e magazine
10/10/2020 10:34
Mạng xã hội - công cụ truyền thông hiệu quả

10/10/2020 10:34

Công tác truyền thông công đoàn thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực, song cũng còn bộc lộ một số hạn chế. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) thông qua mạng xã hội.
Mạng xã hội -  công cụ truyền thông hiệu quả

Công tác truyền thông công đoàn thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực, song cũng còn bộc lộ một số hạn chế. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) thông qua mạng xã hội.

***

Phát huy thế mạnh, hạn chế tiêu cực

Theo bà Đinh Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất và các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Quảng Ngãi, công tác tuyên truyền phải đi đầu để cán bộ, đoàn viên, người lao động (NLĐ) biết, hiểu, tin tưởng và đồng thuận. Tuy nhiên, nội dung tuyên truyền hiện nay chưa thu hút đoàn viên, NLĐ. “NLĐ cần thông tin gì phải đáp ứng nhu cầu thì mới hấp dẫn được. Nhưng công đoàn chưa mạnh dạn phản ánh những điều công nhân cần”, bà Thủy bày tỏ.

Nói về mặt tích cực của mạng xã hội, bà Thủy cho hay, đơn vị đã lập 04 nhóm Zalo tại 04 khu để chuyển tải các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn cũng như nhận các văn bản phản hồi của các công đoàn cơ sở (CĐCS) để xử lý tình huống pháp luật; hướng dẫn các CĐCS thành lập các nhóm Zalo tại cơ sở để định hướng thông tin tuyên truyền cho CNLĐ hoặc triển khai các hoạt động của đơn vị. Nhờ vậy, thay vì 3 ngày CĐCS mới nhận được công văn theo đường bưu điện thì nay chuyển qua Zalo CĐCS nhận được ngay.

Vẫn theo bà Thủy, trong các nhóm Zalo còn có sự chia sẻ về những vướng mắc trong quá trình thương lượng những điều khoản cao hơn quy định của pháp luật; chủ doanh nghiệp yêu cầu so sánh với các đơn vị xung quanh cùng ngành nghề, NLĐ nước ngoài có đóng bảo hiểm hay không... hoặc các hình ảnh thể thao, thiện nguyện… qua đó, các CĐCS đề đạt với chủ doanh nghiệp có các hoạt động chăm lo cho NLĐ… Tuy nhiên, khi sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến thông tin cần tránh chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc lôi kéo, kích động tụ tập đông người dẫn đến những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Mạng xã hội -  công cụ truyền thông hiệu quả

Bà Lê Thị Thanh Hiếu, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng, ngay từ khi mới ra đời, công tác tuyên truyền của Đảng luôn đi tiên phong và chủ yếu sử dụng các hình thức tuyên truyền miệng, rải tờ rơi, dán áp phích, treo khẩu hiệu… Sau đó, phát triển thêm loại hình báo in, báo nói, báo hình. Ngày nay còn cần phát huy thế mạnh của các loại hình mạng xã hội, như: Zalo, Facebook, Mocha, Youtube, Viber, Instagram… để thực hiện nhiệm vụ.

Đối với tổ chức Công đoàn, để hình thành mạng lưới Fanpage, Facebook từ Tổng Liên đoàn xuống cơ sở theo một hệ thống, được quản lý, theo dõi khoa học và hiệu quả, góp phần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, truyền thông thì cần nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng mạng xã hội để mỗi cán bộ, đoàn viên công đoàn hằng ngày sử dụng mạng xã hội chủ động chia sẻ cho nhau những thông tin tích cực, những việc làm tốt đẹp.

Mạng xã hội -  công cụ truyền thông hiệu quả
Tuyên truyền Cuộc thi "Sáng tạo video clip thể dục giữa giờ trong CNVCLĐ" trên trang Fanpage của Công đoàn Việt Nam.
Mạng xã hội -  công cụ truyền thông hiệu quả
Tuyên truyền Cuộc thi "Nét đẹp công đoàn và người lao động" trên trang Fanpage của Tạp chí Lao động và Công đoàn.

Kênh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Năm 2016, trang Facebook Công đoàn Huế được lập ra; năm 2018, để đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của đoàn viên công đoàn, NLĐ và cán bộ công đoàn, LĐLĐ tỉnh thành lập thêm Fanpage Công đoàn Thừa Thiên Huế. Đến nay, 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thiết lập trang Facebook và hơn 90% CĐCS trực thuộc có trang Facebook để thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước và hoạt động của các cấp công đoàn.

Đặc biệt, trong thời gian phòng chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, LĐLĐ tỉnh đã sử dụng mạng xã hội như một phương tiện chỉ đạo hoạt động công đoàn và tuyên truyền hiệu quả. “Từ trang mạng xã hội Facebook, chúng tôi nắm tâm tư nguyện vọng của đoàn viên nghiệp đoàn xích lô, xe thồ, bốc vác; đoàn viên là cấp dưỡng trường mầm non, là CNLĐ bị tác động bởi dịch bệnh dẫn đến mất việc làm… qua đó, các cấp công đoàn đã vận động đoàn viên, NLĐ, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm triển khai chương trình “Chung tay phòng chống dịch Covid-19”, bà Nguyễn Khoa Hoài Hương cho biết.

Mạng xã hội -  công cụ truyền thông hiệu quả

Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trên trang Fanpage của Tổng Công ty May Bắc Giang được CNLĐ yêu thích.

Giao lưu, kết nối, chia sẻ thông tin

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, LĐLĐ thành phố đã vận dụng sáng tạo việc sử dụng mạng xã hội, trang Fanpage và kênh Youtube “Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh”, tăng cường các hình thức truyền thông trực tuyến, tư vấn ứng dụng công nghệ thông tin… để thông tin, tuyên truyền tới các doanh nghiệp, NLĐ tại đơn vị.

Bà Thúy dẫn chứng, ngay trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra, LĐLĐ thành phố thường xuyên chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch qua các trang mạng xã hội của tổ chức Công đoàn nhằm lan tỏa thông điệp đến đoàn viên, NLĐ. LĐLĐ thành phố cũng đã tổ chức thành công các buổi tọa đàm, hội thảo, hội thi bằng hình thức Online, Video clip thu hút hơn 200.000 lượt CNVCLĐ tham gia theo dõi và chia sẻ.

Mạng xã hội -  công cụ truyền thông hiệu quả

Theo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, so với các kênh tuyên truyền truyền thống như trực tiếp, qua tài liệu, qua loa phát thanh,... tuyên truyền qua mạng xã hội có ưu điểm nổi bật là thông tin chuyển tải rất nhanh và độ phủ sóng rộng hơn. Thực tế cho thấy, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có đông CNLĐ trên địa bàn tỉnh, NLĐ đều thành lập trang, nhóm của mình trên Facebook nhằm mục đích chính là chia sẻ thông tin, giao lưu, kết nối. Nhiều trang thu hút hàng ngàn, hàng chục ngàn NLĐ tham gia. Có thể kể đến như nhóm: Đoàn Thanh niên Pousung Việt Nam, Đoàn Thanh niên Changshin... với số lượng người tham gia, theo dõi rất đông, hiệu ứng tạo ra từ mỗi tin, bài đăng, chia sẻ trên các trang, nhóm này rất lớn.

Nhiệm kỳ 2018 - 2023 là giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt của Công đoàn Việt Nam. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn thiện, pháp luật đặt ra những yêu cầu mới đối với tổ chức Công đoàn. Cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư tất yếu có những tác động đến mô hình tập hợp NLĐ cũng như hoạt động của tổ chức Công đoàn. Hiện, Việt Nam đã triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và các công ước của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đòi hỏi tổ chức Công đoàn cần phải đổi mới sâu sắc và toàn diện hoạt động của mình để tạo dựng được niềm tin vững vàng trước đoàn viên, NLĐ.

Bài: NGỌC TÚ - HUYỀN TRANG

Đồ họa: HOÀNG HÀ

Xem phiên bản di động