Để duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động, bên cạnh việc doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất lao động thì chính bản thân người lao động cũng cần nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề. Điều đó sẽ giúp người lao động tự giữ được mình ở lại doanh nghiệp!
Tại lễ ký kết Chương trình đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động tại khu vực phía Nam giữa Công đoàn Dệt May Việt Nam và Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vinatex TP.HCM, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam Lê Nho Thướng đã có những chia sẻ cụ thể về mục tiêu của chương trình với phóng viên Cuộc sống An toàn.
Thưa ông, dịch Covid-19 đã có những tác động như thế nào đến đời sống, việc làm, thu nhập của công nhân ngành dệt may?
Ông Lê Nho Thướng: Hiện nay, nguyên phụ liệu trong sản xuất của ngành phần lớn là được nhập khẩu từ các nước có nền công nghiệp dệt mạnh như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hàng hóa của Việt Nam sản xuất ra, hơn 90% là xuất khẩu vào thị trường chính là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số thị trường khác.
Do vậy, khi dịch Covid-19 xảy ra, tác động đầu tiên là nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc bị hạn chế, nhiều đơn hàng đã ký hợp đồng nhưng không có nguyên liệu để sản xuất. Sau đó, khi đại dịch Covid-19 lan rộng ở Mỹ và châu Âu thì các khách hàng ở thị trường này cũng ngừng các hợp đồng đã ký kết và nhiều hợp đồng không sản xuất nữa. Điều này khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam hết sức lúng túng trong việc tìm việc làm hoặc chuyển đổi các việc làm mới cho người lao động. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, việc làm, thu nhập của công nhân, lao động trong các doanh nghiệp dệt may.
Tình thế đó đã đó đặt ra thách thức như thế nào đối với lãnh đạo Tập đoàn, Công đoàn Dệt May Việt Nam và các bên đã làm gì để cải thiện đời sống, việc làm, thu nhập cho người lao động?
Ông Lê Nho Thướng: Trước tình hình đó, lãnh đạo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trong Tập đoàn, cũng như hệ thống Công đoàn Dệt May tập trung vào chuyển đổi các mặt hàng để sản xuất nhằm đáp ứng kịp thời cho nhu cầu phòng dịch và chống dịch như khẩu trang kháng khuẩn, đồ bảo hộ lao động; chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành tập trung sản xuất các nguyên liệu để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn cũng như bảo hộ lao động phục vụ cho y tế và khẩu trang y tế.
Chỉ đạo các doanh nghiệp trong tập đoàn và trong hệ thống công đoàn đổi mới sản xuất từ các mặt hàng thời trang sang sản xuất khẩu trang phòng chống dịch. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng chủ động làm việc với các thị trường như Mỹ, EU để có thị trường xuất khẩu khẩu trang, hàng bảo hộ y tế vào các nước đang có dịch Covid-19. Đến nay, một số doanh nghiệp trong Tập đoàn vẫn còn có những đơn hàng khẩu trang kháng khuẩn, y tế, bảo hộ sản xuất… xuất khẩu cho các nước mà dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam Lê Nho Thướng trong một chuyến công tác tại xí nghiệp may thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam ở Bạc Liêu. |
Tuy nhiên, đó cũng là các giải pháp mang tính ứng phó trong giai đoạn diễn ra Covid-19. Hiện nay, Công đoàn Dệt May Việt Nam đang đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động trong ngành, vậy chuyển đổi, nâng cao tay nghề có phải là hướng đi lâu dài, bền vững không, thưa ông?
Ông Lê Nho Thướng: Đầu tiên phải khẳng định việc chuyển đổi, nâng cao tay nghề là một trong những nhu cầu tất yếu, thường xuyên của người lao động, đặc biệt là người lao động ngành dệt may.
Sản phẩm dệt may là sản phẩm mang tính chất thời trang cho nên việc thích ứng với sự thay đổi của thời trang, mẫu mã sản phẩm, các chủng loại sản phẩm là yêu cầu tất yếu của người lao động dệt may. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tác động hết sức mạnh mẽ đến lực lượng lao động và cơ cấu việc làm cũng như cách vận hành sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành dệt may. Điều đó đòi hỏi người lao động phải có những sự thay đổi, thích ứng khi có những trang thiết bị mới có hàm lượng công nghệ cao được đưa vào trong sản xuất của các doanh nghiệp dệt may.
Từ những lý do đó, việc chuyển đổi, nâng cao tay nghề cho người lao động là một nhu cầu tất yếu mà các doanh nghiệp phải làm và bản thân người lao động cũng phải xác định đây là việc làm hết sức thường xuyên, nghiêm túc. Có như vậy, người lao động mới tự giữ được mình trong doanh nghiệp. Đây cũng là một hướng đi lâu dài, bền vững, người lao động cũng phải coi việc học tập là suốt đời.
Thưa ông, Chương trình phối hợp đào tạo nghề giữa Công đoàn Dệt May Việt Nam và các đơn vị có gì đặc biệt để đáp ứng nhu cầu, tình hình mới?
Ông Lê Nho Thướng: Trước mắt, đây là một chương trình đào tạo và hỗ trợ của Công đoàn Dệt May Việt Nam với mong muốn là chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp không chỉ giảm doanh thu, giảm lợi nhuận mà việc sắp xếp lao động tại các doanh nghiệp hiện nay cũng đang rất khó khăn do trình độ tay nghề của người lao động còn hạn chế. Doanh nghiệp một bên vẫn phải đảm bảo đủ đơn hàng và tìm kiếm những đơn hàng mới, một bên vẫn phải đảm bảo duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động. Bởi vậy, nếu người lao động muốn giữ lại việc làm, họ phải tiếp tục học tập, trau dồi bản thân. Các chương trình đào tạo của Công đoàn Dệt May Việt Nam sẽ phần nào hỗ trợ cho doanh nghiệp về đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nghề, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng được yêu cầu vị trí, việc làm trong giai đoạn mới.
Nội dung đào tạo của Chương trình dựa trên cơ sở khảo sát về phương hướng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như nhu cầu được bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tay nghề trong đội ngũ công nhân lao động, từ đó sẽ đề xuất triển khai các khóa đào tạo phù hợp. Về lâu dài thì Công đoàn Dệt May Việt Nam sẽ hỗ trợ nhà trường trong công tác truyền thông, thông tin tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên khi ra trường để có việc làm và những cơ hội làm việc tốt cũng như giúp doanh nghiệp có được lực lượng lao động có chất lượng đáp ứng được yêu cầu mới.
Trước mắt, từ đây đến hết năm 2020, Công đoàn Dệt May Việt Nam sẽ phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tổ chức 20 lớp đào tạo cho khoảng 1.000 công nhân lao động ở các đơn vị phía Bắc, đồng thời phối hợp với trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vinatex TP.HCM tổ chức 20 lớp cho 1.000 công nhân viên chức lao động ở phía Nam. Nội dung đào tạo sẽ tập trung vào các kiến thức, kỹ năng mà chúng tôi muốn trang bị cho người lao động tại các doanh nghiệp theo từng lĩnh vực ngành nghề, trình độ lao động cũng như những đòi hỏi trong thời gian tới của các doanh nghiệp.
Ở miền Bắc, chương trình tập trung vào các chuyên đề, kỹ thuật, giải chuyền may cho đối tượng là công nhân kỹ thuật cho các nhà máy. Mục tiêu là cung cấp kiến thức về quản lý may mẫu, giải chuyền, kỹ năng quản lý vật tư trên chuyền, quản lý bán thành phẩm trên chuyền và xử lý phát sinh trên chuyền trong các dây chuyền may công nghiệp.
Đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở trong chuyền chưa được trang bị kiến thức, kinh nghiệm về quản lý chuyền sản xuất, cán bộ là tổ trưởng sản xuất có thể tham gia chuyên đề kỹ năng mềm. Chuyên đề quản lý tổ sản xuất ngành may dành cho các cán bộ kỹ thuật có kiến thức, có kinh nghiệm trong quản lý và công nhân có tay nghề cao đang được bồi dưỡng để trở thành cán bộ quản lý tổ sản xuất.
Tại miền Nam, chúng tôi sẽ thực hiện 6 chuyên đề gồm các chuyên đề về kiểm tra chất lượng sản phẩm, về kỹ năng kỹ thuật giải chuyền, kỹ năng kỹ thuật quản lý chất lượng sản phẩm, về công tác quản lý tổ sản xuất, chuyền sản xuất may về quản lý sản xuất ngành may theo hướng tinh gọn, về sửa chữa máy móc thiết bị.
Việc chuyển đổi, nâng cao tay nghề cho người lao động là một nhu cầu tất yếu mà các doanh nghiệp phải làm và bản thân người lao động cũng phải xác định đây là việc làm hết sức thường xuyên, nghiêm túc. Có như vậy, người lao động mới tự giữ được mình trong doanh nghiệp!
Tới đây, chúng tôi sẽ có nhiều chương trình đào tạo phù hợp dành cho các đơn vị có nhu cầu đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề, đào tạo sử dụng công nghệ thông minh cho người lao động; giúp người lao động nâng cao khả năng thích ứng và có thể sử dụng đươc nhiều loại máy móc thiết bị có thể làm được nhiều công đoạn và có thể chuyển đổi được nhiều mặt hàng khác nhau. Việc này hướng đến mục tiêu không có công nhân lao động nào bị bỏ lại phía sau khi phát triển doanh nghiệp.
Như vậy, từ đây đến cuối năm, Công đoàn Dệt May Việt Nam sẽ đào tạo chuyển đổi nghề, nâng cao tay nghề cho trên 2.000 lao động ở các doanh nghiệp. Trước mắt là giúp cho người lao động yên tâm khi chuyển đổi nghề, sau đó là có những kỹ năng mới góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập. Điều quan trọng nhất là chương trình đào tạo sẽ hướng đến tiêu chí phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp có sự phát triển một cách ổn định và bền vững trong tương lai.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Bài & ảnh: Lê Tuyết
Đồ họa: Ngô Thụy