|
|
Ngay khi vừa nhận được lời đề nghị kể lại hành trình đến với nghề may, hai mắt anh Đặng Ngọc Thắng - Giám đốc Xưởng may 1 và Xưởng may 5, Công ty TNHH Yi Da Việt Nam (Phú Thọ) chợt nhòa đi. Hàng nước mắt lăn dài trên gương mặt sạm đen của người đàn ông đã quá tứ tuần. Trái với vẻ bề ngoài, anh Thắng có phần dễ xúc động: “Nhìn lại cả hành trình suốt gần 30 năm qua, tôi không nghĩ mình đã kiên trì bám nghề đến vậy”. Mân mê những đường ly chỗ thẳng, chỗ cong trên tấm vải trước mặt, anh vẫn ví nó giống dòng chảy cuộc đời làm may của mình. Năm 1995, chàng thanh niên quê Phú Thọ vừa tròn 18 nhất quyết xin vào miền Nam để… làm may. Thời điểm đó, các doanh nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai,... được tạo điều kiện để mở cửa thu hút đầu tư, thêm lợi thế về giao thông kết nối vùng thuận tiện, lao động cả nước gần như dồn về vùng đất này, dẫn đến việc dư thừa nhân công. Công ty may đầu tiên anh Thắng ứng tuyển cách nơi trọ hơn chục cây số. Chàng trai trẻ ròng rã một tháng rưỡi đạp xe đến xếp hàng, chờ nộp hồ sơ xin việc. 500 đồng cho tiền gửi xe, 2.500 đồng cho bữa trưa, nhưng với vẻ ngoài gầy, đen, anh liên tục bị từ chối. Công nhân may khi ấy chỉ ưu tiên tuyển nữ, hoặc những người có ngoại hình ưa nhìn. Nghĩ chỉ có cách nâng cao tay nghề thật giỏi mới mở rộng cơ hội, anh làm thêm đủ thứ nghề, từ công nhân thoát nước, đến làm gỗ,... để trang trải học phí. Đôi bàn tay cũng chai sạn theo từng ngày, cầm được dùi đục, xẻng đào, cũng cầm được kim chỉ, thước đo. Nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười với những nỗ lực ấy, một lần nữa bài thi gần như tốt nhất của anh tiếp tục bị “đánh trượt”. Khó khăn lắm mới xin được việc, anh tiếp tục chịu cảnh “ma cũ bắt nạt ma mới”, bởi ai cũng muốn “giấu nghề”. “Cái thời “việc ít, người đông”, khó khăn lắm mới tìm được việc, họ sợ mình giỏi hơn, lấy mất việc. Tôi chỉ tranh thủ giờ trưa để học hỏi thêm, ăn vội rồi về làm, quan sát mỗi người một ít. Để làm ra được chiếc quần hoàn chỉnh, có khi mất tới 100 người theo chuyền. May áo cũng vậy, thân trước, thân sau, cổ, dập gấu, rồi ráp lại,..., mỗi công đoạn đòi hỏi yêu cầu khác nhau, chỉ nhìn mà học thôi”, anh Thắng kể. Suốt những năm tháng “tha hương cầu thực”, chàng công nhân trẻ vẫn đau đáu nỗi nhớ quê, đã 5 cái Tết anh không được “hít hà” mùi năm mới ở nhà. Trong căn phòng trọ vỏn vẹn 15 mét vuông khép kín, không có bánh chưng, cành đào, cũng không có người thân, anh ăn vội bát mì cho qua bữa. Những đồng lương ít ỏi chỉ đủ tằn tiện chi tiêu giữa chốn đô thị, nơi mà cái gì cũng đắt đỏ, vì yêu nghề mà ở lại tìm đường phát triển. Giống như anh Thắng, những đường may cuộc đời của chị Nguyễn Thị Lệ Quyên - Giám đốc Xưởng may 2, Công ty TNHH Yi Da Việt Nam, cũng được nối dài từ Nam ra Bắc, miệt mài suốt gần hai thập kỷ qua. Từ khi còn nhỏ, người con gái của vùng đất Long An đã đam mê với nghề may, tình yêu nhen nhóm từ những bộ váy áo “tí hon” cho búp bê và được vun xới, lớn dần lên mỗi ngày cho đến khi chị vừa bước qua tuổi đôi mươi, vào làm tại công ty may đầu tiên ở Bình Dương. Khác với nhiều người, chị Quyên muốn tận dụng quãng thời gian còn trẻ để thử sức ở nhiều công ty may khác nhau, với mục đích “đi để tìm hiểu về ngành may ở mỗi nhà máy, phân xưởng, đó cũng là cách để bản thân được trau dồi kiến thức, tay nghề mỗi ngày”, chị Quyên tâm sự. Lập gia đình, theo chồng ra Bắc lập nghiệp, chị tận dụng sự khéo léo để mở một tiệm may nhỏ ở nhà, nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh, tương lai mờ mịt. Nhìn hai ngón tay cái đã sưng phồng, cần mẫn miết từng miếng vải trên bàn may, nữ công nhân trầm ngâm: “Đã từng có lần vì bất cẩn mà tôi lỡ đưa tay vào máy khâu đang chạy, chiếc kim đâm thẳng vào móng tay, gãy làm tư, tôi thì suýt ngất. Cũng đã từng có lần đi làm tăng ca về khuya gặp cướp giữa đường, mất hết tài sản giá trị, thương tích đầy mình. Ấy thế mà chẳng hiểu sao vẫn yêu cái nghề này thế không biết!”. Theo lời chị Quyên, nghề may là nghề đòi hỏi sự cẩn trọng, khéo léo và tỉ mỉ đến 200%, chỉ cần sơ ý ở một công đoạn nào đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm, năng suất của cả chuyền và thậm chí là sự an nguy của chính công nhân đó. Nói tới đây, chị tiếp tục dẫn chứng về câu chuyện của một đồng nghiệp cũ làm việc ở khâu đóng cúc, vì sơ ý mà chiếc cúc đáy chệch khỏi vị trí, khiến ngón tay của công nhân này phải tháo khớp. Sau đó, chị vẫn trở lại công việc cũ với đôi bàn tay không còn lành lặn và với tình yêu nghề mãnh liệt. Còn với Phùng Thị Hạnh - công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội, Tổng công ty May 10, chị không đến với nghề bằng tình yêu, mà đơn giản bắt đầu chỉ từ gánh nặng “cơm áo gạo tiền”. Sinh ra trong một gia đình khó khăn, dù được nhận xét là thông minh, nhưng nghĩ đến những ngày cả nhà 4-5 miệng ăn không có tiền đong gạo, cô quyết tâm gác lại việc học còn dang dở để đi làm. Từ việc đan nón thuê, đến đủ thứ nghề: rửa bát, phục vụ quán ăn,..., chẳng có việc nào mà cô gái với thân hình nhỏ nhắn chưa từng thử. Nhưng cuộc sống vẫn cứ bấp bênh, chẳng để dư được đồng nào. Giữa lúc chơi vơi với quyết định của mình, Hạnh bắt gặp tin tuyển dụng công nhân may của Công ty May 10. Vỡ òa trong sung sướng, cô nộp hồ sơ xin việc và được nhận vào làm ngay khi vừa tròn 18 tuổi, cuộc sống cơ cực như bước sang một trang mới từ ngày đó. Đôi bàn tay gầy bắt đầu run rẩy học những công đoạn đầu tiên của nghề may. Học khởi động máy, lắp thoi, suốt dưới gầm máy, lắp chân vịt, lắp cữ, rồi bắt đầu từ những đường may thẳng,... Nhìn cây kim liên tục, thoăn thoắt dập xuống, cô gái trẻ có chút rụt rè, không dám đạp máy. Có người đến với nghề bằng đam mê, có người lựa chọn vì mưu sinh cuộc sống, con đường nào cũng đầy rẫy chông gai, thử thách, nhưng sau tất thảy, họ vẫn bền bỉ gắn bó với từng cây kim, cuộn chỉ, tình yêu với những đường ly, sợi vải cũng từ đó mà lớn dần. Cuộc đời những công nhân may đã bắt đầu với không ít chông gai, thử thách... |
|
Những đường may thẳng, cong, ‘zích zắc”, rồi đột nhỏ, cũng giống như những phím đàn trầm bổng trên bản nhạc của người thợ. Chẳng thể đếm nổi số lần “mặt mày nhăn nhó” vì mỏi lưng và ê ẩm toàn thân khi phải khom lưng, ngồi cố định một chỗ suốt nhiều giờ; cũng chẳng thể nhớ hết những hôm tăng ca về nhà, quần áo dính đầy bụi vải, hay những ngày thính lực suy giảm vì ngồi nhiều giờ trong môi trường nhiều tiếng ồn. Nghề may là vậy, vất vả, áp lực cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng niềm vui cũng rất nhiều. Trong những công nhân may mà tôi được tiếp xúc, ai cũng phải gật đầu xác nhận khi được hỏi về “bệnh nghề nghiệp” mỗi lần đi mua đồ. Việc đầu tiên khi cầm một chiếc áo, chiếc quần là “soi” kỹ từng đường ly, chiếc gấu, lỗ khuy,... thay vì xem giá. Có lẽ vì đã quá quen với sự chỉn chu, tỉ mỉ trong kỹ thuật may nên họ có chút “kỹ tính” hơn. “Lắm khi cái áo trông đẹp mà mình lỡ “soi” ra nhiều lỗi quá nên chẳng mua nữa, về lại có chút tiếc nuối đấy!”, chị Nguyễn Thị Lệ Quyên tâm sự. Tình cảm giữa những người công nhân may cũng như làm đầy thêm bức tranh về niềm vui mà họ có được trong nghề. Chị Quyên chẳng thể nào quên ngày mình chuyển xưởng khác làm việc, các chị em trong tổ chẳng ai nói với nhau câu nào, cặm cụi làm cho xong phần việc của mình. Đến giờ nghỉ, ai cũng muốn dành phần ngon trong suất cơm của mình nhường cho chị, rồi cứ thế họ ôm nhau khóc. Có lẽ những ngày cùng nhau tăng ca, cùng nhau sửa hàng lỗi, hay chỉ đơn giản là cảm giác thân thuộc khi mỗi ngày tới tổ đều thấy nhau đã khiến họ khăng khít, gắn bó tự khi nào. Còn với công nhân trẻ Phùng Thị Hạnh, chị chẳng thể quên niềm vui trong ngày nhận tháng lương đầu tiên. Cô vui sướng gửi tiền về cho gia đình, chỉ giữ lại cho mình phần nhỏ phục vụ sinh hoạt, mua cho mỗi thành viên trong nhà một chiếc áo mới. Động lực theo nghề cũng từ đó lớn dần, thôi thúc Hạnh cố gắng. “Bố tôi khi ấy gặp ai hỏi cũng khoe “con gái tôi làm công nhân may đấy”, mấy đứa em thì hỏi “chị làm may, sau này may cho bọn em nhiều áo đẹp nhé”. Chẳng có chữ nào là “tự hào”, nhưng tôi biết, cả nhà ai cũng hạnh phúc và hãnh diện khi thấy tôi làm công việc này”, vừa kể, chị Hạnh vừa khóc. Chị bảo: Cứ nghĩ tới gia đình, nghĩ lại những ngày cơ cực, là nước mắt cứ “tự động” rơi như thế. Niềm vui với chị Hạnh trong những ngày đều làm nghề còn đến từ người đồng nghiệp đặc biệt. Anh Bình khi ấy là vừa là bạn và là thầy của Hạnh. Bước vào nghề khi với sự bỡ ngỡ vì chưa từng qua trường lớp đào tạo, chính sự động viên, truyền động lực và truyền “mẹo” của anh Bình, đã giúp cô công nhân trẻ có thêm “lửa” để theo nghề. Ngày anh Bình vì lý do gia đình phải nghỉ việc, chị Hạnh có chút hụt hẫng. Để rồi đáp lại sự kỳ vọng của người thầy, người anh, người đồng nghiệp, chị Hạnh tiếp tục nỗ lực, thậm chí là cố gắng gấp năm, gấp mười lần. Anh Đặng Ngọc Thắng cũng là một người nặng lòng với nghề may, mà theo lời anh thì đó là “cái ân tình chẳng thể dứt”. Nhớ lại những ngày đầu làm việc tại công ty, anh luôn coi đó như một đặc ân trong đời, khi không chỉ được làm việc, mà còn được gặp người thầy nâng đỡ mình trong những năm tháng “lẻ loi” ấy. Trưởng phòng kỹ thuật khi ấy là anh Lộc, người con xứ Huế, thấy tôi chịu khó, đã tận tình chỉ dạy, anh là người duy nhất làm điều này”, anh Thắng tâm sự. Bén duyên với nghề may từ khi ấy. Trải qua nhiều môi trường làm việc, anh Thắng tiếp tục học thêm về thiết kế và dần tìm được chỗ đứng trong nghề. Anh tiếp tục con đường là một người “truyền lửa”. Anh kể: “Thời tôi mới vào nghề, toàn phải tự học, rồi “học lỏm”, nhưng giờ chỉ mong các bạn sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu để có bao nhiêu cái hay có thể truyền đạt được hết. Không chỉ cách làm nghề, mà cả cách đối diện với những thất bại, khó khăn, khả năng tự tin thể hiện bản thân trước đám đông và quan trọng là cách để sống và làm việc sao cho xứng với công việc cao quý của mình”. Trong căn nhà nhỏ được anh chị dựng xây bằng tiền tích cóp sau nhiều năm làm công nhân may, anh Thắng đặc biệt dành một góc trưng bày những kỷ vật từ ngày đầu làm nghề của mình. Từ cây kéo cắt chỉ, chân vịt, thậm chí là chiếc thẻ học viên học nghề,... đều được lưu giữ như minh chứng cho một hành trình gian nan, vất vả nhưng rất đỗi tự hào. Đến bây giờ anh Thắng vẫn luôn cho rằng, điều khiến anh tự hào nhất, chính là có được một nhóm thợ giỏi với 16 chuyền, ngày ngày cho ra những sản phẩm chất lượng cao. Những học trò mà anh từng dìu dắt giờ đây đã có người phát triển ở vị trí tương đương, cũng có những người được tin tưởng giao trọng trách làm tổ trưởng, tay nghề giỏi. Chị Nguyễn Thị Lệ Quyên là một trong số những người kế cận đó. Một học trò xuất sắc khác là chị Vi Thị Thủy, tổ trưởng tiềm năng đang được phát triển theo dự án Khởi đầu của Công ty TNHH Yi Da Việt Nam. Đến với nghề từ bước ngoặt “bỏ phố về quê”, một “kẻ ngoại đạo” mất tới ba ngày không thực hiện được một công đoạn trong chuyền, những sản phẩm “lỗi này lỗi kia”; những ngày triền miên về muộn khi con út mới chỉ 6 tháng tuổi, sự lo lắng, sốt ruột, chán nản từng khiến chị muốn bỏ cuộc. Thế rồi chị cũng tìm được niềm vui với nghề từ chính đôi bàn tay ngày nào cũng lấm lem màu vải. “Đâu có sao khi đây là biểu hiện cho sự lao động chân chính, cho một ngày làm việc miệt mài, hiệu quả và hơn hết là chỉ có công nhân may mới có đặc điểm này thôi. Chúng tôi tự hào vì đôi bàn tay này: "Giàu đôi con mắt, đôi tay/ Tay siêng làm lụng, mắt hay kiếm tìm" mà”, chị Thủy hào hứng. Trước đó, ít ai biết rằng, anh Thắng đã phải mất rất nhiều thời gian để “nịnh” chị Thủy tham gia khóa học phát triển này. Bởi trên chức trách mới, đồng nghĩa với việc nhiệm vụ của họ sẽ không chỉ đơn thuần là hoàn thành sản phẩm, mà phải kiêm thêm những việc quản lý, kiểm định và giải quyết mối quan hệ lao động. Trên từng sản phẩm được làm ra, những đường may thẳng như nối dài đam mê của người công nhân may, họ tìm thấy tình yêu nghề nơi trái tim. Những người làm may vẫn thường truyền tai nhau những vần thơ rất “đời” thế này: “Anh đặt thước tìm vị trí dọc ngang Rồi cân đối với eo, mông, vai, ngực Như họa sĩ theo trường phái tả thực Phấn vẽ định hình ra áo một sớm mai Lỡ chúng mình duyên hai đứa chia hai Anh vẫn sẽ đời thợ may khờ dại Và anh sẽ chờ em ngày trở lại Như cung đường nối tiếp một cầu vai!” Những công nhân may đã nuôi lớn tình yêu nghề từ cả những niềm vui và nỗi buồn giản dị như thế… |
|
Đó là lời khẳng định của chị Phùng Thị Hạnh khi nhắc đến sự tự tôn của bản thân với nghề đang theo đuổi. Vốn chỉ đến với nghề nhằm kiếm được một công việc có thu nhập ổn định, nhưng có lẽ khát khao được học hỏi, được phát triển vẫn luôn thường trực trong trái tim cô công nhân trẻ. Những ngày đầu chỉ may được 200-300 sản phẩm theo công đoạn, khiến chị luôn đau đáu suy nghĩ: Làm thế nào để tăng năng suất và tay nghề ngày càng nhanh hơn? “Mỗi công nhân, dù làm những công việc rất bình thường, nhưng phải có mục tiêu, khát vọng và cả lòng tự trọng. Phải thường xuyên học hỏi, trau dồi kỹ năng, tiếp cận làm chủ khoa học công nghệ, hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay. Chỉ khi có nâng cao năng suất, chúng ta mới có cơ hội nâng cao thu nhập, giảm thời giờ làm việc để chăm sóc gia đình, con cái và tái sản xuất sức lao động” - đây là lời phát biểu của chị Hạnh tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia 2024”. Chị Hạnh đã chứng minh điều đó trong suốt hơn một thập kỷ làm nghề. Ban đầu, chị học hỏi từ đồng nghiệp. Tranh thủ giờ nghỉ ca, chị lại học từ các đồng nghiệp có thâm niên. “Cứ chuyền nào có thợ giỏi, công đoạn nào có người làm tốt hơn là tôi học”, chị nói. Nữ công nhân còn học các anh chị quản lý chuyền may về cách bố trí hàng, sắp xếp hàng hóa sao cho hợp lý và thuận tiện nhất để rút ra kinh nghiệm cho mình, đồng thời loại bỏ những thao tác thừa, giúp đẩy nhanh năng suất. Một trong những bí quyết của chị là tự tạo áp lực, tự “khoán” năng suất cho chính mình, không làm đủ thì phải tự “trả nợ”. Cách làm là tính số lượng sản phẩm làm được trong khoảng thời gian nhất định, sau đó đẩy nhanh để giờ sau làm nhiều hơn giờ trước ít nhất 5%, hạn chế tối đa thời gian “chết”. Dần dần, chị Hạnh phát hiện được những khâu thừa trong quá trình làm việc, khi đạt mức tối đa thì cố gắng duy trì định mức đó. Sau 5 tháng áp dụng sáng kiến, chị Hạnh đã may được 700-800 sản phẩm/ngày. Nhưng với chị, như vậy vẫn chưa đủ, chưa hài lòng. Tôi luôn cảm thấy mình có thể làm được nhiều hơn thế. Hơn một năm sau, chị đã là người dẫn đầu về năng suất tại đơn vị với 1.400 sản phẩm/ngày, đạt 150% so với đồng nghiệp cùng công đoạn. Học từ các đồng nghiệp, chị Hạnh còn thường xuyên theo dõi các trang trên mạng xã hội, thời gian rảnh lại lướt xem những video hướng dẫn về may để học. “Không chỉ làm chủ công đoạn của mình, tôi đam mê học thêm những công đoạn khác để tay nghề của mình được nâng cao hơn và trở thành thợ điều động có thể ngồi được bất kỳ vị trí nào trong chuyền. Tức là phải giỏi một việc và biết nhiều việc. Trong bối cảnh mới, những năm qua, May 10 đã đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, qua đó rút ngắn được thời gian sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Tuy nhiên, để đạt được kết quả đó, người lao động chúng tôi phải chủ động tìm hiểu, đáp ứng và làm chủ được công nghệ mới”, chị Hạnh cho biết. Với quá trình học tập và rèn luyện không ngừng nghỉ, đến nay chị luôn là công nhân đạt năng suất và thu nhập cao hàng đầu của Xí nghiệp. Nhiều năm liền đạt lao động giỏi, đoàn viên Công đoàn xuất sắc, danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Công nhân tiêu biểu. Các đồng nghiệp xung quanh thường ngưỡng mộ, hay trêu đùa mà gọi chị Hạnh là “công nhân may ngoài hành tinh”, hoặc “sinh ra để làm nghề may”. Không chỉ giữ lại cho mình, chị Hạnh cũng chủ động chia sẻ, hướng dẫn và lan tỏa những cách làm hay mà bản thân đúc rút ra được cho bạn bè đồng nghiệp. Chị Hạnh tâm sự: “Mọi người đều rất phấn khởi làm theo và cải thiện được năng suất. Tôi vui vì đã mang lại tinh thần tích cực, cũng như được đóng góp vào thành tích chung của Tổng công ty. Đó chính là cách tôi thể hiện tình yêu, sự tri ân của mình đối với nơi mà tôi đã làm việc và gắn bó suốt những năm qua, cả những người đi trước đã truyền nghề cho tôi với tất cả sự kính trọng và tri ân”. Những người như anh Thắng, chị Quyên mang đến câu chuyện từ quá khứ, từ những thăng trầm của cuộc đời làm nghề. Còn ở chị Thủy, chị Hạnh, lại giúp người ta tìm thấy năng lượng, nhiệt huyết của những người trẻ, đại diện cho thế hệ những công nhân may thời đại mới, không chỉ giỏi tay nghề, mà còn có sự đau đáu, trăn trở để phát triển nghề hơn. Và dù ở thế hệ nào, làm việc trong mô hình đơn vị đặc thù ra sao, ở họ vẫn sáng lên một tình yêu chung với nghề may. Từ câu chuyện về những người đan áo cho người thân ra trận, bảo vệ Tổ quốc, giờ đây, bằng sự khéo léo đôi bàn tay, từng mảnh cắt tròn, vuông được nối liền, thành những sản phẩm hoàn thiện nối đuôi nhau đi khắp thị trường trong và ngoài nước. Những sản phẩm mang hơi ấm từ trái tim người thợ may… |
|
|