e magazine
10/03/2023 21:41
Lấy ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam khoá XII

10/03/2023 21:41

Để xây dựng hệ thống Công đoàn vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiến hành lấy ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII. Trong đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổ chức Đoàn khảo sát làm việc tại 6 tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Long An, Đồng Nai và TP.HCM. Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi, nâng cao vị thế của cán bộ công đoàn là một trong những nội dung quan trọng được bàn luận.

Lấy ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII

Để xây dựng hệ thống Công đoàn vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiến hành lấy ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII. Trong đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổ chức Đoàn khảo sát làm việc tại 6 tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Long An, Đồng Nai và TP.HCM.

Bảo vệ quyền lợi, nâng cao vị thế của cán bộ công đoàn

Tập trung bảo vệ quyền lợi, nâng cao vị thế của cán bộ công đoàn

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam -Trần Thanh Hải phát biểu tại buổi làm việc với LĐLĐ tỉnh Đồng Nai. Ảnh: HAC

Ngày 9.3, đoàn khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã làm việc với LĐLĐ tỉnh Đồng Nai về việc lấy ý kiến một số nội dung dự thảo lần 2 Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).

Tại Hội nghị, các đại biểu đóng góp ý kiến tập trung vào 6 vấn đề: Đối tượng kết nạp vào Công đoàn Việt Nam; nhiệm kỳ tiến hành Đại hội; trình tự thủ tục kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, quản lý đoàn viên; khái niệm, phân loại, cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ công đoàn; vấn đề tín nhiệm cán bộ công đoàn; nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn ngành địa phương.

Đồng chí Nguyễn Tấn Hưng - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Cibao (TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) nêu ý kiến: Khó khăn nhất của cán bộ CĐCS hiện nay là phải tìm được người có tâm, có tầm mới thương lượng, đàm phán được với chủ doanh nghiệp các điều khoản có lợi cho người lao động (NLĐ). Đồng thời kiến nghị Tổng LĐLĐVN có chính sách tốt hơn để bảo vệ Chủ tịch CĐCS do nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp cán bộ công đoàn còn hạn chế về kiến thức, làm việc còn khó khăn.

Còn theo Phó Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải - Nguyễn Minh Hiếu, Tổng LĐLĐVN cần tạo điều kiện, đầu tư nguồn lực cho các công đoàn ở các tổng công ty, tập đoàn kinh tế có đông đoàn viên, NLĐ được hoạt động hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành tốt chỉ tiêu KPI của công ty, qua đó xây dựng được vị thế của cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đề nghị, công đoàn các cấp Đồng Nai nói riêng và công đoàn các cấp ở địa phương khác nói chung cần tập trung, nhấn mạnh vào vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở. Trong thời gian tới, cần quan tâm nâng cao vị thế của cán bộ công đoàn trong các đơn vị, doanh nghiệp, chủ tịch CĐCS phải là thủ lĩnh do NLĐ bầu lên.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong điều lệ Công đoàn cũng thể hiện rõ thái độ công đoàn kiên quyết bảo vệ quyền lợi cho cán bộ công đoàn, người lao động trong quá trình hoạt động. Khi xảy ra sự việc cán bộ công đoàn bị trù dập thì tổ chức Công đoàn phải đi đến tận cùng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho họ.

Đồng thuận cao với Dự thảo lần 2 – Điều lệ Công đoàn Việt Nam

Tập trung bảo vệ quyền lợi, nâng cao vị thế của cán bộ công đoàn

Đồng chí Bùi Thị Ngọc - Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ TP. Hải Phòng đóng góp ý kiến. Ảnh: HN

Trong buổi làm việc giữa Đoàn khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam với Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hải Phòng, sáng 6/3, đại diện LĐLĐ các quận, huyện; Công đoàn ngành và tương đương; CĐCS trực thuộc LĐLĐ thành phố… cơ bản đồng thuận cao với Dự thảo lần 2 – Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Một số đại biểu có ý kiến đề nghị nghiên cứu việc bố trí cán bộ công đoàn không chuyên trách làm cán bộ công đoàn chuyên trách liên quan đến quy trình tuyển dụng công chức; đề nghị bổ sung quy định cụ thể về quy trình, thủ tục kiện toàn Ủy ban kiểm tra đối với những CĐCS khi có sự biến động đoàn viên; về công tác nữ công cần nghiên cứu cụm từ “nữ đoàn viên, người lao động” thay thế bằng “nữ đoàn viên”, “lao động nữ”, nhiệm vụ “bảo vệ” chưa được giao cho công đoàn ngành địa phương… cùng một số nội dung khác.

Ngoài ra, các đại biểu trao đổi một số vấn đề thực tiễn như việc cấp thẻ đoàn viên là không phù hợp thực tế khi lao động liên tục biến động (đề xuất thay thế bằng mã số đoàn viên công đoàn); không giới hạn độ tuổi với cán bộ công đoàn; việc tuyển dụng cán bộ công đoàn thường không thể thực hiện tại cấp cơ sở….

Những đóng góp tâm huyết

Tại buổi làm việc với LĐLĐ TP. Hà Nội để lấy ý kiến một số nội dung trọng tâm về Dự thảo 2 - Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) và Dự thảo 2 - Báo cáo của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XII) trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, sáng 8/3, các ý kiến tham gia đều cơ bản nhất trí với bố cục của Dự thảo 2 - Điều lệ Công đoàn Việt Nam với 11 Chương, 43 Điều; Nhất trí với một số Điều mới, một số Điều được kết cấu lại, sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với tình hình mới như: Bổ sung quy định về lá cờ của Công đoàn Việt Nam; Bổ sung Điều 6: Miễn nhiệm và bãi nhiệm cán bộ Công đoàn cơ sở; Bổ sung Điều 16: Gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp.

Tập trung bảo vệ quyền lợi, nâng cao vị thế của cán bộ công đoàn

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu tại buổi làm việc với LĐLĐ TP. Hà Nội. Ảnh: MQ

Về nội dung Điều lệ, đa số đại biểu đồng ý với các nội dung về đoàn viên và cán bộ Công đoàn; nguyên tắc và hệ thống tổ chức; Công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn cơ sở; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; cấp LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Tổng LĐLĐ Việt Nam; công tác nữ công; công tác tài chính và tài sản Công đoàn; công tác kiểm tra, giám sát Công đoàn và Ủy ban kiểm tra Công đoàn các cấp; công tác khen thưởng - kỷ luật.

Ngoài ra, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, tâm huyết để xây dựng, hoàn thiện Điều lệ Công đoàn. Cụ thể, đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần nghiên cứu kỹ Khoản 3, Điều 4: “Cán bộ Công đoàn làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nếu đủ điều kiện về năng lực, trình độ, tiêu chuẩn, uy tín theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam thì có thể được cấp có thẩm quyền của công đoàn xét tuyển, điều động, bố trí làm các công việc phù hợp tại các cơ quan của Công đoàn”. Nội dung này liên quan đến quy định tuyển dụng công chức và phải thực hiện theo các quy định của Đảng và pháp luật hiện hành, cho nên Tổng LĐLĐ Việt Nam cần cân nhắc kĩ khoản này.

Đối với việc thành lập Ủy ban Kiểm tra CĐCS, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định cụ thể về quy trình, thủ tục kiện toàn Ủy ban Kiểm tra đối với những CĐCS khi có sự biến động đoàn viên, tức là từ khi có đủ điều kiện thành lập Ủy ban Kiểm tra CĐCS (30 đoàn viên trở lên) đến lúc không đủ điều kiện (dưới 30 đoàn viên) và ngược lại. Ngoài ra, cần bổ sung hướng dẫn việc cử người làm công tác kiểm tra Công đoàn đối với những đơn vị có dưới 10 đoàn viên...

Tập trung bảo vệ quyền lợi, nâng cao vị thế của cán bộ công đoàn

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam - Trần Thanh Hải làm việc tại tỉnh Đồng Nai ngày 9.3. Ảnh: HAC

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam - Trần Thanh Hải nhấn mạnh - Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng của cả hệ thống Công đoàn. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu; đồng thời đề nghị các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến gửi về Tổng LĐLĐ Việt Nam để hoàn thiện Dự thảo 2 - Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) và Dự thảo 2 - Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XII) trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị mỗi cán bộ công đoàn phải đặt mình người trong cuộc trong tham gia góp ý bổ sung Điều lệ Công đoàn. Qua đó, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng phát triển và hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Bài viết: HỒNG NHUNG

Xem phiên bản di động