Một số kinh nghiệm của khối thi đua các trường đại học y, dược trong việc triển khai hoạt động thi đua của Công đoàn Y tế Việt Nam
Tại Hội nghị Tổng kết công tác công đoàn năm 2020 của Công đoàn Y tế Việt Nam, Trưởng Khối thi đua 6 Công đoàn Y tế Việt Nam - Công đoàn Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã có phát biểu tham luận về một số kinh nghiệm của Khối thi đua các trường Đại học Y, Dược trong việc triển khai hoạt động thi đua của Công đoàn Y tế Việt Nam. |
Hội nghị Tổng kết công tác công đoàn năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 và sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Y tế Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Khối thi đua 6 trực thuộc Công đoàn Y tế Việt Nam có 12 đơn vị bao gồm: 10 trường Đại học và 2 trường Cao đẳng trải rộng khắp 3 miền đất nước. Tuy nhiên phân bố không đều, các trường tập trung chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, tổng số đoàn viên công đoàn của Khối có khoảng 6.000. Trong bài tham luận, đại diện Khối thi đua 6, đồng chí Trần Văn Long - Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các hoạt động thi đua, như việc năm đầu tiên triển khai chưa có nhiều kinh nghiệm, đặc thù của Khối Trường phải tổ chức phong trào thi đua lệch thời gian so với Khối thi đua khác trực thuộc Công đoàn Y tế Việt Nam. |
Các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc được Công đoàn Y tế Việt Nam trao tặng Bằng khen.
Nhưng nhận được sự quan tâm của Thường vụ Công đoàn Y tế Việt Nam; sự đồng nhất về chức năng, nhiệm vụ chính trị; có sự chia sẻ, ủng hộ và hợp tác của các công đoàn cơ sở trong Khối; sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, Khối thi đua các trường Đại học Y, Dược đã đạt được những kết quả nhất định trong triển khai hoạt động thi đua. Cụ thể, về công tác tổ chức, phân công cụ thể một số hoạt động trọng tâm của Khối, các thành viên trong Khối cùng nhau xây dựng nguyên tắc làm việc, đặc biệt chú ý tới phân bổ chỉ tiêu theo thi đua hàng năm và thống nhất luân phiên làm Trưởng và Phó trưởng Khối. |
Toàn cảnh Hội nghị.
Về triển khai hoạt động, bên cạnh việc xin ý kiến chỉ đạo thường xuyên của Công đoàn Y tế Việt nam, Thường vụ phụ trách Khối, các công đoàn cơ sở báo cáo Đảng ủy, Ban giám hiệu và phối kết hợp các đoàn thể quần chúng khác trong đơn vị để thực hiện. Ngoài những phong trào thi đua trọng tâm, các đơn vị trong Khối xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động giao lưu, tọa đàm và những vấn đề phụ thuộc nhiệm vụ trọng tâm của Khối như: Tự chủ đại học, Đổi mới giáo dục đại học, Phong trào thi đua “Học tốt – Dạy tốt”… Công tác kiểm tra, đánh giá là một trong những hoạt động trọng tâm của các thành viên trong Khối. Thông qua việc kiểm tra chéo các đơn vị trong Khối, các công đoàn cơ sở có cơ hội để chia sẻ, giao lưu học hỏi những kinh nghiệm hay, những bài học có giá trị cho hoạt động công đoàn. |
Khối thi đua 6 Tổng kết công tác thi đua năm học 2019 - 2020.
Đồng chí Trần Văn Long cho biết thêm, thông qua các hoạt động thi đua, có thể thấy được các ưu điểm và hạn chế của Khối thi đua 6. Bên cạnh những ưu điểm, như sự nhiệt tình, năng lực, kinh nghiệm tổ chức điều hành của các đồng chí chủ tịch công đoàn cơ sở; là một trong các Khối thi đua triển khai hoạt động sớm nhất và có nhiều đóng góp xây dựng hoạt động của Khối thi đua; kế hoạch đề ra đều được thực hiện một cách tốt đẹp thì còn một số hạn chế cần khắc phục như: Chưa phát huy hết sức mạnh của đoàn viên công đoàn của các đơn vị trong việc triển khai hoạt động thi đua; công tác báo cáo còn chậm, chưa thống nhất dẫn đến việc thống kê còn gặp nhiều khó khăn. |
Ths. Hoàng Xuân Thảo - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Công đoàn Y tế Việt Nam phát biểu về công tác thi đua khen thưởng tại Hội nghị.
Từ đó, rút ra được những bài học kinh nghiệm để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thi đua và tạo được hiệu quả cao, bao gồm: Tranh thủ sự ủng hộ và sự chỉ đạo của Công đoàn Y tế Việt Nam, cấp ủy, chính quyền đơn vị; cần tuyên truyền vận động để các đoàn viên, tổ chức Công đoàn trong Khối có nhận thức đầy đủ hơn về việc triển khai hoạt động thi đua theo Khối; các đơn vị cần chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện kế hoạch đã đề ra. Ngoài ra, tăng cường giao lưu các hoạt động chuyên môn lồng ghép với hoạt động công đoàn để các cán bộ công đoàn có cơ hội giao lưu học hỏi nhiều hơn và là cơ hội phát triển cán bộ; xây dựng một số hoạt động mang tính đặc thù của Khối để có thể cùng thực hiện hoặc chia sẻ nguồn lực trong quá trình thực hiện. |
Thực hiện: Kỳ Anh |