Công đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Cổ phần May Việt Thắng (Công ty Việt Thắng, địa chỉ tại 127 Lê Văn Chí, phường Linh Trung, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), khai giảng lớp học “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động năm 2020” vào chiều tối ngày 28/9. Các học viên tham gia lớp học hầu hết là công nhân đang làm việc tại Công ty Việt Thắng, Công ty Phong Phú và một số công ty khác trên địa bàn.
***
Theo đó, người lao động đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tay nghề… sẽ được Công đoàn Dệt may Việt Nam chi trả toàn bộ kinh phí học tập. Cả khoá học có khoảng 1.200 người lao động ngành Dệt may.
Ông Trần Tiến Cử - Phó Ban Tuyên giáo Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, lớp học “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động năm 2020” có khoảng 50 tiết được chia ra các buổi học. Người lao động sẽ được bồi dưỡng thêm về kiến thức, kỹ năng phục vụ cho công việc và phát triển bản thân trong tương lai. Đây là lớp học đầu tiên trong khoảng 20 lớp học được tổ chức tại khu vực phía Nam.
Tham dự lớp học buổi đầu tiên tại Công ty Việt Thắng có trên 70 người lao động là nhân viên kỹ thuật chuyền tại nhà máy, công nhân có kỹ năng nghề cao, tổ trưởng, tổ phó, cán bộ kỹ thuật. Ngay cả một số công nhân có tay nghề nhưng chưa có kiến thức kỹ năng quản lý, công nhân có khả năng quản lý… cũng được bồi dưỡng tham gia lớp học.
Giảng viên tại các lớp học này đến từ Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vinatex. Họ sẽ được trang bị kiến thức cơ bản về quản lý may mẫu, rải chuyền, quản lý vật tư trên chuyền. Ngay cả việc xử lý phát sinh tại dây chuyền trong doanh nghiệp may công nghiệp, các kỹ năng mềm cơ bản hỗ trợ nghiệp vụ quản lý, điều hành tổ sản xuất ngành may… cũng được hướng dẫn cụ thể trong khóa học.
17 giờ, học viên là công nhân lao động, tổ trưởng, tổ phó… vừa tan ca, họ chưa kịp ăn chiều. Mỗi người cầm vội ổ bánh mì rồi chạy vào lớp học cho kịp giờ. Trên khuôn mặt họ là nụ cười rạng rỡ. Nhiều người chia sẻ rằng, họ hồi hộp như quay lại khoảng thời gian lần đầu tiên vào lớp 1 vậy.
Chị Lê Mộng Nghi (công nhân đang làm việc tại Công ty Việt Thắng) cho biết, chị được chọn cử đi học lớp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Khi được chọn đi học, chị bất ngờ lắm vì đây là lần đầu được cử đi học. Đến bây giờ chị vẫn chưa hết ngạc nhiên, không tin được là bản thân mình đã nhiều tuổi mà vẫn được đi học. Chị Nghi mong muốn sẽ tận dụng những kiến thức học được tại đây để áp dụng vào sản xuất, áp dụng kỹ thuật may để cho ra đời những sản phẩm với đường may chuyên nghiệp, đẹp mắt.
“Tôi được đi học, đồng nghĩa việc nhà phải sắp xếp lại. Thường ngày đi làm về là tôi đón con. Nhưng bây giờ đi học rồi, tôi đành nhờ chị em cùng xóm trọ đón hộ hoặc nhắn chồng về sớm đón con. Việc cơm nước buổi tối cũng vậy, hai vợ chồng tôi đã trao đổi với nhau rồi”, chị Nghi bộc bạch.
Công nhân lao động trong buổi học đầu tiên. Ảnh: N. Nga |
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thùy, quê Khánh Hòa, đã có kinh nghiệm 4 năm làm việc tại Công ty Việt Thắng, hiện đang làm tại bộ phận Lean chia sẻ: “Năm nay tôi 26 tuổi, vừa tốt nghiệp cao đẳng là nộp đơn vào đây làm việc. Qua nhiều năm rèn nghề đến bây giờ lại được đi học nâng cao trình độ, tay nghề, tôi vui lắm. Tôi mong muốn rằng những kiến thức mà tôi nhận được từ khóa học sẽ giúp ích cho công việc của tôi thật nhiều”.
Việc học nghề của người lao động rất quan trọng ngay cả khi họ đã có công việc ổn định, thành thạo tay nghề. Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 luôn luôn đòi hỏi tư duy về công nghệ và thành thạo kỹ thuật. Cho nên, việc đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt trong ngành Dệt may là rất cần thiết.
Đoàn viên, công nhân lao động tham gia khai giảng lớp học. Ảnh N.Nga
Bài viết: Nguyễn Nga
Đồ họa: Russia