e magazine
05/07/2023 15:57
"Nghị định 05 chưa đảm bảo sự công bằng, thiếu đồng thuận"

05/07/2023 15:57

Trong cuộc trò chuyện cùng Phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn, Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam – Lê Đình Quảng nhận định, Nghị định 05 đã tạo ra nhiều sự bức xúc và rất nhiều tiếng nói, nhiều tổ chức đã đề nghị xem xét bổ sung đội ngũ dân số cùng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% như cán bộ y tế để tạo ra sự công bằng và đồng thuận.
Nghị định 05 chưa đảm bảo sự công bằng, thiếu đồng thuận

Nghị định 05 chưa đảm bảo sự công bằng, thiếu đồng thuận

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, Nghị định 05 đã tạo ra nhiều sự bức xúc, rất nhiều tiếng nói của cá nhân, tổ chức đề nghị xem xét bổ sung đội ngũ dân số cùng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% như cán bộ y tế để tạo ra sự công bằng và đồng thuận.

cán bộ dân số rất thiệt thòi!

PV: Xin chào ông! Nghị định 05 ban hành nhận được rất nhiều phản ứng của các cán bộ tham gia phòng chống dịch ngay từ những ngày đầu, trong đó phần đông là cán bộ dân số. Theo ông, đâu là những nguyên nhân khiến cho họ có phản ứng như vậy?

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam: Nghị định 05 bổ sung phụ cấp ưu đãi nghề cho một số cán bộ y tế làm ở các cơ sở có mức phụ cấp ưu đãi nghề từ mức 40 – 70% lên mức 100%. Có thể nói, Nghị định này đáp ứng được việc cải thiện, hỗ trợ thêm cho cán bộ y tế, nhất là cán bộ y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch có một khoản phụ cấp để bù đắp lại những khó khăn, vất vả họ gặp phải trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, trong đội ngũ y tế cơ sở có một số lực lượng cũng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19 ngay từ những ngày đầu. Và cả nhiệm vụ thường ngày của họ cũng gắn với y tế cơ sở thì không được hưởng, đó là đội ngũ cán bộ dân số làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Nghị định 05 chưa đảm bảo sự công bằng, thiếu đồng thuận

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: Văn Quân

Theo Nghị định 56, họ có phụ cấp ưu đãi nghề là 30%, trong khi Nghị định 05 chỉ áp dụng nâng phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ y tế đang được hưởng phụ cấp từ 40% trở lên. Điều này tạo ra sự thiệt thòi, bức xúc, cảm thấy bị phân biệt đối xử của những người trong quá trình hoạt động và đặc biệt trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19, như là cán bộ dân số đã cùng đồng hành với đội ngũ y tế cơ sở và làm rất nhiều nhiệm vụ.

Từ đó, tạo ra nhiều sự bức xúc và rất nhiều tiếng nói, rất nhiều tổ chức đề nghị xem xét đội ngũ này cùng được hưởng như các đối tượng khác để tạo ra sự công bằng và tạo ra sự đồng thuận lớn.

PV: Dưới góc nhìn của chuyên gia Luật, mong ông làm rõ hơn khái niệm “phụ cấp ưu đãi nghề”?

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam: Chúng ta phải hiểu rõ thế này: Nghị định 05 quy định phụ cấp ưu đãi nghề trong bối cảnh phòng, chống dịch. Theo quy định của pháp luật, phụ cấp là khoản tiền mà đơn vị sử dụng lao động chi trả cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để bù đắp lại những điều khoản mà trong quy định tiền lương chưa tính hết. Ví dụ như: Môi trường làm việc, điều kiện sinh hoạt - tức là những công việc có tính chất phức tạp… để người lao động có một khoản phụ cấp, hỗ trợ thêm. Bản chất đó chính là một phần của tiền lương, thu nhập.

Phụ cấp ưu đãi nghề là một phần của phụ cấp, nhưng tập trung vào các ngành nghề đặc thù mà điều kiện làm việc cao hơn, phức tạp hơn với mục đích để thu hút, giữ chân người lao động trong ngành nghề ấy. Theo đó, Nghị định 05 quy định phụ cấp ưu đãi nghề là để thu hút, giữ chân cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác trong ngành Y tế.

Nếu đúng bản chất, phụ cấp ưu đãi nghề phải có sự phân hóa, ví dụ người làm công tác trực tiếp khám, điều trị bệnh như tâm thần, xét nghiệm, HIV – AIDS… thì chắc chắn ưu đãi nghề phải cao hơn những người làm công tác y tế bình thường khác. Nhưng Nghị định 05 lại trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, cho nên vừa mang tính chất ưu đãi nghề, vừa để hỗ trợ cho cán bộ y tế… Do đó, tất cả các mức phụ cấp của những người làm công tác y tế từ 40% đến 70% theo Nghị định 56 thì đồng loạt nâng lên 100%.

Nghị định 05 chưa đảm bảo sự công bằng, thiếu đồng thuận
Cán bộ dân số tham gia chống dịch, với vai trò như cán bộ y tế cơ sở. Ảnh: Hương Giang

PV: Thế nhưng, như ông đã phân tích ở trên, Nghị định 05 đã “bỏ sót” đối tượng mà trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19 cũng làm việc như bao cán bộ y tế khác - là cán bộ dân số. Ông đánh giá như thế nào về tác động của Nghị định 05 tới đời sống, tâm tư của những cán bộ này?

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam: Đúng là Nghị định 05 đã “bỏ sót” một số đối tượng mà trong quá trình phòng, chống dịch cũng làm các công việc giống như cán bộ y tế cơ sở, điển hình là cán bộ dân số. Thậm chí, qua tìm hiểu chúng tôi thấy, cán bộ dân số mặc dù theo quy định chỉ làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhưng trong bối cảnh lực lượng công chức, viên chức y tế ở cơ sở đang còn thiếu, và đặc biệt trong chống dịch thì đội ngũ này với đội ngũ y tế chuyên môn ở cơ sở hầu như không có sự phân biệt. Cho nên, việc không đưa đội ngũ làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình được hưởng phụ cấp ưu đãi theo Nghị định 05 thì chúng tôi thấy tạo ra sự so bì, sự phân biệt, cùng làm việc như nhau, phòng, chống dịch cũng như nhau mà chỉ một số người được hưởng.

Tôi nghĩ rằng, các chính sách, nhất là chính sách về tiền lương, phụ cấp phải đảm bảo: Vừa cải thiện thu nhập cho người hưởng lương, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo sự công bằng, tạo động lực. Chứ còn nếu một chính sách mà tạo ra sự so bì, tạo ra sự bất ổn trong quan hệ lao động thì chúng ta nên xem xét tác động của nó.

làm sao để đảm bảo sự công bằng?

PV: Để đảm bảo sự công bằng trong chính sách nói chung, cần trải qua quá trình lấy ý kiến, tham mưu, đề xuất như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam: Trong xây dựng đề nghị chính sách thì bao giờ cũng xuất phát từ mấy yếu tố. Một là đáp ứng được quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, nhất là trong các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Hai là khắc phục được những bất cập, hạn chế đang tồn tại. Ví dụ: Đội ngũ viên chức, công chức y tế, nhất là y tế cơ sở vừa qua có thu nhập rất thấp, trong khi điều kiện lao động vất vả, nhất là trong công tác phòng, chống dịch. Rõ ràng việc đó chúng ta phải khắc phục. Do đó, khi làm chính sách thì chúng ta phải cân đối hài hòa giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội. Ví dụ, khi làm chính sách về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức công lập thì còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế nữa, tức là ngân sách Nhà nước, nhưng cần lưu ý đảm bảo sự công bằng, không tạo sự bất ổn.

Nghị định 05 chưa đảm bảo sự công bằng, thiếu đồng thuận
Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam – Lê Đình Quảng: "Khi làm chính sách về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức công lập thì còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế nữa, tức là ngân sách nhà nước, nhưng cần lưu ý đảm bảo sự công bằng, không tạo sự bất ổn".

PV: Vậy ông có đề xuất giải pháp gì để cán bộ dân số cũng như các cán bộ tham gia phòng chống dịch khác đỡ thiệt thòi?

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam: Cơ quan đề xuất, tham mưu Nghị định 05 là Bộ Y tế. Tôi được biết đã có nhiều Sở Y tế gửi công văn kiến nghị, đề xuất lên Bộ Y tế về những khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định 05 cũng như đề xuất bổ sung đối tượng thụ hưởng. Vì vậy, đây là những căn cứ để Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ bổ sung cho các đối tượng này được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề như các cán bộ y tế khác. Đây là việc có thể làm ngay trước mắt để giải quyết bất cập hiện tại.

Còn về lâu dài, theo tôi, Bộ Y tế nên tiến hành cải cách tiền lương theo đúng tinh thần Nghị quyết 27 của Chính phủ - trả lương theo đúng vị trí việc làm. Nghĩa là, quy định rõ chức danh, việc làm cho cán bộ dân số và cán bộ y tế ở các đơn vị y tế công lập. Vì hiện tại, theo quy định thì dân số chỉ làm các công việc liên quan dân số - kế hoạch hóa gia đình nhưng trong thực tế, do thiếu nhân lực, nên họ đang được phân công làm các công việc khác không thuộc phạm vi quy định. Chính điều đó tạo nên sự bức xúc cho họ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nghị định 05 chưa đảm bảo sự công bằng, thiếu đồng thuận
Cán bộ dân số tỉnh Quảng Trị tham gia công tác tiêm phòng Covid-19 cho người dân.

HỒNG NHUNG

Ảnh: Hoàng Quân - ĐVCC

Đồ họa: HN

Xem phiên bản di động