e magazine
10/09/2022 18:14
Một thoáng Trung thu phương Nam

10/09/2022 18:14

Cứ đến Tết Trung thu, phố lồng đèn Lương Nhữ Học (TP. Hồ chí Minh) - nơi bày bán lồng đèn lớn nhất phương Nam lại trở nên vô cùng nhộn nhịp.
Một thoáng Trung thu phương Nam

Cứ đến Tết Trung thu, phố lồng đèn Lương Nhữ Học (TP. Hồ chí Minh) - nơi bày bán lồng đèn lớn nhất phương Nam lại trở nên vô cùng nhộn nhịp.

Một thoáng Trung thu phương NamNhà thơ Tản Đà cảm tác với Trung thu qua các câu thơ:

Có bầu có bạn can chi tủi

Cùng gió cùng mây thế mới vui

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám

Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Thi hào Nguyễn Du cũng nghĩ về trăng:

Khi chén rượu khi cuộc cờ,

Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên

Trong dân gian thì người ta truyền nhau hát dân ca:

Khen ai khéo xếp (ô í a) cái đèn Cù

Voi giấy (ới a) ngựa giấy (ơ) tít mù nó (ới) lại vòng quanh,

(ơ) Bao giờ em bén (ới) duyên ạ anh,

Voi giấy (ới à) ngựa giấy (ơ) vòng quanh (ới a) cái tít mù tít mù, là

Khen ai khéo xếp (ô í a) cái đèn Cù

Và với phần đông chúng ta, những người đương thời chắc hẳn vẫn không quên những âm điệu rộn ràng này mỗi khi tháng Tám, tháng của Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi. Náo nức đợi tiếng trống rộn ràng của bài hát.

Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình

Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh

Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng

Dưới ánh trăng vàng em cất tiếng hát vang

Bài: Đêm Trung thu (Phùng Như Thạch)

Trung thu của tuổi thơ ai cũng có, những chiếc đèn lồng còn thơm mùi nứa và hồ dán. Mùi của giấy kiếng màu.

Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu

Cán đây rất dài, cán cao qua đầu

Em cầm đèn sao em hát vang vang

Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan...tùng dinh dinh là tùng tùng dinh

Bài: Chiếc đèn ông sao (Phạm Tuyên)

Một thoáng Trung thu phương Nam

Cứ đến cuối tháng 7 (Âm lịch), các tiểu thương ở phố lồng đèn lại bày bán các sản phẩm phục vụ Tết Trung thu, thu hút đông đảo người dân và du khách đến chụp ảnh.

Một thoáng Trung thu phương NamTheo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, "dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi...".

Đồ chơi trẻ em trong Tết Trung thu là các thứ bồi bằng giấy như bươm bướm, bọ ngựa, voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá,... Trẻ em buổi tối dắt díu nhau kéo co, bắt cái hồ khoan, rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la.

Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên vào buổi tối khi trăng rằm vừa mới lên cao. Đồng thời trong ngày này, mọi người thường biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác bánh trung thu, hoa quả, trà và rượu.

Cũng theo Phan Kế Bính, tục hát trống quân có từ đời vua Quang Trung Nguyễn Huệ, "nguyên khi ông đem quân ra Bắc. Quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Nguyễn Huệ mới bày ra một cách cho đôi bên giả làm trai gái, hát đối đáp với nhau để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp, cho nên gọi là trống quân".

Một thoáng Trung thu phương Nam

Những hoạt động trong Tết Trung thu theo phong tục Việt Nam.

Một thoáng Trung thu phương NamTheo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn.

Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà “Tang thương ngẫu lục” đã miêu tả. Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung thu, theo học giả Paul Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) thì từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng mặt trăng và mặt trời như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm mặt trăng chỉ sum họp với mặt trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng).

Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới.

Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày rằm tháng Tám, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn tết mừng trăng. Còn theo sách "Thái Bình hoàn vũ ký" thì: "Người Lạc Việt cứ mùa thu tháng Tám mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau". Như vậy, mùa thu là mùa của thành hôn.

Một thoáng Trung thu phương NamMột cửa hàng bán đèn lồng ngày xưa.

Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi” (trên bia chùa Đọi lập năm 1121), người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi. Dưới ánh trăng thu, các lão nông uống trà, nhắm rượu, ngắm trăng, thưởng nguyệt, chiêm nghiệm dự đoán tiên tri. Bởi vậy mà thành ngữ dân gian ta vẫn có câu “Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám”.

Ngoài những sản phẩm nông nghiệp là hoa quả, rượu, xôi, người Việt dành riêng cho lễ cúng rằm tháng Tám là bánh dẻo và bánh nướng, một loại tròn, một loại vuông, phản ánh nhận thức thô sơ của người Việt cổ: Trời tròn, đất vuông

Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hện giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết Trung thu cũng được gọi là Tết Đoàn viên.

Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

Một thoáng Trung thu phương Nam

Tết Trung thu năm xưa.

Một thoáng Trung thu phương Nam

Ngày nay, cứ đến Tết Trung thu, nếu Thôn Báo Đáp (Nam Định) được xem là 'Thủ phủ' đèn ông sao thì ở miền Nam, phố lồng đèn Lương Nhữ Học là nơi bày bán lồng đèn lớn nhất Sài Gòn bởi phần lớn cộng đồng người Hoa tại TP. Hồ Chí Minh đều sinh sống tại đây và người Hoa có tập tục ăn Tết Trung thu rất lớn nên không khí nơi đây vô cùng nhộn nhịp.

Cũng giống những năm trước, vừa xong rằm tháng Bảy là trên khắp các con đường dọc thành phố, các cửa hàng bày bán bánh trung thu. Có một nét riêng của Sài Gòn trong cách đón Tết Trung thu mà những nơi khác không có: Người dân ở đây bắt đầu hương vị Tết Trung thu từ sớm, thường thì ngay sau rằm tháng 7 các cửa hàng bánh trung thu đã mở cửa để phục vụ nhu cầu mua, cho, biếu, tặng của khách hàng. Nếu là người ở nơi khác đến sẽ cần thêm nhiều mùa trung thu để thích nghi với nhịp điệu hối hả của thành phố này.

Một thoáng Trung thu phương NamCửa hàng bán bánh treo biển giảm giá giữa mùa Trung thu.

Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sức mua sắm chậm lại. Chỉ vào đầu tháng 8, các cửa hàng đã đồng loạt treo biển hiệu mua 1 tặng 1, mua 1 thành 4. Nếu là người sống ở thành phố này qua nhiều mùa Trung thu thì hầu như không quá ngạc nhiên với việc treo biển hút khách hàng khá “nghệ thuật” này.

Nếu không quen, bạn có thể không vui khi nhìn thấy những cái tên quen thuộc Như Lan, Đồng Khánh. Bước vào hỏi thăm thì sẽ được trả lời, chỉ có Tân Đồng Khánh hoặc bất kỳ cái tên rất mới nào đó, giảm giá, còn lại thì không. Nếu là người trải qua những mùa Trung thu nhộn nhịp nơi đây, hẳn ai cũng biết, hiệu bánh Như Lan là một trong những biểu tượng thực phẩm của Sài Gòn thường không giảm giá.

Và nếu có, hẳn mỗi người đều hiểu, năm nay chắc hẳn những người bán hàng sẽ hó khăn hơn. Trao nhau cái nhìn cảm thông, chia sẻ. Rồi vui vẻ chọn mua cho mình chiếc bánh về sắp mâm cỗ cùng gia đình, người thân ngắm trăng rằm.

Một thoáng Trung thu phương Nam
Một số hình ảnh tại phố lồng đèn Lương Nhữ Học (Quận 5, TP. Hồ Chí Minh), được xem là 'thủ phủ' đèn ông sao ở miền Nam.

P.THỦY

Ảnh: P.T - T.L

Đồ họa: TRƯỜNG SƠN

Xem phiên bản di động