e magazine
15/12/2020 19:30
Kỳ cuối: CEP đã giúp người lao động nghèo vượt qua tín dụng đen, vươn lên ra sao?

15/12/2020 19:30

Tại các tỉnh phía Nam có một tổ chức tín dụng của Công đoàn với tên gọi Tổ chức Tài chính Vi mô CEP (CEP) trực thuộc LĐLĐ TP.HCM đã hoạt động trên 29 năm. Kể từ khi thành lập đến nay, CEP đã kiên định mục tiêu phục vụ công nhân, người lao động nghèo, người có thu nhập thấp. Với những khoản vay nhỏ, phương thức hoàn trả hợp lý… CEP không chỉ giúp người lao động tạo thêm việc làm, tăng thu nhập mà còn giúp họ tránh được “bẫy” tín dụng đen, hình thành thói quen tiết kiệm, điều mà rất nhiều người lao động đang thiếu.
Kỳ cuối: CEP đã giúp người lao động nghèo vượt qua tín dụng đen, vươn lên ra sao?

Với những khoản vay nhỏ, phương thức hoàn trả hợp lý… CEP đã giúp người lao động nghèo tránh được “bẫy” tín dụng đen, hình thành thói quen tiết kiệm.

Tại các tỉnh phía Nam có một tổ chức tín dụng của Công đoàn với tên gọi Tổ chức Tài chính Vi mô CEP (CEP) trực thuộc LĐLĐ TP.HCM đã hoạt động trên 29 năm. Kể từ khi thành lập đến nay, CEP đã kiên định mục tiêu phục vụ công nhân, người lao động nghèo, người có thu nhập thấp. Với những khoản vay nhỏ, phương thức hoàn trả hợp lý… CEP không chỉ giúp người lao động tạo thêm việc làm, tăng thu nhập mà còn giúp họ tránh được “bẫy” tín dụng đen, hình thành thói quen tiết kiệm, điều mà rất nhiều người lao động đang thiếu.

CEP kiên trì hơn 8 năm đồng hành giúp thành viên vượt qua tín dụng đen

Hơn 29 năm hoạt động, CEP đã giúp hàng ngàn người lao động tránh được tín dụng đen và nhiều nhất có lẽ là Chi nhánh CEP Quận 8 (TP.HCM), có nhiều trường hợp, CEP đồng hành với người lao động nhiều năm liền, hỗ trợ vốn, tạo việc làm để người lao động tăng thu nhập, có tiền trang trải cuộc sống, trả được dứt điểm các khoản vay nặng lãi.

Gia đình chị Xuân ở quận 8 vốn có đất, có nhà nhưng khi chồng chị lâm vào trọng bệnh thì nhà đất mất hết. Khi chồng ốm nặng, gia đình không có tiền tích lũy, trong cơn túng quẫn, chị đã vay nóng bên ngoài số tiền lớn để chạy bệnh cho chồng. Kết quả, chồng chị không hết bệnh mà lãi mẹ đẻ lãi con, chị phải bán phần lớn miếng đất và căn nhà của gia đình để lấy tiền trả nợ. Thế nhưng vẫn không trả được hết, mẹ con chị tiếp tục lâm cảnh bí bách. Thời điểm khó khăn nhất của gia đình chị cũng là lúc nhân viên tín dụng CEP biết được, trực tiếp đến nhà gặp chị để tìm hiểu, tìm phương án hỗ trợ. CEP đã giải quyết cho chị Xuân một khoản vay vừa đủ để tiếp tục mở rộng công việc bán xôi. Ngoài việc nấu xôi để tự đi bán chị còn bỏ cho các mối quen. Với sự nỗ lực quyết tâm vươn lên của chị cùng với sự hỗ trợ của CEP, sau hơn 8 năm đồng hành cùng CEP chị Xuân mới trả dứt điểm khoản nợ vay nóng bên ngoài. Sau khi trả dứt nợ, chị Xuân tiếp tục vay vốn làm ăn và thực hành tiết kiệm từ những khoản tiền nhỏ theo chương trình CEP. Số tiền tiết kiệm có được cùng với 15 triệu đồng hỗ trợ từ Chương trình mái nhà CEP, chị đã cất được một căn nhà nhỏ ở phần đất còn lại, cuộc sống của hai mẹ con tạm ổn.

Kỳ cuối: CEP đã giúp người lao động nghèo vượt qua tín dụng đen, vươn lên ra sao?
Với sự đồng hành của CEP, hàng trăm ngàn người lao động nghèo đã tạo thêm được việc làm, tăng thu nhập, biết tiết kiệm để phòng khi khó khăn

Cũng ở quận 8, một trường hợp người lao động vay tiền CEP để làm ăn nhưng công việc làm ăn thất bại nên đã bỏ nhà đi nơi khác kiếm việc làm. Nhân viên tín dụng Chi nhánh CEP quận 8 là anh Lê Tiến Đạt đã đến tận nhà nắm tình hình để tìm phương án hỗ trợ, nhìn cảnh gia đình túng thiếu, người mẹ lại lớn tuổi, lần sau xuống thăm, anh Tiến Đạt mang theo một bao gạo để tặng. Người mẹ quá áy náy nên bảo anh Đạt đợi một lúc, bà chạy đi rồi trở về với số tiền con gái còn thiếu để trả cho CEP. Biết bà vay nóng bên ngoài, lãi suất cao, anh Tiến Đạt đưa bà ra tận nơi để trả lại và nhắn: “Nếu chị có gọi về, cô hãy nói với chị là CEP không tính lãi phát sinh do nợ quá hạn, sẽ giãn thời gian trả nợ. Nếu chị ấy khó khăn và cần hỗ trợ gì thì CEP luôn sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ”. Mấy tháng sau, chị tìm được công việc mới và trở về nhà, cảm động với sự chia sẻ của CEP chị cố gắng làm ăn và trả đủ số tiền đã vay của CEP.

Kỳ cuối: CEP đã giúp người lao động nghèo vượt qua tín dụng đen, vươn lên ra sao?

Trên 29 năm hoạt động, CEP đã nỗ lực giúp hình thành thói quen tiết kiệm trong cộng đồng công nhân, người lao động nghèo

Phó Tổng giám đốc CEP Nguyễn Tấn Đạt cho hay, nếu khách hàng của CEP gặp khó khăn, giảm thu nhập thì CEP sẽ giãn thời gian trả nợ cho phù hợp với khả năng của khách hàng, hạ số tiền trả nợ theo kỳ và không phát sinh thêm bất kỳ đồng lãi nào. Trường hợp, nếu khách hàng của CEP gặp một tình huống bí bách như ốm đau, tai nạn, gặp rủi ro khi làm ăn… CEP sẽ cho vay theo gói khẩn cấp, lãi suất thấp, chỉ 0,5%/tháng để khách hàng vượt qua khó khăn. Tất cả đều là vay tín chấp.

“Chúng tôi quyết không để khách hàng của mình phải đi vay tín dụng đen, còn nếu người lao động đang vay tín dụng đen do rơi vào những tình huống khẩn cấp, chúng tôi sẽ cùng tìm cách tháo gỡ, tạo nguồn vốn để khách hàng tạo việc làm, tiết kiệm để dần thoát khỏi tín dụng đen. Những người vì hoàn cảnh quá bí bách mà vay tín dụng đen, khi được hỗ trợ giải quyết dứt điểm, họ vươn lên rất nhanh” – ông Nguyễn Tấn Đạt cho hay.

Gia đình công nhân để dành 3 năm để đủ tiền mua cho con trai chiếc xe đạp điện

Bên cạnh trợ vốn, mục tiêu của CEP ngay từ khi thành lập chính là hỗ trợ công nhân, người lao động nghèo, người có thu nhập thấp biết cách tiết kiệm để khi khẩn cấp không phải vay tín dụng đen. Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, lúc đầu nhiều người lao động tỏ vẻ không tin tưởng vào mục đích này của CEP vì “thiếu tiền mới đi vay thì lấy gì tiết kiệm”. Thế nhưng, 29 năm qua, hàng trăm ngàn lượt công nhân, người lao động nghèo đã tiết kiệm được khi tham gia với CEP.

“Hiện tại con trai tôi đang học lớp 7 thôi, 3 năm nữa cháu sẽ vào lớp 10. Nếu lúc đó cháu nó xin một chiếc xe đạp điện thì vợ chồng tôi lấy đâu ra 10 triệu đồng để mua, nếu không đi vay. Đối với lương công nhân, 10 triệu đồng là số tiền quá lớn” – một thành viên của CEP buột miệng khi nói chuyện với một nhân viên tín dụng của CEP. Để giải quyết nỗi lo lắng của gia đình chị công nhân ấy, ngoài những khoản tiết kiệm khác, nhân viên của CEP đã hướng dẫn gia đình để dành mỗi tuần hơn 60 ngàn đồng gửi cho CEP trong vòng 3 năm. Đúng 3 năm sau, khi con trai thi đỗ lớp 10, gia đình anh chị ấy đã rút toàn bộ số tiền để dành, cộng với 3% lãi suất, dư tiền mua chiếc xe đạp điện mà không phải vay mượn ai.

Hiện nay, khi vay vốn của CEP, công nhân, người lao động sẽ trả tiền gốc và lãi theo tuần hoặc tháng kèm theo đó là một khoản gửi tiết kiệm. Khi hoàn tất khoản vay hoặc khi cần thiết, người lao động sẽ nhận lại khoản tiết kiệm mà mình đã gửi. Tính đến ngày 30/11, tổng số khách hàng của CEP là 336.452 công nhân lao động với tổng dư nợ 4.704 tỉ đồng; tổng số dư tiền gửi tiết kiệm của công nhân, lao động vay vốn CEP là 1.480 tỷ đồng, trung bình mỗi người có 4,4 triệu đồng tiền tiết kiệm gửi ở CEP. CEP có nhiều hình thức tiết kiệm để động viên, khuyến khích anh chị em công nhân, người lao động nghèo đang vay vốn như Tiết kiệm đoàn viên, Tiết kiệm định hướng, Tiết kiệm có kỳ hạn…

Thành viên của CEP ở Chi nhánh CEP huyện Hóc Môn là một điển hình trong tiết kiệm với hơn 90% anh chị em công nhân, người lao động gửi tiết kiệm. Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, có được kết quả đó là nhờ LĐLĐ huyện Hóc Môn đã theo sát, hỗ trợ, cán bộ công đoàn cơ sở tuyên truyền đến người lao động, nhân viên tín dụng CEP trực tiếp tư vấn cho người lao động. Anh chị em công nhân đã ý thức được việc tiết kiệm để khi cần tiền không phải đi vay mượn, từ đó lan tỏa trong cộng đồng.

Khi Covid-19 ập đến, thành viên của CEP đã có tiền tiết kiệm để sử dụng trong lúc khó khăn!

Ông Nguyễn Tấn Đạt cho hay, khi dịch Covid-19 ập đến, việc làm giảm, thu nhập giảm, CEP đã khuyến khích công nhân, người lao động rút tiền tiết kiệm nếu có nhu cầu cấp bách, CEP vẫn giữ nguyên lãi suất tiết kiệm tự nguyện 3% dù đây là hình thức gửi tiết kiệm khách hàng có thể rút bất cứ lúc nào khi cần thiết. Bên cạnh đó, đối với những khách hàng khó khăn như công nhân bị giảm việc, mất việc làm do ảnh hưởng Covid-19, CEP đã thực hiện miễn giảm lãi, kéo dài thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để người lao động không chịu áp lực trong việc chi trả các khoản vay, hỗ trợ cho vay khẩn cấp lãi suất thấp.

“Thành viên của CEP là những người lao động nghèo, người có thu nhập thấp vẫn có thể gửi tiết kiệm được. Và trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19, họ đã có một số tiền nhất định để chi tiêu cơ bản. Do đó có thể thấy, việc tiết kiệm là điều mà bất kỳ người lao động nào cũng làm được, chỉ là có phương thức phù hợp” – ông Nguyễn Tấn Đạt cho hay.

Kỳ cuối: CEP đã giúp người lao động nghèo vượt qua tín dụng đen, vươn lên ra sao?
Khi dịch Covid-19 ập đến, gây ra nhiều khó khăn cho người lao động, CEP đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho khách hàng của mình như "CEP - Chia sẻ yêu thương" tặng gạo, nhu yếu phẩm, giãn nợ, tặng sổ tiết kiệm cho khách hàng đặc biệt khó khăn.

Để đồng hành với công nhân, người lao động khó khăn, khách hàng của CEP bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, CEP đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ, quan tâm đặc biệt đến đối tượng khách hàng khó khăn để họ không phải vay tín dụng đen như Chương trình “CEP – Chia sẻ yêu thương” đã dành tặng trên 6 tỷ đồng gồm các nhu yếu phẩm cho người lao động, 175 khách hàng khó khăn nhất được tặng sổ tiết kiệm từ 10 triệu đồng/người, cho một số đối tượng khó khăn vay với lãi suất thấp hơn…

Theo ông Nguyễn Tấn Đạt - Phó Tổng giám đốc CEP thì cần có cách thức gửi tiết kiệm phù hợp với đối tượng công nhân nghèo, người lao động có thu nhập thấp.

Mỗi tuần, mỗi tháng vài chục ngàn đồng cũng có thể gửi tiết kiệm được ở CEP nhưng với điều kiện đó là thành viên của CEP, những người có nhu cầu vay vốn để làm ăn, tạo việc làm, tăng thu nhập. Vì là tổ chức Tài chính Vi mô, CEP không được mở tài khoản thanh toán, do đó, nhiều anh chị em công nhân nếu không vay vốn nhưng muốn gửi tiết kiệm tích lũy từ những khoản tiền nhỏ hàng tuần, tháng chưa thể thực hiện được.

Với người lao động nghèo, để dành 1 triệu đồng để đi ra ngân hàng mở sổ tiết kiệm là hơi khó nhưng nếu mỗi ngày bớt vài ngàn tiền chợ, mỗi tuần được vài chục ngàn đồng gửi tiết kiệm thì họ lại làm được nhưng nơi nào sẽ tiếp nhận số tiền đó? Chi phí thực hiện sẽ tính ra sao? Muốn người lao động hình thành được thói quen tiết kiệm, cần có cách thức nhận – gửi tiết kiệm phù hợp để khuyến khích họ. Vì chỉ khi nào người lao động biết cách tiết kiệm, họ mới thoát nghèo bền vững và đó là cách bảo hiểm tốt nhất cho tài chính của họ.

LÊ TUYẾT

Đồ họa: Ngô Thụy

Xem phiên bản di động