e magazine
09/10/2020 09:30
Học tập và vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền

09/10/2020 09:30

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chăm lo đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bởi theo Người: “Tư tưởng thông suốt thì mọi việc làm đều tốt”. Người nói: “Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc”.
Nghiên cứu, học tập và vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chăm lo đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bởi theo Người: “Tư tưởng thông suốt thì mọi việc làm đều tốt”. Người nói: “Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc”.

***

Tuyên truyền là một bộ phận của công tác tư tưởng, có vị trí hết sức quan trọng, do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích của tuyên truyền: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Người yêu cầu cán bộ tuyên truyền: “Phải biết cách nói. Nói thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được”.

Về đối tượng tuyên truyền, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, người tuyên truyền phải nắm vững đối tượng được tuyên truyền. Nếu “người tuyên truyền không điều tra, không phân tích, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại”. Người cũng lưu ý rằng, “Dân chúng không nhất luận như nhau, trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lưng chừng, có lớp lạc hậu”. Đối với mỗi tầng lớp, đối tượng, Người yêu cầu phải có phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng ưu tiên cho lớp đối tượng có trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp. Vì đối tượng này hiểu được thì các đối tượng khác cũng nắm bắt dễ dàng.

Nghiên cứu, học tập và vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền

Về công tác chuẩn bị nội dung tuyên truyền, Người yêu cầu cán bộ làm công tác tuyên truyền phải chuẩn bị nội dung thật chu đáo. Bởi như vậy sẽ tránh được lối nói ba hoa, rỗng tuếch, cẩu thả, lặp lại, nhàm chán. Người cũng căn dặn: “Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo hoặc thảo một bài diễn văn nhất định phải đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài viết của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu những chữ thừa vô ích bỏ đi. Rửa mặt phải kỳ sát ba lần mới sạch, viết văn diễn thuyết cũng phải như vậy”. Để nội dung bài nói, bài viết có chất lượng, Người yêu cầu người tuyên truyền phải chịu khó “nghe”, “thấy”, “xem” và “ghi chép”. Khi chuẩn bị nội dung phải suy nghĩ cho chín, sắp đặt cho cẩn thận, nhờ chính những người thuộc đối tượng được tuyên truyền xem và cho ý kiến. Người yêu cầu mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải dùng những lời lẽ, những thí dụ đơn giản, thiết thực và dễ hiểu; trước khi nói phải sắp đặt cho cẩn thận, phải suy nghĩ cho chín chắn. Sau khi viết rồi phải xem đi xem lại ba bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng phải xem đi xem lại chín, mười lần.

Nghiên cứu, học tập và vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tác tuyên truyền

Mỗi lần về thăm các nhà máy, công trường, hợp tác xã, Người luôn nhắc nhở, động viên cán bộ, đảng viên, nhân viên: “Muốn quản lý tốt thì cán bộ và công nhân phải thông suốt tư tưởng”. Trên cơ sở quy luật của công tác tư tưởng, Người đã trù liệu hệ quả khi đảng viên chưa thông suốt tư tưởng sẽ dẫn tới những biến dạng khôn lường: “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời", “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Người mong muốn làm sao tư tưởng tiên tiến, tư tưởng xã hội chủ nghĩa phải trở thành chủ đạo, trường tồn cùng với Đảng, với cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người làm công tác tuyên truyền phải có cách tuyên truyền phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh, cách nói, cách viết phải ngắn gọn. Tuyên truyền cho đối tượng này phải khác với đối tượng kia. Với các đối tượng phải tìm cho ra các đặc thù, phải nói ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Nội dung tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Nếu đạt kết quả thì tiếng nói của người tuyên truyền có sức nặng hơn, việc tuyên truyền vận động sẽ có kết quả hơn.

Nghiên cứu, học tập và vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền
Đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại lớp tập huấn công tác tuyên giáo công đoàn khu vực phía Bắc, tháng 9/2019.
Nghiên cứu, học tập và vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền

Người cũng phê phán một số người sính dùng chữ ngoại, nhất là thích dùng chữ Hán: “Tiếng ta có thì không dùng, mà cứ ham dùng chữ Hán”. Vì vậy, Người luôn kỳ vọng làm sao trong mỗi bài nói, bài viết phải thấu cảm được ý tưởng và mong ước của nhân dân. Người yêu cầu: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”. Người cho rằng, cách tuyên truyền phù hợp và có hiệu quả nhất với dân chính là cách tuyên truyền của nhân dân. Bằng cách đó, dân dễ hiểu, dễ nhớ nên sẽ tin và sẽ làm theo. Người từng cho rằng: “Cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực mà lại rất đơn giản. Anh em đi tuyên truyền chưa học được cách nói đó, cho nên khi nói, khi viết khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, muốn nâng cao hiệu quả tuyên truyền thì người tuyên truyền phải là người hiểu biết rộng, đặc biệt là nhận thức sâu việc mình tuyên truyền. Không những có đủ kiến thức lý luận mà phải có vốn sống phong phú; không những giỏi về nghiệp vụ chuyên môn mà còn phải có trình độ văn hóa cao. Người tuyên truyền giỏi phải là người biết tổ chức quần chúng, người thức tỉnh và tập hợp quần chúng. Đồng thời, người tuyên truyền phải có vốn sống thì tác dụng và hiệu quả tuyên truyền mới cao.

Tuy Bác đã đi xa, song quan điểm của Người về công tác tư tưởng, về người cán bộ làm công tác tuyên truyền và công tác tuyên truyền vẫn là hành trang qúy báu để đội ngũ những người làm công tác truyền thông, trong đó có truyền thông công đoàn nghiên cứu, học tập và vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ của mình trong tình hình mới.

Tài liệu tham khảo:

- Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2000.

Bài: ThS. Nguyễn Thanh Hoàng

Đồ họa: Hoàng Hà

Xem phiên bản di động