e magazine
14/12/2020 17:46
Kỳ 2: Làm công nhân là phụ, cho vay “nóng” mới là nghề chính

14/12/2020 17:46

Không chỉ các tổ chức, công ty tài chính, ngân hàng, app (ứng dụng) tiếp cận, sẵn sàng cho công nhân, người lao động vay tiền mà chính trong “ruột” công ty, không hiếm người làm công nhân là phụ, cho vay mới là nghề chính!
Kỳ 2: Làm công nhân là phụ, cho vay “nóng” mới là nghề chính

Không chỉ các tổ chức, công ty tài chính, ngân hàng, app (ứng dụng) tiếp cận, sẵn sàng cho công nhân, người lao động vay tiền mà chính trong “ruột” công ty, không hiếm người làm công nhân là phụ, cho vay mới là nghề chính.

“Cũng là công nhân nhưng chị ấy rất giàu, vay bao nhiêu cũng có”

“Trong chuyền của em có một chị, chị ấy cũng là công nhân nhưng rất giàu, vay bao nhiêu cũng có. Nếu bình thường, nhu cầu vay ít thì vay 1 triệu đồng, mỗi tháng trả lãi 200 ngàn đồng. Những lúc nhu cầu vay cao như Tết thì vay 1 triệu đồng, mỗi tháng trả lãi có thể là 300 – 400 ngàn đồng” – chị Vân, ở trọ tại ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP. HCM chia sẻ.

Kỳ 2: Làm công nhân là phụ, cho vay “nóng” mới là nghề chính
Nhiều anh chị em công nhân khi gặp khó khăn chính là "miếng mồi" của chính đồng nghiệp của mình, vốn là những đối tượng cho vay nặng lãi (Ảnh minh họa) - Ảnh: L.T

Vợ chồng chị Vân đều là công nhân của một công ty may, 100% vốn Hàn Quốc đóng trên địa bàn huyện Hóc Môn. Chị Vân cho hay, năm nay công ty không có đơn hàng, công nhân nghỉ suốt nên thu nhập giảm. Có tháng cao điểm dịch Covid-19, giãn cách xã hội, thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ hơn 5 triệu đồng. Đúng lúc đó, mẹ chị ở quê lại ốm nặng, không có tiền để dành, chị phải vay nóng của đồng nghiệp 2 triệu đồng để gửi về cho mẹ.

“Chỗ tình cảm chị em, chị ấy lấy bớt cho 50 ngàn đồng tiền lãi, tức là tôi vay 2 triệu đồng thì tháng sau tôi trả 2.350.000 đồng. Biết là lãi cao nhưng tôi không còn cách nào khác. Vay 1 tháng, nhiều lắm là 2 tháng thì mình còn cố được chứ để lâu dài, lãi mẹ đẻ lãi con, chỉ có nước nghỉ việc để trốn nợ” – chị Vân cho hay.

Theo chị Vân, công nhân vay nóng như chị không phải hiếm vì khi có chuyện đột xuất, nhìn quanh người thân đều khó khăn, không biết phải mượn ai nên đành phải lựa chọn vay nóng, chịu lãi suất cao.

Kỳ 2: Làm công nhân là phụ, cho vay “nóng” mới là nghề chính

Để ngăn ngừa tín dụng đen trong nhà trọ công nhân, nhiều chủ nhà trọ có những nội quy nghiêm ngặt. Trong ảnh là khu nhà trọ của cô Nguyễn Thị Thành (Hóc Môn, TP.HCM) tham gia Tổ công nhân tự quản của LĐLĐ huyện Hóc Môn luôn đảm bảo an ninh khu trọ

Không chỉ ở công ty, ở nhiều khu trọ của công nhân, người lao động cũng có nhiều tờ rơi dán tại cột điện, khu công cộng để mồi chài người lao động vay tiền. “Thiếu tiền hãy alo cho tôi. Bao nhiêu cũng có”; “Chỉ cần chứng minh nhân thân, bạn sẽ được giải quyết ngay chuyện thiếu tiền”… Những tờ rơi kèm theo số điện thoại của người cho vay dán khắp các khu trọ. Nhiều đường dây cho vay nóng còn cài “chân rết” ở các khu nhà trọ công nhân để tìm “con mồi”.

“Nhiều người còn đến cổng công ty vào giờ tan ca hoặc đến ngay nhà trọ để phát cạc-vi-dit (card visit – PV) thông tin cho vay tiền, có người ở ngay trong xóm trọ làm đầu mối. Họ hay lắm, biết ai cần tiền là họ tới gạ gẫm liền. Mình đồng ý vay là có người mang tiền tới” – anh Trần Xuân P. (trọ trên đường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP. HCM) chia sẻ.

Trà trộn làm công nhân để

tìm kiếm… khách hàng!

Để tiếp cận công nhân, nhiều đối tượng còn trà trộn vào các công ty, doanh nghiệp để cho vay lãi suất cao. Chủ tịch công đoàn một công ty có hơn 1.000 công nhân ở Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) thừa nhận không hiếm trường hợp các đối tượng xin vào làm công ty là để tiếp cận công nhân, tìm những công nhân khó khăn để cho vay nóng.

“Về vấn đề này, ban giám đốc lưu ý bộ phận tuyển dụng phải hết sức chú ý. Ví dụ như xem tuổi đời bao nhiêu, từng làm công nhân ở đâu chưa, ai giới thiệu… Nếu nghi ngờ sẽ kiểm tra lại và khi có thông tin chính xác sẽ tìm cách từ chối hồ sơ, không tiếp nhận. Tuy nhiên, có nhiều đối tượng cho vay, họ cài “chân rết” vào trong công nhân, những “chân rết” này không cho vay nhưng sẽ là đầu mối giới thiệu những trường hợp công nhân khó khăn, có nhu cầu vay vốn đến những đối tượng cho vay nặng lãi. Nếu biết được, công ty cũng sẽ xử lý” – vị chủ tịch công đoàn này cho hay.

Kỳ 2: Làm công nhân là phụ, cho vay “nóng” mới là nghề chính
Công ty, công đoàn hỗ trợ tài chính kịp thời cho người lao động gặp khó khăn chính là cách để giúp họ tránh tín dụng đen, vay lãi suất cao. Trong ảnh: Chủ tịch công đoàn Công ty Taekwang Vina Đinh Sỹ Phúc (Khu công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai) trao hỗ trợ cho công nhân mắc bệnh hiểm nghèo

Ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch công đoàn Công ty Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai) cho hay, trước đây công ty có phát hiện một số trường hợp là công nhân cho vay lãi suất cao và phía công ty cũng có hình thức xử lý kỷ luật, mức xử lý kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc.

“Vài năm trở lại đây không phát hiện những trường hợp tương tự như vậy. Hơn nữa, công đoàn và công ty cũng tuyên truyền cho công nhân về những hậu quả khi vay lãi suất cao, vay tín dụng đen để anh chị em tránh. Hơn nữa, công ty luôn nỗ lực cải thiện, tăng thu nhập cho người lao động, hỗ trợ tài chính cho người lao động khi khó khăn để anh chị em công nhân không vay nóng, lãi suất cao. Chính điều đó đã làm giảm tín dụng đen trong công ty” – ông Đinh Sỹ Phúc cho hay.

Tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP. HCM), doanh nghiệp có hơn 65.000 công nhân, ông Củ Phát Nghiệp – Chủ tịch công đoàn công ty cho hay, công ty nghiêm cấm bất kỳ hình thức cho vay lấy lãi nào, nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật thôi việc.

Kỳ 2: Làm công nhân là phụ, cho vay “nóng” mới là nghề chính

Công ty, công đoàn có những biện pháp hỗ trợ về tài chính, vật chất kịp thời cho công nhân, người lao động sẽ góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Trong ảnh, chương trình "Chuyến xe Xuân nghĩa tình" do LĐLĐ tỉnh Bình Dương tổ chức, đưa công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn Tết

Kỳ 3: Trải lòng của công nhân “dính” vào “vay nóng, lãi suất cắt cổ”

LÊ TUYẾT

Đồ họa: Ngô Thụy

Xem phiên bản di động