e magazine
14/09/2020 17:25
Một số giải pháp đảm bảo quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp

14/09/2020 17:25

Dịch Covid-19 khiến sản xuất gặp rất nhiều khó khăn; hàng triệu người lao động (NLĐ) bị mất việc, giãn việc; thu nhập, đời sống giảm sút. Quan hệ lao động (QHLĐ) trong doanh nghiệp (DN) đứng trước nhiều thử thách. Một số giải pháp dưới đây nếu được quan tâm thực hiện sẽ giúp đảm bảo QHLĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN.
Một số giải pháp đảm bảo quan hệ lao động hài hòa

Dịch Covid-19 khiến sản xuất gặp rất nhiều khó khăn; hàng triệu người lao động (NLĐ) bị mất việc, giãn việc; thu nhập, đời sống giảm sút. Quan hệ lao động (QHLĐ) trong doanh nghiệp (DN) đứng trước nhiều thử thách. Một số giải pháp dưới đây nếu được quan tâm thực hiện sẽ giúp đảm bảo QHLĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN.

***

Thứ nhất, DN cần minh bạch thông tin trong QHLĐ

Tính minh bạch thông tin trong QHLĐ là sự cởi mở, đề cao và thực hiện có hiệu quả việc chia sẻ thẳng thắn, rõ ràng về các vấn đề trong QHLĐ như: Nhân sự, công việc, tiền lương, thời giờ làm việc - thời giờ nghỉ ngơi, HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể... bao hàm trong đó là những thuận lợi, khó khăn sau khi dịch bệnh xảy ra.

Các thông tin cần minh bạch bao gồm: Tình hình sản xuất, kinh doanh của DN sau dịch bệnh; việc thực hiện HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc; yêu cầu của NLĐ, tập thể lao động đối với doanh nghiệp sau dịch bệnh; yêu cầu của người sử dụng lao động (NSDLĐ) với NLĐ, tập thể lao động sau dịch bệnh; các chính sách của Nhà nước áp dụng đối với DN sau dịch bệnh.

Cách thức thông tin: Thông qua Hội nghị NLĐ bất thường

Việc minh bạch thông tin chi tiết đến NLĐ để NLĐ cảm thấy được tôn trọng, được lắng nghe, thấy mình là một phần của DN. Họ phấn khởi gắn bó, cống hiến cho DN, đóng góp ý kiến xây dựng, hăng hái lao động và cùng DN chung tay để khắc phục những khó khăn sau dịch bệnh. Kinh nghiệm cho thấy, nếu làm được như vậy, DN sẽ giữ được mối QHLĐ hài hòa, ổn định, ít khi xảy ra các vụ ngừng việc hoặc đình công.

Thứ hai, thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước hỗ trợ đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Các chính sách đó là: Giảm 10% giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh (thực hiện theo Công văn số 2698/BCT-ĐTĐL của Bộ Công thương về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19); Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 (thực hiện theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19).

Ngoài ra, tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất (thực hiện theo Công văn số 860/BHXH-BT ngày 17/3/2020 của BHXH Việt Nam về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19); Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn (thực hiện theo Công văn 245/TLĐ ngày 18/3/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19); Được vay tiền để trả lương ngừng việc cho NLĐ (thực hiện theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19).

Một số giải pháp đảm bảo quan hệ lao động hài hòa

Thứ ba, thực hiện đối thoại tại nơi làm việc

Đối thoại tại nơi làm việc trong bối cảnh thực hiện các biện pháp khắc phục sau dịch bệnh là vô cùng quan trọng. NLĐ cần có đầy đủ thông tin, hiểu rõ tác động của những biện pháp này đối với tiền lương, thu nhập, an sinh xã hội của bản thân và gia đình họ. Từ đó, NLĐ và NSDLĐ sẽ đồng thuận trong quá trình thực hiện và sẵn sàng hợp tác trong QHLĐ.

Nội dung đối thoại của DN tập trung vào triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh… Trong đó, tổ chức Công đoàn phối hợp với NSDLĐ xây dựng phương án lao động để ổn định sản xuất, duy trì việc làm cho NLĐ; nâng cao vai trò của công đoàn cơ sở trong việc giám sát NSDLĐ khi thực hiện cắt giảm lao động, đảm bảo các chế độ, chính sách cho NLĐ; quan tâm đến lao động nữ, lao động có con nhỏ, lao động gặp nhiều khó khăn...

Một số giải pháp đảm bảo quan hệ lao động hài hòa
Một số giải pháp đảm bảo quan hệ lao động hài hòa
Đối thoại tại nơi làm việc giúp NSDLĐ và NLĐ hiểu nhau hơn, hạn chế được nguy cơ xung đột.

Thứ tư, thực hiện các thủ tục liên quan đến HĐLĐ

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, liên quan đến ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 4 tháng đầu năm 2020, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Gần 14.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Tính đến hết tháng 4, có khoảng 5.300 DN đăng thông báo giải thể và gần 5.800 DN chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế. Cùng thời gian, có hơn 5.000 DN hoàn tất thủ tục giải thể.

Do đó, các bên trong QHLĐ có thể sửa đổi, bổ sung hoặc chấm dứt HĐLĐ theo quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tế khách quan. Cụ thể:

Đối với những trường hợp phải sửa đổi, bổ sung HĐLĐ

Trong quá trình thực hiện HĐLĐ, các bên có thể sửa đổi, bổ sung. Bởi vì, thoả thuận của các bên được xác lập tại thời điểm cụ thể với những điều kiện, khả năng thực hiện nhất định. Tuy nhiên, quan hệ của hai bên lại chịu sự chi phối rất lớn từ những điều kiện khách quan của đại dịch Covid-19 mà các bên không thể thực hiện được các thoả thuận như mong muốn. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung HĐLĐ trong một số trường hợp là một tất yếu khách quan (thay đổi thời gian làm việc, công việc, địa điểm làm việc, tiền lương và các khoản hỗ trợ khác...)

Nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung HĐLĐ thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Trong trường hợp hai bên không thoả thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung HĐLĐ thì tiếp tục thực hiện HĐLĐ đã giao kết.

Trong trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung HĐLĐ được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục HĐLĐ hoặc giao kết HĐLĐ mới.

Đối với những trường hợp phải chấm dứt HĐLĐ

Khi NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ với lý do dịch bệnh sau khi đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp chỗ sản xuất, giảm chỗ làm việc thì NLĐ có các quyền sau đây: Được báo trước ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động và đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Được trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp, các bên trong QHLĐ đã đóng bảo hiểm thất nghiệp thì NSDLĐ hoàn tất cả thủ tục theo quy định để NLĐ thực hiện theo quy định nhận trợ cấp thất nghiệp.

Xem phiên bản di động