Mùa hè khó quên

Mùa hè khó quên

Mùa hè khó quên

Dưới trời nắng chói chang, đoàn viên, CBNGNLĐ ở Lâm Đồng vẫn thu gom rau hỗ trợ Nhân dân vùng dịch Covid -19. Ảnh: NGÔ SƠN.

Theo lẽ thường, cuối tháng 5, khi những chùm phượng đỏ rợp trời, ve râm ran kêu trên sân trường rực nắng là lúc thầy trò các trường học cũng bịn rịn chia tay nhau trong buổi lễ tổng kết đầy cảm xúc. Hè về cũng là lúc CBNGNLĐ tạm gác công việc ở trường để hiện thực những dự định cho bản thân và gia đình: đó là những chuyến du lịch; là những chuyến về thăm bố mẹ nội, ngoại; là những trại hè, khoá học rèn luyện kĩ năng sống cho các con; là những dự định phát triển kinh tế gia đình…

Nhưng mùa hè năm 2021 là một “mùa hè đặc biệt”, đội ngũ CBNGNLĐ không chỉ tạm gác việc trường, mà phải tạm gác những mỗi niềm riêng tư để hướng về những đoàn viên, NLĐ ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, chung sức cùng Nhân dân cả nước vượt qua đại dịch Covid – 19. Đó là một mùa hè của sự sẻ chia, đồng cảm và đầy tính nhân văn.

Khi ấy, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng đã xuất hiện những ca dương tính với Covid – 19, nhiều biện pháp phòng, chống dịch đã được áp dụng, việc tiếp xúc đông người và di chuyển giữa các vùng cũng được kiểm soát nghiêm ngặt hơn, nhất là đối với những người từ vùng có dịch trở về như các lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa. Thế nhưng, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng cũng phát động đợt quyên góp để hỗ trợ đoàn viên, NLĐ các tỉnh phía Nam với khẩu hiệu “đoàn kết, tương thân tương ái, giúp nhau vượt qua khó khăn”.

Chúng tôi không bao giờ quên chiến dịch cao điểm ấy, chỉ trong vòng 24 giờ vận động “thần tốc”, đúng theo dự kiến của LĐLĐ tỉnh, 17 giờ ngày 18/6/2021, bốn chiếc xe tải trọng 15 tấn/xe đầy ắp hàng nông sản và nhu yếu phẩm đã xuất phát đi TP.HCM và các tỉnh phía Nam, mang theo cả những giọt mồ hôi của cán bộ công đoàn, tấm lòng yêu thương, san sẻ của đoàn viên, NLĐ và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Tiên phong trong số đó, đội ngũ CBNGNLĐ trong tỉnh không quản nắng hay mưa, sớm hay tối, xắn quần, lội ruộng vườn, cầm dao, xách túi, tìm kiếm, thu gom, bốc xếp, vận chuyển rau, củ, quả để vun đầy những “Chuyến xe yêu thương”. Chỉ trong 15 ngày, đã có 7 “Chuyến xe yêu thương” (với hơn 120 tấn rau, củ, quả) mang nặng tấm lòng của đội ngũ CBNGNLĐ Lâm Đồng “lên đường” hướng về các tỉnh thành phía Nam – nơi đang chịu sự khốc liệt của dịch bệnh Covid -19. Đó là: Bình Dương (02 chuyến), Đồng Nai, Vũng Tàu (01 chuyến), Tiền Giang (01 chuyến), TP.HCM (3 chuyến).

Mùa hè khó quên

"Chuyến xe yêu thương” chở nông sản do đoàn viên, CBNGNLĐ Lâm Đồng thu gom hỗ trợ Nhân dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Ảnh: NGÔ SƠN

Nếu chưa trải qua thời điểm ấy, chắc sẽ không thể hình dung được cái khó khăn khi lao động trong điều kiện phải tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: khẩu trang, kính chống giọt bắn, khoảng cách, bao tay và quần áo nilon… Không thể thấu hiểu những khó khăn trong sinh hoạt của Nhân dân ở những vùng phải áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ, không có việc làm, không thu nhập, thiếu lương thực, thực phẩm và đặc biệt là các loại rau, củ, quả. Càng không thể hiểu được những từ ngữ trở nên quen thuộc và cũng trở thành “nỗi ám ảnh” của không ít người: “truy vết”, “khoanh vùng”, “dập dịch”, “cách ly” và cả những tiếng “hú còi ưu tiên” của xe cứu thương khi vận chuyển F0, F1…

Thế nhưng, không khó khăn, hiểm nguy nào có thể khuất phục tinh thần đoàn kết, chia sẻ của những cán bộ, đoàn viên, Nhân dân nói chung và đội ngũ CBNGNLĐ nói riêng, nghĩa cử, tình cảm và cả những hình ảnh đẹp của họ vẫn cứ đong đầy trong mỗi “Chuyến xe yêu thương”.

Mùa hè khó quên

Tôi nhớ như in, với vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, cô giáo Trần Thị Hường - Chủ tịch Công đoàn Trường Mẫu giáo Định An (huyện Đức Trọng) thoăn thoắt chuyển những thùng nông sản từ sân trường lên chiếc xe tải của gia đình để anh Phước - chồng cô chở đi tập kết tại LĐLĐ huyện. Chạy đua với thời gian, vừa bốc xếp hàng lên xe, cô Hường vừa nhắc nhở các chị em trong trường nhanh tay nhưng vẫn phải đảm bảo rau, củ, quả được sạch sẽ, nguyên vẹn và an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Chiều hôm qua, nhận được thông báo của LĐLĐ huyện là em chia sẻ qua Zalo ngay cho chị em trong trường và thống nhất là sáng nay mới thu hoạch để rau quả được tươi ngon. Tất cả các loại rau quả ở đây đều là của nhà các cô trồng hết, nhà này thì bắp cải, dưa leo, nhà kia thì cà chua, bí đỏ, hay su su, cà tím, khoai tây… toàn là hàng sạch” – cô giáo Hường vui vẻ giới thiệu với chúng tôi.

Ngồi cạnh đó, vừa nâng niu bó ngọn su su mới hái, cẩn thận thấm những giọt sương mai còn đọng trên lá trước khi đóng gói, cô giáo Liêng Hót Brich vừa bộc bạch với chúng tôi: “Mấy ngày rồi, thấy tình hình dịch bệnh ở TP.HCM tăng thêm, mình thấy lo lắng và thương cho anh chị em đoàn viên, NLĐ ở đó quá mà cũng chẳng biết phải làm gì. Nhắn tin ủng hộ chương trình vaccine cho công nhân hay đóng góp ủng hộ phòng, chống Covid – 19 thì cũng tham gia rồi. Nay Công đoàn vận động ủng hộ nông sản là tham gia ngay, vườn su su của nhà trồng còn vài ngày nữa mới đúng lứa nhưng sáng nay, mình thu hoạch trước để kịp chuyến xe chở đi, như vậy ăn càng ngon hơn”.

Mùa hè khó quên

Nghĩa cử, tình cảm và cả những hình ảnh đẹp của đoàn viên, CBNGNLĐ đong đầy trong mỗi “Chuyến xe yêu thương”. Ảnh: NGÔ SƠN

Từ sự tích cực kêu gọi, các trường học đã kết nối được "ba nhà" (nhà vườn - nhà giáo - nhà dân) cùng hỗ trợ cho Nhân dân vùng dịch các tỉnh phía Nam. Cứ như thế, thu gom hết vườn này đến vườn khác, hết phường này đến xã kia, từ huyện này đến huyện khác, hết ngày nay sang ngày mai.

Tại Trường THPT Đức Trọng - điểm tập kết rau, củ, quả từ các trường trên địa bàn các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông thì nhộn nhịp hơn bao giờ hết: “Đã nhận được hàng của Thăng Long rồi nha”; “Đơn Dương hàng đang qua. Nhờ cô cho người đưa hàng xuống giúp ạ”; “Cô Đào ơi, Hàng Pró qua gần tới. Nhờ quý thầy cô xuống xe giúp”; “Nguyễn Bỉnh Khiêm đang trên đường đến, 4 tấn thôi!”; “Nguyễn Chí Thanh đã thu hoạch bí đỏ, khoảng 1 tấn, 4 giờ sáng chuyển đến điểm tập kết ạ!”… Tin nhắn liên tục gửi về, làm ấm lòng những người đang tham gia hỗ trợ và tiếp nhận.

"Hưởng ứng lời kêu gọi của Công đoàn trường, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã vào cuộc. Khi nhận được thông tin có hộ nông dân cho rau, củ, quả là chúng tôi có mặt ngay. Dù cách xa trường gần 20km, thời tiết mưa, nắng thất thường nhưng các thầy, cô giáo luôn nhiệt tình, hăng hái, “tất cả hướng về người dân vùng dịch”. Những ngày đầu còn lóng ngóng, vụng về khi tự mình xuống vườn cắt rau, đóng gói, sau đó các thầy, cô giáo đã thành thạo như những người nông dân chính hiệu" - Cô giáo Nguyễn Thị Lan Uyên - Chủ tịch CĐCS Trường THPT Đơn Dương kể lạị.

Cứ như thế, những con đường trơn trượt, những cơn mưa phùn, hay cái nắng gắt sau mưa khiến mồ hôi ướt đẫm trong bộ quần áo chống dịch không làm cho các thầy, cô đuối sức mà trong hoàn cảnh như thế họ càng quyết tâm làm bằng được những việc thôi thúc từ tấm lòng, trái tim. Không chỉ có bản thân mình, họ huy động cả gia đình cùng tham gia, làm sao để những bó rau, bó sả, những quả chanh, quả cà, su su, bí đỏ… ở mỗi gia đình sớm đến được với đoàn viên, NLĐ và Nhân dân vùng dịch.

Cũng không biết từ khi nào, những thầy, cô giáo đã trở thành những người nông dân “chuyên nghiệp”, chân lấm tay bùn, miệt mài hái, cắt, thu gom nông sản, đóng gói cẩn thận cùng tấm lòng yêu thương hướng về người dân vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh… Hoạt động ý nghĩa này không chỉ gửi nguồn thực phẩm san sẻ một phần khó khăn do dịch bệnh gây ra, mà còn mang theo tình cảm, nghĩa cử cao đẹp của đoàn viên, NLĐ và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng sẻ chia và tiếp sức cho người dân vùng dịch.

Thầy giáo Nguyễn Luân - Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Bùi Thị Xuân nhớ lại: “Công đoàn đã rất kịp thời, theo sát tình hình diễn biến đại dịch Covid-19; tích cực chủ động trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo thông điệp 5K; bằng các hoạt động cụ thể, CBNGNLĐ đã tích cực thể hiện sự chia sẻ cùng Nhân dân địa phương và các tỉnh bạn. Hoạt động của Công đoàn đã để lại dấu ấn sâu đậm trong đội ngũ CBNGNLĐ và xã hội".

Mùa hè khó quên

“Mùa hè đặc biệt” cũng đã qua đi nhưng dấu ấn còn mãi đó là sự sẻ chia của những đoàn viên, NLĐ và tổ chức Công đoàn Lâm Đồng. Ảnh: NGÔ SƠN

Thời điểm đó, tại Lâm Đồng, dù nhiều nơi phải cách ly, phong tỏa nhưng đoàn viên, CBNGNLĐ vẫn nêu cao tinh thần “tương thân, tương ái”, “nơi thuận lợi giúp nơi khó khăn”. Bởi họ luôn có niềm tin mãnh liệt ở tình đoàn viên, ở tổ chức Công đoàn Việt Nam, rằng ở nơi xa ấy, giữa tâm dịch, những đoàn viên, CBNGNLĐ như họ cũng đang "gồng mình" chống dịch và quên mình trong dịch bệnh để tiếp nhận, phân phối từng bó rau, gói mì, quả trứng… tiếp tế đến đoàn viên, NLĐ và Nhân dân, cùng nhau quyết tâm vượt qua đại dịch.

Giờ đây, dịch bệnh Covid – 19 đã được khống chế nhưng điều còn đọng mãi trong chúng tôi đó là, sẽ không thể vượt qua đại dịch nếu lòng người hờ hững, đứng ngoài cuộc. Trong gian lao, lòng người càng xích lại, hun đúc thành sức mạnh đoàn kết, chia sẻ, đùm bọc khi đồng bào gặp khó khăn. “Mùa hè đặc biệt” đã minh chứng và lưu giữ niềm tin mãnh liệt, rằng yêu thương còn mãi.

ĐỖ THIỆM - NGÔ SƠN

Đồ hoạ: AN NHIÊN

Mùa hè khó quên