Msnđn

MONG ƯỚC CỦA CÔNG NHÂN TRONG DỊP NGHỈ LỄ


Diễn biến dịch bệnh phức tạp khi kì nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đã đến rất gần. Những mong ước giản đơn của công nhân trong dịp nghỉ lễ có thể sẽ không được thực hiện.

Anh Phong Vũ (sinh năm 1995) đã có hơn 2 năm làm việc tại Công ty Cổ phần Thương mại Khang Vĩnh - Phong Phú, Cụm công nghiệp Ngọc Hồi, Hà Nội. Vào công ty chưa lâu thì dịch bệnh bùng phát, anh cho biết thu nhập hằng tháng rất bấp bênh, mức lương cơ bản chỉ 4 triệu, chủ yếu trông đợi vào khoản phụ thêm được tính theo sản phẩm. Trước dịch bệnh, ngoài lương cơ bản, trung bình mỗi công nhân thu nhập thêm từ 4-5 triệu, tùy theo số lượng sản phẩm hoàn thành. Kể từ khi có dịch bệnh, công ty khó khăn, đơn hàng ít, đơn giá trên mỗi sản phẩm cũng theo đó bị cắt giảm.

"Mình chưa có gia đình nên cũng xoay xở được. Nhiều anh chị em có con nhỏ, lương không đủ, phải nghĩ cách kiếm thêm. Có người bán hàng online, cũng có người nhận làm thêm ngoài giờ", anh Vũ chia sẻ.

Msnđn

Mong ước lớn nhất của anh Vũ trong dịp nghỉ lễ là có bạn gái.

Thường xuyên theo dõi tin tức trên báo, mạng xã hội, những hình ảnh về đại dịch Covid-19 tại Ấn Độ khiến anh Vũ bị ám ảnh. "Dịp lễ này mình chỉ ước có bạn gái thôi (cười). Muốn đi chơi lắm, ra ngoài giao lưu mới có cơ hội tìm được bạn gái nhưng thôi mình sẽ ở nhà, dành thời gian bên gia đình trong những ngày nghỉ lễ", anh Vũ cho biết.

Msnđn

Anh Vũ và một người bạn ghé vào một quán vỉa hè gần Cụm công nghiệp Ngọc Hồi sau khi tan ca.

Cô Hoàng Thị Út (sinh năm 1957), công nhân vệ sinh môi trường thuộc Xí nghiệp Môi trường đô thị Thanh Trì cũng có những trải lòng về công việc. Dù đến tuổi về hưu nhưng ở nhà buồn, nhớ công việc, bản thân vẫn có sức khỏe nên khi công ty đề xuất tiếp tục làm việc, cô đồng ý ngay.

"Công việc vất vả, lương 3 triệu, tính ra mỗi ngày công chỉ có 100 nghìn nhưng cô vẫn làm. Cô chuyên quét dọn khu vực này nên dân họ cũng biết, họ quý lắm. Ở nhà chân tay cứ thừa ra, chán lắm cháu ạ!"

Đi làm nhiều năm, chưa khi nào bị trễ lương, mỗi dịp lễ, Tết, công ty đều có chế độ hỗ trợ, thưởng đầy đủ. Đây cũng là lí do mà cô Út quyết định tiếp tục gắn bó với công việc của công nhân vệ sinh môi trường thay vì tìm một công việc khác khi đến tuổi hưu.

Msnđn

Cô Út chia sẻ về công việc.

"Dịch bệnh, mọi người chủ yếu ở nhà. Không ai bảo ai, nhà nào nhà nấy dọn dẹp như tổng vệ sinh cả khu. Dọn nhà thì sao mà không có rác được hả cháu? Các cụ bảo "bói ra ma, quét nhà ra rác" mà! Việc làm không hết, rác cứ chất hàng đống, mình chậm chút thôi là ùn ứ hết cả", cô giãi bày.

Công việc khó khăn, cực nhọc. Khi hỏi cô về ước mong trong dịp nghỉ lễ này, cứ nghĩ cô sẽ ước thu nhập cao, công việc nhẹ nhàng nhưng cô cười bảo: "Cô chỉ đợi quyết định của công ty. Nếu công ty tổ chức đi du lịch thì thích quá. Còn nếu không cô cũng chỉ đi làm như ngày thường. Mong nhất là đại dịch qua đi để mọi người được đi chơi thoải mái. Có như vậy, mọi người ít dọn nhà, bớt rác, công việc của cô mới đỡ vất vả (cười)".

Msnđn

"Chỉ mong đại dịch qua đi để mọi người được đi chơi thoải mái"

Có "thâm niên" tại Công ty Cổ phần Công trình giao thông 2 Hà Nội, cô Tào T. Thu từng làm nhiều vị trí khác nhau. Trước đây công việc chính của cô là duy tu đường, sửa chữa những đoạn đường xuất hiện "ổ gà", dựng lại những biển báo bị đổ, tham gia chôn cột khi có biển báo mới. 4 năm trước, một tai nạn không may khiến cô Thu bị gãy tay. Từ đó, cô xin chuyển về vị trí gác tàu và gắn bó với công việc này đến bây giờ.

"Khi nào ga họ báo giờ tàu chạy là các cô lại "lên dây cót", chuẩn bị tư thế sẵn sàng ủn giàn, không để các phương tiện di chuyển qua đường ray, đảm bảo an toàn giao thông cho mọi người. Cô làm mấy năm rồi mà cứ nghe thông báo giờ tàu chạy là lại rạo rực, cứ như tham gia thi chạy ấy. Vui lắm!", cô Thu trò chuyện.

Msnđn

Cô Tào T. Thu mong ước dịp lễ này được đi du lịch một chuyến xa.

Mỗi ca làm việc của cô Thu kéo dài 12 tiếng, giữa các ca được nghỉ tối thiểu 24 giờ. Vị trí gác tàu luôn phải có công nhân trực nên các cô được phân công luân phiên, ca ngày và ca đêm xen kẽ. Công việc thu nhập hơi thấp, trừ bảo hiểm tính ra mỗi tháng còn được hơn 4 triệu. "Trong cái rủi cũng có cái may. Lương thấp, nếu giảm lương chắc mọi người không làm tiếp được. Thế nên trước với sau khi có dịch, thu nhập của các cô vẫn giữ nguyên, không có thay đổi gì nhiều", cô Thu lạc quan nói.

Nhân ngày Quốc tế Lao động, công ty hỗ trợ cho công nhân, mỗi người được hơn 1 triệu. Với cô Thu, lễ chỉ khác ngày thường ở chút thưởng còn công việc gác tàu, không có ngày lễ. Trước đây, gia đình cô Thu thường tổ chức đi nghỉ mát nhưng từ khi chuyển sang vị trí này, cả nhà chưa có chuyến đi nào cùng nhau. Dịp lễ này, cô chỉ có một ước mong được đi du lịch một chuyến xa xa. Lâu lắm rồi cô chưa được đi đâu cả. Phần vì công việc, phần vì dịch nên tất cả phải gác lại.

Msnđn

Khu nhà trọ công nhân gần Cụm công nghiệp Ngọc Hồi, Hà Nội.

Ngọc Châm

Chỉ còn 1 ngày nữa, cuộc thi trực tuyến tìm hiểu phòng, chống Covid-19 sẽ kết thúc Chỉ còn 1 ngày nữa, cuộc thi trực tuyến tìm hiểu phòng, chống Covid-19 sẽ kết thúc

Chỉ còn 1 ngày nữa, cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về công tác ATVSLĐ và phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc” sẽ ...

Học trò trả lại 500 triệu và “hợp đồng sinh tử” của người thầy Học trò trả lại 500 triệu và “hợp đồng sinh tử” của người thầy

Trong vô vàn những tin tức chẳng mấy vui vẻ và nhiều chuyện không hay luôn bủa vây cuộc sống bộn bề, câu chuyện về ...

“Cảm ơn các bạn công nhân lao động với đôi bàn tay khéo léo” “Cảm ơn các bạn công nhân lao động với đôi bàn tay khéo léo”

Tháng Công nhân năm nay, Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam dành một phần kinh phí chuyển qua tài khoản ngân hàng cho người ...