e magazine
19/12/2020 20:48
Hướng tới trải nghiệm tích cực cho người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài

19/12/2020 20:48

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc thông qua Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một bước tiến quan trọng hướng tới việc di cư lao động trở thành một trải nghiệm tích cực và nâng cao quyền năng cho tất cả người lao động Việt Nam.
Hướng tới trải nghiệm tích cực cho người lao động Việt Nam khi di cư lao động

Đại diện ILO Việt Nam trao đổi với người lao động từng làm việc tại nước ngoài

Hướng tới trải nghiệm tích cực cho người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc thông qua Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một bước tiến quan trọng hướng tới việc di cư lao động trở thành một trải nghiệm tích cực và nâng cao quyền năng cho tất cả người lao động Việt Nam.

Dễ bị cưỡng bức lao động do phí tuyển dụng cao

Chị Phùng Phương Thảo (26 tuổi, quê Phú Thọ), vừa trở về Việt Nam sau 6 năm vừa học vừa làm ở Nhật Bản. Nhưng cảm xúc của chị về những ngày đầu đầy gian khó khi đặt chân tới Tokyo vẫn còn nguyên vẹn: “Thông qua môi giới, tôi phải chi trả 340 triệu để được sang Nhật, và được giới thiệu về một con đường trải đầy hoa hồng, có người giúp đỡ, có công việc ngay… Nhưng thực tế lại rất khó khăn. Tôi phải mất 6 triệu tiền môi giới để có một công việc bốc vác trong công ty chuyển phát nhanh”.

Thảo cho biết, tiền học phí hàng năm của cô dao động từ 140-160 triệu, kèm theo đó là mức phí sinh hoạt từ 14-16 triệu/tháng. Áp lực về khoản tiền học phí cộng với tiền sinh hoạt hàng tháng đắt đỏ ở Thủ đô Tokyo khiến cô thường xuyên phải làm việc vượt quá thời gian quy định (28 tiếng/tuần) của nước sở tại. Cô nói rằng, hầu hết du học sinh Việt Nam ở Nhật Bản, theo diện vừa học vừa làm, đều vi phạm về thời gian làm việc.

“Có người đi du học, nhưng bỏ học từ sớm ra ngoài làm việc kiếm tiền. Không ít người tham gia các hoạt động liên quan đến ma tuý, cần sa, mại dâm...”, Thảo chia sẻ.

Hướng tới trải nghiệm tích cực cho người lao động Việt Nam khi di cư lao động

PV TTXVN phỏng vấn người lao động Việt Nam sống không hợp thức ở Hàn Quốc - Ảnh: TTXVN

Chị Nguyễn Thị Tuyết (23 tuổi), người có 3 năm làm việc trong ngành Thực phẩm ở Đài Loan cũng chia sẻ về một vấn đề bất cập mà mình gặp phải trong quá trình làm việc tại đây.

Để được đi làm việc tại Đài Loan, chị phải chi trả một khoản tiền môi giới lên tới 130 triệu, tất cả đều từ vay mượn. Chị được hứa hẹn làm công việc lương hàng tháng 30 triệu, tuy nhiên trên thực tế mức lương trong 3 năm chỉ dao động từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Với sự hỗ trợ phần lớn của gia đình ở Việt Nam, cùng kế hoạch chi tiêu tằn tiện, sau hơn 1 năm lao động ở xứ người, chị mới có thể trả nợ đủ số tiền môi giới đi làm việc tại Đài Loan.

Một trường hợp khác, anh Lê Thành Trung (40 tuổi), từng có 2 lần di cư lao động tại Hàn Quốc trong 7 năm. Anh cho biết, lần đầu đi Hàn Quốc theo dạng tu nghiệp sinh, anh phải vay mượn gần 10.000 USD để lo chi phí tuyển dụng, khi trả nợ xong cũng hết hợp đồng và phải về nước. Lần thứ hai, may mắn hơn, anh chỉ phải trả chi phí khoảng hơn 1.000 USD, và mức lương tăng dần từ 1500 – 2500 USD/tháng, được hưởng nhiều chính sách tốt của công ty.

Theo anh Trung, nhiều người lao động Việt Nam lựa chọn sống không hợp thức ở Hàn Quốc bởi nhiều lý do: Mâu thuẫn với chủ, lương thấp… “Những người này luôn đối diện với những khó khăn và nguy hiểm. Nếu bị tai nạn lao động không được chi trả, người nhà phải gửi tiền sang hỗ trợ. Họ luôn sợ bị bắt”, anh Trung nói.

Hướng tới trải nghiệm tích cực cho người lao động Việt Nam khi di cư lao động

Hiện có 560.000 người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài - Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện có 560.000 người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài, tập trung chủ yếu ở một số quốc gia như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Những người lao động Việt Nam phải trả một mức phí tuyển dụng và chi phí liên quan cao để có được cơ hội việc làm tại nước ngoài. Chi phí này cao hơn so với chi phí mà người lao động di cư tại các quốc gia khác trong khu vực phải chi trả (Myanmar, Campuchia, Philippines, Indonesia).

Chi phí tuyển dụng cao khiến nhiều người lao động vay nợ để trả, rơi vào rủi ro lệ thuộc nợ nần. Đây là lý do chính khiến người lao động bỏ việc, tìm công việc khác có thu nhập cao hơn để trả nợ.

Bà Jane Hodge, Quản lý Dự án Cải cách lập pháp về Di cư lao động, Tổ chức Lao động quốc tế cho biết: “Người lao động Việt Nam thường phải trả chi phí tuyển dụng vượt quá mức trần quy định. Ví dụ: Thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang Nhật Bản phải trả 7.000 USD phí tuyển dụng kèm theo phí bổ sung 4.000 - 5.000 USD nếu phá hợp đồng, khiến họ có thể rơi vào hoàn cảnh bị cưỡng bức lao động”.

Loại bỏ phí môi giới - biện pháp bảo vệ lao động di cư

Mới đây, vào 13/11/2020, Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Quốc hội thông qua. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Một trong những điểm sáng của Luật này có liên quan đến phí tuyển dụng và các chi phí liên quan.

Luật mới đã bỏ quy định “người lao động có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội” nêu tại khoản 1 Điều 20 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.

Do đó, từ năm 2022, người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ không cần hoàn trả tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ. Điều này giúp người lao động giảm thiểu chi phí tiền dịch vụ khi đi làm việc ở nước ngoài.

Hướng tới trải nghiệm tích cực cho người lao động Việt Nam khi di cư lao động

Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 - Ảnh minh hoạ: TTXVN

Ngoài ra, căn cứ Điều 23 Luật mới, trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ thì doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ đã thỏa thuận. Khi hoàn trả tiền dịch vụ do người lao động phải về nước trước thời hạn mà không phải lỗi của họ, doanh nghiệp dịch vụ còn phải trả lãi suất tính theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Trước đó, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 quy định, doanh nghiệp dịch vụ thoả thuận với người lao động về việc thu tiền dịch vụ một lần trước khi người lao động xuất cảnh hoặc thu nhiều lần trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài.

Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng quy định cụ thể mức trần tiền dịch vụ mà doanh nghiệp dịch vụ được phép thu từ người lao động. Cụ thể, mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động không quá 01 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc. Đối với sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển, mức trần là không quá 1,5 tháng tiền lương cho mỗi 12 tháng làm việc…

Hướng tới trải nghiệm tích cực cho người lao động Việt Nam khi di cư lao động

Tư vấn cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài - Ảnh: TTXVN

Ông Nilim Baruah, chuyên gia về Di cư lao động của ILO tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng: “Việc giảm những chi phí mà người lao động có thể phải trả, Luật đã mang lại sự bảo vệ tốt hơn cho người lao động khỏi những nguy cơ trở thành nạn nhân bị bóc lột lao động, cưỡng bức lao động, mua bán người…”

Ngoài ra, Luật cấm phân biệt đối xử và cưỡng bức lao động trong di cư lao động. Những người lao động bị cưỡng bức được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không phải chịu phạt về tài chính. Các doanh nghiệp dịch vụ quảng cáo gian dối hoặc dùng thủ đoạn lừa đảo để tuyển dụng, cưỡng bức lao động… có thể bị thu hồi giấy phép.

Bà Nguyễn Thị Mai Thuỷ - Điều phối viên quốc gia, Dự án Tuyển dụng công bằng phòng chống nô lệ thời hiện đại và mua bán người (ILO Việt Nam) cho biết: “Một trong những ưu tiên của ILO là nâng cao nhận thức cho người lao động và các doanh nghiệp tuyển dụng về Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Di cư lao động là 1 nhu cầu, xu thế tất yếu của người Việt Nam hiện nay. Song, quyền lợi của người lao động cần được đảm bảo, họ cần được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, để không gặp phải vấn đề gì trong quá trình làm việc tại nước ngoài”.

Ý YÊN

Xem phiên bản di động