e magazine
21/10/2020 18:50
Ngập trong khó khăn, hơn 200 công nhân còn mất việc làm vì mưa lũ

21/10/2020 18:50

Trong đợt mưa lũ vừa qua, có ít nhất hơn 200 công nhân thuộc Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế bị mất việc làm do doanh nghiệp bị ảnh hưởng liên tiếp bởi thiên tai, dịch bệnh.
Ngập trong khó khăn, hơn 200 công nhân còn mất việc làm vì mưa lũ

"Hiện nay, vẫn còn 1/8 số doanh nghiệp trong Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế có ít công nhân đến làm việc. Khó khăn lớn nhất hiện nay là phần lớn công nhân có gia cảnh thiếu thốn, sống trong những căn nhà tạm, nhà cấp 3, cấp 4. Mưa bão khiến nhà bị tốc mái. Nước dâng ngập hơn nửa nhà khiến đồ đạc bị hư hỏng nặng. Nước dâng cao nên công nhân không đi làm được để kiếm sống. Thậm chí có hơn 200 công nhân đã bị mất việc làm" - đồng chí Lê Thị Thu Nam - Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

Theo số liệu từ Tổng cục Phòng, chống thiên tai, tính đến hết sáng nay (21/10), số người chết vì mưa lũ tại miền Trung đã tăng lên 111 người, 22 người mất tích, hơn 200.000 người sơ tán.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, do hứng chịu đợt mưa rất lớn khiến nhiều vùng dân cư bị cô lập. Đợt mưa lớn kéo dài còn khiến hơn 2.000 công nhân của Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế không thể tới công ty làm việc ít nhất trong 7 - 10 ngày.

Công đoàn Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện quản lý 27 công đoàn cơ sở với 24.000 đoàn viên, người lao động. Công nhân ở nhiều nơi có điều kiện địa hình thuộc vùng trũng, vùng thấp. Mặc dù mưa ngớt, mực nước đã rút nhưng ở một số nơi công nhân sinh sống mực nước vẫn còn cao. Quá trình đi làm tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Có những nơi công nhân sinh sống bị mất điện nên công đoàn, công ty chưa liên lạc, kết nối được để nắm bắt tình hình.

Ngập trong khó khăn, hơn 200 công nhân còn mất việc làm vì mưa lũ
Công nhân Công ty TNHH Hanex Huế trở lại làm việc rất ít do tình trạng ngập sâu tại các vùng trũng, vùng thấp.
Ngập trong khó khăn, hơn 200 công nhân còn mất việc làm vì mưa lũ
Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế và Công đoàn Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh chia sẻ, động viên với gia đình nữ công nhân (sản phụ) tử vong trên đường đi sinh ngày 12/10.

Đồng chí Lê Thị Thu Nam - Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Hiện nay, vẫn còn 1/8 số doanh nghiệp trong Khu kinh tế - Công nghiệp có số lượng ít công nhân đến làm việc. Khó khăn lớn nhất hiện nay là phần lớn công nhân có hoàn cảnh nghèo khó, sống trong những căn nhà tạm, nhà cấp 3, cấp 4. Mưa bão khiến nhà bị tốc mái. Nước dâng ngập hơn nửa nhà khiến đồ đạc bị hư hỏng nặng. Nước dâng cao nên công nhân không đi làm được để kiếm sống”.

Công ty TNHH MTV Tackson là một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng may mặc, sử dụng 700 công nhân. Trong số đó 4/5 là lao động nữ. Phần lớn công nhân lao động của công ty có mức sống trung bình và nghèo. Nhiều công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Khi mưa bão ập tới, các tuyến đường đến các xã vùng trũng, vùng thấp của thị xã Hương Thủy như Thủy Thanh, Thủy Vân, Thủy Phù… bị chia cắt hoàn toàn, nước ngập sâu gần 1 m, có đoạn trên 1 m.

Ngập trong khó khăn, hơn 200 công nhân còn mất việc làm vì mưa lũ
Ngập trong khó khăn, hơn 200 công nhân còn mất việc làm vì mưa lũ
Mưa lũ khiến nhiều công nhân lao động phải đi thuyền ra đường cái để đến nơi làm việc.

Đồng chí Vũ Thị Nguyệt - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Tackson chia sẻ: “Một bộ phận công nhân bị ngập nửa nhà không có chỗ ở, không đi làm được. Công ty bắt đầu nghỉ từ thứ 4 tuần trước. Đến thứ 3 tuần này, công ty hoạt động trở lại thì chỉ có 270 công nhân đi làm lại. Còn lại vẫn phải chờ nước rút. Sang đến thứ tư có 75% công nhân đi làm trở lại. Doanh nghiệp mong ngóng công nhân từng ngày vì kế hoạch xuất hàng thường diễn ra vào thứ 3 hằng tuần. Nếu không có công nhân thì sẽ vi phạm hợp đồng đã ký”.

Tại Công ty TNHH MTV Hanex Huế (chuyên may ba lô xuất khẩu), đồng chí Đặng Thị Thanh An - Chủ tịch Công đoàn Công ty chia sẻ: “Mưa lũ còn khiến nhà công nhân ở một số vùng ngập trong nước. Một số nhà thấp ngập xấp xỉ đầu gối. Đường sá đi lại trắc trở. Các em nhỏ chưa đi học vì nguy hiểm nên một số công nhân phải ở nhà trông con. Một số lao động nữ mang thai hằng ngày phải bì bõm lội nước để ra đường cái, lên thuyền, bắt xe tới công ty làm việc. Doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do không có đủ công nhân làm việc, không kịp tiến độ giao hàng”.

Tại doanh nghiệp này, trước mưa lũ có 750 công nhân. Nhưng khi mưa lũ kéo dài nhiều ngày thì có hơn 200 người nghỉ việc và được công ty hỗ trợ 1 tháng lương. Bởi liên tiếp sau hai đợt dịch bệnh Covid-19 và mưa lũ lần này khiến đơn hàng giảm sâu, hoạt động sản xuất ngừng trệ, nên doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì lượng công nhân như cũ.

Trước khó khăn của người lao động, Công đoàn Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã kịp thời huy động tài chính công đoàn để chia sẻ, động viên cho những trường hợp công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó có trường hợp sản phụ tử vong trên đường đi sinh (là chị Hoàng Thị Phượng - công nhân Công ty Scavi Huế) được Công đoàn Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ 4 triệu đồng.

Công đoàn Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh cũng chỉ đạo các công đoàn cơ sở thông báo các trường hợp công nhân khó khăn, sinh sống ở vùng địa hình hiểm trở để công đoàn tiếp tế lương thực, thực phẩm kịp thời. Đồng thời đề nghị Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo của Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế giải ngân các suất vay vốn cho đoàn viên công đoàn có nhà bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng bão, lũ. Số tiền giúp đoàn viên sửa sang nhà cửa, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình.

Các công đoàn cơ sở cũng thường xuyên nắm bắt tình hình công nhân lao động để hỗ trợ kịp thời. Công đoàn Công ty TNHH MTV Hanex Huế rà soát, lập danh sách đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn để trợ giúp người lao động vươn lên trong cuộc sống. Trước mắt công ty vẫn tạo điều kiện cho công nhân chưa đi làm được vì mưa lũ được ở nhà để tránh nguy hiểm. Đồng thời cho những lao động nữ ở xa, vùng nước ngập được về từ 3 giờ chiều. Công đoàn cũng bàn bạc với doanh nghiệp để có mức hỗ trợ cho người lao động.


Bài: Thanh Hà
Ảnh: Thanh Hà
Đồ họa: Thanh Hà

Xem phiên bản di động