e magazine
18/06/2024 09:32
LĐLĐ TP. Đà Nẵng: Tập trung thành lập các Nghiệp đoàn

18/06/2024 09:32

Với chỉ tiêu phát triển 19.000 đoàn viên được Tổng LĐLĐ Việt Nam giao năm 2024, LĐLĐ thành phố sẽ tập trung ở khu vực phi chính thức.
LĐLĐ TP. Đà Nẵng: Tập trung thành lập các Nghiệp đoàn
LĐLĐ TP. Đà Nẵng: Tập trung thành lập các Nghiệp đoàn

Sau thời gian dài chuẩn bị, từ rà soát số lượng, vận động và thảo luận những thỏa ước lao động tập thể có lợi hơn cho người lao động, ngày 15/4/2024, Nghiệp đoàn các lớp mầm non độc lập tại TP. Đà Nẵng đã được ra mắt.

Đây là tổ chức Nghiệp đoàn đầu tiên trên địa bàn được thành lập trong năm 2024 với đoàn viên của 37 lớp mầm non độc lập của phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Đồng thời đây cũng là mô hình thí điểm về tập hợp những người lao động tự do thuộc nhiều ngành, nghề gia nhập nghiệp đoàn.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Như, Chủ tịch Nghiệp đoàn các lớp mầm non độc lập phường Hòa Minh, Nghiệp đoàn sẽ nhanh chóng ổn định tổ chức, liên kết các đoàn viên và tiến tới Đại hội.

Đồng chí Như nói thêm, nghiệp đoàn ra đời sẽ tạo điều kiện để các cô giáo mầm non được sinh hoạt trong một tổ chức chính trị - xã hội, được chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong nghề nghiệp, đời sống. Do đó, đồng chí sẽ cố gắng thực hiện tốt các mục tiêu, chức năng của nghiệp đoàn.

Đồng chí Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Đà Nẵng cho biết, quận Liên Chiểu hiện còn 151 nhóm trẻ độc lập tư thục với 600 lao động. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục thành lập 3 nghiệp đoàn còn lại, lấy tên theo địa bàn phường, trong đó hai phường đông đoàn viên nhất là phường Hòa Minh và phường Hòa Khánh Bắc.

LĐLĐ TP. Đà Nẵng: Tập trung thành lập các Nghiệp đoàn

Sau thành công của việc thành lập Nghiệp đoàn các lớp mầm non độc tại quận Liên Chiểu, LĐLĐ TP. Đà Nẵng dự kiến sẽ nhân rộng ra địa bàn các quận khác.

Sáng 8/6, LĐLĐ quận Hải Châu phối hợp Phòng Giáo dục & Đào tạo quận đã tổ chức hội nghị vận động thành lập Nghiệp đoàn cơ sở các nhóm lớp mầm non độc lập. Theo đó, trên địa bàn quận Hải Châu hiện có 66 nhóm lớp mầm non độc lập với 294 giáo viên, nhân viên, người lao động.

Cùng với đó, LĐLĐ quận Hải Châu đang khảo sát số lượng lao động trong các đơn vị xe công nghệ. Sau khi làm việc với đại diện Grab tại Miền Trung để thống nhất chủ trương, công đoàn sẽ tuyên truyền, vận động người lao động tham gia nghiệp đoàn xe ôm công nghệ.

“LĐLĐ thành phố cũng đã chỉ đạo LĐLĐ quận Ngũ Hành Sơn tiếp tục vận động 1.500 người lao động của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước vào Nghiệp đoàn Làng đá mỹ nghệ Non Nước”, đồng chí Lê Văn Đại cho biết thêm.

LĐLĐ TP. Đà Nẵng: Tập trung thành lập các Nghiệp đoàn

Tuy đạt được thành công bước đầu nói trên, công tác phát triển đoàn viên trên địa bàn TP. Đà Nẵng vẫn còn không ít khó khăn.

Đa số các cô giáo mầm non trước đây chưa tìm hiểu về tổ chức Công đoàn nên sự hiểu biết về tổ chức “gần như bằng không”. Nhiều người lao động còn băn khoăn với câu hỏi vào công đoàn để làm gì? Vào công đoàn được gì? Vào công đoàn có phải đóng đoàn phí không?

Để trả lời những thắc mắc đó, cán bộ công đoàn TP. Đà Nẵng đã cung cấp tài liệu về tổ chức Công đoàn thông qua mã QR. Đồng thời, tổ chức những buổi tuyên truyền, vận động bằng hình thức tập trung lẫn tại cơ sở làm việc của các cô giáo.

Theo đồng chí Lê Văn Đại, ban đầu các cô chưa đồng ý việc trích 1% lương để đóng đoàn phí. Nhưng sau đó công đoàn vận động đóng mỗi người mỗi tháng 20 – 30 ngàn đồng đoàn phí để làm kinh phí hoạt động; công đoàn cấp trên cũng sẽ hỗ trợ kinh phí để nghiệp đoàn hoạt động trong thời gian đầu thì nhiều người đồng ý.

“Lần đầu đi tuyên truyền, vận động chỉ có 7 đơn xin gia nhập tổ chức Công đoàn. Chúng tôi đã giải thích cặn kẽ những thắc mắc, những câu hỏi của các cô thì vừa qua chỉ riêng phường Hòa Minh đã có 117 đơn xin gia nhập”, đồng chí Lê Văn Đại nói.

LĐLĐ TP. Đà Nẵng: Tập trung thành lập các Nghiệp đoàn

Cô Nguyễn Thị Như, Chủ tịch Nghiệp đoàn các lớp mầm non độc lập phường Hòa Minh cho biết thêm, giáo viên ở các nhóm trẻ là lao động tự do nên quá trình vận động vào nghiệp đoàn gặp khó khăn. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của LĐLĐ thành phố, công đoàn các cấp hỗ trợ về mặt tinh thần, vật chất, các cô cũng dần hiểu được quyền lợi của mình nên tham gia nhiệt tình.

Đoàn viên nghiệp đoàn sẽ được hưởng mọi quyền lợi như đoàn viên của một CĐCS, như được tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật; được can thiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm phạm; được hỗ trợ khi gặp khó khăn; được tham gia các chương trình phúc lợi, các hoạt động của Công đoàn…

Cô Hoàng Thị Thu Ngân, 40 tuổi, nhóm Mầm non Hà My cho biết, nhóm của cô gồm một cô giáo dưỡng, một cô đứng lớp, một cô dạy aerobic và dạy tiếng Anh theo giờ đã được vận động vào nghiệp đoàn.

“Các cô trường mình trẻ trung, năng động nên mình vận động họ cùng tham gia nghiệp đoàn. Những cô khó khăn sẽ được công đoàn hỗ trợ cho vay vốn, hỗ trợ chăm lo Tết hay dịp Tháng Công nhân”, cô Ngân nói.

Cô Nguyễn Thị Xuân, 30 tuổi, quê Quảng Nam là giáo viên Trường Mầm Non Kiến Vàng chia sẻ, khi vào nghiệp đoàn, cô cảm thấy tự tin hơn, có một chỗ dựa, một tổ chức để bảo vệ, chăm lo đời sống được tốt hơn.

“Mình cảm thấy rất là vui được vào nghiệp đoàn và rất xúc động khi nhận được phần quà của nghiệp đoàn. Sự quan tâm đoàn viên của các cấp công đoàn là chỗ dựa giúp mình tự tin hơn trong quá trình làm việc” – cô Xuân chia sẻ.

Với phương châm “Ở đâu có người lao động, ở đó có tổ chức Công đoàn”, thời gian qua, LĐLĐ TP. Đà Nẵng đã chú trọng đổi mới phương thức kết nạp gắn với nâng cao chất lượng đoàn viên; tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá về phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, lao động khu vực phi chính thức.

Bên cạnh đó, công đoàn đã kịp thời triển khai các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là chủ tịch CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ mới, chú trọng tập huấn về kỹ năng phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, kỹ năng đối thoại, thương lượng.

“LĐLĐ TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến hết 30/6/2024 sẽ đạt tối thiểu 70% chỉ tiêu thành lập CĐCS và 50% chỉ tiêu phát triển đoàn viên. Vận động người lao động vào tổ chức Công đoàn giúp tăng cường sức mạnh của tập thể người lao động, góp phần nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”, đồng chí Lê Văn Đại khẳng định.

Bài viết: Phan Nguyên

Đồ họa: An Nhiên

Xem phiên bản di động