Hàng không được đánh giá là ngành chịu tác động tiêu cực rất lớn vì dịch Covid-19. Hiện Covid-19 đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội và những biện pháp phòng, chống quyết liệt. Tính đến 8/6, Việt Nam đã ghi nhận 53 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Trước những tín hiệu tích cực từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước, ngành Hàng không gần như khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa và lên phương án mở lại đường bay quốc tế đối với các nước kiểm soát tốt dịch bệnh và không xuất hiện ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Vậy kịch bản của ngành Hàng không thời gian tới đây sẽ như thế nào; hàng không hồi phục sẽ tác động lên kinh tế, xã hội ra sao; các hãng hàng không chuẩn bị gì để bứt tốc trở lại; hành khách chuẩn bị gì để đảm bảo an toàn…? Ngoài ra, những chia sẻ của người lao động là tiếp viên, phi công được trở lại với bầu trời… sẽ là những vấn đề được Tạp chí Cuộc sống an toàn (cuocsongantoan.vn) và Nhịp sống doanh nghiệp (BizLIVE) khai thác trong Chuyên đề: “Sự phục hồi hàng không Việt hậu Covid-19”.
Hoạt động đi lại của hàng không nội địa tại tất cả các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất và sân bay địa phương đã rất nhộn nhịp. Đó là câu trả lời: “Hàng không sẽ không chết yểu”…
Số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong tháng 5/2020, 5 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Jetstar Pacific và Vasco đã thực hiện 8.623 chuyến bay. Số chuyến bay tuy giảm 70% so với cùng kỳ năm 2019, song so với tháng trước cũng đã tăng tới 73,7%.
Trước đó, từ ngày 1/4 đến ngày 15/4 Việt Nam đã thực hiện giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch Covid-19, hoạt động vận chuyển hành khách trong đó có vận chuyển bằng đường hàng không cơ bản bị tạm dừng. Cho đến ngày 23/4 các hãng hàng không được khai thác trở lại các đường bay nội địa với tần suất hạn chế.
Theo cập nhật đến thời điểm cuối tháng 5/2020, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đã khôi phục gần như hoàn toàn số chuyến bay nội địa.
Cụ thể, Vietnam Airlines đã khôi phục hoàn toàn số chuyến bay nội địa so với cùng kỳ 2019, tương đương với hơn 350 chuyến bay chở khách và chở hàng hoá. Kể từ khi kết thúc giãn cách xã hội vào ngày 23/4 đến nay, Vietnam Airlines đã vận chuyển hơn nửa triệu lượt khách bay nội địa.
Bamboo Airways cũng đã mở lại 90% đường bay và ngày 30/5, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch Hãng hàng không Bamboo Airways thông tin rằng, Bamboo Airways sẽ phủ kín các đường bay nội địa vào đầu tháng 6 và chậm nhất là tháng 7/2020.
Hãng hàng không Vietjet Air cũng cho biết đã khai thác toàn bộ mạng bay nội địa như trước với công suất ghế đạt khoảng 90%.
Trở lại với bầu trời, các hãng hàng không cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu như Vietjet dành tối đa 25 vé 0 đồng (chưa bao gồm thuế, phí) cho các đối tác là doanh nghiệp du lịch, lữ hành cho các đường bay khác thác từ 15/5 đến 30/6/2020. Từ 11/5 đến 16/5 Vietjet cũng đã đưa ra chương trình khuyến mãi chỉ từ 18.000 đồng (chưa bao gồm thuế, phí) với thời gian bay từ 12/5 đến 31/12/2020 trừ ngày lễ, tết tới 45 đường bay nội địa.
Những ngày cuối tháng 5, Bamboo Airways cũng đã khai trương 2 phòng vé tại TP.HCM và Hà Nội, đưa ra nhiều chương trình hấp dẫn như giá vé chỉ 0 đồng cho 50 khách hàng đầu tiên, giá vé chỉ từ 45.000 đồng cho nhiều chặng bay "hot"…
Đón đọc bài viết cụ thể tại:
https://cuocsongantoan.vn/kich-ban-nao-cho-hang-khong-viet-nam-hau-covid-19-47908.html
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa kết thúc một tháng 5 tương đối thành công khi chỉ số VN-Index tăng tới 12,39% (95,36 điểm) lên mức 864,47 điểm. Như vậy từ vùng đáy hồi cuối tháng 3, VN-Index đã tăng hơn 30% sau 2 tháng, tuy nhiên vẫn thấp hơn 10% so với đầu năm và 12,4% so với thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.
Cùng với sự đi lên của thị trường chung, hàng loạt Bluechips cũng có mức phục hồi ấn tượng trong đó nhóm cổ phiếu hàng không điển hình như Vietnam Airlines (mã HVN), Vietjet Air (VJC) hay Cảng hàng không (ACV),… cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Đồng loạt đảo chiều đi lên theo hình chữ “V”, HVN, VJC, hay ACV đều tăng mạnh trong giai đoạn giãn cách xã hội bất chấp việc tạm dừng hoạt động vận tải hành khách. Tuy nhiên sau đó, các cổ phiếu này đều có dấu hiệu chững lại từ cuối tháng 4 và gần như đi ngang trong phần lớn thời gian của tháng 5 dù đã được khai thác trở lại các đường bay nội địa với tần suất hạn chế từ 23/4.
Thời điểm kết thúc tháng 5, HVN, VJC và ACV ghi nhận mức tăng lần lượt 54,5%, 16,3% và 39,8% so với đáy, tương đối khả quan so với mức phục hồi 30,5% của chỉ số VN-Index.
Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm 2020, nhóm cổ phiếu này đều giảm mạnh hơn nhiều so với VN-Index.
Trên thực tế, hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Không bất ngờ khi các cổ phiếu hàng không đều đồng loạt lao dốc mạnh sau sự bùng phát của dịch bệnh và các quyết định cắt giảm các chuyến bay qua đó xuống đáy nhiều năm hồi cuối tháng 3. Đây là nguyên nhân chính khiến nhóm cổ phiếu này diễn biến kém khả quan hơn thị trường chung sau 5 tháng đầu năm.
Dù vậy, với nền tảng tích lũy trong tháng 5, không loại trừ khả năng nhóm cổ phiếu hàng không sẽ lại “dậy sóng” nếu có thêm thông tin hỗ trợ tích cực đặc biệt trong bối cảnh kỳ vọng vào sự phục hồi của nhu cầu đi lại và du lịch sau dịch sẽ nhanh và mạnh hơn.
Theo cập nhật đến thời diểm cuối tháng 5/2020, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đã khôi phục gần như hoàn toàn số chuyến bay nội địa.
Đón đọc bài viết cụ thể tại:
https://cuocsongantoan.vn/co-phieu-hang-khong-hoi-phuc-manh-tu-day-noi-lo-ket-qua-kinh-doanh-van-hien-huu-48072.html
Ngành Hàng không toàn cầu đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có, doanh thu cả năm có thể giảm đến 55%, còn số lượng khách đi lại giảm 48% so với năm 2019.
Hãng hàng không Thai Airways phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào giữa tháng 5/2020.
Tại Trung Quốc, tháng 2 hàng năm tương ứng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán sẽ là khoảng thời gian “cực thịnh” của các hãng hàng không nhưng năm nay, tình hình đảo ngược hoàn toàn.
Trong tháng 2/2020, cứ mỗi ngày Trung Quốc có 10.000 chuyến bay bị hủy, tương đương 2/3 tổng số các chuyến bay bình thường. Kết quả, các hãng hàng không Trung Quốc công bố lỗ 20,96 tỷ Nhân dân tệ (3 tỷ USD). Số lượng hành khách sụt giảm 84,5% (8,34 triệu hành khách). Cũng trong tháng 2/2020, khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không giảm 21%.
Câu chuyện kinh doanh khó khăn không chỉ diễn ra trong ngành Hàng không Trung Quốc mà còn diễn ra ở rất nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ hay các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Đặc biệt, thời điểm tháng 3/2020 trở thành một khoảng thời gian "đen tối" nhất trong nhiều năm của ngành Hàng không thế giới, khi mà các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội được áp dụng ở nhiều quốc gia nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (International Air Transport Association – IATA) công bố nhu cầu đi lại bằng máy bay trên toàn thế giới giảm đến 52,9% so với cùng kỳ năm trước - mức sụt giảm cao chưa từng có trong lịch sử.
Ông Alexandre de Juniac - Tổng Giám đốc IATA nhận xét rằng, tháng 3/2020 có thể coi là một tháng bi quan kỷ lục đối với ngành Hàng không. Các hãng hàng không chịu tác động nặng nề từ các biện pháp đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại mà Chính phủ nhiều nước đưa ra, kể cả tại ngay chính thị trường nội địa của họ. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trở lại ngưỡng của năm 2006, tuy nhiên quy mô đội tàu bay và nhân viên ngành Hàng không giờ đã tăng gấp đôi.
IATA cho biết doanh thu cả năm của ngành Hàng không thế giới có thể giảm đến 55%, còn số lượng khách đi lại giảm 48% so với năm 2019.
Trong bối cảnh như vậy, Hãng Hàng không Quốc gia Thai Airways phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào giữa tháng 5/2020. Vốn dĩ trước đó, tình hình kinh doanh của Thai Airways cũng đã chật vật trong nhiều năm. Hãng này liên tục thua lỗ từ năm 2013 và đến cuối năm 2019 thì tổng nợ là 245 tỷ bath, trong khi tổng tài sản chỉ là 257 tỷ bath.
Tuy nhiên, Thai Airways cũng không phải nạn nhân đầu tiên trong chuỗi sụp đổ dưới tác động của đại dịch Covid-19. Trước đó, nhiều hãng hàng không trên thế giới tuyên bố phá sản như Avianca của Colombia; Virgin Australia; Flybe của Anh
Đón đọc bài viết cụ thể tại:
https://cuocsongantoan.vn/hang-khong-the-gioi-dang-vat-lon-ra-sao-trong-dai-dich-covid-19-48260.html
Mặc dù dịch bệnh đã được khống chế nhưng việc tự đảm bảo an toàn cho bản thân vẫn được các hành khách đặc biệt chú trọng. Tại sân bay Nội Bài ngày 3/6, anh Trần Quốc Việt – hành khách của hãng VietJet chia sẻ: “Khi đi máy bay, mình thường xuyên trang bị khẩu trang, nước rửa tay cho chính mình. Hành khách hạn chế nói chuyện. Tiếp viên giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp với hành khách”.
Để đảm bảo an toàn khi đi máy bay, tiếp viên hàng không khuyến khích hành khách mang theo những vật dụng khử trùng, miễn là chúng không có thành phần bị cấm và không quá giới hạn thể tích chất lỏng. Ghế ngồi, chỗ để tay, khay ăn… đều rất nhiều vi khuẩn, tiếp viên hàng không không thể lau giúp tất cả các khách trên máy bay. Nếu bạn có thể chủ động, việc đó hoàn toàn có ích cho cả đôi bên.
Ngoài việc trang bị các vật dụng để bảo hộ như găng tay, quần áo bảo hộ, khẩu trang… quy trình làm việc thì Tổng Công ty Hàng không cũng đã có thêm nhiều các chính sách bảo vệ hành khách và nhân viên như: Ngừng cấp các dịch vụ ăn uống, không phục vụ chăn trên máy bay để tránh lây nhiễm. Bên cạnh đó, phi hành đoàn khi thực hiện nhiệm vụ trên máy bay thì sử dụng buồng vệ sinh riêng để hạn chế tối đa việc lây nhiễm”.
Đón đọc bài viết cụ thể tại:
https://cuocsongantoan.vn/khuyen-khich-hanh-khach-tu-bao-ve-minh-khi-di-may-bay-48096.html
Khi cộng đồng lo lắng về sự an toàn của mình thì những tiếp viên hàng không của Đoàn Tiếp viên (Vietnam Airlines) đã không ngại dấn thân để thực hiện chuyến bay đón công dân Việt Nam hồi hương tránh dịch. Những cô gái, chàng trai rất trẻ, giấu gia đình để đến tâm dịch đón đồng bào. Họ đã không sợ hãi trước rủi ro rình rập, sẵn sàng cách ly vì cộng đồng.
Là “thủ lĩnh”, ông Phan Ngọc Linh - Đoàn trưởng Đoàn Tiếp viên Vietnam Airlines nhớ tính cách của từng tiếp viên trong đoàn. Trong đó, Lê Thị Quyên - một tiếp viên nhiễm Covid-19 là một cô bé cá tính, quyết liệt, yêu nghề và đầy trách nhiệm. Quyên còn trẻ nhưng quả quyết xung phong bay vào nơi nguy hiểm. Khi cùng phi hành đoàn thực hiện chuyến bay mang số hiệu VN0054 từ Anh về Việt Nam vào rạng sáng ngày 2/3/2020, Lê Thị Quyên đã bị nhiễm Covid-19 và trở thành bệnh nhân số 59.
Có nhiều ngày, Quyên buồn đến bỏ ăn. Các chị cùng Đoàn cũng khóc vì thương Quyên cùng nỗi lo và sợ. “Mẹ em khóc rất nhiều khiến em rất buồn và lo cho mẹ. Điều quan trọng đã giúp em chiến thắng virus đó là tình yêu thương từ lãnh đạo cơ quan, các anh chị đồng nghiệp, bạn bè và gia đình của em cùng những người bạn… trong khu cách ly” - Quyên chia sẻ.
Vào bệnh viện, hành trang Quyên mang theo là đồng phục tiếp viên màu xanh thiên thanh. Mỗi lần mở đồng phục giúp cô vơi đi cảm giác thèm bay. Quyên mong Vietnam Airlines sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn hiện tại, chiến thắng dịch bệnh để sớm lại được bay lên bầu trời xanh.
“Em đã tự nhủ lòng không sợ hãi và buồn chán. Em rèn luyện sức khỏe và đọc sách, kết bạn, xem phim trong thời gian điều trị bệnh. Khi bệnh viện có chương trình đánh giá hiệu quả của một loại thuốc trong điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, em đã đăng ký. Em không ngờ việc làm nhỏ bé của mình được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng Bằng khen” - Quyên cho biết.
Khi có thông tin tiếp viên của Vietnam Airlines nhiễm Covid-19, một số ban quản lý chung cư ở Hà Nội và TP. HCM đã thông báo không cho tiếp viên hàng không tiếp tục cư trú. Hàng xóm nhìn tiếp viên như những “thủ phạm” gieo rắc virus về Việt Nam và kỳ thị. Tiếp viên hàng không đã rất buồn. Cộng đồng đã không thấu hiểu sự hy sinh của tiếp viên hàng không sau khi thực hiện những chuyến bay vào vùng dịch.
Bà Vũ Thị Kim Cúc - Trưởng ban Nữ công, Công đoàn cơ sở Đoàn Tiếp viên kể: “Trong giai đoạn đầu tiên chúng tôi đi bay nhưng không biết có nhiều khách nhiễm Covid-19, nên sau mỗi chuyến bay tất cả các tiếp viên đều thực hiện cách ly. Rất khó khăn cho các tiếp viên có con nhỏ phải xa gia đình 14 ngày nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Khi được tin Lê Thị Quyên - tiếp viên đầu tiên dương tính với Covid-19, tôi đã khóc nhưng rồi nhắn tin động viên em. Em lạc quan lắm, em còn động viên lại tôi. Em bé nhỏ mong manh nhưng ý chí và đầy dũng khí của “chiến binh Sen Vàng”.
Đón đọc bài viết cụ thể tại:
https://cuocsongantoan.vn/chien-binh-sen-vang-san-sang-cat-canh-cung-vietnam-airlines-va-to-quoc-48348.html
Công đoàn Tổng Công ty thăm nơi cấp nước mát của Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay (VIAGS) chi nhánh phía Nam. |
Có thời điểm, Vietnam Airlines phải tạm dừng khai thác 100/106 máy bay, sản xuất kinh doanh thu hẹp đến 98%. Mặc dù hiện nay, Vietnam Airlines đã tăng tần suất khai thác chuyến bay nội địa với hơn 300 chuyến/ngày. Tuy nhiên, dự kiến năm 2020, sản lượng giảm khoảng 65%; doanh thu giảm khoảng 50 ngàn tỉ đồng. Các khoản nợ và nợ quá hạn ngày càng tăng. Do vậy, Tổng Công ty đã xây dựng và nhiều lần điều chỉnh chính sách nhân lực, tiền lương ứng với từng thời điểm khó khăn.
Cụ thể, trong tháng 5 và tháng 6/2020, đối với lao động mặt đất: 50% số lượng chuyên viên, cán sự, nhân viên tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc nghỉ không lương, được hưởng mức trợ cấp từ quỹ phúc lợi là 1,8 triệu đồng/ tháng. 50% số còn lại ngừng việc, hưởng lương tối thiểu vùng.
Đối với phi công, tiếp viên: bố trí lực lượng lao động theo sản lượng. Xác định đối tượng và tỷ lệ để thực hiện chế độ ngừng việc (hoặc không hưởng lương, tạm hoãn thực hiện HĐLĐ) đối với đội bay A321. Đối với tiếp viên không có giờ bay và không làm việc mặt đất trong tháng, thực hiện 50% tạm hoãn HĐLĐ (hoặc nghỉ không lương), được hưởng mức trợ cấp từ quỹ phúc lợi là 1,8 triệu đồng/tháng, 50% ngừng việc, hưởng lương tối thiểu vùng.
Dự báo tháng 7/2020: Thị trường nội địa dần phục hồi nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty vẫn khó khăn, dẫn đến chính sách sử dụng nhân lực, tiền lương có khả năng theo xu hướng thắt chặt hơn.
Với phương châm không để NLĐ mất việc làm, Công đoàn Tổng Công ty đã tích cực tham gia cùng chính quyền xây dựng các chính sách về nhân lực, tiền lương.
Công đoàn Tổng Công ty đã trình Tổng giám đốc hỗ trợ NLĐ bị cách ly tập trung do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thành lập Quỹ Covid-19 nhằm hỗ trợ cho NLĐ phải tạm hoãn HĐLĐ nhưng không có thu nhập từ Tổng công ty, đơn vị. Dự kiến, kinh phí từ các nguồn huy động khoảng 30 tỷ đồng. Ban Thường vụ Công đoàn Tổng Công ty đã thông qua chủ trương hỗ trợ cho NLĐ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bằng nguồn kinh phí công đoàn.
Trong Tháng Công nhân năm 2020, Công đoàn Tổng Công ty đã chỉ đạo các công đoàn trên cơ sở, công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn trong các hoạt động giám sát, tư vấn, đối thoại việc chấp hành pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động; tiến hành đổi thẻ đoàn viên công đoàn; thăm hỏi, động viên, tặng quà đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, đoàn viên, NLĐ bị cách ly; triển khai kế hoạch hỗ trợ đoàn viên, NLĐ làm việc tại sân đỗ tàu bay, kho bãi mùa nắng nóng; tổ chức hoạt động thi ca nhạc, nghệ thuật để NLĐ tham gia “sân chơi online”, chuẩn bị tinh thần tốt nhất khi hoạt động của Tổng Công ty và các đơn vị phục hồi trở lại…
Đón đọc bài viết cụ thể tại:
https://cuocsongantoan.vn/cong-doa-n-ha-ng-khong-cung-doanh-nghiep-giu-p-nguoi-lao-dong-vuot-kho-khan-48304.html
Mặc dù đã định hướng được phương án sẵn sàng khai thác trở lại các đường bay quốc tế nhưng các hãng hàng không vẫn phải chờ khi các nước kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 và dỡ bỏ các hạn chế về nhập cảnh, cũng như yêu cầu khắt khe về cách ly thì mới quay trở lại hoạt động bình thường. Điều này khẳng định, an toàn và chất lượng phục vụ trên các chuyến bay quốc tế phải là số một.
Từ sân bay, suất ăn đến… phục vụ mặt đất đều sẵn sàng
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu, ngày 10/6, Cục Hàng không Việt Nam phải có kịch bản đề xuất thời điểm nối lại một số đường bay quốc tế trên cơ sở song phương và nguyên tắc dần nới lỏng xuất nhập cảnh để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trưởng ban Truyền thông thương hiệu của Vietnam Airlines, ông Đặng Anh Tuấn cho biết: “Vietnam Airlines đã lập tổ chuyên trách của từng khu vực, thị trường, đường bay cách đây 2 tháng để chuẩn bị về nguồn lực, tổ bay, tiếp viên, các chính sách thương mại… tất cả phải sẵn sàng trong tư thế an toàn để chờ khi nào Chính phủ “phát lệnh” là triển khai bay lại luôn”. Không chỉ Vietnam Airlines, đại diện các hãng hàng không đều cho biết, luôn sẵn sàng tất cả các đường bay.
Cách tự khử trùng chỗ ngồi trên máy bay khá đơn giản, hoặc có thể sử dụng khăn khử trùng, hoặc là sử dụng xịt sát khuẩn/ cồn 70 độ (tuyệt đối không dùng loại 90 độ vì cồn này bị cấm mang lên máy bay). Không dùng khăn ướt thông thường để lau vì có thể khiến vi khuẩn lan ra nhiều hơn. Cuối cùng, hoàn tất công việc lau dọn bằng việc rửa tay khô và không chạm tay lên mặt.
Theo dõi loạt bài tại:
Sự phục hồi hàng không Việt hậu Covid-19
Bài: Cuộc sống an toàn, bizLIVE
Đồ họa: Nguyễn Trường