Hiện thực những hạnh phúc giản đơn của người lao động
Đời sống

Hiện thực những hạnh phúc giản đơn của người lao động

TRƯỜNG SƠN
Tác giả: TRƯỜNG SƠN
Giữa xưởng may, phòng kỹ thuật hay dây chuyền sản xuất, không khó bắt gặp những nụ cười của công nhân đang cần mẫn với công việc. Họ tìm thấy hạnh phúc khi được sự công nhận của doanh nghiệp, được sự quan tâm và chăm lo của các cấp công đoàn. Đối với họ, được làm việc, được tin tưởng, được sẻ chia chính là hạnh phúc.
Công đoàn sáng tạo bắc nhịp cầu việc làm, giúp người lao động có tương lai

Tiếng máy may hòa cùng nhịp tay thoăn thoắt đã trở nên quen thuộc với chị Lê Thị Trường Thành - công nhân chuyền 5 thuộc Công ty TNHH MSV (Khu công nghiệp Phú Bài, TP Huế). Gần 13 năm gắn bó với dây chuyền sản xuất, với chị, mỗi ngày làm việc là một hành trình đầy ý nghĩa. “Có việc làm, có thu nhập, có sức khỏe với tôi đó là hạnh phúc”, chị Thành nói.

Những hạnh phúc bình dị

Hạnh phúc ấy như được nhân lên khi mới đây, chị Thành được tuyên dương là một trong 26 “Công nhân ưu tú” của công ty. Với thành tích này, chị Thành nhận phần thưởng 500 ngàn đồng tiền mặt và được điều chỉnh tăng 300 ngàn đồng vào lương cơ bản hàng tháng.

Hiện thực những hạnh phúc giản đơn của người lao động
Những công nhân lao động ưu tú, tích cực hoạt động sản xuất được Công ty TNHH MSV thưởng quý. Ảnh: ĐVCC.

Chị Thành cho biết, đây là quả ngọt cho những nỗ lực lặng thầm của chị suốt bao năm qua. Trong đôi tay đã quen với kim chỉ của chị, niềm vui ấy cứ lặng lẽ lan tỏa thành động lực, để mỗi ngày đến nhà xưởng, chị lại thấy hạnh phúc với điều giản dị là được làm việc, được cống hiến và được ghi nhận.

Cũng tại Công ty TNHH MSV, anh Dương Duy Thế Tài - công nhân bộ phận bảo trì chế tạo máy, tìm thấy hạnh phúc của mình từ những chi tiết máy móc tưởng chừng vô hồn. Với anh, mỗi khi một sáng kiến được hiện thực hóa, mỗi lần thấy đồng nghiệp không còn phải vất vả cắt biên vải thủ công là mỗi lần trái tim người thợ thấy vui.

Từ chiếc máy xả vải từng phải nhập ngoại, anh Tài đã mày mò thiết kế lại với 90% chi tiết nội địa hóa. Anh còn phát triển hệ thống dao cắt biên tự động, giúp công nhân tiết kiệm được hàng giờ lao động mỗi ngày và công ty tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

“Tôi không nghĩ đến chuyện lập thành tích. Chỉ cần thấy công nhân đỡ cực, thấy máy chạy êm là mừng rồi! Nhưng khi được tuyên dương, được tăng lương, được tin tưởng giao vị trí chủ chốt càng tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa”, anh Tài nói.

Hiện thực những hạnh phúc giản đơn của người lao động
Ông Furuta Shinya - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MSV trao giấy khen cho công nhân ưu tú Dương Duy Thế Tài. Ảnh: ĐVCC.

Với những sáng kiến, sáng tạo của mình trong việc cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, anh Tài là một trong số ít công nhân được LĐLĐ thành phố Huế tuyên dương trong phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” và “Học tập, làm theo lời Bác”.

Tại Công ty CP Dệt may Huế, chị Nguyễn Thị Oanh - Chuyền trưởng Nhà may 1 lại thấy mình thật hạnh phúc từ chính sự tin tưởng của công ty. Từ một công nhân may thuần túy, chị đã vươn lên thành người có sáng kiến cải tiến quy trình, giúp rút ngắn tới 30% thời gian sản xuất cho mỗi chuyền may.

“Trước đây, tôi chỉ nghĩ làm tốt công việc là đủ. Nhưng khi được tạo điều kiện thử sức tại hội thi tay nghề, tôi mới phát hiện ra mình cũng có thể nghĩ ra cách làm mới, giúp ích cho cả tập thể”, chị Oanh động chia sẻ.

Chị Oanh cho biết, hạnh phúc còn là khi sáng thức dậy, biết rằng hôm nay vẫn có việc làm, vẫn có chuyền sản xuất chờ mình. Hạnh phúc là khi tan ca, bước ra cổng nhà máy với một tâm trạng nhẹ nhõm vì ngày làm việc trôi qua suôn sẻ.

Đặc biệt, hạnh phúc là bữa cơm ca tuy giản dị nhưng đủ đầy, là tiếng cười giòn tan khi cùng nhau tăng ca để kịp đơn hàng. Hạnh phúc còn là những khi được công ty tổ chức sinh nhật ngay tại xưởng, giữa những người đồng nghiệp đã gắn bó như người một nhà.

Luôn được công đoàn và doanh nghiệp đồng hành

Hạnh phúc của công nhân không thể tách rời sự đồng hành của doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn. Những năm qua, công đoàn các cấp và doanh nghiệp tại thành phố Huế không ngừng cải thiện môi trường làm việc, hỗ trợ công nhân an cư, xây trường mầm non và nâng cao đời sống tinh thần.

Ông Furuta Shinya - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MSV khẳng định rằng: “Chúng tôi coi người lao động là tài sản quý giá nhất. Khi công nhân có cuộc sống tốt, họ sẽ làm việc với tinh thần thoải mái hơn, năng suất cao hơn. Tại công ty, danh hiệu “Công nhân ưu tú” được công ty áp dụng suốt 3 năm qua, nhằm khuyến khích tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo và gắn bó của người lao động”.

Không chỉ dừng lại ở các chính sách lương, thưởng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố còn chú trọng tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, nơi mỗi công nhân cảm thấy được lắng nghe và trân trọng.

Đặc biệt, những chuyến du lịch miễn phí, những buổi sinh nhật tập thể được tổ chức ngay tại xưởng, với những món quà nhỏ, lời chúc ấm áp đã trở thành một nét văn hóa riêng tại Công ty CP Dệt may Huế.

Hiện thực những hạnh phúc giản đơn của người lao động
Đoàn viên, người lao động Công ty CP Dệt may Huế được công đoàn tổ chức sinh nhật tập thể. Ảnh: ĐVCC.

Ông Nguyễn Tiến Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế cho hay, có những công nhân lần đầu tiên trong đời được đón sinh nhật. Những giọt nước mắt xúc động ấy là minh chứng rõ nhất cho giá trị mà doanh nghiệp đang hướng đến. Đó là xây dựng một môi trường nhân văn, nơi người lao động là trung tâm.

“Từ năm 2025, Công ty CP Dệt may Huế tiếp tục điều chỉnh giờ làm thêm, không quá một giờ mỗi ngày và có ít nhất hai ngày trong tuần được về trước 16 giờ 30 phút nhằm nâng cao chất lượng sống và cân bằng giữa công việc gia đình nhưng vẫn đảm bảo thu nhập cho người lao động”, ông Hậu nói.

Video: Một số hình ảnh vui tươi trong buổi sinh nhật tập thể hằng tháng của Công ty CP Dệt may Huế.

Trong hành trình vun đắp hạnh phúc cho người lao động, các chương trình trọng điểm của “Tháng Công nhân”, “Mái ấm Công đoàn”, “Điều ước đoàn viên”, các cuộc đối thoại định kỳ, hỗ trợ khẩn cấp... của các cấp công đoàn trên địa bàn thành phố đã trở thành điểm tựa vững chắc cho hàng ngàn công nhân trong thời gian qua.

Dẫn chúng tôi đi thăm ngôi nhà mới, anh Trương Văn Thiệt - công nhân Công ty TNHH Vitto Huế chia sẻ rằng: “Ngày nhận quyết định được hỗ trợ 40 triệu đồng từ LĐLĐ thành phố để khởi công “Mái ấm Công đoàn”, tôi thật sự xúc động. Hai vợ chồng làm công nhân, mua được mảnh đất đã khó, xây được nhà lại càng xa vời. Nhờ nguồn hỗ trợ quý giá này, chúng tôi có thêm động lực vay mượn thêm kinh phí để hiện thực hóa giấc mơ an cư. Giờ thì vợ chồng yên tâm làm việc, lo cho con cái học hành”.

Hiện thực những hạnh phúc giản đơn của người lao động
Anh Trương Văn Thiệt - Công đoàn Công ty TNHH Vitto Phú Lộc đón nhận kinh phí xây dựng nhà ở với số tiền 40 triệu đồng từ LĐLĐ thành phố Huế. Ảnh: ĐVCC.

Bà Trần Thị Minh Nguyệt - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Huế khẳng định, công đoàn không chỉ là nơi bảo vệ quyền lợi mà còn là điểm tựa tinh thần của đoàn viên, người lao động

“Chúng tôi xác định việc chăm lo toàn diện cho công nhân cả vật chất lẫn tinh thần chính là cách thiết thực nhất để góp phần xây dựng một lực lượng lao động hạnh phúc, gắn bó và phát triển bền vững cùng doanh nghiệp. Mỗi năm, có hàng chục ngàn lượt đoàn viên, người lao động được các cấp công đoàn trên địa bàn thành phố chăm lo, hỗ trợ với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng”, bà Nguyệt nói.

Có thể thấy rằng, trong cuộc sống mưu sinh với đầy những bộn bề và áp lực, những người lao động thường tìm thấy niềm vui và hạnh phúc từ những điều giản dị, bình thường nhất. Những khoảnh khắc nhỏ bé nhưng có sức mạnh to lớn, giúp họ tái tạo năng lượng, tìm thấy ý nghĩa và động lực để tiếp tục cố gắng, vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống và tiếp tục hành trình lao động của mình với niềm tin và hy vọng.

Tin mới hơn

Người lao động sẵn sàng làm việc trở lại sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Người lao động sẵn sàng làm việc trở lại sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, mang đến cơ hội quý báu để người lao động (NLĐ) được nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình, và nạp lại năng lượng sau những ngày làm việc miệt mài. Khi những ngày nghỉ cuối cùng khép lại, NLĐ đã quay lại thành phố, chuẩn bị cho tuần làm việc hiệu quả.

Tin tức khác

Văn hóa công nhân với nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Văn hóa công nhân với nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Khi nền kinh tế chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp và tiến hành phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, văn hóa công nhân là chủ đề đặc biệt được quan tâm, trong đó có mục tiêu đóng góp cho tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bài viết chia sẻ quan điểm của tác giả về xây dựng văn hóa công nhân, đặc biệt trong thời kỳ Việt Nam bắt đầu chuyển sang phát triển bền vững hiện nay.
Luật BHXH 2024: An sinh không dừng lại ở người lao động

Luật BHXH 2024: An sinh không dừng lại ở người lao động

Sửa đổi quy định về điều kiện tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp tuất hàng tháng trong Luật BHXH 2024 là lời hồi đáp đầy nhân văn dành cho hàng triệu người lao động và gia đình họ, những người đã âm thầm cống hiến cả cuộc đời cho sự phát triển của đất nước.
Luật BHXH 2024: "Neo giữ" người lao động có kinh nghiệm

Luật BHXH 2024: "Neo giữ" người lao động có kinh nghiệm

Với nhiều người lao động, đặc biệt là công nhân nghỉ hưu không hẳn là “dấu chấm hết” cho một hành trình làm việc, mà có khi lại là khởi đầu cho một giai đoạn mới đầy trăn trở: “Tiếp tục cống hiến hay dừng lại”?
Luật BHXH 2024: Người công nhân không phải “đánh đổi” sinh mạng cho từng ngày công

Luật BHXH 2024: Người công nhân không phải “đánh đổi” sinh mạng cho từng ngày công

Trong hành trình mưu sinh, người công nhân không chỉ đối mặt với sự khắc nghiệt của dây chuyền sản xuất, mà còn phải “vật lộn” với những căn bệnh hiểm nghèo, mãn tính kéo dài tháng năm.
Luật BHXH 2024: Công nhân nghỉ ốm không phải giấu, phải sợ, phải đánh đổi

Luật BHXH 2024: Công nhân nghỉ ốm không phải giấu, phải sợ, phải đánh đổi

Giữa hàng triệu lượt nghỉ ốm mỗi năm của người lao động, đã từng có biết bao buổi làm dang dở, những lần gắng gượng trở lại ca vì sợ bị trừ lương, mất chuyên cần hay mất bảo hiểm y tế.
Công nhân và việc học tập suốt đời

Công nhân và việc học tập suốt đời

“Học tập suốt đời” là tên bài viết được hưởng ứng rộng rãi và tạo tiếng vang lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm thời gian gần đây. Vấn đề này được nhìn nhận như một trong những giải pháp, yêu cầu tối quan trọng để phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của con người Việt Nam, trong đó có đội ngũ công nhân lao động, góp phần thực hiện thắng lợi khát vọng vươn mình của dân tộc.
Xem thêm