"Nền tảng của thoả ước lao động tập thể bắt đầu từ sự đối thoại"
Đối thoại giữa người sử dụng lao động và tổ chức Công đoàn, người lao động có một vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực, cùng với tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. |
Hội nghị Đối thoại về pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, cán bộ công đoàn cơ sở và người lao động trên địa bàn quận Long Biên.
Theo Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, đối thoại là sự chia sẻ thông tin, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc với tổ chức đại diện của người lao động tại nơi làm việc, nhằm tăng cường sự hợp tác, sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động, từ đó tìm ra giải pháp để hai bên cùng có lợi. Xuất phát từ thực tiễn trong thời gian vừa qua, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng lớn đối với sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng tới doanh nghiệp và bản thân người lao động, dẫn tới nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc tại cơ sở. Do đó, đặt ra một yêu cầu quan trọng, đó là người sử dụng lao động và tổ chức Công đoàn, người lao động phải thường xuyên đối thoại, cùng nhau tìm ra phương thức, xây dựng kế hoạch sản xuất trong lúc gặp khó khăn. |
Công nhân trong xưởng sản xuất của Công ty May Tinh Lợi (Hải Dương). Được biết, Công ty May Tinh Lợi thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, lắng nghe ý kiến từ công nhân. |
Ví dụ như phải sắp xếp thời gian, công việc thế nào trong tình hình đơn hàng khan hiếm; chế độ lương, thưởng cho người lao động phải ra sao để đảm bảo mà vẫn phù hợp với điều kiện tài chính thực tế của doanh nghiệp, hoặc bất cứ vấn đề nào mà cả 2 bên đều quan tâm. Tầm quan trọng của việc đối thoại càng được thể hiện rõ hơn khi Bộ luật Lao động 2019 quy định: Đối thoại tại nơi làm việc định kỳ ít nhất 01 lần/năm, khi có yêu cầu của một hoặc các bên, khi có vụ việc quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 36, các Điều 42, 44, 93, 104, 118 và Khoản 1 Điều 128 của Bộ luật này; thay vì trước kia, trong Bộ luật Lao động 2012: Đối thoại tại nơi làm việc được tiến hành định kỳ 03 tháng một lần hoặc theo yêu cầu của một bên. |
Bà Hồ Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi tập huấn về Bộ luật Lao động 2019 - Ảnh: Lục Tùng |
Bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: “Trước đây, khi Bộ luật Lao động 2019 chưa có hiệu lực thi hành, rõ ràng người ta quan tâm đến vấn đề thương lượng hơn vấn đề đối thoại. Nhưng trong quá trình thực hiện, có thể rút ra rằng các nền tảng của thoả ước lao động tập thể phải bắt đầu từ sự đối thoại, bởi đối thoại là sự chia sẻ và tìm hiểu thông tin với nhau. Do đó, Tổng LĐLĐ Việt nam và các cấp công đoàn hiện nay đã quan tâm đến vấn đề đối thoại nhiều hơn, trước khi thực hiện việc đào tạo kỹ năng về thương lượng và xây dựng thỏa ước tập thể”. |
Tập huấn kỹ năng đối thoại và thương lượng tập thể cho cán bộ công đoàn tại LĐLĐ tỉnh An Giang - Ảnh: Báo An Giang.
Để đáp ứng yêu cầu này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức rất nhiều lớp tập huấn từ các chương trình, dự án của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đặc biệt chú trọng các lớp kỹ năng, đào tạo cán bộ, giảng viên nguồn về công tác đối thoại và thương lượng tại nơi làm việc. Thông qua đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có một đội ngũ cán bộ, giảng viên hiểu biết về pháp luật nói chung và các quy định về thương lượng, đối thoại nói riêng. Số lượng giảng viên này có thể tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ công đoàn cấp huyện, cấp cơ sở… |
“Việc xây dựng đội ngũ thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức cán bộ cơ sở về kỹ năng đối thoại tại cơ sở là hết sức quan trọng. Đặc biệt, Bộ luật Lao động 2019 có điểm mới về vấn đề tiền lương, cụ thể, Nhà nước không can thiệp vào vấn đề xây dựng bảng lương tại doanh nghiệp, mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự đối thoại giữa người sử dụng lao động và công đoàn cơ sở, người lao động để xây dựng mức lương đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa và trả công xứng đáng cho người lao động” – Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết thêm. |
Ông Phạm Đình Hòa – Chủ tịch Công đoàn Công ty May Tinh Lợi. |
Về phía công đoàn cơ sở, ông Phạm Đình Hòa – Chủ tịch Công đoàn Công ty May Tinh Lợi chia sẻ: “Hiểu được tầm quan trọng của đối thoại, đáp ứng các yêu cầu của Bộ luật Lao động 2019, cũng như chỉ đạo, hướng dẫn từ Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở chúng tôi phải tập trung tổ chức nhiều hơn nữa các lớp đào tạo cho cán bộ công đoàn để nâng cao cả về kiến thức và kỹ năng đối thoại. Tổ chức Công đoàn phải vững mạnh mới có thể lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người lao động, từ đó đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, đồng thời phối hợp với chuyên môn đưa ra những chính sách và giải pháp làm lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động. Muốn vậy, không thể không có đối thoại”. |
Chúng tôi đánh giá trong thời gian vừa qua, với sự đào tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cán bộ công đoàn đã có những tư duy nhất định về việc tăng cường hơn nữa công tác đối thoại tại nơi làm việc. - Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan Hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam |
Bài: Kỳ Anh |