Nghệ An huy động được 3.406,764 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo
Năm 2020, tỉnh Nghệ An đối diện với những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng nặng nề; nhiều lao động bị mất việc làm và giảm thu nhập. Do đó, đây là năm tỉnh Nghệ An vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh vừa triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội. Dù tình hình chung khó khăn nhưng tỉnh Nghệ An vẫn đảm bảo thực hiện đồng thời và tích cực công tác giảm nghèo, chăm lo cho cuộc sống cho nhân dân. |
Nhờ thực hiện tốt công tác giảm nghèo nên diện mạo khu vực nông thôn Nghệ An ngày càng khởi sắc |
Chỉ đạo, điều hành đồng bộ công tác giảm nghèo Năm 2020, tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh về tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020; Nghị quyết số 26/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và Kế hoạch đầu tư công năm 2020; UBND tỉnh ban hành 12 Quyết định, 02 Kế hoạch và nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Theo thẩm quyền, các sở, ban ngành cấp tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách giảm nghèo về bảo hiểm y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tạo việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài... Căn cứ các nội dung triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh; các huyện, thành, thị đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện; ban hành quy chế làm việc và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo. Đồng thời, xây dựng, ban hành các Nghị quyết chuyên đề; các chương trình, kế hoạch, đề án về chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương. Triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế chính sách giảm nghèo và chỉ đạo nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn. Công tác phối hợp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của các cấp ngành, cơ quan, đơn vị được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Các sở, ngành có liên quan đã bám sát vào nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao; tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh và Ban chỉ đạo các giải pháp, biện pháp thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững và các chính sách, dự án giảm nghèo khác. |
Thực hiện công tác giảm nghèo, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ người dân vay vốn phát triển đa dạng các mô hình kinh tế |
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An được thực hiện thường xuyên. Trong năm, Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 25/2016/NQ/HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài Nghị quyết 30a trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 -2020. Ban tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo cấp tỉnh đã đi kiểm tra thực tế và làm việc tại 3 huyện Quỳ Châu, Con Cuông và Tương Dương. Các sở, ngành chức năng đã chủ động kiểm tra, giám sát đối với các huyện, các xã trong quá trình thực hiện. Ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chia sẻ: ”Chương trình giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân; điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt, một số nhu cầu thiết yếu như nhà ở, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục và đào tạo, giải quyết việc làm... đã được đáp ứng giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng. Diện mạo khu vực nông thôn Nghệ An đang ngày càng khởi sắc, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên; góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Nghệ An giảm còn 3,0%”. |
Người dân vùng đồng bằng đến miền núi ngày càng mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo |
Tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo Năm 2020, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt 3.406,764 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương đầu tư theo mục tiêu chương trình giảm nghèo là 3.191,470 tỷ đồng bao gồm: Chương trình 30a, hỗ trợ đầu tư các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; Chương trình 135, hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu và các thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng miền núi; Hỗ trợ phát triển sản xuất, da dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; Truyền thông về giảm nghèo; Nâng cao năng lực; Hỗ trợ mua thẻ BHYT người nghèo, người cận nghèo; Miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo, vốn vay tín dụng ưu đãi Ngân hàng chính sách xã hội, hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý cho người nghèo. Ngân sách địa phương bố trí 109,814 tỷ đồng. Huy động các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp hỗ trợ 105,480 tỷ đồng. Kết quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung - Đầu tư tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội: Doanh số cho vay 10 tháng đầu năm đạt 2.357 tỷ đồng. Trong đó cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo 971,561 tỷ đồng, số còn lại cho vay các đối tượng chính sách ưu đãi khác. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp 52.688 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH; dư nợ bình quân của một hộ vay đạt 48 triệu đồng/hộ; có 20.671 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất; thu hút, tạo việc làm cho 2.115 lao động; hơn 4 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 170 lao động được đi xuất khẩu lao đông; 12.937 hộ gia đình tại vùng nông thôn được vay vốn, xây dựng hơn 28.975 công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; 1.550 hộ được vay vốn để làm nhà ở theo chương trình 33; 5.708 hộ gia đình vay vốn sản xuất kinh doanh. - Mua, cấp thẻ BHYT cho người nghèo, người cận nghèo: Toàn tỉnh có 204.479 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT. Trong đó, người thuộc hộ gia đình nghèo 115.624 thẻ, người thuộc hộ gia đình cận nghèo 88.855 thẻ. Tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ 164,664 tỷ đồng. - Hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo: Tiếp tục triển khai Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Năm 2020, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ cho 1.550 hộ nghèo được vay vốn, với số tiền 38,750 tỷ đồng. - Hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo: Thực hiện Quyết định 286/QĐ-TTg ngày 23/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về biểu giá bán lẻ điện, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ cho 75.789 hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, kinh phí thực hiện 50,021 tỷ đồng, trong đó số hộ nghèo được hỗ trợ là 40.041 hộ. - Hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý: Trung tâm trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp đã tổ chức 34 đợt tư vấn cho 450 đối tượng là người nghèo, người thuộc diện chính sách và những người yếu thế trong xã hội tại các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng ven biển và vùng đặc biệt khó khăn, kinh phí thực hiện 3,062 tỷ đồng. - Hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh: Cho khoảng 22.500 lượt người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí thực hiện 15 tỷ đồng. - Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm: Năm 2020, tỉnh Nghệ An đã tuyển sinh đào tạo cho 68.000 lượt người, đạt 100% kế hoạch, trong đó số người nghèo được dạy nghề là 4.300 người, số kinh phí thực hiện là 17,5 tỷ đồng. Giải quyết việc làm cho 38.098 lao động, đạt 100% kế hoạch. Xuất khẩu lao động 13.718 người, đạt 100% kế hoạch, trong đó, số lao động thuộc diện hộ nghèo đi xuất khẩu lao động là 1.075 người. |
Hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ đã tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân |
Các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững Năm 2020, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững là 483,404 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 358,139 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp 125,265 tỷ đồng. Tiến độ cấp phát vốn đến tháng 10 là 464,909 tỷ đồng, đạt 96,17% kế hoạch. Chương trình 30a Dự án Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, kế hoạch vốn là 227,136 tỷ đồng. Phân bổ đợt 1 tại Quyết định số 5299/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 của UBND tỉnh, số tiền 76,611 tỷ đồng. Trong đó các huyện 30a là 62,481 tỷ đồng, đã bố trí đầu tư xây dựng 6 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, 8 công trình tiếp tục hoàn thành và thu hồi ứng trước cho 4 công trình; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển 14,130 tỷ đồng, bố trí đầu tư xây dựng 12 công trình tại 12 xã. Số vốn phân bổ đợt 2 là 135,264 tỷ đồng. Trong đó các huyện 30a là 134,838 tỷ đồng và xã bãi ngang Diễn Trung 426 triệu đồng. Nguồn vốn sự nghiệp duy tu, bảo dưỡng các công trình trên địa bàn huyện nghèo là 9,189 tỷ đồng. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo có kinh phí thực hiện 38,730 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 4,649 tỷ đồng, số vốn đã cấp phát đạt 100% Dự án Chương trình 135: Đối với tiểu dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng do huyện, xã làm chủ đầu tư thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển, tổng kế hoạch vốn phân bổ là 131,864 tỷ đồng, trong đó bố trí trả nợ cho 621 công trình, chuyển tiếp và xây dựng mới 308 công trình giao thông nông thôn, 27 công trình thủy lợi, 7 công trình y tế, 98 công trình giáo dục, 23 công trình nước sinh hoạt, 152 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, 6 công trình điện. Tổng kế hoạch vốn phân bổ để duy tu, bảo dưỡng công trình thuộc nguồn vốn sự nghiệp là 9,741 tỷ đồng. Tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo có tổng kinh phí 37,111 tỷ đồng. Trong đó, triển khai thực hiện 14 dự án chăn nuôi bê cái lai sind, bê cái địa phương, lợn địa phương, dê địa phương và 23 mô hình gồm có 15 dự án chăn nuôi. Có 2.145 hộ dân tham gia thực hiện các dự án, trong đó hộ nghèo là 1.423 hộ, hộ cận nghèo 546 hộ, hộ mới thoát nghèo 156 hộ. Tiểu dự án Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn có tổng nguồn vốn được ngân sách trung ương giao thực hiện là 6,891 tỷ đồng. Trong năm, đã thực hiện 38 lớp tập huấn cho 2.350 học viên Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 Tổng kinh phí năm 2020 là 9,608 tỷ đồng, đã triển khai thực hiện 26 dự án, mô hình tại 26 xã, 12 huyện. Trong đó, có 17 dự án, mô hình chăn nuôi bê cái lai sind, bê cái địa phương; 2 dự án mô hình chăn nuôi bò vỗ béo; 1 mô hình chăn nuôi gà; 7 mô hình trồng bưởi da xanh và bưởi da xanh xen ổi. Có tổng số 653 hộ dân tham gia dự án, trong đó có 192 hộ nghèo, 428 hộ cận nghèo và 33 hộ mới thoát nghèo. Năm 2020, thông qua cuộc vận động ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” và Chương trình “Tết vì người nghèo”, tỉnh Nghệ An đã huy động các cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân đăng ký ủng hộ được 76,922 tỷ đồng. Các đơn vị chuyển vào tài khoản Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và đi trực tiếp ủng hộ là 73,834 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 96%. Tổng số tiền và hàng đã phân phối là 61,950 tỷ đồng cho 108.969 đối tượng, trong đó có 41.041 hộ nghèo, 34.686 hộ cận nghèo và 33.242 hộ gia đình chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội. Hỗ trợ làm mới và sửa chữa 488 nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ trên 450 hộ nghèo phương tiện sản xuất phát triển kinh tế, hỗ trợ gần 354 lượt hộ nghèo khám chữa bệnh, hỗ trợ hơn 526 học sinh nghèo đến trường và hỗ trợ đột xuất cho các hộ nghèo khó khăn khác. Trong 10 tháng đầu năm, 113 cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã ủng hộ, giúp đỡ các xã nghèo miền Tây 28,558 tỷ đồng. |
Chương trình Tết vì người nghèo có sức lan tỏa sâu rộng, đón nhận sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, ban ngành, địa phương và nhân dân |
Tổng các nguồn lực tỉnh Nghệ An dành cho công tác giảm nghèo là khá lớn, từ đó đã tạo được sự thay đổi toàn diện, mạnh mẽ diện mạo khu vực nông thôn; người dân được hỗ trợ để từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu và đưa địa phương phát triển bền vững. |
Bài: Mai Liễu |