e magazine
09/08/2024 06:30
“Luật sư” Công đoàn: Nước mắt của người lao động là động lực để chúng tôi “đi đến cùng”

09/08/2024 06:30

Chứng kiến giọt nước mắt bất lực, buồn tủi của người lao động (NLĐ) khi bị nợ lương, cán bộ của Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ NLĐ Công đoàn Hà Nội - những "luật sư" Công đoàn đã quyết tâm “đi đến cùng’ để đòi lại công bằng cho họ.
“Luật sư” Công đoàn: Nước mắt của NLĐ là động lực để chúng tôi “đi đến cùng”Cô Đặng Thị Dung (61 tuổi, trước đó là tạp vụ làm việc tại Nhà máy Dệt kim Haprosimex) rơi nước mắt vì bị nợ lương, phải nhờ "luật sư" của Công đoàn hỗ trợ. Ảnh: M.A

“Luật sư” Công đoàn: Nước mắt của người lao động là động lực để chúng tôi “đi đến cùng”

Chứng kiến giọt nước mắt bất lực, buồn tủi của NLĐ khi bị nợ lương, cán bộ của Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ NLĐ Công đoàn Hà Nội - những "luật sư" Công đoàn đã quyết tâm “đi đến cùng’ để đòi lại công bằng cho họ.

Ra đời từ nhu cầu cần được đại diện, bảo vệ của công nhân lao động Thủ đô

Theo bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm chính thức thành lập năm 2022, phát triển từ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội, nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Theo Đề án 04/ĐA-LĐLĐ ngày 30/9/2022 của LĐLĐ TP Hà Nội, Trung tâm có hai nhiệm vụ chính là tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý. Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ tổ chức đối thoại giữa NLĐ, NSDLĐ, công đoàn tại các doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động, hỗ trợ các cấp công đoàn giải quyết tranh chấp lao động, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, chăm lo đoàn viên, NLĐ thông qua nhiều hoạt động mà LĐLĐ Thành phố giao.

Đơn cử Trung tâm đã triển khai tốt nhiệm vụ tại Đề án thí điểm “Chăm lo nghỉ dưỡng sức cho đoàn viên, NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, suy giảm khả năng lao động trên địa bàn TP Hà Nội” của Công đoàn Thủ đô. Trong đó đã tổ chức cho 500/1.000 NLĐ tập trung ở các khu công nghiệp và chế xuất và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có đông công nhân lao động đi nghỉ dưỡng, được LĐLĐ Thành phố đánh giá cao.

Mục tiêu LĐLĐ TP Hà Nội đề ra là phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 70% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức Công đoàn có nhu cầu tư vấn, tranh tụng, sẽ có đại diện Công đoàn tham gia; có ít nhất từ 70% trở lên đoàn viên Công đoàn được tiếp cận và được Công đoàn hỗ trợ về các dịch vụ thiết yếu; được tư vấn, hỗ trợ pháp lý khi có nhu cầu.

Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 2,5 triệu lao động thuộc các thành phần kinh tế. Tính riêng trong 9 khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có khoảng 170.000 lao động, chủ yếu là lao động ngoại tỉnh. Một số doanh nghiệp, NSDLĐ chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi của NLĐ. Do đó, nhu cầu tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý của NLĐ là rất lớn.

“Nhiệm vụ thì nhiều nhưng với khả năng hiện tại thì Trung tâm chưa thể làm hết được. Trong 7 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đã hỗ trợ tư vấn pháp luật cho 59 lượt NLĐ; đại diện tham gia tố tụng tại tòa cho 2 người; tổ chức tuyên truyền chính sách tại 26 đơn vị cho 2.600 người; tổ chức 14 cuộc đối thoại với 1.680 NLĐ tham gia” - bà Vũ Thị Hương chia sẻ.

“Luật sư” Công đoàn: Nước mắt của NLĐ là động lực để chúng tôi “đi đến cùng”Anh Nguyễn Hữu Hậu (sinh năm 1988) nhận chạy thêm xe ôm, chở hàng từ chợ Ninh Hiệp để kiếm thu nhập lo cho gia đình khi bị Công ty Haprosimex nợ lương. Ảnh: Ý Yên

Sẵn sàng to tiếng với chủ doanh nghiệp vì công nhân bị nợ lương

Trong các nhiệm vụ của Trung tâm, bà Hương cho biết, thông qua các vụ việc, NLĐ thêm tin tưởng vào vai trò dại diện, bảo vệ của tổ chức Công đoàn.

Khi nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng bị xâm hại, NLĐ đến Trung tâm để yêu cầu được tư vấn. Khi xác định có cơ sở xác định rằng quyền lợi của NLĐ bị xâm phạm bởi NSLĐ, tư vấn viên sẽ tư vấn, hỗ trợ làm đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc làm đơn khởi kiện NSDLĐ ra Tòa nếu vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Trong suốt quá trình giải quyết vụ án tại Tòa, Trung tâm luôn đồng hành hỗ trợ hướng dẫn cho NLĐ thực hiện tất cả những thủ tục tố tụng như làm bản tự khai, hướng dẫn tham gia hòa giải cũng như định hướng cho NLĐ trình bày các ý kiến, yêu cầu của mình tại Tòa. Trong trường hợp, nếu việc hòa giải tại Tòa án không thành buộc phải đưa vụ án ra xét xử và NLĐ có đơn đề nghị cử luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho mình tại phiên tòa xét xử thì khi đó Trung tâm sẽ làm giấy giới thiệu cử luật sư ra Tòa bảo vệ cho NLĐ hoặc Trung tâm cử cán bộ tham giao bảo vệ cho NLĐ với tư cách là đại diện cho tổ chức đại diện NLĐ tham gia bảo vệ cho NLĐ.

Hiện nay, do NLĐ hiểu biết pháp luật hạn chế và khả năng diễn đạt tại Tòa án không rõ ràng nên ngoài việc cử người tham gia tố tụng tại Toà án với tư cách là người bảo vệ cho NLĐ, Trung tâm cũng đã cử tư vấn viên nhận làm đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng tại Toà án của NLĐ khi NLĐ có yêu cầu, thay mặt NLĐ tham gia tất cả các giai đoạn giải quyết của một vụ án… Trung tâm đã hỗ trợ, thảo đơn cho nhiều NLĐ gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền cho NLĐ trong nhiều vụ án.

“Luật sư” Công đoàn: Nước mắt của NLĐ là động lực để chúng tôi “đi đến cùng”Công nhân Công ty Haprosimex từng đến địa chỉ 115 Đội Cấn mong được giải quyết số tiền lương còn nợ. Ảnh: M.A

“Trước đây, Trung tâm thực hiện nhiệm vụ tư vấn pháp luật là chính, số vụ đại diện khởi kiện không nhiều. Qua thời gian cùng yêu cầu trong tình hình mới, công việc hỗ trợ pháp lý và ngày càng tăng. Hiện tại, Trung tâm đang tiếp tục hỗ trợ NLĐ của Công ty 19/5, Công ty Haprosimex khởi kiện, đang có 15 đơn khởi kiện tại toà được toà thụ lý. Chỉ tính riêng Công ty 19/5 đang nợ BHXH của NLĐ lên đến hàng chục tỷ đồng.

Chúng tôi cố gắng hướng đến hòa giải thành tại tòa, làm sao để NLĐ nhận được tiền bồi thường sớm nhất, được tòa ghi nhận. Bởi lẽ, nhiều khi chờ phiên xét xử, chờ bản án có hiệu lực nhưng thi hành án vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Thậm chí bản án có hiệu lực nhưng doanh nghiệp không chịu thi hành, NLĐ phải làm nhiều thủ tục khác mà bản án vẫn không được thực hiện. Doanh nghiệp rất cố chấp, qua mấy phiên hòa giải họ mới chấp nhận yêu cầu. Trong các trường hợp này, thẩm phán có vai trò rất quan trọng, ý kiến thuyết phục, phân tích của thẩm phán sẽ có tác động để NSDLĐ thay đổi nhận thức, hành vi, hướng tới hòa giải thành” - bà Hương thông tin.

Kể về một kỷ niệm trong quá trình nhiều năm làm “luật sư” Công đoàn của mình, bà Hương nhớ đến một nhóm 3 NLĐ tìm đến Trung tâm nhờ hỗ trợ. Toà đã thụ lý đơn, NLĐ có căn cứ nhưng doanh nghiệp thách thức không trả tiền. NLĐ nhiều lần tìm gặp chủ doanh nghiệp đề nghị thanh toán số tiền 45 triệu đồng (với NSDLĐ không là gì nhưng với NLĐ là vô cùng quý giá). Trong số đó có một bạn mang thai 7,5 tháng; một bạn quê ở tỉnh xa.

Thẩm phán yêu cầu trả vụ việc về quận Nam Từ Liêm giải quyết. Tại cuộc làm việc giữa Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, LĐLĐ quận, Trung tâm và chủ doanh nghiệp, NSDLĐ khăng khăng nói đã đóng bảo hiểm cho NLĐ, hứa sẽ trả cho NLĐ. Nhưng Trung tâm đã bác bỏ lập luận này vì thời gian kéo dài hơn 1 năm, thể hiện sự cố tình chây ỳ. Khi nghe doanh nghiệp thách thức, bạn nhân viên mang thai bật khóc.

“Thấy NLĐ khóc trong buồn tủi, tôi rất xúc động và quyết tâm bảo vệ 3 bạn đến cùng để đòi bằng được quyền lợi. Tại buổi làm việc, tôi đã cứng rắn nói với NSDLĐ về trách nhiệm, tình người bên ngoài quan hệ chủ - thợ, nhất là với một lao động nữ đang mang thai. Sau cuộc họp, tôi đã làm việc với LĐLĐ quận Nam Từ Liêm để có văn bản đề nghị UBDND quận thanh tra doanh nghiệp về lao động, bảo hiểm, công đoàn.

Sau rất nhiều cuộc làm việc, nhiều tháng, cuối cùng, NSDLĐ phải trả lương mà không cần qua tòa án và chốt sổ bảo hiểm cho NLĐ. Thông qua vụ việc cũng cho thấy, Công đoàn có tiếng nói phải thật sự cứng rắn và mạnh mẽ và sự vào cuộc của chính quyền sẽ khiến doanh nghiệp phải chấp hành pháp luật.

“Luật sư” Công đoàn: Nước mắt của NLĐ là động lực để chúng tôi “đi đến cùng”
Giám đốc Trung tâm tham gia phiên tòa sơ phúc thẩm tại Tòa án cấp cao tại Hà Nội với tư cách đại diện ủy quyền cho NLĐ về giải quyết tranh chấp khi NSDLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với NLĐ. Ảnh: NVCC

Bà Hương chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay mà những ‘luật sư” Công đoàn trăn trở là ý thức chấp hành pháp luật của NSĐLĐ và chế tài chưa đủ mạnh. Đơn cử, Công ty 19/5 nợ BHXH cuả rất nhiều NLĐ nhưng vẫn thách thức NLĐ do chế tài chưa đủ mạnh và sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước chưa quyết liệt.

Lực lượng lao động đông, nhu cầu tư vấn pháp luật ngày càng nhiều, đội ngũ luật sư và tư vấn viên không thể đáp ứng được hết nhu cầu. Số vụ việc NLĐ yêu cầu được Trung tâm cử người tham gia tố tụng theo hình thức đại diện theo uỷ quyền và bảo vệ ngày càng tăng, dẫn dến tình trạng quá tải cho tư vấn viên, đặc biệt trong quý III hằng năm là thời điểm Toà án tổng kết ngành.

Về mô hình hoạt động, Trung tâm được xác định là đơn vị sự nghiệp hoạt động theo cơ chế tự trang trải về tài chính. Tuy nhiên, việc tuyển dụng cán bộ do Thành uỷ quản lý biên chế, hoạt động hạn chế do thực hiện hoạt động tư vấn pháp lý lĩnh vực lao động không thu phí, phần kinh phí thu được từ hoạt động tư vấn pháp luật cho cá nhân, tổ chức có thu phí là rất ít. Mức thù lao chi cho công tác khởi kiện và tham gia tố tụng giải quyết các vụ án tranh chấp lao động tại Tòa án chưa cao còn là những khó khăn để Trung tâm làm tốt hơn nữa vai trò của mình.

“Xác định làm “luật sư Công đoàn”, chúng tôi luôn vui vẻ với công việc. Có lần, NLĐ cảm ơn, Trung tâm chỉ xin nhận tấm lòng, còn tiền thì dặn họ mang về lo cho con. Nhiều lúc thương lắm, nhất là thấy nữ công nhân mang thai chứa chan nước mắt đòi nợ, bị NSDLĐ mắng như té tát vào mặt. Bảo vệ được thêm một NLĐ đó chính là phần thưởng lớn nhất của chúng tôi” - bà Hương cho biết.

“Luật sư” Công đoàn: Nước mắt của NLĐ là động lực để chúng tôi “đi đến cùng”Giám đốc Trung tâm tham gia phiên tòa sơ thẩm tại TAND quận Hai Bà Trưng với tư cách đại diện theo ủy quyền đòi trợ cấp thôi việc cho NLĐ. Ảnh: NVCC

Chị Nguyễn Thị Huyền - đại diện công nhân Công ty Haprosimex cho biết, tất cả những người bị nợ lương đều có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi lần đi lại để đòi nợ lương đều tốn kém chi phí, công việc phải bỏ dở. Trong suốt quá trình đòi nợ lương, công nhân Công ty Haprosimex luôn nhận được sự hỗ trợ tận tâm của tổ chức Công đoàn, trực tiếp là Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ NLĐ Công đoàn Hà Nội", chị Huyền nói.

Hà Vy

Đồ họa: Hà Vy

Xem phiên bản di động