Những ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 đã thúc đẩy công đoàn đến gần hơn với đoàn viên, người lao động (NLĐ); chia sẻ, hỗ trợ, chăm lo thiết thực cho đoàn viên, NLĐ của mình. Đoàn viên, NLĐ, hơn lúc nào hết đã cảm nhận được tình cảm của công đoàn, thấy được sự cần thiết của một tổ chức đại diện, chăm lo cho mình. Ông Châu Văn Thắng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trao đổi với chúng tôi làm rõ hơn vấn đề này.
PV: Các cấp Công đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những giải pháp gì chia sẻ, hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19?
Ông Châu Văn Thắng: Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, trên toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 15.000 đoàn viên, NLĐ trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thuộc 11 nhóm ngành bị ảnh hưởng. LĐLĐ tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cấp công đoàn một mặt tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch trong cán bộ, đoàn viên, NLĐ, đồng thời tiết giảm các hoạt động phong trào chưa cấp thiết để dành nguồn lực tài chính và thời gian hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. LĐLĐ tỉnh đã vận động toàn thể cán bộ công đoàn chuyên trách ủng hộ mỗi tháng 01 ngày lương trong 3 tháng (6 - 8/2020) để hỗ trợ đoàn viên, NLĐ.
Các cấp công đoàn vận động, tổ chức cấp phát khẩu trang, nước rửa tay cho NLĐ; tham gia, đề xuất với doanh nghiệp sắp xếp lại lao động, duy trì việc làm, thu nhập, thực hiện chế độ, chính sách đối với NLĐ phải giãn việc, nghỉ việc luân phiên hoặc phải chấm dứt hợp đồng lao động; lắp đặt ATM gạo miễn phí; vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê nhà; thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ đoàn viên, NLĐ. Các công đoàn cơ sở đã trao 6.170 suất quà tổng trị giá gần 4,4 tỷ đồng; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trao 2.251 suất quà tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng cho đoàn viên, NLĐ gặp khó khăn bởi Covid-19. Riêng LĐLĐ tỉnh, trong dịp Tháng Công nhân năm 2020 đã trao tặng 400 suất quà trị giá 1.000.000 đồng/suất, tăng 200 suất so với Tháng Công nhân năm 2019.
“Nhưng chính trong hoàn cảnh khó khăn này đã làm cho công đoàn đến gần hơn với đoàn viên, NLĐ của mình. Bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm của tổ ấm đại diện, công đoàn đã đến tận nơi, làm được nhiều việc thiết thực, ý nghĩa cho đoàn viên, NLĐ đúng lúc họ khó khăn nhất, cần đến công đoàn nhất.”
Ông Châu Văn Thắng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
PV: Như vậy, có thể nói cả hệ thống công đoàn trong toàn tỉnh đã tích cực vào cuộc?
Ông Châu Văn Thắng: Đúng là như vậy. Covid-19 ảnh hưởng nặng nề trên diện rộng. Đoàn viên, NLĐ lại là nhóm yếu thế nên gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, đồng thời chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết hàng đầu của công đoàn. Toàn hệ thống công đoàn đã tích cực vào cuộc với nhiều cách làm sáng tạo, linh động.
Nhưng chính hoàn cảnh khó khăn đó đã làm cho công đoàn đến gần hơn với đoàn viên, NLĐ của mình. Bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm của tổ ấm đại diện, công đoàn đã đến tận nơi, làm được nhiều việc thiết thực, ý nghĩa cho đoàn viên, NLĐ đúng lúc họ khó khăn nhất, cần đến công đoàn nhất. Hơn lúc nào hết, đoàn viên, NLĐ cảm nhận được tình cảm của Công đoàn, thấy được lợi ích thiết thân và sự cần thiết của công đoàn. Không những thế, những việc làm của công đoàn còn góp phần khơi dậy tinh thần vượt khó, tương thân tương ái của đoàn viên, NLĐ và cộng đồng. Chứng kiến những việc làm của công đoàn không chỉ đoàn viên, NLĐ mà có chủ nhà trọ cho NLĐ thuê cũng cảm động, hiểu hơn và thêm quý công đoàn.
PV: Tại sao chủ nhà trọ lại cảm động như vậy, ông có thể chia sẻ thêm?
Ông Châu Văn Thắng: Chuyện là thế này. Cùng với việc thuyết phục các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê nhà cho NLĐ, chúng tôi nghĩ cần phải làm gì đó tri ân để động viên, khích lệ họ. Chúng tôi quyết định tổ chức các đoàn công tác xuống tận các nhà trọ thăm hỏi, cảm ơn họ.
Trong số các chủ nhà trọ do đoàn công tác của chị Phúc (bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đến thăm có một chị hoàn cảnh cũng không khá giả gì. Kinh tế gia đình chị phụ thuộc vào mấy phòng trọ cho NLĐ thuê và một cửa hàng tạp hóa. Bố mẹ chồng của chị lại đang ốm nặng cần chăm sóc, thuốc thang tốn kém. Mặc dù vậy, chị vẫn giảm giá tiền thuê nhà cho NLĐ ở trọ. Chị Phúc kể khi đoàn đến thăm, ban đầu chị chủ nhà trọ không nhận quà cảm ơn, thậm chí không tiếp, không mời đoàn vào nhà. Chị cho biết giảm giá thuê nhà vì tự thấy cần chia sẻ khó khăn với NLĐ, không nghĩ đến việc được cảm ơn, không muốn được tri ân hay báo chí đưa tin. Đoàn công tác đã phải ngồi hàng giờ ngoài lề đường, trước cửa hàng tạp hóa của chị, giúp chị bán hàng, chuyện trò, chia sẻ chuyện gia đình, hoàn cảnh… Dần dần chị cảm nhận được sự chân thành của đoàn công tác, chị đồng ý cho đoàn vào nhà thăm bố mẹ chồng. Khi nhận quà tri ân của đoàn chị cảm động và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ NLĐ ở trọ.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tặng quà tri ân chủ nhà trọ
"Tôi nói với chị chủ nhà trọ rằng, chúng tôi đến không phải để tuyên dương, tuyên truyền, quà cũng chỉ là bộ ấm trà có in logo công đoàn thể hiện tình cảm biết ơn của công đoàn, của NLĐ ở trọ đối với nghĩa cử của chị. Mong chị nhận để mỗi lần chị sử dụng, nhìn thấy logo công đoàn chị sẽ thấy được chia sẻ, động viên, có thêm động lực làm việc, lo cho cuộc sống hàng ngày của gia đình, chăm sóc bố mẹ chồng già yếu và tiếp tục giúp đỡ NLĐ ở trọ gặp khó khăn. Thế là chị nhận quà và bật khóc.”
Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
PV: Còn sự sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động công đoàn như ông đánh giá cụ thể là gì?
Ông Châu Văn Thắng: Covid-19 làm thay đổi nhận thức, thói quen làm việc của rất nhiều người, rất nhiều tổ chức. Với công đoàn cũng vậy, những khó khăn, cản trở do Covid-19 mang lại dường như làm cho cán bộ công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở năng động hơn, sáng tạo hơn. Ứng dụng công nghệ, mạng xã hội, hội họp trực tuyến làm cho thông tin được truyền tải nhanh hơn. Cán bộ công đoàn cứ thấy việc gì phù hợp với thực tiễn ngành, đơn vị mình và hỗ trợ được cho đoàn viên, NLĐ là chủ động đề xuất triển khai kịp thời, không mất nhiều thời gian bàn bạc, xin ý kiến cấp trên. Nhờ đó mà bệnh hành chính hóa trong hoạt động công đoàn được hạn chế, nhiều sáng kiến được phát huy.
Ví dụ như anh Hoàng Đình Mạnh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, cùng với đề xuất doanh nghiệp các biện pháp phòng dịch, hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ, đã trực tiếp nghiên cứu chế tạo máy rửa tay khử khuẩn tự động để sử dụng trong công ty.
Máy rửa tay khử khuẩn tự động do Chủ tịch công đoàn cơ sở Hoàng Đình Mạnh nghiên cứu, chế tạo
Hay là các anh chị em ở Công đoàn các KCN Bà Rịa - Vũng Tàu khi nắm được thông tin một số doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh có ý định chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ, đã kiên trì, phân tích có lý, có tình, thuyết phục chủ doanh nghiệp không chấm dứt hợp đồng mà cho NLĐ giãn việc, nghỉ luân phiên, giữ được việc làm, thu nhập cho hàng trăm đoàn viên, NLĐ.
“Chúng tôi thuyết phục chủ doanh nghiệp rằng nếu chấm dứt hợp đồng lao động không những đẩy NLĐ vào tình cảnh khó khăn mà còn thiệt hại cho chính doanh nghiệp vì họ đều có tay nghề, kinh nghiệm, đến khi sản xuất phục hồi sẽ khó tuyển dụng lại và tốn kém chi phí đào tạo, dạy nghề. Chúng tôi cũng chỉ cho doanh nghiệp thấy những chủ nhà trọ đang cho chính NLĐ của doanh nghiệp thuê nhà. Họ không có quan hệ gì mà còn chia sẻ giảm giá thuê nhà cho NLĐ. Huống hồ chính doanh nghiệp, nơi NLĐ đã gắn bó lâu năm, đóng góp công sức thì nay lại dự định đẩy họ ra đường. Doanh nghiệp hiểu ra và quyết định không chấm dứt hợp đồng nữa mà cho NLĐ nghỉ luân phiên và duy trì trả lương theo mức tối thiểu vùng.”
Ông Nguyễn Đức Ý, Chủ tịch Công đoàn các KCN Bà Rịa - Vũng Tàu
Ông Nguyễn Đức Ý, Chủ tịch Công đoàn các KCN Bà Rịa - Vũng Tàu trao hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ
PV: Nếu tổng kết lại công tác phòng dịch và chăm lo cho đoàn viên, NLĐ của các cấp Công đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông thấy hài lòng với điều gì nhất và còn có hạn chế gì, hoặc điều gì chưa được như mong muốn?
Các cấp Công đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cố gắng làm được nhiều việc cho đoàn viên, NLĐ. Điều tôi tâm đắc nhất là sự kịp thời trong triển khai các hoạt động. Việc chỉ đạo, điều hành, thông tin, báo cáo nhanh nhạy, kịp thời nhờ ứng dụng công nghệ, mạng xã hội. Công đoàn cấp trên trực tiếp và công đoàn cơ sở vào cuộc nhanh, kịp thời chia sẻ, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ khi họ khó khăn nhất với suy nghĩ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Kịp thời vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê nhà và kịp thời đến tận nơi tri ân, cảm ơn họ. Kịp thời khen thưởng, động viên những sáng kiến, cách làm hay trong phòng, chống dịch bệnh nên đã khích lệ sự sáng tạo của cán bộ, đoàn viên công đoàn và NLĐ.
Tuy nhiên số lượng đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch rất lớn, trong khi chính doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, nguồn lực của Công đoàn thì hạn chế nên còn rất nhiều đoàn viên, NLĐ chưa nhận được sự chăm lo, hỗ trợ. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg chưa đến được với doanh nghiệp và NLĐ do còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Tôi nghĩ hậu Covid-19 còn rất nan giải. NLĐ vẫn sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Vì thế công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn phải được triển khai nghiêm ngặt, không được lơ là, chủ quan. Song các cấp, các ngành, doanh nghiệp cũng cần có chính sách, giải pháp cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa hàng hóa, sản phẩm để duy trì việc làm, thu nhập. Đó mới là giải pháp hiệu quả để NLĐ vượt qua khó khăn, chứ không chỉ là hỗ trợ vài kg lương thực, thực phẩm hay vài triệu đồng của Nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Bài: Mạnh Kiên
Đồ họa: Nguyễn Trường