mà lùi bước trên con đường tìm kiếm tri thức. Thầy Nguyễn Tấn Hải - Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Thanh kể rằng, hằng ngày lên lớp, đôi lúc giữa tiếng thao thao của thầy cô giảng bài lại cất lên tiếng của học trò: Thầy ơi bút em hết mực, cô ơi em hết phấn… Ở mỗi góc lớp có một nơi để bút và phấn để “trả lời” cho những câu trình bày ấy. “Điều đó tuy nhỏ nhặt nhưng thể hiện tình cảm và trách nhiệm của người làm giáo dục. Phải tạo ra tình yêu thương, giúp đỡ và lòng bác ái. Dù con đường đến trường có mấy gập ghềnh nhưng sự sát cánh ấy của thầy cô cũng là món quà dành cho các em để các em tiếp tục vươn lên, tìm kiếm tri thức để sau này có cơ hội thoát nghèo”, thầy Hải chia sẻ. |
Học sinh sinh hoạt, học tập dưới bóng hoa chuông vàng. |
Trò chuyện cùng thầy cô giáo ở một góc sân đầy hoa, tôi chợt nghĩ về họ - những người đã ươm mầm hạt giống tốt đẹp để chờ ngày đơm hoa. Trong câu chuyện về các loài hoa quanh trường, mới hay Trường Tiểu học Thanh là nơi khởi phát cho những con đường hoa chuông vàng ở xứ này. Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh, địa bàn xã Thanh có nhiều tháng nắng trong năm, phù hợp với các loài hoa ưa nắng. Từ những cây chuông vàng trong khuôn viên nhà trường, đoàn viên công đoàn đã ươm và chiết cành để trồng một số địa điểm công cộng làm đẹp cảnh quan môi trường. Trường đã cấp giống trồng ở khuôn viên Ủy ban Nhân dân xã Thanh; phối hợp với Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị và Đồn Biên phòng Thanh tổ chức trồng con đường hoa vào cột mốc biên giới tại cửa khẩu phụ Thanh. Mùa này đi vào cung đường Lìa ngập sắc hoa vàng. Ít ai biết rằng, những cánh hoa vàng trong nắng lung linh ấy hầu hết có nguồn gốc từ Trường Tiểu học Thanh. Giáo viên tham gia chiết cành, ươm giống hoa chuông vàng. Thầy Nguyễn Tấn Hải chia sẻ thêm, yêu hoa, yêu thiên nhiên là tình yêu cao quý mà mỗi một người luôn có sẵn, nó tiềm tàng trong bề bộn áo cơm hằng ngày. Tuy nhiên, khi có những nhân tố khởi phát, nó bùng lên để cùng xã hội làm đẹp quê hương. Xuất phát từ ý nghĩ đó, mỗi đoàn viên công đoàn nhà trường cần lan tỏa tình yêu hoa, yêu cái đẹp từ đó truyền cảm hứng cho học sinh yêu cái đẹp, khơi dậy tính nhân văn, lòng vị tha trong các cháu… Hàng trăm cây giống được các thầy cô kỳ công ươm, chiết để tạo những con đường hoa, làn tỏa tình yêu thiên nhiên đến mọi người. Ông Hồ A Cất - Chủ tịch UBND xã Thanh cho biết, những năm qua, Trường Tiểu học Thanh làm rất tốt công tác xã hội hóa trong giáo dục. Mỗi đoàn viên công đoàn là mỗi kênh kết nối để có được sự hỗ trợ, tài trợ từ các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Điều đó đã góp phần không nhỏ trong việc giảm bớt khó khăn của các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có thêm động lực để đến trường. “Chương trình bữa cơm công đoàn có thịt hỗ trợ cho các cháu ở lại trường nghỉ trưa là một việc làm ý nghĩa, giàu tính nhân văn. Bên cạnh đó, những con đường hoa chuông vàng làm đẹp quê hương cũng là việc làm rất thiết thực của nhà trường. Nó lan tỏa để giúp mọi người yêu cái đẹp, hướng đến thiện lành”, ông Hồ A Cất nói. Cô Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh dưới bóng hoa trong khuôn viên nhà trường. |
Video: một số hình ảnh về những hoạt động của Trường Tiểu học Thanh.
|
YÊN MÃ SƠN Ảnh: Y.M.S - Đ.V.C.C Đồ họa: THIÊN SƠN |