e magazine
07/12/2021 14:32
Khẳng định lập trường nhất quán trong việc củng cố quan hệ Công đoàn 2 nước Việt - Lào

07/12/2021 14:32

Phát biểu tại Hội đàm cấp cao giữa tổ chức Công đoàn hai nước Việt Nam - Lào, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán trước sau như một của Công đoàn Việt Nam, của cá nhân đồng chí trong việc củng cố, làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai nước, Công đoàn hai nước.
Khẳng định quan hệ nhất quán giữa

Sáng ngày 7/12/2021, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào đã tổ chức hội đàm cấp cao. Tham dự hội đàm có đại diện Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, lãnh đạo các Ban của Tổng Liên đoàn, lãnh đạo Công đoàn ngành, LĐLĐ tỉnh, thành phố và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn…

Tháng 10/2018, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào đã ký Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2018 - 2023.

Thực hiện Thỏa thuận hợp tác, Công đoàn hai nước đã triển khai 4 lớp tập huấn ngắn hạn cho 60 lượt cán bộ công đoàn Lào, tiếp nhận 09 cán bộ Lào sang học hệ cử nhân, 10 cán bộ sang học hệ cao học.

Trong tháng 12/2021, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục tiếp nhận 10 cán bộ công đoàn Lào theo học hệ cử nhân, 04 cán bộ học chương trình đào tạo thạc sỹ và 01 cán bộ theo học chương trình đào tạo tiến sỹ.

Hiện nay, 05 công đoàn ngành, 02 đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn và 15 LĐLĐ tỉnh, thành phố có quan hệ song phương với các công đoàn tương đương của Lào, trong đó các tỉnh giáp biên giới đều đã thiết lập quan hệ. Tổng LĐLĐ Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố, tăng cường hơn nữa mối quan hệ đặc biệt này.

đề xuất 7 nội dung hợp tác

Tại buổi Hội đàm, bà A-ly Vông-no-bun-thăm - Chủ tịch Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào đã khái quát tình hình kinh tế - xã hội, hoạt động Công đoàn và tình hình đoàn viên, người lao động Lào. Bà cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình phát triển kinh tế xã - hội đất nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, nhiều công ty, xí nghiệp, nhà máy tạm ngừng hoạt động, đóng cửa, thậm chí là phá sản. Nhiều người lao động không có việc làm phải trở về quê hương…

Nhiều đoàn viên, người lao động sống trong khu vực phong tỏa nên đời sống rất khó khăn. Tỷ lệ người lao động thiếu việc làm tăng, bao gồm cả lĩnh vực có quan hệ lao động và lĩnh vực phi kết cấu.

Trước khó khăn của người lao động và người sử dụng lao động, Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào đã tổ chức hội nghị cấp chuyên gia về ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đề nghị Chính phủ, người sử dụng lao động có chính sách hỗ trợ để người lao động vượt qua khó khăn.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào lần thứ 7 và chiến lược phát triển kinh tế đất nước 5 năm, các cấp công đoàn đã tích cực tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nhất là trong khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong 3 năm gần đây, Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào đã phát triển mới 107 công đoàn cơ sở với trên 2.800 đoàn viên.

Khẳng định quan hệ nhất quán giữa
Đoàn đại biểu cấp cao Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào

Đoàn Chủ tịch Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào đã chỉ đạo các cấp công đoàn, cán bộ, viên chức, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Thông báo của Ban Trách nhiệm phòng, chống Covid-19 quốc gia qua phương tiện thông tin đại chúng, facebook "Người bạn Công nhân"... Đồng thời phối hợp với Bộ Lao động, Bộ Thương nghiệp, Bộ Y tế và Hội Dệt May tổ chức hội thảo về tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19, tạo điều kiện để đoàn viên công đoàn và người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp sớm được tiêm vắc xin.

Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào cũng kêu gọi, vận động nguồn ủng hộ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch và công nhân, lao động. Trong đó có sự ủng hộ tích cực của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Công đoàn Công Thương Việt Nam…

Chủ tịch Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào hi vọng Công đoàn hai nước luôn cùng nhau phát huy mối quan hệ hợp tác từ cấp Trung ương đến địa phương, tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ công đoàn cho cán bộ Công đoàn Lào và công nhân, lao động, ủng hộ nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế; hỗ trợ lẫn nhau trong việc tìm kiếm các giải pháp sớm đưa đời sống người dân, công nhân, lao động trở lại bình thường.

Khẳng định quan hệ nhất quán giữa

Bà A - ly Vông -no-bun-thăm - Chủ tịch Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào phát biểu tại Hội đàm.

Bà A-ly Vông-no-bun-thăm cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục quan tâm triển khai các nội dung trong thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2018 - 2023; tiếp tục trao đổi đoàn đại biểu cấp cao sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; hai bên tiếp tục thúc đẩy, tạo điều kiện để cơ quan chuyên môn của hai tổ chức trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về công tác Công đoàn.

Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Công đoàn Lào tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ công đoàn Lào. Đồng thời trao đổi việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Lào và Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2022 và thường xuyên trao đổi thông tin giữa hai tổ chức.

Phát biểu tại Hội đàm cấp cao, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, Tổng LĐLĐ Việt Nam rất vui mừng trước những thành tựu về chính trị, kinh tế - xã hội mà nhân dân các bộ tộc Lào dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã đạt được trong thời gian qua: Bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đưa đất nước vượt qua tình trạng suy thoái kinh tế; công tác xóa đói, giảm nghèo tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực; các dự án lớn cấp quốc gia được duy trì đúng tiến độ; đổi mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ tài chính ngân hàng, dịch vụ quản lý nhà nước,... 5 năm qua, kinh tế Lào đạt mức tăng trưởng tốt, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 2.664 USD.

Công đoàn Việt Nam rất ấn tượng về hoạt động của tổ chức Công đoàn Lào trong thời gian qua. Hoạt động Công đoàn rất phong phú, nhiều cách làm hay trong việc bảo vệ đoàn viên, người lao động. Từ đó cho thấy vị thế của Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào rất cao, giúp cho cuộc sống người lao động ngày càng tốt đẹp hơn.

khẳng định lập trường nhất quán

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng thông tin đến đoàn đại biểu Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào về hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới: Tập trung thực hiện nhiệm vụ cốt lõi là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp, pháp chính đáng của người lao động; kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Các hoạt động đa dạng, hướng về cơ sở. Các phong trào thi đua yêu nước do Công đoàn phát động đã thu hút, khơi dậy động lực của đông đảo đoàn viên, người lao động. Phong trào thi đua luôn được tổng kết, đánh giá,... nên rất thiết thực với các doanh nghiệp, từ đó khẳng định vai trò cầu nối giữa Đảng và công nhân, lao động.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Tổng LĐLĐ Việt Nam tập trung vào các hoạt động phòng, chống dịch, các chính sách lớn hỗ trợ người lao động của Chính phủ đều lấy ý kiến của tổ chức Công đoàn. Tổng Liên đoàn cũng kịp thời ban hành chính sách, dành nguồn kinh phí 6.000 tỷ đồng chăm lo cho hơn 3 triệu lượt đoàn viên, người lao động.

Công đoàn Việt Nam tiếp tục thực hiện việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở để củng cố mạng lưới của mình. Đồng chí Nguyễn Đình Khang khẳng định, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định sự lớn mạnh của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Hiện nay, Công đoàn Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức to lớn, đòi hỏi cán bộ công đoàn phải không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ.

Công đoàn Việt Nam đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02/NQ-TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; đề xuất với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị để tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn; xây dựng nguồn lực tài chính để đảm bảo thực hiện chức năng của mình.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đồng tình với các nội dung đề xuất của Chủ tịch Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào trong việc thúc đẩy thỏa thuận hợp tác giữa hai tổ chức.

Đặc biệt, năm 2022 - “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào”, Tổng LĐLĐ Việt Nam dự kiến mời đoàn cấp cao của Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào do đồng chí Chủ tịch dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 17 đến 21/7/2022 và tham dự Lễ kỷ niệm cấp Nhà nước do phía Việt Nam dự kiến tổ chức vào ngày 18/7/2022.

Khẳng định quan hệ nhất quán giữa

Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán, trước sau như một của Công đoàn Việt Nam cũng như cá nhân đồng chí trong việc củng cố, làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai nước, Công đoàn hai nước Việt Nam - Lào.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang khẳng định, hội đàm có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần vào không khí đoàn kết, đầm ấm, quan hệ thủy chung, trong sáng gắn bó giữa hai Đảng, hai tổ chức Công đoàn.

Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và cá nhân đồng chí Nguyễn Đình Khang khẳng định lập trường nhất quán trước sau như một của Công đoàn Việt Nam trong việc củng cố, làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai nước, Công đoàn hai nước.

Đồng chí đề nghị mỗi bên đều có trách nhiệm thực hiện thật tốt thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2018 - 2023. Những nội dung trao đổi tại Hội đàm cấp cao hôm nay là cơ sở để bộ phận chuyên môn của hai tổ chức Công đoàn trao đổi hoạt động trong tình hình mới.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chúc tình hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai tổ chức Công đoàn mãi mãi trường tồn.

Bài viết: Hà Vy

Xem phiên bản di động