e magazine
14/12/2020 11:15
Kỳ 1: Chỉ “thả nhẹ” dòng trạng thái hết tiền, hàng chục người inbox “cần tiền nhắn em”

14/12/2020 11:15

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Đối với công nhân, người lao động nghèo, người có thu nhập thấp, thu nhập càng eo hẹp hơn vì giảm giờ làm, giảm lương, nhà xưởng đóng cửa. Tết nguyên đán Tân Sửu 2020 đang đến gần, công nhân lại đối mặt với tình trạng “không thưởng”, công nhân trở thành “miếng mồi” của các đối tượng cho vay lãi suất cao. Vậy, anh chị em làm thế nào để không “dính” vào tín dụng đen, không “đổ nợ” vì Tết?
Kỳ 1: Chỉ “thả nhẹ” dòng trạng thái hết tiền, hàng chục người inbox “cần tiền nhắn em”

Kỳ 1: Chỉ “thả nhẹ” dòng trạng thái hết tiền, hàng chục người inbox “cần tiền nhắn em”

Lên các hội nhóm công nhân hoặc trang cá nhân của mình, chỉ cần viết một đôi câu có liên quan đến tài chính như “thiếu tiền”, “không có lương”… sẽ có hàng loạt bình luận, tin nhắn riêng mời vay tiền với cam kết “lãi suất thấp”, “lãi suất ưu đãi”. Chưa bao giờ vay tiền lại dễ đến thế!

Bủa vây khắp mạng xã hội

Những lời mời chào công nhân vay tiền với lời lẽ cực kỳ khôn khéo, tác động trực tiếp vào nhu cầu của khách hàng. Dưới những cái “nhãn” rất thân thiện như “Cho vay trả góp”, “Hỗ trợ tài chính cho công nhân”, “30 phút có tiền ngay”… Kèm theo đó là lời giới thiệu: Thủ tục đơn giản; giải ngân trong ngày; ưu đãi lãi suất vay cực hấp dẫn, vay tháng đầu không lãi suất; hỗ trợ vay trả góp 50-60 ngày; không gặp mặt trực tiếp; không gọi điện người thân; nhận tiền ngay trong ngày; hỗ trợ công nhân lao động vay vốn bằng thẻ bảo hiểm y tế, hợp đồng lao động, chứng minh thư hoặc bất kỳ giấy tờ liên quan đến bản thân… Với những lời “có cánh” đó, nếu không tìm hiểu kỹ, người lao động sẽ dễ dàng rơi vào vòng xoáy vay-trả - lãi mẹ đẻ lãi con này.

Không chỉ tự đăng lời mời chào, những đối tượng cho vay còn nhắn tin trực tiếp, chạy quảng cáo, bình luận vào những dòng chia sẻ để mời chào dịch vụ, thủ tục đơn giản hơn… mua rau ngoài chợ!

Kỳ 1: Chỉ “thả nhẹ” dòng trạng thái hết tiền, hàng chục người inbox “cần tiền nhắn em”
Những tin nhắn mời chào vay vốn "giăng" đầy trên mạng xã hội và thu hút nhiều công nhân tham gia bình luận

Chị Nguyễn T. (công nhân may tại Khu chế xuất Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP HCM) chia sẻ, những thông tin về vay tiền nhanh, lãi suất thấp, chỉ làm thủ tục online, không cần nhiều giấy tờ quan trọng xuất hiện liên tục trên Facebook, Zalo nên “nó ám luôn vào đầu”. Nó lẩn quẩn trong đầu cho nên mỗi khi kẹt tiền, thiếu tiền, các thông tin đó nó lại xuất hiện, không tỉnh táo là bấm chat để hỏi vay ngay.

Kỳ 1: Chỉ “thả nhẹ” dòng trạng thái hết tiền, hàng chục người inbox “cần tiền nhắn em”

Đời sống công nhân đang gặp nhiều khó khăn lại là cơ hội cho nhiều nhóm đối tượng cho vay lãi suất cao hoạt động

“Xa quê, sống một mình nên trong cuộc sống, lắm lúc tôi gặp khó khăn về tiền bạc. Đặc biệt là khi ốm đau, đám, tiệc nhiều… Chưa kể trong thời gian này, công ty tôi giảm giờ làm, không tăng ca, công nhân chỉ có tiền lương, thu nhập giảm đi rất nhiều. Ở quê, chỉ cần gọi điện nói rằng gia đình có việc cần đến tiền là chúng tôi lo lắm, kiếm tiền đâu ra. Tôi luôn dặn lòng, nếu thiếu tiền thì trước hết vay bạn bè, vay người thân. Bí bách lắm mới phải vay ngân hàng, hay các tổ chức cho vay tín dụng ngoài xã hội”, chị T. nói.

Vài thao tác đơn giản,

tiền đã vào tài khoản

Trong vai là một nam công nhân đang cần tiền nên đi vay nhanh từ các quảng cáo trên mạng xã hội Facebook. Vừa ngỏ lời, tôi đã nhận ngay hàng chục tin nhắn hỏi nhu cầu muốn vay bao nhiêu. Sau khi hỏi về thủ tục vay vốn, thời gian giải ngân, độ bảo mật, tôi khá bất ngờ khi phía cho vay cho hay chỉ cần vài thao tác online đơn giản là tiền sẽ về tài khoản dù số tiền tôi muốn vay không hề nhỏ.

Kỳ 1: Chỉ “thả nhẹ” dòng trạng thái hết tiền, hàng chục người inbox “cần tiền nhắn em”
Những lời giới thiệu dịch vụ vay vốn như thế này được chào mời mỗi ngày đến công nhân, người lao động

Theo đó, tôi có nhu cầu vay 20 triệu đồng trong vòng 12 tháng, tư vấn viên tên N.H gửi cho tôi bảng tính lãi hàng tháng và số tiền phải trả. Theo bảng tính nếu vay 20 triệu đồng thì tôi sẽ trả trong 12 tháng với số tiền phải trả là 2.029.000 đồng/tháng. N.H hỏi thêm tên công ty, đề nghị gửi 1 bức hình chụp 1 trong các giấy tờ tùy thân như thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hợp đồng lao động… Sau đó, N.H hẹn lên công ty để ký 1 vài giấy tờ mà theo H là “cực kỳ đơn giản, nhanh chóng, sau đó tiền sẽ vào ngay tài khoản”.

Một người khác tên T thì cho biết sẽ cho vay với giấy tờ là chứng minh thư và sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, khác với H, T yêu cầu có thêm bảng chứng minh 2 tháng lương kèm lời nhắn: “Lãi suất sẽ giảm xuống nếu lương của bạn cao”.

Điểm chung của dạng cho vay này là giấy tờ tùy thân đơn giản nhưng phải lên công ty ký tên vào hợp đồng, sau đó tiền sẽ về tài khoản. Anh Phan Ngọc L. làm việc tại khu công nghiệp Tân Bình, TPHCM cho hay: “Thực ra, thủ tục đơn giản, xét cho vay nhanh nhưng khi lên công ty của họ, họ đưa một cái hợp đồng rất là dài, nhiều chữ, chữ lại nhỏ, mình đọc không hiểu gì hết. Nhiều lúc họ nói lãi suất như vậy như vậy nhưng chưa tính phí hồ sơ, phí quản lý, phí này phí kia, mình chịu hết. Chưa kể, chậm trả 1 ngày thôi là bị phạt chết luôn! Tôi từng vay, phải gồng mình trả nợ, sau khi đi kêu cứu khắp nơi, được giải thích mới biết mánh khóe của họ”.

Kỳ 1: Chỉ “thả nhẹ” dòng trạng thái hết tiền, hàng chục người inbox “cần tiền nhắn em”

Những tin nhắn mời chào cho vay tiền liên tục được gửi đến số điện thoại cá nhân của nhiều công nhân, lao động

Kỳ tới: Làm công nhân là phụ, cho vay “nóng” mới là nghề chính

NGUYỄN NGA

Đồ họa: Ngô Thụy

Xem phiên bản di động