Làm sâu sắc thêm truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" của thợ mỏ trong tình hình mới

Hội thảo khoa học “Truyền thống văn hóa thợ mỏ - những giá trị lịch sử và định hướng trong thời kỳ đổi mới” khẳng định văn hóa thợ mỏ là rất quý giá đối với sự phát triển của ngành Than, tỉnh Quảng Ninh và đất nước.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Minh Chuẩn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV) cho biết: “Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” có giá trị xuyên suốt chiều dài phát triển và đưa ngành Than vượt qua nhiều khó khăn để khẳng định vị trí, vai trò như ngày nay”.

Đảng bộ Tập đoàn đã có Nghị quyết giao cho chuyên môn và Công đoàn xây dựng Đề án về phát huy văn hóa thợ mỏ trong tình hình mới.

“Giá trị cốt lõi để mang lại thành công cho tập đoàn đó là văn hóa kỷ luật và đồng tâm, đùm bọc, chia sẻ, vị tha, cùng nhau vượt khó. Cùng với sự phát triển của đất nước và của ngành Than, đời sống của công nhân mỏ ngày càng nâng cao. Nhưng văn hóa, truyền thống người thợ mỏ không mất đi mà ngày càng rõ nét. Hội thảo nhằm làm sâu sắc thêm văn hóa thợ mỏ trong đời sống mới, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và có sự đa dạng văn hóa nhiều vùng miền nơi các đơn vị thành viên của tập đoàn đứng chân” - đồng chí Lê Minh Chuẩn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV TKV cho biết.

Ông Đoàn Văn Kiển - nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Than (nay là TKV) chia sẻ thông tin về văn hóa "Kỷ luật và Đồng tâm" tại Hội thảo

Ảnh: ST

Làm sâu sắc thêm truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" của thợ mỏ trong tình hình mới

Nêu những giá trị nổi bật về văn hóa thợ mỏ, đồng chí Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc TKV Việt Nam - Chủ nhiệm đề tài nêu dẫn chứng: "Tháng 11/1936, khẩu hiệu "Kỷ luật và Đồng tâm chúng ta sẽ thắng” ra đời trong cuộc tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ than Quảng Ninh. Khẩu hiệu ấy đã trở thành hành trang cho lớp lớp các thế hệ thợ mỏ Việt Nam đến tận ngày nay. Trải qua 84 năm, "Kỷ luật và Đồng tâm" là tài sản tinh thần vô giá - văn hóa phi vật thể, có sức mạnh to lớn làm nên lịch sử và tầm vóc của giai cấp công nhân mỏ cũng như cả vùng mỏ anh hùng".

Khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm chúng ta sẽ thắng" như là một mệnh lệnh, cương lĩnh của thợ mỏ, thể hiện sự sáng tạo độc đáo trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Đó là sự biểu hiện tập trung, đầy đủ nhất về bản chất cách mạng, bản lĩnh đấu tranh đặc sắc về phương thức, phương pháp tập hợp lực lượng tạo nên sức mạnh to lớn, mạnh mẽ của đội ngũ thợ mỏ.

Làm sâu sắc thêm truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" của thợ mỏ trong tình hình mới

Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam trao đổi với các đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng ủy, lãnh đạo TKV Việt Nam qua các thời kỳ

Tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” được người thợ mỏ thể hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, sản xuất như: “Kỷ luật và Đồng tâm” trong đấu tranh cách mạng giành độc lập và chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước; "Kỷ luật và Đồng tâm" trong lao động sản xuất; "Kỷ luật và Đồng tâm" trong hoạt động xã hội; " Kỷ luật và Đồng tâm" trong phong trào văn hóa thể thao. Văn hóa "phi vật thể" này của công nhân vùng mỏ đã tự lan tỏa ra nhiều vùng trong cả nước, nhất là những nơi có các đơn vị thuộc TKV đứng chân.

Với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, lớp lớp thợ mỏ đã trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử đấu tranh và xây dựng Tổ quốc, lúc khó khăn cùng như khi thuận lợi. Nhờ vậy, ngành Than - Khoáng sản Việt Nam không ngừng lớn mạnh, đáp ứng các nhu cầu về than cho nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

Có thể thấy sự lớn mạnh của ngành Than qua những con số: Năm 1995, sản lượng than toàn ngành mới chỉ ở mức 7 triệu tấn. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, TKV đã khai thác được 754,7 triệu tấn, tiêu thụ 703,14 triệu tấn. Tổng doanh thu từ than đạt 1,3 ngàn tỷ đồng năm 1994 lên 62,26 nghìn tỷ đồng năm 2019, gấp 47,6 lần so với thời điểm Tổng công ty Than ra đời. Năng suất lao động tính theo than nguyên năm 2019 đạt 572 tấn/người/năm, tăng 3,45 lần so với năm 1995…


Đồng chí Lê Minh Chuẩn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam kỳ vọng ở kết quả của Đề án

Ảnh: ST

Làm sâu sắc thêm truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" của thợ mỏ trong tình hình mới

Tiền lương bình quân của cán bộ công nhân viên Tập đoàn đạt trên 11,6 triệu đồng/người/tháng. Riêng khối than là 12,95 triệu đồng/người/tháng (tăng 17,6 lần so với năm 1995). Trong đó, thu nhập bình quân năm 2018 của đội ngũ công nhân lao động trực tiếp trong hầm lò đạt 18 triệu đồng/tháng.

Công nhân mỏ đi làm có xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Công nhân được bố trí nhà ở với đầy đủ tiện nghi như tivi, tủ lạnh, máy giặt, được ăn tự chọn và tổ chức sinh nhật theo tháng. Bên cạnh đó được tham gia các hoạt động văn hóa thể thao, thăm hỏi giúp đỡ khi khó khăn hoạn nạn, được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở và rửa phổi chăm sóc sức khỏe...

Theo đồng chí Đặng Thanh Hải - Tổng giám đốc TKV, Chủ nhiệm Đề án: "Việc gìn giữ và phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của những người thợ mỏ phải gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Đồng thời phải gắn với việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng toàn diện, từ việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đến nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng thực thi nhiệm vụ. Từ đó xây dựng đội ngũ công nhân mỏ đáp ứng yêu cầu giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế".

Làm sâu sắc thêm truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" của thợ mỏ trong tình hình mới

Thợ lò Lê Văn Biên trong giờ lao động sản xuất tại hầm lò.

Ảnh: CĐ TKV

"Mục tiêu của Đề án nhằm đánh giá về thực trạng văn hóa của thợ mỏ trong điều kiện hiện nay. Đồng thời định hướng, quan điểm, giải pháp phát huy truyền thống văn hóa thợ mỏ anh hùng trong điều kiện mới. Phát huy vài trò Công đoàn trong xây dựng đội ngũ công nhân tri thức TKV. Xây dựng đề án và bộ tài liệu văn hóa ứng xử, các sản phẩm truyền thông cho thợ mỏ" - TS. Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết.

Bài viết: Duy Minh

Ảnh: Duy Minh