e magazine
03/09/2022 08:35
Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến: Mùa thu rồi ngày hăm ba…

03/09/2022 08:35

Mỗi lần về quê ghé chợ Trà Ôn thuộc tỉnh Vĩnh Long, bao giờ tôi cũng được nghe nhạc hiệu của Đài Truyền thanh huyện với khúc hát hào hùng, sôi động một thời kháng chiến chống Pháp của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn.
Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến: Mùa thu rồi ngày hăm ba…
Mỗi lần về quê ghé chợ Trà Ôn thuộc tỉnh Vĩnh Long, bao giờ tôi cũng được nghe nhạc hiệu của Đài Truyền thanh huyện với khúc hát hào hùng, sôi động một thời kháng chiến chống Pháp của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn. Âm vang ấy còn mãi trong lòng tôi, trong lòng người dân miền Tây Nam Bộ và Nhân dân khắp cả đất nước.

Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến: Mùa thu rồi ngày hăm ba…

Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến: Mùa thu rồi ngày hăm ba…

Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến: Mùa thu rồi ngày hăm ba…

Bài hát “Nam Bộ kháng chiến” của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn.

Lúc tôi còn nhỏ, khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, tôi được tiếp xúc với ông thường xuyên nhưng thật sự lúc đó tôi không biết ông là tác giả của bài hát “Nam Bộ kháng chiến” mà lũ học trò chúng tôi thường hát với nhau trong những lúc sinh hoạt lớp, cắm trại, hội thi... Lớn lên chút, tôi mới biết ông chính là tác giả bài hát ấy - người mà tôi rất ngưỡng mộ nên mỗi lần gặp ông, tôi cũng dạn dĩ hỏi han nhiều điều.

Những giai điệu hào hùng của khúc nhạc ấy đã có sức cổ vũ rất lớn cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân miền Nam trong những ngày đấu tranh gian khó. Tiếng hát cất lên mọi lúc, mọi nơi, từ thành thị đến thôn quê, từ nhà trường đến công sở... với trái tim sôi sục, với lòng căm thù giặc Pháp sâu sắc, với niềm tin mãnh liệt sẽ chiến thắng quân thù.

Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến: Mùa thu rồi ngày hăm ba…

Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến: Mùa thu rồi ngày hăm ba…Nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn, sinh năm 1921, cha mẹ ông là chủ hãng rượu nổi tiếng nhất miền Tây Nam Bộ. Từ thuở bé, ông đã bộc lộ tính khí rất khác thường. Năm học bậc trung học, ông chuyển về học tại Trường College Cần Thơ (nay là Trường THPT Châu Văn Liêm tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ). Nhà giàu có nhưng ông khước từ sự đón rước tới trường mỗi ngày của cha mẹ bằng xe ô tô mà xin ở nội trú một mình để tự lập. Cưng chiều con nên cha mẹ ông cũng bằng lòng.

Ông ở chung phòng với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và thường tham gia phong trào Thanh niên tiên phong, nên có điều kiện giao lưu với các bậc đàn anh như Lưu Hữu Phước, Nguyễn Mỹ Ca, Trần Bửu Kiếm, Ung Ngọc Ky… thích hoạt động văn nghệ và tập viết nhạc từ đó.

Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có nhận xét: “Sơn rất được bạn bè quý mến vì tính nết hòa đồng, hiền lành, vui vẻ, chân thật. Sơn sớm có lòng tự hào dân tộc, luôn mong muốn quê hương thoát khỏi ách đô hộ. Điều tôi nhớ mãi là Tạ Thanh Sơn đã cho ra đời bài hát “Nam Bộ kháng chiến” rất nổi danh và có mặt trước những bài hát quen thuộc của tôi như “Xếp bút nghiên”, “Lên đàng”, “Tiếng gọi thanh niên”, "Bạch Đằng giang”. Thật đáng khâm phục...”

Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến: Mùa thu rồi ngày hăm ba…

Nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn nhiều lần cho biết về hoàn cảnh ra đời của bài hát: “Tôi hoàn thành bài hát này vào ngày 25/9/1945, tại xã Mỹ Xương (TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp bây giờ), nghĩa là sau 2 ngày toàn Nam Bộ bắt đầu kháng chiến (ngày 23/9/1945).

Tác phẩm như một ký sự về âm nhạc bằng điệu thứ, nhịp hành khúc rộn ràng. Câu “Mùa thu rồi ngày hai ba…” như một tuyên bố rằng, mùa thu năm vừa qua đã ghi dấu ngày khởi đầu của Nam Bộ kháng chiến mà mọi tầng lớp Nhân dân “đi theo cờ đỏ thắm tươi khắp trời” và quyết tâm “đem thân ra đền nợ nước”.

Từng lời bài hát ngấm vào lòng, đọng trong tâm khảm, tăng nhiệt cho triệu triệu dòng máu bất khuất chống quân ngoại xâm. Nó bồi thêm khí phách mà khí phách đó là dư âm của ngày hai ba và như than hồng ủ dưới tro nóng đang bắt đầu bốc lửa. Bài hát được đăng lần đầu tiên trên Báo Độc lập, rồi lan tỏa theo con đường truyền miệng và được nhiều người biết đến qua sóng Đài Phát thanh.

Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến: Mùa thu rồi ngày hăm ba…Năm 1947, trong một lần đi công tác, ông bị giặc bắt. Biết ông là tác giả bài hát đang rất nổi tiếng, chúng giam vào Khám Lớn Sài Gòn và tra tấn dã man, nhưng không khai thác được bất cứ điều gì về tổ chức.

Tại đây, tình cờ ông gặp lại tên quan Tây trước đây cùng học với ông tại Cần Thơ.

Tên này hỏi: Vì sao ông học giỏi, con nhà giàu có mà không ra làm việc cho Pháp, lại theo Việt Minh làm giặc?

Tạ Thanh Sơn khẳng khái trả lời: Ông nghe kỹ bài hát của tôi sẽ hiểu. Ông có Tổ quốc của ông. Tôi có Tổ quốc của tôi. Lẽ nào tôi theo các ông để chống lại đất nước, dân tộc tôi? Ông bảo tôi là giặc, hay chính các ông mới là giặc của chúng tôi?

Sau đó, ông bị giặc đày sang Pháp. Tại đây, ông liên lạc với lực lượng tiến bộ của Pháp để hoạt động.

Đến năm 1949, chúng thả ông trở về Việt Nam. Ông tiếp tục dạy học tại Trường Huỳnh Khương Ninh ở Sài Gòn, đồng thời hoạt động trong phong trào yêu nước của quần chúng ở đô thành.

Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương khi còn là Tiểu đội trưởng Vệ quốc quân, hoạt động ở Khu 7, 8, 9; trong những dịp đi tuyên truyền kháng chiến, ông luôn hát "Nam Bộ kháng chiến" cùng nhiều bài hát cách mạng khác. Bài này cùng với bài "Tiểu đoàn 307" của Nguyễn Hữu Trí rất được bà con miền Tây Nam Bộ ưa thích.

Có lần nhạc sĩ Quốc Hương kể rằng, khi hát 2 bài này, bao giờ ông cũng chỉ đơn ca đoạn đầu, rồi bà con đã đồng thanh hát theo, tuy không đều nhưng khiến ông rất phấn khích vì rất ít khi như vậy. Bà con đã hòa cùng nghệ sĩ để hát lên tiếng ca từ trái tim mình. Biết Tạ Thanh Sơn hát hay, nhiều lần Quốc Hương đề nghị tác giả cùng ông song ca bài "Nam Bộ kháng chiến".

Những lần như thế, tác giả đã hát bè phụ để danh ca hát bè chính - bè giai điệu. Tiếc rằng trong nhiều băng ghi âm thể hiện bài hát này còn lưu giữ ở đài phát thanh, không có băng ghi âm nào ghi được hai giọng nam này song ca.

Khi bài hát đã rất nổi tiếng ở khắp nơi vào những ngày Nam Bộ bắt đầu kháng chiến thì Tạ Thanh Sơn vốn dĩ khiêm tốn, kín đáo, ít nói vẫn khiến nhiều người không biết ông. Họ không biết rằng chàng giáo viên 25 tuổi mà họ vẫn thường tiếp xúc khi ấy là tác giả bài hát mà họ đang rất ưa thích.

Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến: Mùa thu rồi ngày hăm ba…

Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến: Mùa thu rồi ngày hăm ba…Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông trở lại Cần Thơ và công tác ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Đến năm 1980, ông nghỉ hưu ở Vĩnh Long và qua đời năm 1986 tại quê nhà Trà Ôn. Với tôi, từ thuở thiếu thời đã có rất nhiều ấn tượng về ông khi biết được ông là tác giả của bài hát mà tôi từng nằm lòng.

Thật ra, ba tôi và ông là anh em cô cậu ruột, ông nội tôi là anh ruột của má ông. Ba tôi và ông tuổi trạc nhau nên cũng cùng trang lứa, dễ hòa đồng, chia sẻ hơn. Những năm 80, sau khi nghỉ hưu về Trà Ôn, ông thường vô vườn nhà ba tôi ở, khi thì vài hôm có lúc cả tuần mới về chợ.

Ông tính tình điềm đạm, ít nói nhưng với ba tôi thì hai anh em ông chuyện trò gì đó trông rất vui vẻ, hợp “gu” lắm. Lúc đó tôi còn nhỏ nên không để ý nhiều đến chuyện của người lớn. Khi được biết ông là tác giả của bài hát “Nam Bộ kháng chiến” thì tôi mới chú ý đến ông nhiều hơn mỗi lần ông về vườn nhà tôi chơi. Theo vai vế họ hàng, tôi gọi ông bằng chú Sáu (trong gia đình, ông thứ 6 nên gọi là Sáu Sơn).

Lúc nào cũng vậy, ông rất gần gũi, hòa đồng với mọi người, ông rất thương đám con nít tụi tôi. Mỗi lần về vườn là ông đều ra thắp hương cho ông bà ngoại của ông cũng là ông bà nội của ba tôi do mộ phần chôn trên đất vườn nhà tôi. Tôi cũng thường trông ngóng ông về chơi, vì lúc nào cũng có bánh kẹo mà vào cái thời bao cấp, đó là điều mơ ước, xa xỉ đối với lũ học trò nhà quê chúng tôi.

Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến: Mùa thu rồi ngày hăm ba…

Ấn tượng nhất của tôi là lúc nào ông cũng chỉn chu, áo bỏ vô quần (thời bao cấp mà ăn mặc như vậy là chuyện lạ), đẹp lão và sang trọng ngay cả khi cùng ba tôi chặt cây, đào ao thả cá, làm cỏ vườn...

Có lần tôi thiệt thà hỏi: Ủa, chú Sáu sao lúc nào chú cũng "Tây" hết vậy?

Lúc đó, với lũ con nít miệt vườn chúng tôi có sao nói vậy, theo suy nghĩ của tôi thì ông rất "Tây", bảnh bao, không "ta" chút nào; trong khi chúng tôi áo quần rách bươm “dán” đầy “tivi” lớn nhỏ (bị rách vá lại đủ màu sắc), không có cái nào lành lặn cả.

Ông cười từ tốn, xoa đầu tôi bảo: Cái thằng này thiệt là tình, chú có Tây gì đâu, tại chú quen vậy rồi cho gọn gàng mà...

Tôi cũng mạo muội hỏi thêm: Chú Sáu ơi, cái nguyên nhân gì mà khiến chú viết bài hát đó vậy, nghe “đã” lắm; trong trường con ai cũng “khoái” mà con không dám khoe với bạn bè là bà con họ hàng với chú.

Ông suy nghĩ hồi lâu rồi gật gù: Tại cháu còn nhỏ nên không biết đó thôi. Nhìn đất nước lâm nguy, có ai hờ hững được bao giờ hả cháu? Đóng góp cho đất nước dù bất cứ hình thức nào cũng đáng trân trọng. Khi đó ai cũng rạo rực, căm phẫn và hăng hái lắm. Với không khí sôi nổi đó đã tạo cho chú cảm hứng và chú chỉ viết trong buổi chiều là xong, rồi đưa cho anh em xem có điều chỉnh gì không, trong đó có nhạc sĩ Lưu Hữu Phước coi nữa.

Thật tình đám con nít tụi tôi lúc đó có gặp, có biết ông nhạc sĩ nổi tiếng nào đâu mà cũng gật đầu rồi dạ lia lịa với chú.

Tôi trơn mắt, thắc mắc tiếp: Ủa chú Sáu, sao mình phải đưa cho người ta coi cái mình làm. Họ sửa tầm bậy tầm bạ rồi sao?

Ông cười xòa, quay qua nhìn ba tôi rồi vỗ vai tôi nói: Cái thằng nhỏ này cũng cắc cớ thiệt. Mình phải học tính khiêm nhường như cây lúa, vì khi chín nó biết cúi đầu.

Thật tình lúc đó tôi không hiểu ông nói ý gì, chỉ thấy hai anh em ông nhìn tôi cười xòa như dò xét điều gì đó. Sau này, học lên tới cấp 3 tôi mới hiểu điều ông muốn nhắc nhở tôi. Quả thật, trên đời này, sự khiêm nhường bao giờ cũng đáng quý.

Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến: Mùa thu rồi ngày hăm ba…

Nhiều người hâm mộ đều lấy làm tiếc là sau bài hát bất hủ này, nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn đột ngột dừng sáng tác với nhiều nguyên nhân mà đến nay vẫn chưa có lời giải thích thấu đáo.

Từ đây, ông được người hâm mộ lẫn giới sáng tác nhắc đến với góc độ khác, đó là người nhạc sĩ tài hoa, nhưng chỉ sáng tác một bài hát duy nhất để đời. Có lần, tôi cũng hỏi ông về điều này nhưng ông không trả lời, chỉ nhìn lên trời với đám mây trắng bềnh bồng trôi trên nền trời xanh mông lung…

Nhìn vẻ bề ngoài “tao nhã”, thảnh thơi, an nhàn như vậy nhưng có mấy ai biết cuộc sống đời thường đầy thăng trầm, nhiều biến cố của ông. Tôi cũng không hiểu hết những chuyện gì đã xảy ra với cuộc sống riêng tư của ông nhưng chỉ nghe ba tôi kể lại vài chuyện mà thôi. Tôi không dám hỏi thêm nhiều về chuyện riêng tư của người khác, nhất là người chú mà lòng tôi luôn ái mộ.

Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến: Mùa thu rồi ngày hăm ba…

Trà Ôn là nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Cái hãng rượu nổi tiếng, lớn nhất miền Tây Nam Bộ vẫn còn vương vấn biết bao kỷ niệm trong tôi, vì thời chiến tranh cả nhà tôi “tản cư” ra chợ Trà Ôn ở tạm, gia đình tôi cất nhà “ở đậu” bên hông hãng rượu đó.

Tiếp xúc nhiều với ông, tôi mới nhận ra ở ông là một hình mẫu mà lũ trẻ tụi tôi luôn trân trọng trong lòng. Tôi cảm ơn ông, một nhạc sĩ tài hoa mà chỉ bộc phát có một lần để rồi đứa con tinh thần ấy sống mãi với nghìn thu.

Mặc dù đã mấy mươi năm trôi qua nhưng mỗi lần nghe âm vang hùng tráng của bài hát ấy luôn trổi trong lòng tôi và chắc cũng trong lòng nhiều người một tình yêu Tổ quốc thiêng liêng không bao giờ nguôi.

Mỗi lần về Trà Ôn là lòng tôi lại luôn nhớ về ông khi nghe giai điệu thân quen mà vẫn rộn ràng, sôi nổi: Mùa thu rồi ngày hai ba... vang vang trên loa phóng thanh.

Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến: Mùa thu rồi ngày hăm ba…

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG

Ảnh: L.P - T.L

Đồ họa: TRƯỜNG SƠN

Xem phiên bản di động