Bám sát quan điểm chỉ đạo, mục tiêu đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn theo Nghị quyết 02, Công đoàn Nghệ An xác định tập trung vào các chức năng, nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi; đổi mới toàn diện để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ).
Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng này, LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cấp công đoàn vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan; đầu tư nguồn lực đúng mức để phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS).
Trước tiên, LĐLĐ tỉnh Nghệ An thành lập Ban chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng kế hoạch hoạt động. Ban chỉ đạo đã tham mưu cho Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh ban hành Đề án và Nghị quyết về công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong doanh nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Tiếp đó, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành, thị phối hợp với chính quyền tham mưu thành lập Ban chỉ đạo phát triển đoàn viên cấp huyện do đồng chí lãnh đạo UBND huyện làm trưởng ban; Ban chỉ đạo phát triển đoàn viên của ngành do đồng chí lãnh đạo sở làm trưởng ban.
Tổ chức tập huấn kỹ năng vận động, thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên cho cán bộ chuyên trách công đoàn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ các công đoàn cấp trên cơ sở như: Khu Kinh tế Đông Nam, thành phố Vinh, huyện Diễn Châu, huyện Yên Thành, huyện Tân Kỳ, huyện Quỳnh Lưu... là nơi tập trung đông công nhân lao động làm địa bàn trọng điểm cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.
LĐLĐ tỉnh Nghệ An tập huấn công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS cho các đơn vị. Ảnh: MAI LIỄU |
Đồng thời, LĐLĐ tỉnh tập trung phối hợp chặt chẽ hơn với UBND tỉnh, các ngành chức năng để nắm bắt, khảo sát, điều tra, dự báo tình hình công nhân lao động và doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn; xây dựng kế hoạch vận động, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, giao chỉ tiêu cụ thể cho các LĐLĐ cấp huyện và công đoàn ngành.
Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tập trung tổ chức tập huấn để cung cấp kiến thức, phương pháp, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở nhằm làm tốt công tác phát triển đoàn viên. Thường xuyên rà soát nắm chắc tình hình doanh nghiệp, lao động và đoàn viên công đoàn trong doanh nghiệp.
Đặc biệt, mỗi đơn vị đã vận dụng linh hoạt, phù hợp các phương thức tiếp cận, vận động thuyết phục để phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Tích cực rà soát, phát hiện, bồi dưỡng các công nhân tiêu biểu, có tố chất thủ lĩnh, có định hướng tại các doanh nghiệp chưa thành lập CĐCS để làm hạt nhân cho việc phát hiện, vận động công nhân vào tổ chức Công đoàn.
Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube,... để tuyên truyền các kết quả hoạt động của công đoàn, thông qua đó, người lao động (NLĐ) thấy được vai trò của công đoàn để gia nhập tổ chức. Đồng thời, khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để giới thiệu việc làm mới cho lao động miền Nam trở về quê do tác động của đại dịch Covid-19, tạo nguồn bổ sung để vận động, thuyết phục NLĐ gia nhập tổ chức Công đoàn.
Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tích cực phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Ảnh: MAI LIỄU |
Tập trung cho khâu đột phá phát triển đoàn viên tại doanh nghiệp; tăng tỉ lệ đoàn viên trên tổng số NLĐ ở những nơi đã thành lập công đoàn, nhất là các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu chế xuất và những địa bàn tập trung đông doanh nghiệp, Công đoàn Nghệ An đã đạt được kết quả ấn tượng.
Từ đầu năm 2022 đến tháng 5/2023, các cấp công đoàn đã tuyên truyền, vận động thành lập được 69 CĐCS với 21.309 đoàn viên, trong đó, phát triển được 19.471 đoàn viên khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đạt hơn 140%, vượt chỉ tiêu đề ra. Những con số biết nói này đã chứng minh cách thức đổi mới đúng đắn, sát thực của Công đoàn Nghệ An.
Các cấp công đoàn Nghệ An triển khai Nghị quyết 02 trong điều kiện gặp không ít khó khăn, thách thức; dịch bệnh, suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, việc làm, thu nhập của NLĐ.
Với truyền thống vượt khó, khi đối mặt với những khó khăn đó, các cấp Công đoàn Nghệ An đã chủ động, linh hoạt, tư duy, trăn trở để đổi mới hoạt động nhằm chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, NLĐ và khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn.
Có thể khẳng định, kết quả hoạt động của Công đoàn Nghệ An thời gian qua mang đậm dấu ấn đổi mới. Và một chuỗi hoạt động đổi mới đã được thực hiện bài bản, đồng bộ.
LĐLĐ tỉnh Nghệ An là một trong 8 tập thể của tổ chức Công đoàn vinh dự được biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc. Ảnh: MAI LIỄU |
Đầu tiên, LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng các chủ trương, nghị quyết và kế hoạch hoạt động phù hợp với chức năng của tổ chức Công đoàn, giảm các nhiệm vụ không liên quan trực tiếp đến chức năng đại diện trong phạm vi quan hệ lao động; hướng tới nhiệm vụ cốt lõi là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và dựa trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của số đông đoàn viên, NLĐ; mỗi đơn vị công đoàn cấp trên cơ sở xác định điểm đặc thù để tạo nên những sự khác biệt trong tổ chức các hoạt động.
Điểm mới thứ hai chính là hàng loạt chương trình, hoạt động lần đầu tiên được triển khai, tổ chức. Đơn cử như: Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh tổ chức ký kết chương trình phối hợp với 21/21 huyện ủy, thành ủy và Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh về chỉ đạo tổ chức và hoạt động công đoàn tại các địa phương, ngành có đông đoàn viên, NLĐ. Qua đó, tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn.
Tổ chức chuỗi hội nghị đối thoại giữa những người đứng đầu cấp ủy huyện, thành, thị với công nhân lao động, mà điển hình là “Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với công nhân lao động năm 2022”, chương trình có sự tham gia của 320 công nhân lao động và cán bộ CĐCS. Hội nghị được lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá là chu đáo, thu hút, thành công, mẫu mực khi các kiến nghị của công nhân được lắng nghe, giải đáp và chỉ đạo giải quyết, khiến công nhân hài lòng.
LĐLĐ các huyện, thành, thị, công đoàn ngành đã chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS tổ chức thực hiện 219 hội nghị đối thoại, 17 diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp - Doanh nghiệp vì công nhân”.
Chuỗi hội nghị đối thoại, diễn đàn lắng nghe ý kiến NLĐ được tổ chức đồng loạt ở các huyện, thành, thị. Ảnh: MAI LIỄU |
Cũng lần đầu tiên, LĐLĐ tỉnh Nghệ An trực tiếp tổ chức 2 cuộc thi trực tuyến trên trang Fanpage và Trang thông tin điện tử Công đoàn Nghệ An; tổ chức livestream – phát trực tiếp chương trình tư vấn chăm sóc sức khoẻ hậu Covid-19 và tuyên truyền chế độ chính sách cho NLĐ.
LĐLĐ tỉnh Nghệ An là một trong số các đơn vị đi đầu trong hệ thống công đoàn toàn quốc xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn toàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đi đầu trong ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác thông tin tuyên truyền, cán bộ LĐLĐ đã làm tốt việc thiết kế, xây dựng infographic, emagazine, video clip, phóng sự truyền hình.
Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, định hướng thông tin dư luận trong công nhân, viên chức, lao động, LĐLĐ tỉnh Nghệ An thành lập đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội gồm 15 đồng chí, ban hành quy chế hoạt động và tổ chức tập huấn về kỹ năng nắm bắt, tổng hợp, báo cáo dư luận xã hội.
Đội ngũ này hằng tuần nắm bắt các thông tin dư luận, báo cáo kịp thời cho Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tỉnh ủy, trong đó, tập trung nắm bắt tình hình công nhân lao động ở các doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật lao động và xây dựng quan hệ lao động.
Các đơn vị tổ chức đa dạng các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Ảnh: MAI LIỄU |
Đối với công tác chăm lo cho đoàn viên, NLĐ, đã có sự đổi mới trong các chương trình gắn với “thương hiệu” của tổ chức Công đoàn như: “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Mái ấm Công đoàn”… Các chương trình này đã lồng ghép những hoạt động sáng tạo như: Kêu gọi xây dựng “Gian hàng 0 đồng” cho công nhân lao động; tổ chức Diễn đàn “Cảm ơn người lao động” bằng các hoạt động lắng nghe, chia sẻ, giải đáp và trao tặng các phần quà vật chất cũng như tinh thần; tổ chức Chương trình “Đến với nhà trọ công nhân lao động”để thăm hỏi, tặng quà.
Cách hỗ trợ trong các chương trình cũng có sự đổi mới, đó là cùng với phần tiền mặt, công đoàn đã trao tặng các phần quà thiết thực với nhu cầu cuộc sống của công nhân lao động, tạo cho công nhân sự bất ngờ, phấn khởi, từ đó ghi nhận sự quan tâm sâu sát của tổ chức Công đoàn.
Xuyên suốt hai năm qua, Công đoàn Nghệ An đã tổ chức hàng loạt các hoạt động có tính lan tỏa cao như: Thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời cho tập thể và đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, đơn vị tuyến đầu chống dịch, đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kết nối việc làm cho NLĐ hồi hương.
Tính riêng trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các cấp Công đoàn Nghệ An đã chi hơn 24,8 tỷ đồng để chăm lo Tết cho 80.893 NLĐ.
Đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá cao việc triển khai thực hiện Nghị quyết 02 của Công đoàn Nghệ An. Ảnh: MAI LIỄU |
Trong 13 chỉ tiêu hằng năm được xác định tại Chương trình hành động số 02 của LĐLĐ tỉnh Nghệ An về thực hiện Nghị quyết 02, tính riêng trong năm 2022, đã có 9 chỉ tiêu đạt và vượt.
Nổi bật như: Chỉ tiêu về phát triển đoàn viên là công nhân lao động trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước; chỉ tiêu công nhân, viên chức, lao động trong các đơn vị có tổ chức Công đoàn được tham gia học tập, quán triệt, tiếp nhận thông tin về chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật lao động của Nhà nước, các nghị quyết của công đoàn, nội quy của địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; chỉ tiêu công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước, nghiệp đoàn đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Từ những kết quả trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của LĐLĐ tỉnh Nghệ An. Đó là sự chỉ đạo quyết liệt, đổi mới, mạnh dạn vượt qua những cái cũ; triển khai các hoạt động sôi nổi, lan tỏa, đầy sức sống, tạo niềm vui, niềm tin cho đoàn viên, NLĐ vào tổ chức Công đoàn.
MAI LIỄU Đồ họa: MAI LIỄU |