e magazine
09/12/2022 17:57
Kỳ 2: Đi tìm nguồn cơn

09/12/2022 17:57

Những ngày này, bên cạnh tiếng than của các trái chủ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, trên các mạng xã hội tràn ngập thông tin ca thán của trái chủ mua trái phiếu của Tập đoàn Sunshine được phát hành qua Công ty Tài chính KS Finance. Trên các công trường xây dựng của Tập đoàn này, đa phần dừng triển khai hoặc hoạt động cầm chừng… Thực tế đây không chỉ là câu chuyện riêng của Sunshine mà của khá nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt.
Nhân lực ngành bất động sản: Làm thế nào để sống sót? - Kỳ 2: Đi tìm nguồn cơn

LTS: Từ những trầm lắng thực tế của thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua, Tạp chí Lao động và Công đoàn đã phản ánh những câu chuyện thực tế về khó khăn của người lao động trong ngành bất động sản (BĐS) và tiếp tục đi sâu tìm hiểu nguyên nhân của những khó khăn đó.

Những ngày này, bên cạnh tiếng than của các trái chủ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, trên mạng xã hội tràn ngập thông tin ca thán của trái chủ mua trái phiếu của nhiều doanh nghiệp. Thực tế, đây là câu chuyện của khá nhiều doanh nghiệp BĐS đang phải đối mặt.

Nhân lực ngành bất động sản: Làm thế nào để sống sót? - Kỳ 2: Đi tìm nguồn cơn

Theo báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Công ty Cổ phần chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong quý IV/2022 có khoảng 85 nghìn tỷ đồng trái phiếu do các ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản phát hành phải đáo hạn, đồng thời khối lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023 khoảng 317 nghìn tỷ đồng và 2024 ước tính khoảng 363 nghìn tỷ đồng (nguồn: Bộ Tài chính). Riêng ngành bất động sản, ước tính trong năm 2023 có khoảng 130 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn (sau khi loại trừ phần đã mua lại tính đến tháng 10/2022), chiếm khoảng 36% giá trị đáo hạn năm 2023. Điều này cho thấy các áp lực trên thị trường hiện nay với các doanh nghiệp ngành bất động sản vẫn chưa phải là đỉnh điểm.

Nhân lực ngành bất động sản: Làm thế nào để sống sót? - Kỳ 2: Đi tìm nguồn cơn
Riêng ngành bất động sản, ước tính trong năm 2023 có khoảng 130 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Ảnh minh họa.

Một trong những nguyên nhân đẩy thị trường rơi vào tình trạng này là do vừa qua, để phát triển dự án, nhiều doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu tùy tiện, bất chấp, giờ đang đối mặt với nguy cơ mất thanh khoản vì nhà đầu tư, khách hàng quay lưng.

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, trong 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm ngoái, có 57 công ty kinh doanh thua lỗ trước khi phát hành, 45 đơn vị có tỷ lệ đòn bẩy nợ hơn 10 lần, 10 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu gấp hơn 5 lần vốn chủ sở hữu.

Trong nhóm 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn nhất, nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ khối lượng phát hành trên vốn chủ sở hữu gấp nhiều lần, thậm chí vài chục lần.

Nhân lực ngành bất động sản: Làm thế nào để sống sót? - Kỳ 2: Đi tìm nguồn cơn

Thị trường BĐS “đứng khựng” đã làm ảnh hưởng nặng nề đến khối các doanh nghiệp “ăn theo” ngành này. Minh chứng sinh động nhất là mới đây, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) gây rúng động khi thông báo đóng hai lò cao ở Khu liên hợp Dung Quất và hai lò cao ở Khu liên hợp Hải Dương chính thức từtháng 11/2022. Ngoài việc dừng 4 lò trên, trong tháng 12, Hòa Phát sẽ dừng sản xuất 1 lò cao nữa tại Dung Quất. Từ đây đến cuối năm, Hòa Phát Dung Quất sẽ có 3 lò cao dừng hoạt động. Đi kèm với thông báo này đồng nghĩa với việc hàng ngàn lao động sẽ phải nghỉ hoặc chuyển sang làm công việc khác.

Nhân lực ngành bất động sản: Làm thế nào để sống sót? - Kỳ 2: Đi tìm nguồn cơn

Trong tháng 12, Hòa Phát sẽ dừng sản xuất 1 lò cao nữa tại Dung Quất. Ảnh: Hòa Phát

Đáng chú ý, cũng theo Hòa Phát, sản lượng bán hàng tại Hòa Phát cũng xuống thấp nhất kể từ đầu năm 2021, cụ thể đạt 492.000 tấn, giảm 42% so với tháng 10/2021. Trong đó, thép xây dựng đạt gần 210.000 tấn, chỉ bằng 45% so với cùng kỳ.

Thực trạng buồn này không chỉ riêng Hòa Phát mà không ít nhà sản xuất thép khác cũng đã và đang cắt giảm công suất để tập trung xóa hàng tồn kho. Cụ thể trước đó, CTCP Thép Pomina thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9 và chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty; Công ty TNHH Thép Miền Nam - VNSTEEL ngày 25/10 cũng gửi thông báo đến cán bộ nhân viên về việc tổ chức nghỉ luân phiên theo kế hoạch ngưng sản xuất dài ngày từ tháng 10 đến tháng 12/2022. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng… cũng đối mặt với nguy cơ mất vốn, thậm chí vỡ nợ, phá sản…

Đất Xanh Miền Bắc cũng thông báo sẽ cắt giảm trước mắt là 30% nhân sự, nếu tình hình không khá hơn sẽ là 50%. Đây là doanh nghiệp hoạt động cả trên lĩnh vực kinh doanh bất động sản và hoạt động môi giới.

Nhân lực ngành bất động sản: Làm thế nào để sống sót? - Kỳ 2: Đi tìm nguồn cơn
Đất Xanh Miền Bắc cũng thông báo sẽ cắt giảm trước mắt là 30% nhân sự, nếu tình hình không khá hơn sẽ là 50%. Ảnh: M.A

Phân tích kỹ hơn về thực trạng buồn này, trao đổi với PV Tạp chí Lao Động – Công đoàn, ông Vũ Cương Quyết - Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc (ĐXMB) cho biết, thị trường BĐS 2022, 6 tháng đầu năm rất sôi động, các giao dịch rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, bắt đầu từ quý III/2022, đặc biệt bước sang quý IV/2022, thị trường BĐS có những biến đổi mạnh, đặc biệt là các giao dịch tại thị trường tỉnh, thị trường đất nền, thị trường nghỉ dưỡng, số lượng giao dịch bị giảm sút rõ rệt. Điều này, gây khó khăn cho các công ty dịch vụ môi giới BĐS giống như ĐXMB. Cũng như các công ty khác, ĐXMB buộc phải thích nghi và có những ứng phó với sự suy giảm của thị trường về tính thanh khoản. Với ĐXMB là một doanh nghiệp dịch vụ BĐS rất lớn, trải rộng toàn bộ thị trường miền Bắc, có những thời điểm, toàn bộ số lượng cán bộ nhân viên, người lao động được ghi nhận trên toàn hệ thống ĐXMB vào khoảng gần 3.000 cán bộ nhân viên. Nhưng vừa qua, chúng tôi cũng phải cắt giảm khá nhiều các hệ thống của công ty trên toàn miền Bắc. Số lượng lao động cả nhân viên kinh doanh và số lượng lao động tại chỗ, nhân viên văn phòng đã phải giảm bớt từ 25-30%.

Nhân lực ngành bất động sản: Làm thế nào để sống sót? - Kỳ 2: Đi tìm nguồn cơn

Ông Vũ Cương Quyết - Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc. Ảnh: M.A

“Việc phải cắt giảm số lượng lao động cũng như đóng cửa các văn phòng giao dịch là biện pháp đối ứng khá là "đau" với doanh nghiệp để có thể tồn tại được trong bối cảnh này. Thời gian tới, tình hình thị trường BĐS có diễn biến không thuận lợi, ĐXMB dự kiến sẽ phải cắt giảm tiếp thêm 20% nhân sự. Giải pháp song song, chúng tôi cũng cơ cấu lại bộ máy nhân sự để bộ máy tinh gọn hơn, cũng như triển khai các hệ thống công nghệ thông tin để bộ máy vận hành được trơn tru hơn khi cắt giảm. Việc nâng cao kĩ năng cho cán bộ, người lao động cũng được làm quyết liệt, để thời gian này, người lao động được đào tạo các kĩ năng mới nhằm thích ứng với thị trường và khi thị trường tốt lên thì chúng tôi sẽ bắt nhịp nhanh hơn với thị trường", ông Vũ Cương Quyết cho biết.

Theo ông Quyết, có rất nhiều các biện pháp cần phải làm để doanh nghiệp tồn tại được lúc này. ĐXMB cố gắng giữ và đảm bảo mức lương cũ cho người lao động. Nhưng nếu tình hình tiếp tục khó khăn, chúng tôi cũng phải có những chính sách, thậm chí Ban lãnh đạo đề xuất tự xin giảm lương và một số biện pháp để giảm chi phí. "Chúng tôi cũng kì vọng từ giờ đến cuối năm, vẫn giữ được lương thưởng ổn định cho người lao động”, ông Quyết cho biết thêm.

Song Minh

Video: Nhóm PV

Đồ họa: An Nhiên

Xem phiên bản di động