Lắng nghe, hành động vì nữ công nhân môi trường
Công đoàn

Lắng nghe, hành động vì nữ công nhân môi trường

Phương Mai
Tác giả: Phương Mai
Thông qua đối thoại tại nơi làm việc, tiếng nói của người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng, được lắng nghe, trở thành cơ sở để tổ chức Công đoàn và người sử dụng lao động điều chỉnh chính sách, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao chất lượng chăm lo, bảo vệ quyền lợi một cách thực chất.
Những điểm cần biết về đối thoại tại nơi làm việc

Ngày 15/5/2025, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức hoạt động điểm "Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc, tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội.

Lắng nghe, hành động vì nữ công nhân môi trường
Các bên ký Biên bản đối thoại tại hội nghị điểm. Ảnh: P.Mai.

Nhìn nhận từ thực tế

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, lực lượng lao động nữ chiếm khoảng 40%, trong đó phần lớn là lao động phổ thông, tuổi đời từ 35 đến 50 – giai đoạn người phụ nữ vừa phải gánh vác công việc, vừa lo toan gia đình.

Ngoài ra, với đặc thù công việc phải làm đêm, không ít những vụ tai nạn thương tâm xảy ra với nữ công nhân môi trường trong nhiều năm gần đây, từ bị xe va chạm khi đang làm việc ban đêm, đến kiệt sức do làm ca kéo dài trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự mong manh và dễ tổn thương của nhóm lao động đặc thù này.

Họ không chỉ đối diện với nguy hiểm trên đường phố, mà còn gánh vác áp lực kép giữa công việc nặng nhọc và trách nhiệm gia đình.

Đối thoại: Cầu nối để nói lên nguyện vọng

Trong bối cảnh đó, việc lắng nghe tiếng nói của nữ công nhân thông qua các hội nghị đối thoại định kỳ tại nơi làm việc là yêu cầu cấp thiết. Đây chính là kênh để tổ chức Công đoàn ghi nhận tâm tư, phản ánh của người lao động, từ đó đề xuất các điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm bảo vệ tốt hơn cho họ – không chỉ trên giấy tờ, mà trong từng ca làm, từng cung đường mưu sinh.

Tại buổi đối thoại điểm do Liên đoàn Lao động TP Hà Nội phối hợp cùng Công đoàn ngành Xây dựng tổ chức, nhiều tâm tư của nữ công nhân môi trường đã được thông qua tổ chức công đoàn, nêu lên một cách chính thức.

Trong đó có những vấn đề dai dẳng như: thiếu thời gian chăm sóc bản thân, sắc đẹp, các biện pháp tự vệ; vấn đề liên quan đến khám sức khỏe, tầm soát ung thư; đào tạo, nâng cao tay nghề, phục vụ công việc;....

Đón nhận những phản ánh ấy, ông Phạm Văn Đức – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội – khẳng định: “Công ty luôn xác định người lao động là trung tâm. Riêng với lao động nữ, chúng tôi đặc biệt quan tâm thông qua chính sách và cả sự thấu hiểu”.

Lắng nghe, hành động vì nữ công nhân môi trường
Ông Phạm Văn Đức – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, đại diện phía người sử dụng lao động. Ảnh: P.Mai.

Ông Đức cũng nhấn mạnh, đối thoại tại nơi làm việc là một trong những công cụ quan trọng giúp gắn kết người lao động và người sử dụng lao động. Từ đó, tạo ra môi trường làm việc công bằng, hiệu quả và bền vững. Việc tổ chức đối thoại không chỉ giúp giải quyết các vấn đề nội bộ mà còn tăng cường sự hiểu biết, hợp tác giữa các bên.

“Chúng tôi ý thức được rằng việc xây dựng mối quan hệ hài hoà giữa người sử dụng lao động và người lao động là hết sức cần thiết và chỉ thông qua đối thoại thì mới hiểu rõ được nhau, chia sẻ cùng nhau và tạo nên sự kết nối bền chặt hơn, cùng nhau xây dựng và phát triển doanh nghiệp”, ông Phạm Văn Đức nhấn mạnh.

Công đoàn luôn đồng hành cùng người lao động

Theo ông Phạm Cao Thắng – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, các tổ Công đoàn cơ sở đang đẩy mạnh vai trò cầu nối, chủ động lấy ý kiến nữ công nhân trước các kỳ đối thoại.

Lắng nghe, hành động vì nữ công nhân môi trường
Ông Phạm Cao Thắng – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, tổng hợp trình bày một số đề xuất nhằm tăng quyền lợi cho người lao động. Ảnh: P.Mai.

Tại hội nghị, Công đoàn Công ty đã tổng hợp và đề xuất các nội dung sau:

Thứ nhất: Đề nghị Công ty tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, kỹ năng mềm… cho lao động nữ 1 lần/năm.

Thứ hai: Ngoài chế độ khám sức khỏe hàng năm cho người lao động theo quy định, đề nghị Công ty tổ chức khám chuyên khoa phụ sản định kỳ cho lao động nữ 1 lần/năm. Trong đó kết hợp khám bổ sung một số chỉ tiêu chuyên khoa dành cho nữ như: Siêu âm tuyến giáp, khám và tư vấn sức khỏe tâm lý sau sinh hoặc nuôi con nhỏ như đánh giá mức độ stress, lo âu, trầm cảm, mất ngủ và các rối loạn tâm lý khác.

Thứ ba: Để phục vụ cho công tác nâng cao chất lượng duy trì vệ sinh môi trường theo hướng cơ giới hóa, hiện đại và văn minh, đề nghị Công ty tạo điều kiện về thời gian và có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động nhất là lao động nữ.

Cùng với đó là những lập luận, dẫn chứng thực tế, cho thấy sự cấp thiết của những đề xuất này, trong bối cảnh tăng cường, nâng cao vai trò của doanh nghiệp, công đoàn trong chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, nhất là những lao động nữ ngành môi trường.

Lắng nghe, hành động vì nữ công nhân môi trường
Quang cảnh hội nghị đối thoại. Ảnh: P.Mai.

Sau khi trao đổi, đối thoại thẳng thắn, dân chủ, đúng trình tự, nội dung theo quy định pháp luật và quy chế dân chủ, người sử dụng lao động và tập thể người lao động đã thống nhất các nội dung đối thoại và biện pháp thực hiện, gồm:

Nội dung thứ nhất: Tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, kỹ năng mềm… cho lao động nữ 1 lần/năm.

Nội dung thứ hai: Tổ chức khám bổ sung một số chỉ tiêu chuyên khoa dành cho cán bộ, công nhân viên như: Siêu âm tuyến giáp, khám và tư vấn sức khỏe tâm lý sau sinh hoặc nuôi con nhỏ để đánh giá mức độ stress, lo âu, trầm cảm, mất ngủ và các rối loạn tâm lý khác.

Nội dung thứ ba: Công ty tạo điều kiện về thời gian và có chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nữ khi thực hiện phương án đổi mới công nghệ duy trì vệ sinh môi trường theo hướng cơ giới hóa, hiện đại và văn minh.

Thời gian thực hiện các nội dung trên: Từ năm 2025.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội nhận định, đối thoại tại nơi làm việc, nếu thực hiện thực chất, sẽ tạo ra thay đổi lớn về mặt tâm lý và điều kiện làm việc cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ ngành vệ sinh môi trường – một trong những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất trong cơ cấu lao động đô thị.

Lắng nghe, hành động vì nữ công nhân môi trường
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: P.Mai.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cũng ghi nhận, đánh giá cao kết quả của cuộc đối thoại; đồng thời kỳ vọng, thông qua hoạt động điểm “Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc” tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, mô hình này được lan tỏa, nhân rộng trong các cấp Công đoàn Thủ đô.

Từ đó, tổ chức Công đoàn sẽ thực hiện tốt hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, đó là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, phát triển.

Đối thoại không chỉ dừng lại ở việc lắng nghe. Đó là điểm khởi đầu cho một tiến trình chuyển hóa từ lắng nghe sang hành động. Và chính sự hành động sau đối thoại – thông qua từng điều chỉnh nhỏ trong chính sách, từng giờ nghỉ được thêm vào, từng lời động viên đúng lúc – sẽ là bước đi cụ thể, thiết thực, đầy nhân văn để giữ chân người lao động, và tạo nên giá trị bền vững trong doanh nghiệp.

Tin mới hơn

Bình tĩnh và tin tưởng vào công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Bình tĩnh và tin tưởng vào công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 7, khóa XIII diễn ra trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang quyết liệt thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy. Không đơn thuần là một kỳ họp định kỳ, hội nghị lần này thực sự là điểm “bản lề” về tư duy, nhận thức và hành động của tổ chức Công đoàn.
Hướng dẫn mới về công đoàn xã và công đoàn đặc khu

Hướng dẫn mới về công đoàn xã và công đoàn đặc khu

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai về công đoàn xã, công đoàn đặc khu cụ thể như sau:
Truyền thông cho đoàn viên, người lao động là quá trình dẫn dắt cảm xúc và xây dựng niềm tin

Truyền thông cho đoàn viên, người lao động là quá trình dẫn dắt cảm xúc và xây dựng niềm tin

Bài nghiên cứu phân tích sự thay đổi trong hành vi tiếp cận thông tin của người lao động ngành Dệt May trong bối cảnh chuyển đổi số. Trên cơ sở phỏng vấn sâu, nhóm tác giả chỉ ra hiệu quả, rào cản và đề xuất giải pháp nâng cao truyền thông nội bộ. Truyền thông không chỉ là cung cấp thông tin, mà còn là quá trình tạo niềm tin và gắn kết người lao động với doanh nghiệp, công đoàn.

Tin tức khác

Đón đọc Tạp chí Lao động và Công đoàn số tháng 6/2025

Đón đọc Tạp chí Lao động và Công đoàn số tháng 6/2025

Tạp chí Lao động và Công đoàn tháng 6 với 100 trang, in màu trên giấy couche, xuất bản - phát hành ngày 10/6/2025 đến các cấp công đoàn trên toàn quốc.
Tháng Công nhân ở Huế: Lan tỏa trách nhiệm, đồng hành cùng người lao động

Tháng Công nhân ở Huế: Lan tỏa trách nhiệm, đồng hành cùng người lao động

Trong Tháng Công nhân 2025, các cấp công đoàn thành phố Huế đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân, chia sẻ và đồng hành với đoàn viên, người lao động, đặc biệt là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Tháng 5 khép lại bằng nhiều câu chuyện cảm động, thể hiện tinh thần nhân ái và sự gắn kết giữa tổ chức Công đoàn với đoàn viên, người lao động được lan tỏa mạnh mẽ.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi thư chúc mừng nhân 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi thư chúc mừng nhân 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - gửi thư chúc mừng các cán bộ, nhà báo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đang công tác tại các cơ quan báo chí của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tạp chí Lao động và Công đoàn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Cuộc thi "Suy nghĩ hay, hành động đẹp": Khắc họa chân dung người lao động Thủ đô thời đại mới

Cuộc thi "Suy nghĩ hay, hành động đẹp": Khắc họa chân dung người lao động Thủ đô thời đại mới

Hơn 1.000 tác phẩm báo chí, video clip, ảnh nghệ thuật gửi về dự thi. Mỗi dòng chữ, mỗi khuôn hình, mỗi khuôn mặt hiện lên đều là một mảnh ghép sinh động cho bức tranh rộng lớn về công nhân lao động Thủ đô trong hành trình kiến tạo Hà Nội văn minh, hiện đại.
Tháng Công nhân ở Quảng Trị: Chia sẻ khó khăn, đồng hành vì người lao động

Tháng Công nhân ở Quảng Trị: Chia sẻ khó khăn, đồng hành vì người lao động

Tháng Công nhân năm 2025 ở Quảng Trị vừa khép lại với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Từ đó, nhiều đoàn viên, người lao động được các cấp công đoàn chăm lo chu đáo về vật chất cũng như tinh thần, tạo động lực để họ thi đua lao động sản xuất, góp sức xây dựng đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.
Giao Tổng LĐLĐ Việt Nam là đơn vị dự toán cấp I trong hệ thống tài chính công đoàn

Giao Tổng LĐLĐ Việt Nam là đơn vị dự toán cấp I trong hệ thống tài chính công đoàn

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 7, khóa XIII, đồng chí Đỗ Văn Chiến – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam – đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công đoàn trong quản lý tài chính.
Xem thêm