e magazine
16/03/2024 14:05
Lao động nữ di cư cần được quan tâm nhiều hơn

16/03/2024 14:05

Mặc dù doanh nghiệp, chính quyền đã có những nỗ lực trong việc hỗ trợ lao động nữ di cư nhưng mới chỉ đáp ứng được phần nào trong vô vàn những khó khăn, mong mỏi của họ.

Lao động nữ di cư cần được quan tâm nhiều hơn

Mặc dù doanh nghiệp, chính quyền đã có những nỗ lực trong việc hỗ trợ lao động nữ di cư nhưng mới chỉ đáp ứng được phần nào trong vô vàn những khó khăn, mong mỏi của họ.

Lao động nữ di cư cần được quan tâm nhiều hơn
Do điều kiện khó khăn nên chị Đỗ Thị Đam (quê Phú Thọ), công nhân Khu công nghiệp Thăng Long phải gửi con cho ông bà nội chăm sóc. Hai vợ chồng chị sống tại căn phòng vỏn vẹn 10 mét vuông trong thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Đặng Long

Chấp nhận xa con mong cuộc sống tốt hơn

4 năm trước, Hương (quê Lâm Đồng) để con gái hơn 3 tuổi cho ông bà ngoại chăm sóc rồi vào Đồng Nai xin vào làm công nhân Công ty CP TKG Taekwang Vina.

“Ở quê nhà em chỉ có thể làm nông, trồng cây sầu riêng, cây bơ, hoặc làm thêm ở mấy cơ sở nhỏ lẻ, thu nhập 3-4 triệu/tháng, không thể đủ nuôi con. Làm công nhân thì thu nhập của em khoảng 7 triệu/tháng, nếu tằn tiện mỗi tháng em có thể gửi về cho ông bà 2 triệu để nuôi con”, Hương chia sẻ.

Tiền nhà trọ mỗi tháng đã mất 1,5 triệu, cộng thêm ăn uống, sinh hoạt, nữ công nhân gần như không để ra được đồng nào. “Nói dại miệng, nếu có ốm đau hay việc gì đột xuất là chỉ có cách đi vay thôi”, Hương lo lắng.

Trừ đợt dịch Covid-19, còn lại tháng nào Hương cũng về thăm con gái. Mẹ con Hương chỉ được ở cạnh nhau chưa đầy hai ngày.

Hương nói: “Nhớ con lắm nhưng chẳng biết làm sao. Em cũng có ý định đón con vào ở cùng nhưng đang lấn cấn, với thu nhập này thì chi tiêu sẽ khó khăn. Thêm nữa, mỗi ngày em đi làm từ 6 giờ sáng nên không sắp xếp được việc đưa con đi học”.

Chưa kể, nhà trọ chật hẹp, điều kiện thiếu thốn, Hương cũng chưa biết sẽ xin cho con học ở đâu. Trong vô vàn khó khăn thì xa con vẫn là nỗi day dứt thường trực lớn nhất trong lòng những người mẹ trẻ như Hương.

Lao động nữ di cư cần được quan tâm nhiều hơn

Hương bên con gái trong một lần đưa con đến Đồng Nai thăm nơi ở và làm việc của chị. Ảnh: NVCC

Những thiệt thòi của con trẻ

Cũng như nhiều nữ công nhân di cư khác tại các khu công nghiệp, Hương biết khi không được gần mẹ, con trẻ sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi ngay từ giai đoạn đầu đời: cai sữa sớm, không có được sự chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ của mẹ, càng không được mẹ vỗ về, yêu thương mỗi ngày - những điều mà bất cứ trẻ em nào cũng khao khát.

Lao động nữ di cư cần được quan tâm nhiều hơn

Tuy cuộc sống có khó khăn thế nào thì niềm mong ước lớn nhất của những đứa trẻ là được sống cùng cha mẹ. Ảnh minh họa: IT

Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, họ đành dứt ruột gửi lại con thơ nhờ người thân chăm sóc để xin làm công nhân tại các khu công nghiệp - vốn cần lực lượng lao động lớn và đa số không yêu cầu bằng cấp.

Thu nhập tốt hơn, có tiền gửi về quê để nuôi con, nhưng cái mà họ phải đánh đổi là thời gian dành cho con, nhìn chúng lớn lên mỗi ngày, nhận biết từng thay đổi thể chất và tinh thần của trẻ.

Lao động nữ di cư cần được quan tâm nhiều hơn

Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều công nhân phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Ảnh minh họa: IT

Theo báo cáo khảo sát về “Thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” do Ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam công bố vào giữa tháng 12/2023: “Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, khi trẻ dưới 24 tháng tuổi, sữa mẹ là nguồn thức ăn dinh dưỡng quan trọng, trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục bú mẹ đến 2 tuổi hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, với hầu hết lao động nữ di cư xa con, thì quyền lợi chính đáng này của trẻ không được đáp ứng, trẻ phải dùng sữa ngoài thay thế sữa mẹ”.

Theo khảo sát thì có 0,9 % trẻ là con lao động nữ di cư bị béo phì, 6.9% trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi và 6% trẻ mắc bệnh về tâm lý hay bệnh bẩm sinh cần sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của gia đình và sự hỗ trợ, giúp đỡ của xã hội.

Trình bày tham luận tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, đồng chí Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Ở những nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất đông lao động nhập cư, hệ thống trường mầm non chỉ đáp ứng 44,4% nhu cầu. Hơn một nửa số trẻ trong độ tuổi được gửi vào các nhóm lớp tư thục. Ðiều đáng nói là các cơ sở thuộc loại hình này còn rất nhiều nhược điểm như: cơ sở vật chất chưa bảo đảm theo quy định, chất lượng giáo viên chưa đạt yêu cầu, công tác quản lý, giám sát của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ… nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Không còn lựa chọn nào khác, nhiều người phải gửi con về quê cho ông bà, người thân trông nom. Và khi phải gửi con về quê tức là quyền ‘được sống chung với cha mẹ’ của trẻ đã không được đảm bảo đầy đủ”.

Chưa có nhiều sự hỗ trợ

Theo đồng chí Đỗ Hồng Vân - Trưởng ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam, các doanh nghiệp đã có những nỗ lực trong việc hỗ trợ lao động nữ di cư nói chung, tuy nhiên, những hỗ trợ trong việc chăm sóc, học tập của con cái họ không được nhiều. Chỉ khoảng 10% doanh nghiệp bố trí sân chơi cho công nhân và trẻ em con công nhân tại nơi ở, 23,3% hỗ trợ liên hệ nhà trẻ gần nơi ở cho con người lao động để thuận tiện gửi con…

Tại một số địa phương, doanh nghiệp và chính quyền đã có những chính sách hỗ trợ nhất định đối với lao động nữ di cư có con dưới 60 tháng tuổi trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ như: miễn, giảm học phí cho con lao động nữ di cư; Hỗ trợ chi phí nhà trẻ, trường học… Nhưng, các chính sách này còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của lao động nữ di cư.

Chỉ 6,8% lao động nữ được khảo sát cho biết, được chính quyền địa phương hỗ trợ tiền gửi trẻ theo Nghị định 105/NĐ của Chính phủ và mới có 6,4 % lao động nữ được gửi con tại nhà trẻ của doanh nghiệp xây dựng.

“Những kết quả đạt được còn thực sự khiêm tốn, vẫn cần sự quan tâm của chính quyền địa phương, hỗ trợ của doanh nghiệp và tổ chức công đoàn trong việc giúp đỡ về nhà trẻ, mẫu giáo đối với con lao động nữ di cư, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ từ Nghị định 105/2020/NĐ-CP để nhiều lao động nữ biết đến chính sách và thụ hưởng chính sách”, đồng chí Đỗ Hồng Vân đề xuất.

Lao động nữ di cư cần được quan tâm nhiều hơn

Trường Mầm non Những Bông Hoa Nhỏ (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) được Công ty TNHH Pouchen Việt Nam đầu tư xây dựng dành cho con em công nhân lao động của Công ty. Ảnh: Thanh Huy

Nâng cao hơn nữa vai trò của công đoàn

Trong bối cảnh đa số công nhân lao động nữ ở doanh nghiệp có trình độ học vấn thấp, nhận thức, hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật lao động và bình đẳng giới nói riêng còn rất hạn chế thì vai trò của Ban chấp hành công đoàn và Ban Nữ công quần chúng trong tham gia đối thoại thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể ở doanh nghiệp là hết sức quan trọng.

Trưởng ban Nữ công - Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, trước những khó khăn mà lao động nữ di cư đang phải đối mặt, công đoàn đã có một số hoạt động hỗ trợ như: đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp hỗ trợ tiền nhà ở hàng tháng với mức hỗ trợ từ 100 nghìn đồng trở lên; đề xuất lãnh đạo thuê nhà ở cho lao động nhập cư…

Ngoài ra, một số công đoàn cơ sở đã đề xuất doanh nghiệp lắp đặt phòng vắt, trữ sữa nhằm đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện cho lao động nữ nuôi con nhỏ, nhất là con dưới 24 tháng tuổi; đề xuất doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ.

Đồng thời, công đoàn còn tổ chức tư vấn hoặc thuê chuyên gia tư vấn cho người lao động trong việc nuôi dạy, chăm sóc con, giải quyết khủng hoảng tâm lý lứa tuổi…; mời chuyên gia tư vấn cho người lao động về chế độ dinh dưỡng cho trẻ em; hỗ trợ lao động nữ xin học, làm thủ tục nhập học, chuyển trường cho con; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ di cư phải sống xa con và hỗ trợ họ giải quyết trong điều kiện cho phép của công đoàn.

Đồng chí Đỗ Hồng Vân cũng cho biết thêm, theo khảo sát của Ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam, tỷ lệ cán bộ công đoàn nắm bắt được thông tin lao động nữ di cư là 86,21%, vẫn còn 8,62% cán bộ công đoàn chưa tìm hiểu, nắm được thông tin lao động nữ di cư. Đây là một con số đáng lưu ý, bởi việc nắm bắt thông tin của lao động nữ di cư là một nhiệm vụ quan trọng của công đoàn, giúp công đoàn thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

“Vì vậy, thời gian tới các cấp công đoàn cần tập trung đối thoại, đàm phán với doanh nghiệp để thực hiện các chính sách này đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ, trong đó có lao động nữ di cư”, Trưởng ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam Đỗ Hồng Vân nhấn mạnh.

Video: Đồng chí Đỗ Hồng Vân phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác tuyên giáo và nữ công năm 2024

Lao động nữ di cư cần được quan tâm nhiều hơn

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - Nguyễn Kim Loan thường xuyên thăm hỏi , quan tâm các nữ công nhân lao động tại các khu trọ. Ảnh: Hoàng Trung

Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nước ta hiện có hơn 400 khu công nghiệp, tập trung chủ yếu ở các khu vực kinh tế trọng điểm của cả khu vực Bắc, Trung, Nam. Các khu công nghiệp, khu chế xuất đã tạo việc làm cho trên 4 triệu lao động. Trong số các doanh nghiệp khảo sát, doanh nghiệp có lao động di cư từ 500 người trở lên chiếm 55,2%, trong đó nữ chiếm trung bình 30%.

Cụ thể, ngành Dệt may – Da giày có tỉ lệ lao động nữ di cư khoảng 67%. Đây cũng là ngành có tỉ lệ lao động nữ di cư cao nhất, vì đặc thù các doanh nghiệp trong ngành này thường có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông lớn. Ngành sản xuất điện, điện tử, tỷ lệ lao động nữ di cư chiếm khoảng 20%.

Bài viết: HỒNG NHUNG

Video: LĐ&CĐ

Xem phiên bản di động