e magazine
15/12/2020 06:30
Kỳ 3: Trải lòng của công nhân “dính” vào “vay nóng, lãi suất cắt cổ”

15/12/2020 06:30

Nhiều anh chị công nhân khi được hỏi đến tín dụng đen, vay “nóng”, lãi suất cao đều lắc đầu, thè lưỡi “không đụng đến được”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để biết, phần lớn người lao động đều hiểu không nên vay tiền tín dụng đen hay các tổ chức cho vay ngoài ngân hàng... Nhưng nhận thức là một chuyện, lúc khó khăn, cần tiền mà không thể vay ở đâu ngoài những chỗ cho vay nặng lãi lại là chuyện khác. Phải ở trong hoàn cảnh của anh chị em công nhân thời điểm đó mới hiểu được, vì sao họ chấp nhận lãi cao hơn rất nhiều so với thực tế để rồi lâm cảnh khốn cùng!
Kỳ 3: Trải lòng của công nhân “dính” vào “vay nóng, lãi suất cắt cổ”

Phải ở trong hoàn cảnh của anh chị em công nhân thời điểm đó mới hiểu được, vì sao họ chấp nhận lãi cao hơn rất nhiều so với thực tế để rồi lâm cảnh khốn cùng!

Nhiều anh, chị công nhân khi được hỏi đến tín dụng đen, vay “nóng”, lãi suất cao đều lắc đầu: “Không đụng đến được”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để biết, phần lớn người lao động đều hiểu không nên vay tiền tín dụng đen hay các tổ chức cho vay ngoài ngân hàng... Nhưng nhận thức là một chuyện, lúc khó khăn, cần tiền mà không thể vay ở đâu ngoài những chỗ cho vay nặng lãi lại là chuyện khác. Phải ở trong hoàn cảnh của anh chị em công nhân thời điểm đó mới hiểu được, vì sao họ chấp nhận lãi cao hơn rất nhiều so với thực tế để rồi lâm cảnh khốn cùng!

“Khó khăn quá nên tôi đã chấp nhận vay nóng”

Thuyết phục nhiều lần, nam công nhân Trần Thanh An (tên nhân vật đã được thay đổi) mới kể cho tôi nghe về lần đầu tiên cũng như duy nhất anh vay tín dụng, trả lãi cao của mình. Nhiều năm qua, anh An làm công nhân, lặn lội từ Hà Nội vào đến TP. HCM nhưng cái nghèo, cái khó vẫn không ngừng bám đuổi. Gần một năm trước, anh cần tiền chi trả cho gia đình nên đã vay bên ngoài 20 triệu với thời gian trả trong 24 tháng. Đến giờ anh vẫn chưa trả xong số tiền này.

Kỳ 3: Trải lòng của công nhân “dính” vào “vay nóng, lãi suất cắt cổ”
Nhiều đối tượng cho vay lãi thường lợi dụng lúc người lao động thất nghiệp, cần tiền để cho vay với lãi suất cao. Trong ảnh, người lao động tìm việc tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM (ảnh minh hoạ)

Anh kể, hồi đó, hai vợ chồng cùng làm công nhân ở Hà Nội nuôi hai đứa con nhỏ. Sống ở thành phố lớn, số tiền anh chị làm lụng kiếm được chỉ đủ để cho hai đứa ăn, học, trả tiền thuê nhà và những khoản tiền không tên hàng tháng.

“Tháng nào mà con ốm là hai vợ chồng lại khổ sở, đi vay bố mẹ ở quê, anh chị em bạn bè để cho con đi viện. Có những lần cả hai đứa cùng ốm đau mà vợ chồng tôi tưởng như không còn đường lui”, anh An kể.

Lương tháng hai vợ chồng anh cộng lại khoảng 15 triệu đồng, tính toán chi li, tiết kiệm thì vừa đủ. Cho nên hai vợ chồng anh An chỉ mong con cái khỏe mạnh để yên tâm đi làm, kiếm tiền, sinh sống qua ngày. Với một hoàn cảnh như thế nên khi gia đình có việc lớn, không có tiền tích lũy, anh An phải vay bên ngoài 20 triệu đồng với lãi suất không hề nhỏ.

Sau đó, anh An vào TP.HCM, để hai con ngoài quê, vợ anh vẫn ở lại làm tại Hà Nội. "Nam tiến" nhưng cuộc sống của anh cũng chưa khá lên được vì dịch bệnh, công ty đóng cửa, anh thất nghiệp. Anh cố xoay đủ nghề nhưng thu nhập bấp bênh.

Kỳ 3: Trải lòng của công nhân “dính” vào “vay nóng, lãi suất cắt cổ”

Cột điện gần khu trọ công nhân biến thành nơi dán tờ rơi cho vay tiền trả góp

Hiện nay, mỗi tháng anh phải trả khoảng 2 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Hỏi anh “có hối hận vì đã vay lãi bên ngoài không?”, anh cười, mặt méo xệch: “Áp lực lắm, tháng nào cũng phải có gần 2 triệu để trả nợ, với nhiều người số tiền này không lớn, nhưng với tôi thì nó không hề nhỏ. Mấy tháng qua, công ty không có việc, thất nghiệp lâu đã lâu, đi làm ngoài, lúc chạy xe ba gác, lúc đi phụ người ta xây nhà. Có tháng đến hạn chưa nộp tiền, nhân viên bên cho vay họ gọi, họ hối trả nợ mà tôi muốn điên cả người”.

Nhưng rồi, anh lại cố cười lần nữa: “Dẫu sao tôi có gia đình ở quê, hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn, nghĩ đến chúng nó, tôi lại cố gắng lên. Lúc vay, mình đã chấp nhận thì phải chịu thôi. Nhưng quả thật, nếu không túng thiếu quá, còn đường để vay người thân thì không nên dính vào vay tín dụng lãi cao bên ngoài. Cực lắm!”

Khốn khổ vì vừa thất nghiệp do dịch bệnh, gồng mình trả lãi suất cao

Giống anh An, chị Trần Hồng Nhi - quê ở một tỉnh miền Tây, lên Bình Dương làm việc. Chị Nhi cũng đã từng vay tiền ngân hàng và vay cả tiền bên ngoài lãi cao để kinh doanh, làm nhà. Nhưng, điều không may là dịch bệnh ập đến trong năm nay khiến cho công việc của hai vợ chồng không ổn định, có thời gian chị không đủ tiền trả lãi ngân hàng.

Nhớ lại lúc khó khăn nhất, chị Nhi kể: “Khoảng tháng 3, tháng 4 năm nay cả nước nghỉ dịch, giãn cách xã hội. Chúng tôi làm công nhân nên rất khó khăn về tiền, chồng tôi hồi đó còn bị nghỉ làm vì công ty đóng cửa. Lúc đó tôi trở thành trụ cột gia đình. Không tăng ca nên chỉ có tiền lương vài triệu đồng mỗi tháng. Vậy mà tôi phải trả tiền nhà, tiền lãi ngân hàng, lãi tín dụng ngoài, rồi tiền bỉm sữa cho con... Thật sự lúc đó tôi đã nghĩ đến tự tử”.

Vợ chồng chị Nhi vay đến con số hàng trăm triệu để mua miếng đất định xây nhà và mở quán ăn. Nhưng năm nay không thuận lợi, cửa hàng ăn vừa mới khai trương cuối năm ngoái thì đầu năm gặp dịch, không thể hoạt động, nhà cũng không kịp xây, chồng thì mất việc... tiền lãi ngân hàng, lãi ngoài không ngừng tăng.

Kỳ 3: Trải lòng của công nhân “dính” vào “vay nóng, lãi suất cắt cổ”
Cuộc sống khó khăn, công nhân dễ trở thành "miếng mồi" của các đối tượng cho vay lãi suất cao
Kỳ 3: Trải lòng của công nhân “dính” vào “vay nóng, lãi suất cắt cổ”
Lương công nhân ba cọc ba đồng, lúc khó khăn rất dễ tìm đến " tín dụng đen"

“Không biết làm thế nào, tôi chỉ biết khóc, tưởng chừng cuộc sống không còn đường lui cho mình nữa. Con trai lớn tôi gửi về cho ngoại tôi nuôi, đứa nhỏ thì để trên này. Sau một ngày khóc ròng tôi lấy lại tinh thần, từ từ giải quyết từng vấn đề, tất cả tiền lương của hai vợ chồng thời điểm đó chỉ để trả lãi ngân hàng đã vay. Chồng bị công ty cho nghỉ, anh ấy đã đi làm ngoài, làm tất cả công việc ra tiền mà không phạm pháp. Chưa bao giờ cuộc sống của mình lại tồi tệ như thế”, chị Nhi nhớ lại.

Theo lời chị Nhi, vay lãi ngoài mình không thể khất nợ. Thời điểm đó, nhân viên bên cho vay lãi gọi điện cho chị liên tục vì quá ngày trả tiền hàng tháng. Có lúc chị không dám nhận điện thoại, chật vật vay bạn bè mới đủ để trả tiền tháng đó. Bây giờ nhớ lại chị không khỏi rùng mình, chị cứ nói rằng biết thế đã không vay lãi bên ngoài vì vừa lãi cao, lại không hiểu cho khó khăn của người lao động lúc dịch bệnh!

Kỳ 3: Trải lòng của công nhân “dính” vào “vay nóng, lãi suất cắt cổ”

Khi công việc ổn định, thu nhập được cải thiện, người lao động có tích lũy sẽ tránh được tín dụng đen

Kỳ 1: Chỉ “thả nhẹ” dòng trạng thái hết tiền, hàng chục người inbox “cần tiền nhắn em”

Kỳ 2: Làm công nhân là phụ, cho vay "nóng" mới là nghề chính

Kỳ 4: Lương 5 triệu đồng/tháng vẫn có thể nghĩ đến việc mua nhà nếu biết cách tiết kiệm!

NGUYỄN NGA

Đồ họa: Ngô Thụy

Xem phiên bản di động