Lao động nam "kêu trời" vì không tìm được việc làm
Trong các nhóm tuyển dụng công nhân khu công nghiệp trên mạng xã hội Facebook, nhiều bạn nam cảm thấy bất bình vì nhà tuyển dụng chỉ tuyển lao động nữ.
Lao động nam than phiền về việc làm. |
Càng về cuối năm, nhu cầu được đi làm của nhiều người càng tăng lên. Tuy nhiên không phải ai cũng tìm được một công việc như ý, đặc biệt là các lao động nam.
Hiện nay cách thông thường để một người lao động tìm việc là sẽ lên các hội nhóm trên mạng xã hội tìm kiếm thông tin việc làm, hoặc có thể đăng thông tin bản thân với mong muốn đi làm để nhà tuyển dụng liên hệ. Tuy nhiên, trong các nhóm tuyển dụng công nhân chỉ thấy phần lớn là các thông tin tuyển dụng nữ giới, hoặc cặp nam nữ chứ không tuyển dụng nam giới.
Ảnh chụp màn hình lời "than" của tài khoản Facebook N.V.B. |
Điều này đã khiến không ít nam giới có mong muốn đi làm cảm thấy bức xúc. Một bạn có tài khoản Facebook N.V.B đã viết: “Vân Trung đi công ty nào cũng hô chỉ tuyển nữ không tuyển nam. Thế bộ mình thiếu tay, thiếu chân à mà không tuyển. Thế còn sinh ra con trai làm gì, sao không đẻ ra quả trứng mà luộc ăn…”
Không chỉ riêng Quỳnh, các bạn nam khác cũng lao đao khi tìm kiếm việc làm. |
Bạn Hoàng Tuấn Quỳnh, quê ở Bắc Ninh, cho biết: “Ngày 29/10, mình xuống Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) để tìm việc, thấy có mấy người bảo Công ty Luxshare ICT đang tuyển dụng. Thế là mình hăm hở đi vào, nhưng cuối cùng chưng hửng vì bác bảo vệ cho biết, hiện nay công ty chỉ tuyển dụng nữ, còn nam phải biết ngoại ngữ (tiếng Hàn, tiếng Trung) may ra có cơ hội được nhận. Mình thấy lạ quá mới hỏi sao lại không tuyển nam thì nhận được câu trả lời là công ty chưa có nhu cầu”.
Đây cũng không phải tâm trạng của riêng Quỳnh. Trong một số hội nhóm tuyển dụng trên mạng xã hội Facebook, nhiều bạn nam cũng than thở về việc chỉ tuyển nữ hoặc tuyển cặp nam nữ khiến cơ hội tìm kiếm việc làm của họ gặp nhiều khó khăn. Thậm chí có bạn nam còn “đùa” rằng có lẽ phải đi chuyển đổi giới tính thì mới mong có việc làm.
Bạn Nguyễn Đại (quê Bắc Giang) sau hơn một tháng tìm việc mà không được đã phải than thở: “Mình đã tìm cả tháng rồi mà vẫn chưa tìm được việc làm. Bây giờ là con trai rất khó xin việc, vì doanh nghiệp đa số tuyển dụng nữ, còn nam như mình thì họ ít tuyển”.
Tìm hiểu thêm thông tin tại sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Hải Dương, chúng tôi nhận thấy số lao động nữ đến với các phiên giao dịch việc làm cũng đông hơn nam giới và nhiều doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch việc làm cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động nữ.
Bà Trần Thị Khuyên, Phó Trưởng phòng Giới thiệu việc làm, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hải Dương cho biết: “Qua nhiều phiên tổ chức sàn giao dịch việc làm, chúng tôi thấy đa phần các doanh nghiệp chỉ có nhu cầu tuyển dụng lao động nữ, theo thống kê chiếm trên 70%”.
Nữ công nhân tỉ mỉ làm may. (Ảnh: Báo LĐ). |
Anh Trần Văn Lâm, một người làm tuyển dụng lao động tại Khu công nghiệp Đình Trám, Bắc Giang chia sẻ với PV Cuộc sống an toàn: "Không phải là có sự phân biệt giới tính khi tuyển dụng, mà chỉ đơn giản là nhiều công ty họ ưu tiên tuyển nữ mà không tuyển nam giới bởi: Thông thường nam giới thường hay nóng tính, khó kiềm chế bản thân, ý thức chấp hành quy định của công ty đôi khi cũng không nghiêm túc làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất… Vì thế mà nhiều doanh nghiệp họ không thích nhận lao động nam. Trong khi đó, các lao động nữ lại luôn có ý thức chấp hành quy định tốt như đi làm đầy đủ, đúng giờ, hiếm khi xảy ra tình trạng nghỉ việc bừa bãi. Hơn nữa, đối với những bộ phận đảm nhiệm công việc kiểm hàng hay lắp ghép… lao động nữ sẽ cẩn thận, tỉ mỉ hơn so với lao động nam.
Đặc biệt, đối với một doanh nghiệp sản xuất nói chung, thì việc ổn định vị trí sản xuất rất quan trọng. Các doanh nghiệp sẽ luôn mong muốn người lao động của mình ở mỗi vị trí được ổn định, qua đó bảo đảm cho việc sản xuất không bị ngắt quãng. Trong khi đó, lao động nữ thường hay thích sự ổn định, tình trạng nhảy việc cũng ít khi xảy ra. Đây chính là điều mấu chốt khiến các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động nữ".
Bài: Minh Minh