Đây là vấn đề thường gặp đối với doanh nghiệp và người lao động. Để doanh nghiệp và người lao động hiểu rõ hơn về quy định bồi thường hư hỏng tài sản, Tạp chí Lao động và Công đoàn trích dẫn câu hỏi của một doanh nghiệp ở Bình Định đã được Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Bình Định tư vấn, trả lời.
Hỏi: Công ty chúng tôi kinh doanh vận tải, vừa qua, người lao động trong quá trình thực hiện công việc do sơ suất đã làm hư hỏng xe ô tô của công ty và công ty phải sửa chữa hết 30 triệu đồng. Công ty đã tiến hành xử lý kỷ luật trách nhiệm vật chất và ra quyết định yêu cầu người lao động phải bồi thường toàn bộ chi phí sửa chữa xe là 30 triệu đồng và khấu trừ mỗi tháng 50% tiền lương của người lao động được nhận hàng tháng cho đến khi người lao động trả hết toàn bộ số tiền sửa xe. Khi nhận được quyết định kỷ luật, người lao động khiếu nại không đồng ý vì cho rằng họ không cố ý làm hư hỏng xe của công ty. Xin hỏi việc xử lý như vậy đã đúng theo quy định của pháp luật hay chưa?
Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Bình Định trả lời như sau:
Về nguyên tắc, bồi thường thiệt hại là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại.Trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp, vấn đề bồi thường thiệt hại khi người lao động làm hư hỏng tài sản của công ty được quy định tại Khoản 1, Điều 130 Bộ luật Lao động 2012, cụ thể như sau:
"Điều 130 về bồi thường thiệt hại:
Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại Khoản 3, Điều 101 của Bộ luật này."
Như vậy, theo quy định trên, khi người lao động làm hư hỏng tài sản công ty thì công ty có quyền yêu cầu người lao động phải bồi thường, tùy từng trường hợp thì mức bồi thường thiệt hại sẽ khác nhau. Trong trường hợp này giá trị thiệt hại thực tế là 30.000.000 đồng (chưa vượt quá 10 tháng lương tối thiểu vùng theo quy định pháp luật hiện hành). Do đó, mức bồi thường nhiều nhất công ty có quyền yêu cầu người lao động phải bồi thường là 03 tháng tiền lương. Khấu trừ lương được hiểu là doanh nghiệp trừ bớt một phần tiền lương của người lao động theo quy định của pháp luật để bù trừ cho một nghĩa vụ, trách nhiệm trong quan hệ lao động, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Với quan niệm tiền lương là nguồn sống chính của người lao động và gia đình họ, pháp luật quy định việc khấu trừ lương chỉ được tiến hành khi người lao động làm hư hỏng tài sản, thiết bị. Mức khấu trừ tiền lương để bồi thường thiệt hại quy định tại Khoản 3, Điều 101 Bộ luật Lao động 2012, cụ thể như sau : “Mức khấu trừ tiền lương hàng tháng không được quá 30% tiền lương hàng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập”.
Trong trường hợp của bạn, để đảm bảo việc khấu trừ đúng quy định pháp luật thì công ty cần phải tiến hành hủy bỏ hoặc sửa đổi mức khấu trừ tối đa không quá 30% tiền lương hàng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập.
Như vậy, từ những căn cứ trên, việc công ty yêu cầu người lao động phải bồi thường toàn bộ chi phí sửa xe (30.000.000 đồng) là không đúng theo quy định pháp luật. Hàng tháng công ty khấu trừ 50% tiền lương của người lao động để khắc phục thiệt hại cũng không đúng theo quy định pháp luật.
Tiền lương là nguồn sống chính của người lao động, do đó pháp luật quy định chỉ được khấu trừ lương khi người lao động làm hư hỏng tài sản, thiết bị. |
Bài: Mai Liễu