e magazine
16/08/2022 21:27
Nghệ An: Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

16/08/2022 21:27

Đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư khóa XI về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn" tại Nghệ An, nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và xã hội về công tác này đã được nâng cao.
Nghệ An: Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư khóa XI về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn" tại Nghệ An, nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và xã hội về công tác này đã được nâng cao. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương giáo trình đào tạo, đội ngũ nhà giáo được quan tâm tăng cường, chuẩn hóa; cơ cấu ngành, nghề, thời gian, phương pháp đào tạo cho lao động nông thôn được đổi mới, linh hoạt, cơ bản đáp ứng được thực tiễn sản xuất và yêu cầu của thị trường lao động.

Chỉ đạo thực hiện đồng bộ

Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 01/3/2013 chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, các tổ chức đã xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; từ đó chủ động ban hành Nghị quyết của cấp ủy, của HĐND, xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch của địa phương, đơn vị để triển khai tổ chức thực hiện. Tổ chức kiểm tra, đánh giá và sơ kết, tổng kết việc thực hiện.

Để thực hiện tốt Chỉ thị, công tác thông tin, tuyên truyền được tỉnh Nghệ An quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) đã tích cực thông tin, tuyên truyền, tư vấn chính sách về đào tạo nghề cho LĐNT gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, từ đó nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho LĐNT.

Nghệ An: Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn
LĐNT học nghề cơ khí tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An. Ảnh: MAi LIỄU

Thực hiện nhiệm vụ đổi mới công tác đào tạo cho LĐNT, tỉnh Nghệ An đã sắp xếp hệ thống cơ sở GDNN; kiện toàn tổ chức, nhân sự thực hiện đào tạo nghề; kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về GDNN; đổi mới chương trình đào tạo nghề cho LĐNT; xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề; đổi mới công tác tư vấn, hướng nghiệp, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề.

Đến nay, Nghệ An có 62 cơ sở GDNN (46 cơ sở công lập, 16 cơ sở ngoài công lập), gồm: 09 Trường cao đẳng, 13 Trường trung cấp, 22 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm GDNN - GDTX, 18 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, có 03 trường chất lượng cao, 16 trường được lựa chọn đầu tư ngành nghề trọng điểm, với 16 lượt nghề cấp độ quốc tế, 9 lượt nghề cấp độ Asean, 36 lượt nghề cấp độ quốc gia. Quy mô tuyển sinh, cơ cấu, ngành nghề, trình độ đào tạo cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người học, thị trường sử dụng lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế.

Nghệ An: Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Các trường đào tạo nghề ở Nghệ An được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng dạy học. Ảnh: ĐĂNG TRƯỜNG

Đạt kết quả toàn diện

Trong 10 năm, Nghệ An đã hỗ trợ đầu tư 1.358.279 triệu đồng cho xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy nghề cho LĐNT. Trong đó, ngân sác nhà nước là 1.088.299 triệu đồng, chiếm 80,12%; nguồn xã hội hoá là 269.980 triệu đồng, chiếm 19,88% để xây dựng, cải tạo, nâng cấp phòng học, nhà xưởng thực hành, thư viện, khu ký túc xá, … và mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề. Cụ thể hỗ trợ đầu tư cho 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh, với kinh phí 426.241 tỷ đồng từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu; 07 dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc tỉnh, với kinh phí 382,614 tỷ đồng.

Giai đoạn 2011 - 2022, tỉnh Nghệ An tuyển sinh đào tạo nghề cho 687.477 LĐNT, chiếm 76,18% tổng số người được đào tạo nghề của tỉnh. Trong đó, cao đẳng 34.422 người, trung cấp 67.047 người, sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng 586.008 người.

Chất lượng đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh, sinh viên đạt khá, giỏi trong các trường cao đẳng, trung cấp tăng từ 19,6% năm 2011 lên 45% năm 2022 (tăng 25,4%). Tại các kỳ thi kỹ năng nghề cấp tỉnh, quốc gia, có nhiều em đạt giải cao, được lựa chọn tham gia và đạt giải tại các kỳ thi kỹ năng nghề khu vực và thế giới, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp quốc gia. Tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp đạt 80,37%, tăng 9,55% so với năm 2011. Trong 10 năm, đã giải quyết việc làm cho 471.326 LĐNT. Mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên đạt từ 6,5 - 15 triệu đồng/tháng.

Nghệ An: Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Chương trình đào tạo nghề được đổi mới, học đi đôi với hành, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Ảnh: MỸ HÀ

LĐNT sau học nghề đã nâng cao được kiến thức, kỹ năng tay nghề để áp dụng vào thực tiễn, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Một số LĐNT sau khi học nghề đã thành lập được trang trại, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và tạo thêm được nhiều việc làm cho lao động của địa phương. Đơn cử như: mô hình trồng rau sạch, dưa lê, dưa lưới,... theo tiêu chuẩn VIETGAP; chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò quy mô công nghiệp cho thu nhập cao. Nhiều địa phương đã triển khai thí điểm các mô hình đào tạo nghề cho LĐNT có hiệu quả, như các huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Nghi Lộc, ...

Nhờ vậy, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% đầu năm 2012 và ước đạt 67,7% cuối năm 2022 (tăng 25% so với đầu năm 2012); cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp, tăng lao động ngành công nghiệp và dịch vụ; tỷ lệ hộ nghèo ước đến cuối năm 2022 giảm còn khoảng 6,5%. Đến nay toàn tỉnh có 07 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 299/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.

Chia sẻ về kinh nghiệm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở Nghệ An, đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, cần có sự lãnh đạo đồng bộ của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự tham gia thực chất, tích cực của doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội. Công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu rộng; đa dạng về nội dung, hình thức và phù hợp với từng vùng, miền, đối tượng. Công tác dạy nghề phải giải quyết được mối quan hệ hài hòa giữa số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo, phù hợp với nhu cầu của thị trường và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người học.

Dù vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế nhưng kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở Nghệ An đã khẳng định sự đồng lòng, tích cực, trách nhiệm, đổi mới, quyết tâm triển khai hiệu quả nhiệm vụ chính trị mà Chỉ thị 19 đã đặt ra.

MAI LIỄU

Xem phiên bản di động