Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: THC |
Chiều ngày 19/6, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, Trung tâm Sản xuất các chương trình Giáo dục (VTV7) tổ chức chương trình “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo” và khởi động chương trình “Hiệu trưởng gieo mầm hạnh phúc”. |
Chương trình được kết nối đến 4 điểm cầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố gồm: Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Long. Chương trình được phát livestream trên fanpage VTV7 và fanpage Công đoàn Giáo dục Việt Nam với hàng chục nghìn người tiếp cận, chia sẻ, bình luận.
Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; TS. Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; 50 cán bộ đại diện Công đoàn ngành Giáo dục một số tỉnh, thành phố; lãnh đạo và cán bộ Công đoàn một số đơn vị trực thuộc; lãnh đạo các Ban của Công đoàn Giáo dục Việt Nam; một số hiệu trưởng và thầy cô giáo của các trường mầm non, phổ thông, đại học, cao đẳng sư phạm trên địa bàn TP Hà Nội.
Ngày 22/4/2019, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phát động triển khai “Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới” (được gọi tắt là Kế hoạch 103). Kế hoạch 103 nhằm ứng phó với những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong các trường học, lý do liên quan đến năng lực nghề nghiệp, năng lực ứng xử sư phạm của đội ngũ nhà giáo, người lao động (NLĐ).
Nhận thấy đây là một vấn đề quan trọng của các thầy cô giáo trong môi trường sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng VTV7 đã phối hợp tổ chức Lễ Phát động và triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc”. Mục đích là hỗ trợ, tăng cường nhận thức và năng lực nghề nghiệp cho nhà giáo, NLĐ ở các trường học, góp phần giảm thiểu, tiến tới chấm dứt hiện tượng nhà giáo trong ngành Giáo dục có những hành vi ứng xử không phù hợp, vi phạm đạo đức nhà giáo.
đích đến là thầy cô an toàn, hạnh phúc, sáng tạo
Ngay sau khi phát động, với sự nỗ lực của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các giải pháp hỗ trợ giáo viên được triển khai, truyền thông đến tận các trường học. Tất cả đã có tác động mạnh tới cách nghĩ, cách làm, thay đổi cơ bản tư duy về nghề nghiệp, những kỹ năng dạy học trước những áp lực đến từ những yêu cầu của chuyên môn, kì vọng của phụ huynh, từ chính học sinh, sinh viên - đối tượng giáo dục đang chịu sự tác động không nhỏ của xã hội hiện nay.
Trong khuôn khổ của Chương trình, Ban tổ chức muốn truyền tải thông tin về một số kết quả nổi bật trong việc triển khai Kế hoạch 103, những bài học kinh nghiệm và định hướng, giải pháp triển khai trong thời gian tới.
Đồng chí Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Chương trình. Ảnh: THC |
Phát biểu tại Chương trình, đồng chí Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá: "Năm 2019, đứng trước tình hình thực tiễn với những yêu cầu mới và đòi hỏi về kỹ năng của nhà giáo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã ban hành Kế hoạch 103 với những giải pháp triển khai nhằm “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, NLĐ”. Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các đại học, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai, tổ chức thực hiện. Trong đó điểm nhấn là xây dựng các “Trường học jạnh phúc” - bắt đầu từ sự thay đổi của mỗi cán bộ quản lý, mỗi nhà giáo, NLĐ trong các nhà trường.
Chương trình nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả. Ảnh: CĐ |
Đây là các giải pháp quan trọng và cần thiết nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của đội ngũ nhà giáo, NLĐ, hướng tới sự chuẩn mực và ngăn ngừa, hạn chế, tiến tới chấm dứt các hiện tượng vi phạm các quy chế, quy định về đạo đức nhà giáo. Đồng thời góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện trong bối cảnh các trường học, học sinh, sinh viên đang bị tác động rất nhiều chiều hiện nay".
Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, công tác tại đảo Song Tử Tây, Quần đảo Trường Sa (bên phải) chia sẻ về ý nghĩa của việc tham gia chương trình "Trường học hạnh phúc". Ảnh: THC |
hỗ trợ nhà giáo giải quyết các tình huống sư phạm ngày càng khó
TS. Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: “Để triển khai chương trình, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm cách thức giúp nhà giáo nâng cao năng lực ứng xử để giải quyết các tình huống sư phạm ngày càng khó.
Trước đó, một số địa phương đã triển khai mô hình này nhưng ở dạng thức khác, cách tiếp cận khác nhau. Chúng tôi xác định “thầy cô phải thay đổi để trường học hạnh phúc”. Chúng tôi đã lấy ý kiến chuyên gia để xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” phù hợp với đặc thù và điều kiện của Việt Nam.
Chương trình thu hút sự quan tâm của rất nhiều cán bộ quản lý, cán bộ Công đoàn và thầy cô giáo. Ảnh: CĐ |
Điều may mắn là cán bộ quản lý có nhu cầu tìm hiểu cách vận hành “Trường học hạnh phúc” cho đơn vị mình. Các thầy cô mong muốn nâng cao năng lực, tự tin để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hiện nay".
PGS. TS Trần Lệ Thu - Giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà nội cho biết: "Giải pháp đối với giáo viên rất đơn giản. Đầu tiên là giáo viên hiểu và tin tưởng vào Chương trình. “Trường học hạnh phúc” là nơi giáo viên, học sinh, phụ huynh cảm thấy mình được tôn trọng, thấu hiểu. Giáo viên cảm nhận được sự an toàn, được sáng tạo… Chương trình được xây dựng ở cả nơi có điều kiện, cơ sở vật chất hiện đại lẫn những nơi còn thiếu thốn. Chương trình góp phần xây dựng quan hệ giữa các đồng nghiệp với nhau, thầy giáo với phụ huynh, thầy giáo với học sinh. Thầy cô biết cách xây dựng trường học an toàn cả về thể chất lẫn tâm lý. Thầy cô liên tục học hỏi, cập nhật, bền bỉ xây dựng “Trường học hạnh phúc” qua từng năm học".
Một thầy giáo ở tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: “Năm 2019, chúng tôi đang loay hoay tìm giải pháp giảm tải áp lực cho đội ngũ thầy cô giáo trong nhà trường. Từ khi áp dụng “Trường học hạnh phúc”, sự chuyển đổi rất diệu kì. Thầy cô, học sinh được đến trường với tâm lý “mỗi ngày đến trường là một ngày vui và hiệu quả”. Mỗi thầy cô được an toàn, thấu hiểu, sáng tạo, từ đó nâng cao năng suất lao động”.
“Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tham gia chỉ đạo, hướng dẫn các trường áp dụng, triển khai một cách gần gũi nhất. Theo nghiên cứu của chúng tôi, Hiệu trưởng mong muốn giáo viên hạnh phúc, nhà trường hạnh phúc thì Hiệu trưởng phải có tâm, có tầm. Hiệu trưởng mong muốn làm giáo viên phấn chấn, muốn đến trường, cống hiến, hạnh phúc, sáng tạo".
Trong khuôn khổ Chương trình, TS. Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã khởi động chương trình “Hiệu trưởng gieo mầm hạnh phúc”.
Đích đến của Chương trình là các thầy cô giáo cảm thấy hạnh phúc, an toàn, muốn sáng tạo, cống hiến. Ảnh: CĐ
Thực hiện: THU CHINH |