“Mối tình” không tắt với đất mỏ

“Mối tình” không tắt với đất mỏ

Lần đầu về Công ty Cổ phần Than Vàng Danh, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: Khu vệ sinh ở đây được trang bị điều hoà, thiết bị sấy ấm 24/24h; bếp ăn, văn phòng làm việc… tất cả đều sạch sẽ, khang trang. Người lao động (NLĐ) Than Vàng Danh còn có phòng xông hơi, xe đưa đón; đặc biệt, khu tập thể công nhân được trang bị từ đôi dép, chiếc giường, đến tủ lạnh, máy giặt...

Đồng chí Nguyễn Thị Minh - Phó Chủ tịch Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, Giám đốc Phạm Văn Minh là người yêu lao động, yêu mỏ và hết lòng vì NLĐ. Từng là Giám đốc Công ty Than Mạo Khê, rồi luân chuyển về làm Giám đốc Công ty Than Vàng Danh, ở đâu anh cũng có sáng kiến, sáng tạo, cách làm mới, làm hay mang lợi ích cho người lao động. Do đó, anh đi đến đâu cũng được mọi người quý mến. “Than Vàng Danh hiện nay đang là điểm sáng trong Tập đoàn TKV về nhiều lĩnh vực, nhất là công tác chăm lo cho người lao động, giữ chân thợ lò. Cơ sở vật chất của mỏ, điều kiện ăn ở của công nhân khang trang như vậy có công rất lớn của anh; điều này công đoàn công ty rõ hơn ai hết”, đồng chí Nguyễn Thị Minh tâm sự. Còn anh Nguyễn Văn Sơn, phân xưởng K12, Công ty Cổ phần Than Vàng Danh chia sẻ: “Giám đốc Phạm Văn Minh sâu sát đến từng người lao động. Công ty có hàng nghìn công nhân, vậy mà anh ấy vẫn nhớ cả sinh nhật của tôi”.

Dù rất bận rộn, cuối cùng anh cũng thu xếp một buổi để trò chuyện với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn. Anh mở đầu câu chuyện thân tình và tự nhiên, mà phía sau là một niềm tự hào kín đáo: “Tất cả các giám đốc mỏ đều trân quý người lao động. Với cá nhân tôi, vốn xuất thân từ một thợ lò nên càng hiểu và thông cảm với nỗi nhọc nhằn, sự hy sinh của người lao động. Than mang lại cơm áo, gạo tiền, nguồn sống cho thợ lò; nhưng để có nó, người lao động phải đổ mồ hôi, thậm chí cả máu và nước mắt. So với các ngành nghề khác, người lao động ngành Than vất vả, gian nan lắm chứ không phải như mọi người nói “xúc đất lên bán lấy tiền” đâu. Tôi là người quản lý, không vì họ, yêu họ thì yêu ai, vì ai? Mỏ muốn phát triển phải lấy công nhân làm gốc, đặc biệt là những người thợ lò. Không tôn trọng, yêu thương họ thì doanh nghiệp không phát triển được. Và trong việc này tôi hoàn toàn tin tưởng ở công đoàn”, anh Minh cho biết.

“Mối tình” không tắt với đất mỏ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh cùng cán bộ, người lao động Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Công ty Than Vàng Danh nhân dịp Tổng Bí thư về thăm Công ty, ngày 06/4/2022. (Trong ảnh: Giám đốc Phạm Văn Minh ngoài cùng bên phải). Ảnh: Phạm Cường.

“Mối tình” không tắt với đất mỏ

Câu chuyện của anh làm tôi hiểu hơn về đời người thợ lò. Bình quân thời gian làm việc mỗi người là 30 năm thì có tận 10 năm đi ca 3; với thợ lò là 30 năm làm việc hun hút dưới những tầng sâu với biết bao nguy cơ, rủi ro chờ sẵn. “Một năm chúng ta chỉ thức cùng nhau một đêm giao thừa, sáng hôm sau không gia đình nào dậy sớm. Trong khi đó, người thợ mỏ thức 10 năm, người thợ lò chui xuống lòng đất 30 năm, mà họ vẫn vui vẻ, hạnh phúc, lạc quan. Sao có thể không trân quý những con người như thế? Bởi vậy, tôi luôn nhắc công đoàn phải chăm lo chu đáo cho NLĐ. Những đề xuất hợp tình hợp lý của công đoàn chưa bao giờ tôi từ chối”, anh Minh trải lòng.

Có lẽ đó là lý do giải thích cho sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương NLĐ của Giám đốc Phạm Văn Minh. Tôi nói ý ấy với anh, anh chỉ khẽ cười: “So với nỗi vất vả, nhọc nhằn, những gì NLĐ ngành Than đang cống hiến thì chút quan tâm của mình đã thấm vào đâu. Tôi cảm thấy luôn mắc nợ NLĐ”.

“Mối tình” không tắt với đất mỏ

Công ty hiện có gần 700 công nhân nữ. Mỗi năm một lần, anh đề nghị công đoàn tổ chức để anh gặp mặt, tặng mỗi chị em một bộ áo dài. Với anh em thợ lò ngoài đồng phục, mỗi công nhân được tặng một áo trắng. Khi xây dựng khu tập thể 5 tầng, trong hạng mục đầu tư của Tập đoàn TKV không có thang máy; anh lại trăn trở, ngày đêm vắt óc suy nghĩ, tìm mọi cách để gắn thang máy. Cuối cùng, hai cầu thang máy tại khu tập thể công nhân cũng được thực hiện. Có lẽ đó là điều không phải đơn vị nào cũng làm được.

Khi tôi hỏi về Giám đốc Minh, chị Phạm Thị Ánh Tuyết, Trưởng ban Nữ công Công đoàn Công ty CP Than Vàng Danh nói ngắn gọn: “Chỉ sợ công đoàn không có đề xuất, sáng kiến hợp lý; còn nếu có, chúng tôi yên tâm Giám đốc sẽ duyệt ngay. Nói về giám đốc Minh của chúng tôi, tôi chỉ dùng năm chữ thôi: Anh là người tuyệt vời”.

Chị Trần Thanh Vân, Phó Ban Nữ công Công đoàn Công ty thì nói trong xúc động: “Anh quan tâm không chỉ ở lời nói mà thể hiện bằng hành động. Mỗi năm cứ đến dịp 8/3 hay 20/10 anh lại cùng vợ thức đêm tự tay gói những món quà để ngày mai đem đến công ty tặng người lao động. Trong ngày Lễ Tình yêu (Valentine, 14/2), anh cùng với lãnh đạo công ty tặng hoa và sô-cô-la cho lao động nữ ở văn phòng. Đón nhận món quà từ anh, chúng tôi bất ngờ, xúc động, phấn khởi, hạnh phúc lắm. Được sự quan tâm của lãnh đạo sâu sát như thế này thật ấm áp. Vì thế không chỉ chúng tôi mà tất cả anh em công nhân đều thấy thêm yêu công ty, tự nguyện cống hiến vì sự phát triển của doanh nghiệp”.

Trăn trở để cho đời sống của NLĐ được tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần, song những ý tưởng của anh đưa ra không phải lúc nào cũng thuận buồn xuôi gió. Trang bị, mua sắm đồ dùng cho khu tập thể công nhân, có người can ngăn: “Sắm như vậy, lấy kinh phí đâu ra; liệu có ưu ái công đoàn quá không?”. Có người lại thắc mắc: “Công nhân ở tập thể được vậy, nếu đã trang bị thì các gia đình lẻ có được hỗ trợ mua sắm hay không?”. Những lúc như thế, anh phải giải thích, vận động, tạo nhận thức, sự đồng thuận chung rồi đưa ra quyết định.

“Mối tình” không tắt với đất mỏ

Đồng chí Phạm Văn Minh tại Lễ Tổng kết và trao giải Hội thi tiếng người lao động TKV năm 2022.

“Mối tình” không tắt với đất mỏ

Anh cư xử với NLĐ như các thành viên trong gia đình mình. Mỗi khi công nhân sai phạm phải dùng đến hình thức kỷ luật, anh đều xem xét kỹ hồ sơ, tìm hiểu thấu đáo hoàn cảnh, tính cách từng người. Do đó, quyết định anh đưa ra bao giờ cũng được NLĐ “tâm phục khẩu phục”.

“Nếu không có chính sách cởi mở thì NLĐ ngành Than rất thiệt thòi và không thu hút được lao động. Theo tôi, lo toan cho thợ mỏ, tạo điều kiện cho công đoàn chăm lo cho thợ mỏ chỉ có được chứ không mất. Càng lo được cho họ nhiều, doanh nghiệp càng có lợi”, anh Minh nêu suy nghĩ.

Hiện Công ty CP Than Vàng Danh là một trong những đơn vị sản xuất than hầm lò lớn nhất TKV. Nhờ phát triển sản xuất, quan tâm đến người lao động, liên tục những năm gần đây, Công ty được Tập đoàn TKV tặng Cờ dẫn đầu về công tác chăm lo đời sống cho NLĐ. Than Vàng Danh cũng là đơn vị đi đầu trong việc đổi mới, đầu tư khoa học công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh “Ba hóa” gồm Cơ giới hóa, Tự động hóa và Tin học hóa vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ, nâng cao năng suất, bảo đảm ATVSLĐ và giảm sức lao động của NLĐ.

Hiện Công ty Cổ phần Than Vàng Danh luôn duy trì sản lượng than khai thác hàng năm trên 03 triệu tấn, là mỏ có sản lượng lớn nhất trong các đơn vị khai thác than hầm lò thuộc TKV. Điều này đồng nghĩa với thu nhập của NLĐ luôn ổn định và tăng trưởng. Riêng 10 tháng đầu năm 2022, thu nhập bình quân của NLĐ ở đây đạt 18 triệu đồng/tháng, nhiều thợ lò có mức thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng/ tháng.

Về thăm Công ty ngày 6/4/2022, chứng kiến sự phát triển vượt bậc của mỏ, trò chuyện với thợ mỏ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phấn khởi, chia sẻ: “Đến mỏ mà thấy nhà cao tầng, cửa kính, khang trang sạch đẹp…anh chị em công nhân vui vẻ, phấn khởi, có thu nhập cao, xin chúc mừng cán bộ, công nhân viên, người lao động mỏ Than Vàng Danh…” .

“Mối tình” không tắt với đất mỏ

Bài viết: Cao Hoà

Ảnh: Phạm Cường