|
Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng), các đối tượng liên lạc với nhau bằng sim rác, tổ chức đưa lao động nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ đường biển. Sau đó thuê xe ôm, taxi để vận chuyển người trái phép vào Việt Nam. |
|
Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết: "Công tác quản lý xuất nhập cảnh trong giai đoạn hiện nay tiếp tục gặp nhiều khó khăn phức tạp. Dịch bệnh Covid-19 khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Chuẩn bị Tết Nguyên đán, người dân vùng biên giới có nhu cầu thăm người thân và tìm việc làm. Trên từng tuyến biên giới như tuyến Việt Nam - Trung Quốc: Về phía Trung Quốc tiếp tục phát hiện người Việt Nam nhập cảnh trái phép. Tại Việt Nam phát hiện người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, hết hạn nhưng không về Trung Quốc vì sợ dịch bệnh. Những người này lưu trú tại các khách sạn, làm giả giấy tờ kéo dài thời gian tạm trú tại Việt Nam, trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.... Trên tuyến biển đã xuất hiện các công dân Việt Nam đi lao động tại Brunei và Campuchia nhập cảnh trái phép bằng đường biển vào Việt Nam. |
Lao động trốn trong tàu cá từ Campuchia về Việt Nam. Ảnh: ST |
Cụ thể, ngày 11/11, Tổ tuần tra chống Covid-19 và chống buôn lậu thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang phát hiện 1 tàu lạ chạy từ hướng Campuchia vào Kiên Giang. Lực lượng Biên phòng tiến hành kiểm tra hành chính thì phát hiện trên tàu có 2 người đàn ông Campuchia và chở thêm 8 người phụ nữ cùng nhiều hành lý. Tổ công tác xác định 8 đối tượng làm thuê tại tỉnh Sihanouk (Campuchia) do thất nghiệp nên về Việt Nam. Khi đến khu vực huyện Kampong Trach (tỉnh Kampot) do sợ cách ly nên thuê xuồng của người Campuchia để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng đường biển. 2 người đàn ông là Prim Chanh Đa và Súp Va (trú tại Campuchia) làm nghề chạy tàu thuê. Được 1 người ở thành phố Kép (Campuchia) thuê đưa 8 người phụ nữ về Hà Tiên, hai người này nhận thù lao 400.000 đồng/người. Còn 8 người phụ nữ phải trả cho 'cò' khoảng 3 triệu đồng/người. |
Công an TP Đà Nẵng kiểm tra người lưu trú tại khách sạn. Ảnh: Công an TP Đà Nẵng |
Về phương thức, thủ đoạn thực hiện xuất nhập cảnh trái phép: Các đối tượng chủ yếu thông qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo, từ đó móc nối, hướng dẫn người nhập cảnh trái phép. Các đối tượng cầm đầu tổ chức chặt chẽ, bố trí người đưa đón, dẫn đường, liên lạc chủ yếu thông qua mạng điện thoại di động và thuê xe ôm, taxi đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép từ đường biển; hoặc thanh toán qua tài khoản cá nhân, trừ trực tiếp vào tiền công, tiền lương sau khi xuất nhập cảnh trái phép thành công. Tinh vi hơn, các đối tượng còn tổ chức cho lao động lẩn trốn dưới các phương tiện vận chuyển hàng hóa, trong container, tàu cá, tàu hàng để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và ngược lại. Hiện nay, nước ta có hơn 5.000 km đường biên giới và hơn 3.000 km đường bờ biển, 37 cửa khẩu cảng. Lực lượng biên giới còn mỏng nên tuần tra kiểm soát gặp nhiều khó khăn. |
Trong khi đó, năng lực của ngành Y tế không đủ khả năng đáp ứng với tình huống dịch bệnh bùng phát mạnh. Hầu hết các tỉnh, thành phố đã trang bị máy thở chức năng cao. Nhưng khả năng điều trị ECMO chỉ có ít bệnh viện làm được kỹ thuật này. Hầu hết bệnh viện tuyến tỉnh phải huy động lực lượng từ bệnh viện tuyến trên khi cần thiết. Nhân lực thì phải trải qua thực tiễn mới dần thành thạo với quá trình hỗ trợ bệnh nhân về kiểm soát nhiễm khuẩn, truyền nhiễm... hiện tiếp tục đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, huy động nhân lực. Hệ thống oxy hồi sức cấp cứu còn rất thiếu. Trung bình 1 tỉnh có 3.000 giường bệnh/1triệu dân. Do đó, trong điều kiện bùng phát dịch bệnh, có ca bệnh nặng thì bệnh viện tuyến Trung ương không hỗ trợ được bệnh viện tuyến tỉnh. Đó là một tình thế nguy hiểm. Việt Nam đã qua 80 ngày không phát hiện ca nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, tình dịch dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Dịch Covid-19 đã bùng phát tại 219 quốc gia và vùng lãnh thổ với 60 triệu người mắc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục kéo dài hết năm 2021. |
Theo GS. TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế: “Một quốc gia gần Việt Nam như Philippines đang có số ca mắc xấp xỉ 10 triệu người. Các nước châu Âu có tình trạng tái nhiễm sau khi điều trị khỏi. Đáng quan ngại là mức độ lây nhiễm rất cao. Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ các nước về Việt Nam là rất lớn. Bởi mỗi ngày có hàng ngàn người xuất nhập cảnh. Trong đó nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép phát hiện được ở các đường biên giới. Còn nhiều trường hợp chưa phát hiện được”. Từ nay đến cuối năm, yêu cầu về mức độ phòng, chống dịch ngày càng cao, nhất là vào mùa Đông - Xuân sắp tới. Bên cạnh tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, một nguồn lây khác có nguy cơ cao nhiễm Covid-19 đó chính là từ thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm ướp lạnh. Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm cũng sẽ có kế hoạch và thực hiện giám sát, xét nghiệm thực phẩm nhập khẩu vì khả năng sinh tồn của virus trên những sản phẩm này rất dài… |