e magazine
22/09/2020 10:20
Kon Tum: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp tháo gỡ khó khăn cho người lao động

22/09/2020 10:20

Tham gia bảo hiểm thất nghiệp là quyền lợi và trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động. Mỗi người lao động nên quan tâm nhiều hơn tới bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là các chính sách mà bản thân mình được hưởng.
Kon Tum: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp tháo gỡ khó khăn cho người lao động

Tham gia bảo hiểm thất nghiệp là quyền lợi và trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động. Mỗi người lao động nên quan tâm nhiều hơn tới bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là các chính sách mà bản thân mình được hưởng.

***

Năm 2020, cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng chịu ảnh hưởng bởi những khó khăn của nền kinh tế trước dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể doanh nghiệp, cắt giảm nhân công… Số lượng người lao động thiếu hoặc mất việc làm tăng cao đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi các ngành chức năng, chính quyền và doanh nghiệp cùng vào cuộc tháo gỡ, giải quyết chế độ chính sách cho người lao động.

Qua bài viết này, chúng tôi mong muốn làm rõ về những quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hướng giải quyết vấn đề, đẩy mạnh thông tin thị trường lao động, giúp người lao động tìm kiếm việc làm.

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã có 1.509 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong đó có 108 người lao động ngoài tỉnh chuyển đến), tăng trên 16% so với cùng kỳ năm 2019, cao nhất là vào thời điểm tháng 5/2020; có 1.499 người hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong đó có 103 người lao động ngoài tỉnh) với số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp trên 20 tỷ đồng, số người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề là 43 người, với số tiền là 137 triệu đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2019.

Có 4.450 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm; 411 lao động được giới thiệu và cung ứng làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; 65 người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tìm được việc làm mới. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng lao động đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, qua khảo sát của 143 doanh nghiệp, có 83 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với 6.127 việc làm, giảm 39,26% so với cùng kỳ năm 2019.

Kon Tum: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp tháo gỡ khó khăn cho người lao động

Trao đổi về những vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum cho biết: “Chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong tỉnh gặp nhiều khó khăn. Số người lao động mất việc làm đề nghị giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp tăng 217 người so với cùng kỳ năm 2019. Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tìm kiếm việc làm có khả năng ổn định, có thu nhập và các chế độ phúc lợi cao hơn, công việc ổn định hơn, để tư vấn, giới thiệu cho người lao động lựa chọn. Kết quả có 411 lao động có việc làm mới; cung ứng thông tin thị trường lao động đến hơn 16.000 người; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 4.450 lượt người…”.

Trong bối cảnh hiện nay, bảo hiểm thất nghiệp có vai trò hết sức quan trọng, giúp cho người lao động khi mất việc làm được nhận những hỗ trợ thiết thực để đảm bảo cuộc sống.

Luật Việc làm 2013 quy định: Đối với trợ cấp thất nghiệp, mức hưởng hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở hoặc mức lương tối thiểu vùng tùy theo từng đối tượng; thời gian hưởng được tính theo số tháng đóng, cứ đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng; được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; được hỗ trợ một phần kinh phí học nghề; hỗ trợ người sử dụng lao động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm,…

Kon Tum: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp tháo gỡ khó khăn cho người lao động
Kon Tum: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp tháo gỡ khó khăn cho người lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp và tư vấn việc làm cho người lao động

Từ thực tiễn trên, vấn đề đặt ra đối với các ngành chức năng của tỉnh là cần phải có giải pháp để giải quyết việc làm, ổn định đời sống, thu nhập cho người lao động; giảm tỷ lệ người lao động mất việc làm hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhằm thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội.

Ngoài ra cần đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, khai thác những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, con người của tỉnh; tăng cường liên kết, phối hợp giữa cơ sở dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp, chính quyền để đào tạo nghề phù hợp với năng lực, trình độ và sát với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp; đẩy mạnh liên kết cung ứng lao động ra thị trường ngoài tỉnh; tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác phong lao động công nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin thị trường lao động để người lao động tiếp cận, tìm kiếm, lựa chọn được việc làm phù hợp, ổn định.

Kon Tum: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp tháo gỡ khó khăn cho người lao động

Ngoài những nội dung trên, Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum cho biết: “Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thu thập, phân tích, dự báo và cung cấp thông tin thị trường lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động đến các huyện, các xã; phối hợp đào tạo nghề, ngoại ngữ cho lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa; hỗ trợ cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp học nghề, tìm được việc làm mới; phối hợp với ngành Bảo hiểm xã hội giải quyết nhanh, chính xác chế độ cho người lao động khi bị thất nghiệp. Đẩy mạnh ứng dựng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp; hoạt động truyền thông nhằm thông tin rộng rãi về lao động, việc làm cho người lao động”.

Bài: Ngô Anh

Đồ hoạ: Ý Yên

Xem phiên bản di động