Luật Công đoàn 2024: “Van xả áp” giúp doanh nghiệp vượt qua “cơn bão” chi phí |
Luật Công đoàn 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đã bổ sung một cơ chế mới tại Điều 30 cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã gặp khó khăn do yếu tố kinh tế hoặc bất khả kháng, hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh có thể được tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong thời gian tối đa 12 tháng. Sau thời gian này, doanh nghiệp vẫn phải đóng bù đầy đủ, đúng hạn phần kinh phí tạm dừng.
![]() |
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử pháp luật công đoàn, doanh nghiệp được ‘giãn nợ’ công khai và có cơ chế pháp lý rõ ràng. Ảnh minh hoạ |
Quy định cho phép tạm dừng đóng kinh phí công đoàn tối đa 12 tháng trong trường hợp khó khăn đặc biệt tại Điều 30 của Luật Công đoàn 2024 đang nhận được sự đồng thuận cao từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực sản xuất và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
Luật cần sống trong đời sống doanh nghiệp
Phần lớn ý kiến doanh nghiệp đều hoan nghênh tinh thần nhân văn và thực tiễn của quy định tại Điều 30, xem đây là một “liều oxy” trong lúc thị trường còn nhiều bất ổn. Tuy nhiên, họ mong muốn thủ tục đơn giản, minh bạch, xét duyệt nhanh và có thể gia hạn linh hoạt nếu cần thiết.
Bà Phạm Thu Huyền, chủ doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại Đồng Nai hoan nghênh quy định này, nhưng cần có danh mục tiêu chí cụ thể để doanh nghiệp nào đủ điều kiện thì được duyệt nhanh, tránh tình trạng xin mà chờ mãi không được phản hồi.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Bình Dương cho rằng quy định mới “rất đúng thời điểm”. Giai đoạn khó khăn này, nếu không có chính sách hỗ trợ dòng tiền, nhiều doanh nghiệp sẽ không “trụ nổi”. Tuy nhiên, ông Lộc đề nghị đóng bù cũng buộc doanh nghiệp phải có kế hoạch tài chính cụ thể, không được lạm dụng chính sách.
Một số ý kiến khác cũng đề xuất điều chỉnh quy định về thời hạn đóng bù. Theo ông Nguyễn Duy Linh, đại diện một công ty xây dựng tại Hà Nội, thời gian 12 tháng có thể chưa đủ để doanh nghiệp phục hồi sau khủng hoảng.
“Nếu bắt buộc đóng bù ngay sau đó, nhiều đơn vị chưa có nguồn lực sẽ lại rơi vào khó khăn,” ông Linh nói và kiến nghị nên cho phép gia hạn thêm trong trường hợp cần thiết.
![]() |
Việc quy định được tạm dừng tối đa 12 tháng nhưng phải đóng bù là một điểm cân bằng, nhưng cần có cơ chế giám sát sát sao việc thực hiện đóng bù. Ảnh minh hoạ |
Do đó, ông Linh đề xuất nên có cơ chế xét gia hạn thêm 3-6 tháng nếu doanh nghiệp chứng minh được khó khăn vẫn kéo dài. “Giống như ngân hàng cho cơ cấu lại nợ, Nhà nước cũng nên cho gia hạn thời gian đóng bù, nhưng đi kèm cam kết cụ thể,” ông Linh nói.
Nhìn chung, doanh nghiệp đánh giá cao tinh thần “đồng hành thay vì áp đặt” mà Điều 30 Luật Công đoàn 2024 đang thể hiện. Nhưng, điều họ mong mỏi hơn cả là chính sách này không chỉ “tốt trên giấy”, mà cần được thực thi với tinh thần linh hoạt, minh bạch, gọn nhẹ và thực chất. Chỉ khi đó, quy định tạm dừng đóng kinh phí công đoàn mới giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững.
Các chuyên gia đều đồng thuận quy định mới là tích cực và cần thiết. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử pháp luật công đoàn, doanh nghiệp được “giãn nợ” công khai và có cơ chế pháp lý rõ ràng. Về mặt triết lý, nó đánh dấu sự thay đổi trong mối quan hệ giữa Nhà nước và khu vực tư nhân, từ chỗ Nhà nước đứng ở vai trò “người thu” sang vai trò “người hỗ trợ và chia sẻ”.
Tuy nhiên, TS. Vũ Hoàng Giang, chuyên gia pháp luật lao động cũng đặt vấn đề nếu thiếu giám sát và tiêu chí đánh giá minh bạch thì nguy cơ bị lợi dụng là có thật. Việc quy định “được tạm dừng tối đa 12 tháng nhưng phải đóng bù” là một điểm cân bằng, nhưng cần có cơ chế giám sát sát sao việc thực hiện đóng bù. Tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tạm dừng để trốn luôn nghĩa vụ, hoặc kéo dài không đóng mà không bị xử lý.
Giãn nghĩa vụ tài chính có kiểm soát
TS. Vũ Hoàng Giang đề xuất cần xây dựng một hệ thống tiêu chí định lượng, gồm doanh thu giảm bao nhiêu phần trăm, dòng tiền âm bao lâu, tỷ lệ cắt giảm lao động, số tháng không có đơn hàng… Những yếu tố này có thể được lấy từ dữ liệu cơ quan thuế, ngân hàng, hoặc bảo hiểm xã hội.
![]() |
Quy định tạm dừng đóng kinh phí công đoàn cho thấy tư duy chính sách hiện nay đang ngày càng tiếp cận thực tiễn và có tính thích ứng cao. Ảnh minh hoạ |
“Cần hình thành tổ đánh giá độc lập, có thể là liên ngành giữa công đoàn – thuế – bảo hiểm – lao động để xác minh các trường hợp xin tạm dừng đóng. Nếu để tự kê khai và xét duyệt cục bộ sẽ rất dễ xảy ra sai lệch”, TS. Vũ Hoàng Giang nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Thanh-chuyên gia tư vấn chính sách công cho rằng việc tạm dừng đóng kinh phí công đoàn tối đa 12 tháng là một giải pháp tình thế hợp lý trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất định.
Tuy nhiên, bản chất của chính sách này là sự “linh hoạt có điều kiện”. Tức là, chỉ áp dụng khi doanh nghiệp thực sự rơi vào tình trạng khó khăn đặc biệt. Điều quan trọng là phải xác định đúng “ai là người thực sự cần”.
“Tính minh bạch và công bằng trong triển khai chính sách là yếu tố then chốt. Một chính sách tốt nếu bị vận dụng sai sẽ mất lòng tin, không chỉ với doanh nghiệp mà còn cả người lao động. Do đó, Nhà nước nên công khai danh sách các đơn vị được tạm dừng đóng và công khai tiến độ đóng bù sau đó”, TS. Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.
Để tránh bị “biến tướng” thành cơ chế né tránh nghĩa vụ, TS. Nguyễn Thị Thanh đề nghị chính sách này cần được thực hiện trên nền tảng ba yếu tố: tiêu chí rõ ràng – công nghệ hỗ trợ – giám sát minh bạch.
Đơn cử, phải có bộ tiêu chí thống nhất trên toàn quốc để đánh giá mức độ khó khăn của doanh nghiệp. Các tiêu chí cần cụ thể và đo lường được như: doanh thu giảm trên 30%, đơn hàng sụt từ 40% trở lên, tỷ lệ lao động bị cắt giảm từ 20% trở lên, hoặc báo cáo lỗ trong ba quý liên tiếp.
![]() |
Bản chất của chính sách này là sự linh hoạt có điều kiện, tức là chỉ áp dụng khi doanh nghiệp thực sự rơi vào tình trạng khó khăn đặc biệt. Điều quan trọng là phải xác định đúng “ai là người thực sự cần”. Ảnh minh hoạ |
TS. Nguyễn Thị Thanh nêu ra một số giải pháp cụ thể, như ban hành Thông tư hướng dẫn kèm bảng tiêu chí chuẩn áp dụng chung. Kết hợp các chỉ số từ cơ quan thuế, bảo hiểm, tài chính để xác thực tình hình khó khăn.
Xây dựng hệ thống kê khai trực tuyến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, liên thông với Cục Thuế về doanh thu, thu nhập. BHXH Việt Nam về số lao động, mức đóng. Ngân hàng Nhà nước (dữ liệu tín dụng). Tự động chấm điểm “mức độ khó khăn” để hỗ trợ ra quyết định xét duyệt minh bạch.
Thêm quy định trong nghị định hướng dẫn doanh nghiệp có thể nộp đơn xin gia hạn thời gian đóng bù, kèm theo báo cáo tài chính mới nhất, cam kết trả nợ theo lộ trình cụ thể. Liên đoàn Lao động địa phương phối hợp cùng cơ quan thuế thẩm định.
Yêu cầu các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố công bố công khai hàng tháng danh sách doanh nghiệp được tạm dừng đóng, thời hạn đóng bù, tình trạng thực hiện đóng bù. Thiết lập kênh phản ánh riêng cho người lao động, bảo đảm quyền được giám sát.
![]() |
Quy định tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn 2024 là một bước tiến đáng ghi nhận trong tư duy quản trị nhà nước – chuyển từ “áp đặt nghĩa vụ” sang “đồng hành hỗ trợ”. Ảnh minh hoạ |
TS. Nguyễn Thị Thanh cũng đề xuất bổ sung điều khoản ràng buộc trách nhiệm, xử lý nếu doanh nghiệp gian lận. Cụ thể, phạt hành chính từ 10 – 30 triệu đồng nếu cố tình khai báo sai để được tạm dừng đóng. Bị hủy quyết định hỗ trợ và truy thu toàn bộ số tiền chậm đóng cộng lãi suất nếu vi phạm. Bổ sung cơ chế kiểm tra ngẫu nhiên định kỳ 5% hồ sơ đã được phê duyệt để phòng ngừa rủi ro.
Quy định tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn 2024 là một bước tiến đáng ghi nhận trong tư duy quản trị nhà nước – chuyển từ “áp đặt nghĩa vụ” sang “đồng hành hỗ trợ”. Tuy nhiên, như mọi chính sách nhân văn khác, hiệu quả thực sự sẽ phụ thuộc vào cách thức triển khai.
Một bên là doanh nghiệp đang “cầm cự” để tồn tại, bên kia là nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi người lao động. Giữa hai thái cực ấy, cần một khung chính sách linh hoạt nhưng minh bạch, mềm mỏng nhưng không dễ dãi, để vừa cứu doanh nghiệp, vừa giữ được lòng tin của người lao động vào hệ thống công đoàn.
![]() Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ XV gồm 6 chương, 37 Điều, tăng 4 điều so ... |
![]() Với những sửa đổi đáng chú ý tại Điều 30, Luật Công đoàn năm 2024 đánh dấu bước chuyển quan trọng trong cách thức tiếp ... |
![]() Việc sửa đổi Điều 30 của Luật Công đoàn 2024 cho phép doanh nghiệp được miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng kinh phí công đoàn ... |